Quan niệm của nho gia về xã hội lý tưởng

Giống như bất kỳ một học thuyết chính trị - xã hội nào khác, Nho giáo cũng đưa ra quan niệm về một xã hội lý tưởng với tất cả những đặc điểm căn bản của nó và các biện pháp để tạo lập duy trì cái xã hội ấy. Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Nho giáo, có thể khẳng định rằng quan niệm của Nho giáo về mẫu hình của một xã hội lý tưởng...

Giống như bất kỳ một học thuyết chính trị - xã hội nào khác, Nho giáo cũng đưa ra quan niệm về một xã hội lý tưởng với tất cả những đặc điểm căn bản của nó và các biện pháp để tạo lập duy trì cái xã hội ấy.
 
Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Nho giáo, có thể khẳng định rằng quan niệm của Nho giáo về mẫu hình của một xã hội lý tưởng, đặc điểm cơ bản của nó, cùng con đường và các giải pháp để xây dựng, duy trì cái xã hội ấy là dựa trên cơ sở mà các nhà Nho đã vạch ra và lý giải nhưng nguyên nhân dẫn tới tình trạng xã hội rối loạn, lộn xộn: "Vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con, ở trong tình cảnh hỗn loạn như thế, dầu ta có lúa đầy kho, có chắc được ngồi yên mà ăn chăng?". Có thể và cần phải nghiên cứu, lý giải nội dung và thực chất quan niệm của Nho giáo về một xã hội lý tưởng thông qua việc phân tích những đặc trưng của cái xã hội đó.
 
Thứ nhất, trước một xã hội rối loạn bởi chiến tranh, bởi những mâu thuẫn và xung đột giai cấp, với chức năng là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị, Nho giáo mong ước có được một xã hội ổn định, thái bình, đại đồng, mọi người đều sống hòa mục, thân ái, bình đẳng. Mơ ước về một xã hội như vậy, trong Luận ngữ, Khổng Tử nói: "Vua chư hầu có nước, quan đại phu có nhà, hai hạng ấy chẳng lo sợ cho nước nhà mình ít người, mà lo sợ rằng: tình hình và phép tắc chẳng được đồng đều, chẳng lo sợ cho nước mình nghèo khổ, mà lo sợ chẳng được an ninh. Là vì hễ đồng đều thì chẳng nghèo khổ, người hòa thì dân số không ít, có an ninh thì nước nhà không nghiêng ngả". Xã hội lý tưởng được các nhà Nho nêu lên còn là một xã hội mà ở đó, có vua thánh, tôi hiền, mọi cái đều là của chung, mọi người đều có quyền lợi, có sản nghiệp riêng và đều được chăm sóc.
 
Trong thiên Lễ vận, sách Lễ ký, Khổng Tử nói: "Sự thực hiện của đạo lớn là, thiên hạ là của chung, tuyển chọn người hiền và cử người tài năng, nói điều tín và tu sửa hòa mục. Cho nên người ta không chỉ tôn kính cha mẹ mình, không chỉ thương yêu con cái mình, còn khiến cho người già được sống trọn đời, người trai tráng được sử dụng, trẻ thơ được lớn lên, người không vợ, người không chồng, trẻ mồ côi, người không con người tàn tật, tất cả đều được chăm sóc".
 
Vậy theo quan niệm của Khổng Tử và các Nho gia, thực chất của một xã hội đại đồng là gì? Có phải đó là cái xã hội không còn sự phân chia đẳng cấp và mọi người đều được bình đẳng?
 
Đúng là các nhà Nho đã tìm ra một nguyên nhân của tình trạng xã hội rối loạn là “cha không ra cha, con không ra con" , tức là họ coi một trong những nguồn gốc làm cho xã hội rối loạn là sự rối loạn từ trong gia đình. Do đó, các nhà Nho đều cho rằng muốn cho xã hội có trật tự, kỷ cương, thì trước hết và cơ bản là gia đình phải có trật tự, kỷ cương, sao cho "cha ra cha, con ra con, vợ ra vợ, chồng ra chồng". Các nhà Nho chủ trương giáo dục, giáo hoá mọi người trong xã hội theo những nguyên lý đạo đức Chính danh, Tam cương, Ngũ thường, trước hết và chủ yếu là nhằm mục đích trên. Cho nên cũng dễ hiểu tại sao Nho giáo chú trọng, đề cao giáo dục, giáo hoá với phương châm "Hữu giáo vô loại", "Phú nhi hậu giáo”, coi giáo dục, giáo hoá là biện pháp căn bản nhất để duy trì trật tự, kỷ cương trong gia đình - tiền đề và điều kiện bảo đảm trật tự, kỷ cương, ổn định xã hội.
 
