Hội thảo khoa học quốc tế: Truyền thống văn hóa và phát triển bền vững
Tham gia Hội thảo có 14 học giả nước ngoài đến từ các trường đại học và cơ quan nghiên cứu triết học của 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới (Mỹ, Đài Loan, Australia, Nga, Indonesia, Malaysia, Philipin, Thái Lan, Lào, Cămpuchia) và hơn 40 học giả trong nước đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học trong và ngoài Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Đặc biệt, Hội thảo rất vinh dự được đón tiếp TS. Hồ Diệp Bình – Phó Tổng thứ ký Hội đồng nghiên cứu giá trị và triết học Hoa Kỳ; GS, TS. Trần Văn Đoàn - Thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Triết học thế giới; GS, TS. Võ Khánh Vinh – Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam và PGS, TS. Trần Đức Cường - Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Khoa học xã hội Việt Nam cùng nhiều viện trưởng của các viện nghiên cứu và học giả có uy tín của các trường đại học trong và ngoài nước.
Trong phiên khai mạc vào sáng ngày 7/7, các bài phát biểu của GS, TS. Võ Khánh Vinh; TS. Hồ Diệp Bình, GS,TS. Trần Văn Đoàn và PGS,TS. Phạm Văn Đức đều nêu bật một số vấn đề đặt ra hiện nay mà Hội thảo cần thảo luận và bàn đến, đó là sự cần thiết phải nghiên cứu về vấn đề phát triển bền vững, cần chú trọng đến vai trò cũng như những cách thức tác động của truyền thống văn hoá đến quá trình phát triển hiện nay; đồng thời, cũng khẳng định hội thảo cần phải chú trọng tới việc trao đổi và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cũng như những tư tưởng của các nền văn hoá khác nhau trong việc thúc đẩy những tác động tích cực của văn hoá truyền thống đối với phát triển bền vững trong thời đại toàn cầu. Hội thảo mong muốn trở thành nơi để chúng ta hiểu rõ hơn về triết học Đông Nam Á, để triết học Đông Nam Á có tiếng nói trên trường quốc tế, luôn đổi mới và phát triển.
Cũng trong phiên khai mạc này, thay mặt cho đơn vị tổ chức, PGS,TS. Phạm Văn Đức – Viện trưởng Viện Triết học đã đánh giá cao sự nhiệt tình tham gia của các học giả và bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất tới quý vị đại biểu và các học giả trong nước và quốc tế đã đến tham dự Hội thảo.
Hội thảo với 21 báo cáo được trình bày trong 6 phiên đã được thảo luận sôi nổi, tạo ra được những cách tiếp cận mới trong cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Trong 6 phiên thảo luận chính thức, Hội thảo đã đề cập đến một số vấn đề nổi bật sau đây:
Thứ nhất, các học giả đều nhất trí khẳng định vai trò to lớn của truyền thống văn hoá đối với phát triển bền vững. Truyền thống văn hoá đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc điều chỉnh và hình thành hành vi ứng xử của con người trong mối quan hệ giữa con người với con người và con người với tự nhiên. Tuy nhiên, không phải tất cả các truyền thống văn hoá đều có vài trò tác động tích cực đối với sự phát triển bền vững. Trong truyền thống văn hoá vẫn có những yếu tố tiêu cực cản trở tính bền vững của sự phát triển. Vấn đề của người làm khoa học là biết lẩy ra những yếu tố tích cực và đề xuất những giải pháp nhằm phát huy hết khả năng ảnh hưởng của chúng trong cộng đồng để có được một sự phát triển bền vững.
Thứ hai, những bài tham luận của các học giả quốc tế cũng như Việt Nam đã mô tả một cách chân thực về thực trạng phát triển hiện nay của quốc gia mình. Nhìn chung, những bức tranh về sự phát triển của các nước, nhất là các nước Đông Nam Á, đều ở tình trạng không bền vững. Tình trạng ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên một cách bừa bãi, chặt phá rừng đầu nguồn, làm thuỷ điện gây mất cân bằng sinh thái... xuất hiện nhiều ở các quốc gia Đông Nam Á. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo và cần nhận thức rõ về sự cần thiết phải phát triển một cách bền vững. Các học giả cũng đã cùng nhau bàn bạc để đưa ra những cách giải quyết thực trạng khó khăn đang diễn ra ấy.
Thứ ba, các học giả cũng đã chỉ ra những kinh nghiệm của quốc gia mình trong việc phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, khẳng định những giá trị ấy đang đóng một vai trò rất tích cực cho phát triển bền vững, như truyền thống đạo đức trong việc hun đúc phẩm giá con người; truyền thống ứng xử với môi trường tự nhiên xuất phát từ tôn giáo truyền thống của dân tộc, như Phật giáo đã có những ảnh hưởng đáng kể trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; truyền thống hiếu học trong việc tạo dựng một môi trường xã hội lành mạnh và bền vững; luật tục và hương ước làng xã cũng đang góp phần vào việc gìn giữ lối sống lành mạnh và bảo vệ môi trường…
Thứ tư, các học giả cũng đã phân tích và thảo luận một cách cụ thể và sâu sắc quá trình phát triển của nhân loại trải qua các mô hình phát triển khác nhau, hoặc ở mỗi vùng khác nhau trên thế giới lại chọn riêng cho mình một kiểu mô hình phát triển. Từ mô hình phát triển chỉ quan tâm đến kinh tế, đem lại lợi ích cho một số người đến mô hình phát triển có thể đem lại lợi ích cho đa số, quan tâm đến việc bảo vệ thiên nhiên, chú trọng cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Qua phân tích những mô hình phát triển khác nhau, các học giả đã đi đến ý kiến thống nhất rằng, mô hình phát triển hiện nay phải kết hợp phát triển kinh tế với xã hội và môi trường sống. Mô hình phát triển tối ưu nhất phải thực hiện vì lợi ích của đại đa số trong xã hội, phải có sự thấu hiểu và tôn trọng những giá trị của con người và tự nhiên. Khi thấu hiểu được giá trị của bản thân, của người khác và của thiên nhiên thì mới có thể thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với người khác và đối với tự nhiên.
Thứ năm, trong khi nhìn nhận vai trò của truyền thống văn hoá đối với sự phát triển bền vững, các bài tham luận cũng phân tích một cách chi tiết những yếu tố tác động đến phát triển bền vững, những điều kiện cho phát triển bền vững. Mỗi một tham luận lại đưa ra những cách đánh giá khác nhau cũng như đề cao một điều kiện cụ thể nào đó cho phát triển bền vững, có tham luận thì nêu cao giá trị tự do đích thực của mỗi người, có tham luận thì nhấn mạnh giá trị của dân chủ truyền thống, có tham luận thì đề cao giá trị của khoan dung Phật giáo, có tham luận lại nói về những ảnh hưởng của truyền thống dân tộc,...
Có thể nói, Hội thảo đã diễn ra sôi nổi và tích cực, nhiều vấn đề đã được nêu ra và giải quyết, nhưng cũng phải thừa nhận một điều rằng, hai ngày hội thảo không thể đủ thời gian cho các học giả diễn giải hết ý tưởng của mình. Tuy nhiên, những kết quả đạt được của Hội thảo sẽ là cơ sở để cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, trao đổi trong thời gian tới.
ThS. Đỗ Thị Kim Hoa
Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
(Theo Viện Triết học)
Đánh giá bài viết?