Quan điểm của Thomas Hobbes
Triết lý chính trị của Thomas Hobbes (1588 – 1679, Triết gia Anh) đặt trên nền tảng học thuyết khế ước xã hội (Social Contract theory), học thuyết nền tảng của các thể chế dân chủ hiện đại.
Chúng ta cũng cần lưu ý rằng các quyền bất khả tước đoạt của con người, theo niềm tin của Hobbes, là các quyền tự nhiên (natural rights); trong khi khái niệm nhân quyền (human rights) thời hiện đại được xem là các quyền được một thực thể thần thánh (divine Being) ban cho.
Hobbes tuyên bố rằng con người, về cơ bản, là một tạo vật sa đoạ và không đáng tin cậy, rằng họ luôn phải tự bảo vệ bản thân giữa các đồng loại chẳng khác gì những con thú trong rừng vậy! Mỗi cá nhân luôn cảm thấy cần thiết phải đóng kín cửa đề phòng kẻ trộm đột nhập, thậm chí phải luồn ví tiền dưới gối đề phòng kẻ trộm trong chính gia đình mình. Con người không chỉ sa đoạ mà còn thích gây gổ và hiếu chiến đến độ, ngoại trừ những khoảnh khắc nghỉ ngơi giữa các cuộc khẩu chiến, họ liên tục xung đột, cạnh khoé và chống phá lẫn nhau.
Có ba lý do lý giải tính hiếu chiến của con người: cạnh tranh (để giành quyền sống cho mình), thiếu tin cậy vào người khác (nhu cầu tự bảo toàn) và thèm khát vinh quang (nhu cầu được kính trọng). Cạnh tranh đưa con người đến bạo lực, thiếu lòng tin làm nảy sinh khuynh hướng tự vệ, và hãnh tiến đòi con người xây dựng các hình thức ngoại giao tinh tế.
Quyền tự nhiên
Theo Hobbes, quy luật thống trị cung cách ứng xử của mọi tạo vật là luật rừng, "luật nanh vuốt " (the law of tooth and claw). Với quy luật khốc liệt ấy, sức mạnh tạo nên lẽ phải. Trong rừng, mãnh sư ưu tiên giành lấy những gì nằm trong khả năng của nó; sau đó các loài thú khác lần lượt dành lấy phần của chúng. Con người cũng hành động như thế và nếu cần thiết, thậm chí họ còn tàn sát lẫn nhau hoặc biến đồng loại thành nô lệ. "Mỗi người có quyền làm mọi sự trong khả năng, ngay cả khi làm chủ thân thể của kẻ khác."
Quyền bình đẳng giữa con người
Như đề cập ở trên, quy luật tự nhiên cho phép mỗi người, trong khả năng của mình, làm mọi việc theo ý muốn - bởi lẽ trong thế giới dã thú, “chẳng có gì xem là bất chính cả”. Mặt khác, để tránh bị kháng cự và phản công, con người phải xảo trá hơn cả dã thú. Một người yếu đuối, nếu được trang bị vũ khí lợi hại và có chiến thuật hiệu quả, hoàn toàn có thể hạ gục một người khoẻ mạnh. Hobbes chỉ ra rằng, do con người có năng lực thể chất không đồng đều, các cá nhân yếu đuối thường có xu hướng tập hợp thành nhóm để tự vệ hoặc để chống lại kẻ thù hùng mạnh. "Xét về mặt thể lực, kẻ yếu vẫn có đủ khả năng tiêu diệt kẻ mạnh bằng thủ đoạn hiểm độc, hoặc bằng cách liên kết với những ai có cùng mục tiêu như họ." Về phương diện này, Hobbes đồng tình với phương châm cổ: " Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết" (United we stand, divided we fall).
Luật tự nhiên
Hobbes tin tưởng rằng, xét theo luật cơ bản của tự nhiên, cá nhân phải bảo vệ cuộc sống của chính mình bằng mọi cách và với mọi giá, rằng không có gì quý hơn mạng sống và đáng phải hy sinh mạng sống cả. “Tự bảo toàn sinh mạng” là quy luật tự nhiên đầu tiên, thúc giục con người “tìm kiếm và theo đuổi hoà bình.” Nỗi sợ chết hay sợ tổn thương, kết hợp với bản năng bảo toàn sinh mạng, ngăn không cho con người làm hại bản thân và người khác. Quy luật đầu tiên ấy (luật tự bảo toàn sinh mạng) thúc đẩy con người tuân phục quy luật thứ hai, liên quan đến khế ước xã hội - bởi lẽ sinh mạng chỉ được bảo toàn tốt nhất trong một xã hội, nơi mà sự an bình lâu dài được xác lập trên nền tảng của một khế ước cộng đồng.