Song những chủ trương ấy của các nhà Nho không phải là nhằm đem lại một gia đình mà trong đó, mọi người đều bình đẳng hoàn toàn. Trong cái gia đình ấy, người cha luôn có uy quyền cao nhất, người chồng có quyền lớn hơn vợ. Có như vậy, gia đình ấy mới được xem là gia đình có kỷ cương, trật tự và có giáo dục. Đến Đống Trọng Thư thì quan niệm về một gia đình có trật tự, kỷ cương lại càng trở nên chặt chẽ hơn, khắc nghiệt hơn, trong đó quyền hành của người cha, người chồng là tuyệt đối: “Cha bắt con chết con phải chết, con không chết là bất hiếu, vợ phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của chồng". Và khi coi gia đình là tế bào của xã hội, nhà là gốc của nước, trật tự, kỷ cương trong gia đình là tiền đề, điều kiện để duy trì trật tự, kỷ cương của xã hội, rốt cuộc các nhà Nho đều chủ trương bảo vệ, duy trì vinh viễn địa vị thống trị tuyệt đối của ông vua (Thiên tử), cố định hoá trật tự và cơ cấu giai cấp của xã hội phong kiến. Rõ ràng, cái xã hội lý tưởng, theo quan niệm của các nhà Nho, phải là một xã hội mà ở đó, đứng đầu nhà nước là Thiên tử và Thiên Tử là người có uy quyền cao nhất, dưới Thiên Tử là vua chư hầu, dưới vua chư hầu là các quan đại phu, dưới quan đại phu là thần dân trong thiên hạ. Nói cách khác, cái xã hội đó phải luôn đặt trong vòng trật tự có lợi cho giai cấp thống trị và vì vậy, kẻ nào phá hoại cái "trật tự" đó sẽ bị Thiên Tử trừng phạt - đúng như các nhà Nho luôn luôn chủ trương: Lê nhạc, chinh phạt đều từ Thiên Tử mà ra.
 
Khi đưa ra quan niệm về một xã hội lý tưởng, cũng tất yếu, trong học thuyết của mình, các nhà Nho đều mong muốn rằng trong xã hội đó, bằng mọi cách, phải duy trì được nguyên tắc: giai cấp địa chủ phong kiến mãi mãi là giai cấp "cai trị người" và được người phụng dưỡng, còn các giai cấp, tầng lớp khác mãi mãi ‘bị người cai trị" và phải nuôi dưỡng người. Đôi khi, trước một thực trạng xã hội mà trong đó, mâu thuẫn giữa các giai cấp và mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp thống trị diễn ra gay gắt, hầu như không thể điều hòa được, cũng như tình trạng rối loạn xã hội hầu như không chấm dứt, các nhà Nho phải viện tới "ý trời", “mệnh trời". Theo đó, cái trật tự đẳng cấp, phân vị ấy là do trời sắp đặt, là ý trời và không thể đảo ngược được. Và những hành vi hành động nào làm nguy hại đến trật tự đó là “có tội với trời và dù có cầu đảo thì trời cũng không tha thứ" (Khổng Tử). Như vậy, dù Nho giáo có đưa ra quan niệm về một xã hội đại đồng lý tưởng thì chẳng qua cũng chỉ nhằm tô vẽ, bảo vệ sự tồn tại vĩnh viễn của chế độ phong kiến cũng như quyền lợi và địa vị thống trị của giai cấp địa chủ phong kiến, nhằm duy trì vĩnh viễn sự bất công, bất bình đẳng. Xét đến cùng, quan niệm của Nho giáo về một xã hội lý tưởng - thái bình, ổn định, có trật tự, kỷ cương... là hết sức nghiệt ngã, hết sức hình thức và thù địch với cuộc sống, với con người, với nhân dân), là cản trở và đi ngược lại xu thế phát triển tất yếu của lịch sử.
 
Thứ hai, xã hội lý tưởng trong quan niệm của các nhà Nho là xã hội mà trong đó mọi người phải có đời sông đạo đức và đời sống vật chất tương đối đầy đủ. Ở nội dung này, trước hết cần lưu ý rằng, đã có những ý kiến khẳng định Nho giáo chủ trương một xã hội nghèo, một xã hội mà trong đó, mọi người đều "an bần lạc đạo", vui với cảnh nghèo. Cũng đã có ý kiến khẳng định Nho giáo đối lập lợi ích vật chất với đạo đức, coi thường việc làm giàu và, Nho giáo chưa bao giờ là động lực của sự phát triển kinh tế. Hai loại ý kiến này đều đưa vào rất nhiều câu chữ trong các sách kinh điển của Nho giáo để luận chứng cho sự khẳng định của mình. Song vấn đề không hoàn toàn như vậy. Trong toàn bộ (tổng thể) học thuyết của mình, các nhà Nho, từ người sáng lập ra Nho giáo là Khổng Tử trở đi không hoàn toàn đối lập lợi ích vật chất với đạo đức, không coi thường việc làm giàu, không phủ nhận vai trò tích cực của sự phát triển kinh tế đối với sự hoàn thiện con người và sự ổn định xã hội.
 
Đúng là Nho giáo coi Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là những phẩm chất đạo đức cao cả mà mọi người cần tu dưỡng đề tự hoàn thiện mình, song nó cũng bàn về những vấn đề đạo đức trong sự thống nhất, gắn liền với Lợi (vật chất). Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử không phản đối việc làm giàu, cũng không coi việc làm giàu là xấu, nếu "sự giàu” ấy không trái đạo. Ông nói rõ rằng:"Giàu với sang, ai lại chẳng muốn? Nhưng nếu chẳng phải đạo mà được giàu sang, thì người quân tử chẳng thèm. Nghèo với hèn, ai mà chẳng ghét? Nhưng nếu chúng nó đến với mình mà mình chẳng lỗi đạo thì người quân tứ chẳng từ bỏ. Ông còn nói thêm:"Như nước nhà yên trị mà mình chịu bần cùng, đê tiện, đó là sự xấu hổ. Còn như nước nhà loạn lạc mà mình hưởng phần giàu có, sang trọng, đó là điều đáng xấu hổ". Cho nên theo ông, "Nếu ai thấy món lợi bèn nhớ đến điều nghĩa mà chằng dám phạm... người như vậy cũng đáng gọi là bậc thánh nhân được rồi”. Đúng là Khổng Tử coi cánh giàu sang như “đám mây nổi" nhưng chỉ khi cảnh giàu sang ấy do hành vi bất nghĩa mà có được, và nếu giàu sang mà bất nghĩa, trái đạo thì ông khuyên mọi người cùng ông thà "ăn cơm thô, uống nước lã, sống trong cảnh đơn bạc" còn hơn! Khổng Tử cũng không chủ trương vứt bỏ hoàn toàn vật lợi, mà chỉ chủ trương bỏ cái vật lợi nhỏ bé trước mắt (ở Khổng Tử và các nhà Nho, so với đạo đức, lợi ích vật chất chỉ là nhỏ bé, là cái lợi trước mắt) để được cái lợi lớn hơn, lâu dài hơn. Không những thế, ở chương Tử Lộ, sách Luận ngữ, Khổng Tử còn khuyên nhà cầm quyền rằng khi dân đã đông thì phải giúp họ làm giàu, khi dân đã giàu thì phải giáo hoá họ.
 