Khế ước xã hội
Đối với Hobbes, khế ước xã hội là phương tiện thiết yếu để xác lập các quyền công dân trên cơ sở của quy tắc vàng trong phép xử thế (“Hãy dành cho người khác những gì mà bạn muốn nhận được từ họ”), thay cho quy luật tự nhiên “mạnh được yếu thua". Các cá nhân có được quyền công dân bằng cách chấp nhận một thoả ước cộng đồng được xây dựng trên nguyên tắc “cá nhân sẵn sàng, vì mục đích hoà bình, vì quyền tự nhiên của mình, bằng lòng giới hạn sự tự do của mình đến một mức độ mà, trong tình huống tương tự, những người khác cũng sẵn lòng kiềm chế như vậy." Nguyên tắc này cấu thành nên quy luật thứ hai về khế ước xã hội. Ý nghĩa và tầm quan trọng của quy luật ấy chỉ có giá trị nếu nó thoả mãn được quy luật tự nhiên đầu tiên - luật tự bảo toàn sinh mạng.
Các luật phát sinh từ khế ước xã hội
Qua phần thảo luận, rõ ràng quy luật thứ hai được phát triển từ quy luật đầu tiên; bởi lẽ con người chỉ chấp nhận tham gia khế ước xã hội với mục đích bảo đảm quyền sống của bản thân. Hobbes nhận định rằng có một số quy luật khác phát sinh từ 2 quy luật đầu tiên ấy. Ông tổng kết các quy luật như sau:
1. Con người không được làm điều gì có khả năng huỷ hoại cuộc sống bản thân ( luật tự bảo toàn sinh mạng ).
2. Cá nhân sẵn sàng, khi những người khác cũng thế, đặt mục đích hoà bình và tự bảo vệ bản thân nên trên hết; cá nhân bằng lòng với quyền tự do trong khuôn khổ mà anh ta có thể chấp nhận dành cho người khác trong tình huống tương tự (luật khế ước xã hội ).
3. Mỗi người đều thực thi các nghĩa vụ theo thoả ước ( luật công lý ).
4. Với một người thọ nhận lợi ích, từ lòng hảo tâm hay sự biết ơn của người khác, không có lý do gì khiến anh ta phải ân hận về thiện ý của mình (luật hàm ơn).
5. Mỗi người tranh đấu để tự thích ứng với cộng đồng (luật thích nghi).
6. Sau khi cảnh cáo, "cá nhân nên tha thứ cho những kẻ xúc phạm đã biết hối lỗi và mong được dung thứ" (luật vị tha).
7. Về vấn đề báo thù (lấy oán trả oán), người ta không nên xem nặng tội lỗi quá khứ, hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp ở tương lai ( luật báo thù).
8. Không ai được phép tuyên bố sự ghét bỏ hay kinh miệt người khác thông qua hành động, lời nói, dáng vẻ hay ra dấu hiệu (luật khinh miệt).
9. Mọi cá nhân thừa nhận rằng mỗi người đều bình đẳng về mặt bản chất (luật tự tôn).
10. Hội nhập vào “điều kiện chung sống hoà bình, không ai được phép giành riêng bất kỳ quyền lợi nào mà cá nhân không sẵn lòng chia sẻ cho cả cộng đồng” (luật ngã mạn và khiêm tốn).
11. Đối với những gì không phân chia được; “nếu có thể, hãy cùng thụ hưởng chung; và nếu như có thể phân chia được về mặt số lượng, hãy chia đều cho số người được quyền thụ hưởng” (luật công bằng).
12.Quyền chiếm hữu đều quyết định bằng cách rút thăm, hoặc xác định tình trạng sở hữu đầu tiên (hệ luật của công bằng)
13. “Mọi sứ giả hoà bình đều được hưởng quy chế bảo đảm an toàn” ( luật quy chế an toàn).
14. “Những cá nhân dính líu đến sự kiện tranh chấp đều phải đặt mình dưới quyền phán xử của một vị trọng tài” (luật phân xử).
Cần lưu ý rằng các điều luật nói trên, theo quan niệm của Hobbes, đều được chi tiết hoá hoặc suy luận từ quy tắc vàng trong thuật ứng xử.
Vị Quốc chủ (Levithan)
Các điều luật nói trên, quy định phận sự của các công dân tham gia khế ước xã hội, thực sự có giá trị tham khảo rất cao. Tuy nhiên, vẫn có một câu hỏi quan trọng cần được đặt ra: điều gì sẽ xảy đến nếu như một cá nhân tham gia khế ước ,vô tình hay cố ý, không thực hiện bổn phận của mình? Để trả lời, Hobbes gọi đó là vị Quốc chủ ( Levithan), một “vị thần” trong loài người. Bản thân đứng trên luật lệ, người ấy nắm quyền hành pháp tối cao trên thế giới (hay chí ít là trên một đất nước).Theo giả định, quyền lực ấy thuộc về một đấng đế vương. Tuy nhiên, nếu có một người nắm quyền lực cao hơn xuất hiện và khuất phục được bậc đế vương ấy, nhân vật ấy sẽ trở thành Vị Quốc chủ mới.
Ở quốc gia không có một vị vua nắm quyền lực tối cao, khế ước được điều hành bởi một hội đồng và quốc gia ấy được gọi là khối quy chế cộng đồng (Commonwealth by Institution). Nếu được xác lập bởi nhà vua, người nắm quyền lực tối thượng (bằng biện pháp vũ lực hoặc thông qua thoả ước giữa các đảng phái có liên quan ), nó được gọi là khối hiệp ước cộng đồng (Commonwealth by Acquisition ).
S.T
Đánh giá bài viết?