Mạnh Tử cũng nhận thức rõ vai trò của đời sống vật chất, lợi ích vật chất đối với đời sống đạo đức, đối với công việc giáo hoá con người. Từ tư tưởng "dân vi bang bản", "dân vi quý”, Mạnh Tử đã từng đòi hỏi nhà cầm quyền phải làm cho dân có tài sản riêng (chế dân chi sản), phải tạo sản nghiệp cho dân. Bởi theo ông, dân "có hằng sản mới có hằng tâm", dân có đời sống vật chất đầy đủ thì họ mới thực hiện được đạo Hiếu, đạo Trung, mới học và làm theo Lễ, Nghĩa. Ngoài ra, Mạnh Tử không chỉ nhận thức được vai trò của đời sống vật chất đối với đời sống đạo đức, mà còn nhận thức được rằng kinh tế là cơ sở, động lực của công việc giáo dục, giáo hoá. Ông nói:"Đấng minh quân chế định điền sản mà chia cho dân cùng cày cấy cốt khiến cho họ trên đủ phụng dưỡng mẹ cha, dưới đủ nuôi dưỡng vợ con, nhằm năm trúng mùa thì mãi no đủ, phải năm thắt ngặt thì khỏi nạn chết đói. Được vậy rồi, nhà Vua mới khiến dân làm thiện. Tự nhiên họ sẽ theo điều thiện một cách dễ dàng.
 
Như vậy, Khổng Tử và Mạnh Tử không hoàn toàn coi thường Lợi, không đối lập Nghĩa với Lợi, cũng như không coi thường và phủ nhận sự giàu sang. Xét về thực chất, xã hội lý tưởng mà các ông đề xuất không phải là một xã hội nghèo. Nghiên cứu Nho giáo, chúng ta thấy rằng, những tư tưởng trên của Khổng Tử và Mạnh Tử được bổ sung và phát triển thêm ở các nhà Nho sau này.
 
Tất nhiên, nhằm thủ tiêu và đè bẹp ý thức phản kháng của giai cấp "người bị trị", nhằm bảo vệ trật tự xã hội phong kiến, các nhà Nho đều khuyên răn, gieo rắc trong đầu óc những người bị trị tư tưởng bằng lòng với cảnh nghèo, yên lòng với thân phận và địa vị của mình. Chẳng hạn, trong sách Luận ngữ có đoạn: Tử Cống hỏi đức Khổng Tử: "Như nghèo mà chẳng dua bợ, giàu chẳng kiêu căng, người như vậy nhân phẩm thế nào?" Đức Khổng Tử đáp: "Như vậy là khá? Song, chưa bằng người nghèo mà vui, người giàu mà ưa việc lễ nghĩa".
 
Từ những câu chữ trên của Khổng Tử, chúng ta thấy, rõ ràng ông không chủ trương mọi người hãy "an bần lạc đạo", rằng, nếu phải nghèo thì hãy bằng lòng với nó chứ đừng dua bợ (đánh mất nhân cách). Và với ông, giàu hay nghèo, điều đó không quan trọng mấy, cái quan trọng và cần thiết hơn là vui với đạo, học và làm theo đạo, theo lễ nghĩa. Nếu được như vậy thì theo ông, người nghèo không nên oán trách, ghét bỏ cảnh phận nghèo của mình (Bần nhi vô oán). Tất nhiên, với một đầu óc thực tế, Khổng Tử đã nhận ra rằng thật khó có người "nghèo mà vui được", khó có ai lại không oán ghét cảnh nghèo nàn. Ông nói: "Bần nhi vô oán, nan, phú nhi vô kiêu, dị” (Giàu có mà không kiêu căng thì còn dễ chớ nghèo khổ mà chẳng sầu oán thì thật khó). Song, như trên đã trình bày, cái điều đáng sợ ở các nhà Nho không phải là nghèo mà là xã hội không yên ổn.
 
Tóm lại, theo chúng tôi, trong quan niệm của các nhà Nho, xã hội lý tưởng phải là xã hội bảo đảm được sự kết hợp hài hòa giữa đời sống kinh tế t và đời sống tinh thần, đạo đức lành mạnh. Và theo họ, sự hài hòa ấy là một trong những yếu tố cơ bản để giữ vững ổn định, trật tự của xã hội phong kiến.
 
Thứ ba, trong quan niệm cua các nhà Nho, xã hội lý tưởng phải là xã hội có giáo dục, mọi người phải được giáo dục, giáo hoá và có đạo đức. Ở các nhà Nho, giáo dục, giáo hóa cũng là một trong những biện pháp chính trị căn bản để xây dựng một xã hội ổn định, thái bình, thịnh trị, có trật tự, kỷ cương, và tạo ra những con người có đạo đức, những mẫu người lý tưởng. Chính vì vậy mà Nho giáo đặc biệt đề cao, coi trọng giáo dục, giáo hóa. Nhận thức được vai trò của con người, của giáo dục, giáo hóa mà ngay từ đầu Khổng Tử đã đưa ra chủ trương "Hữu giáo vô loại", "Phú nhi hậu giáo" với phương châm "Học không biết chán, dạy không biết mỏi". Tất nhiên, nội dunggiáo dục, giáo hóa trước sau vẫn là những lời dạy của các bậc Thánh hiền trong Tứ thư, Ngũ kinh - những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức của đạo làm vua, đạo làm bề tôi và đạo làm người. Hầu hết các nhà Nho đều khẳng định vai trò quyết định của đạo đức đối với việc hoàn thiện con người và ổn định, hoàn thiện xã hội. Khống Tử đã từng nói: "Muốn dẫn dắt dân chúng, nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh, muốn trị dân, nhà cầm quyền phải dùng lễ tiết, thì chẳng những dân biết xấu hổi họ lại còn cảm hoá mà trở nên tốt lành”.
 
Song, để làm cho dân có đức hạnh và tuân phục, để làm tròn trách nhiệm là người "thay trời trị dân" , "cha mẹ của muôndân", để xứng đáng với cương vị là người giáo hoá, “dưỡng dân", theo các nhà Nho, người cầm quyền, kẻ cai trị trước hết phải là người được giáo dục, tự mình giáo hoá và có đạo đức Khổng Tử nói: "Này, nếu người bề trên chuộng lễ, thì dân chẳng dám bỏ niềm cung kính. Nếu người bề trên háo nghĩa, thì dân chẳng bội lẽ công chính. Nếu người bề trên biết tín thật, thì dân chẳng dám sai ngoa trong tình giao ước. Nếu nhà cầm quyền đủ lễ, nghĩa, tín như vậy, thì dân chúng từ bốn phương xa sẽ sai con đến để phục dịch mình. Cần chi phải học nghề cày cấy”.
 
Các nhà Nho, tiêu biểu là Khổng Tử và Mạnh Tử, coi việc dân đủ ăn, đủ mặc là một công việc hàng đầu để trị nước, là một trong những tiền đề cho sự ổn định của xã hội, cho việc giáo hoá thành công (có hằng sản mới có hằng tâm). Nhưng các nhà Nho vẫn coi công việc giáo dục, giáo hoá là nhiệm vụ chính trị cơ bản nhất của nhà cầm quyền, coi việc dân có đủ đức quan trọng hơn việc họ có đủ ăn, coi Nhân, Nghĩa cần thiết hơn nước và lửa. Khổng Tử đã từng khuyên nhà cầm quyền không chỉ phải giúp dân làm giàu, mà điều chủ yếu và cơ bản là khi dân đã giàu thì phải giáo hoá họ. Còn Mạnh Tử thì coi việc giáo hoá để dân có đạo đức là công việc quan trọng nhất của kế sách giữ nước. Bởi lẽ như ông nói: "Thành quách chẳng hoàn bị, đồ kinh pháp chẳng nhiều, chẳng phải là tai nạn trong nước vậy, ruộng nương chẳng mở mang, của cải chứng tích tụ chẳng phải là sự nguy hại trong nước vậy Người trên không có lễ giáo, người dưới không có học thức, kẻ dân tàn tặc đấy lên, nước mất đến nơi". Tiếp tục tư tưởng này của Mạnh Tử, nhà tư tưởng của chế độ phong kiến tập quyền Đặng Trọng Thư cũng nói:"Kìa muôn dân chạy theo cái lợi, như nước chảy xuống chỗ thấp, nếu không lấy giáo hoá mà ngăn chặn thì lại không thể giữ lại được. Thế cho nên, giáo hoá xây dựng được thì gian tà đều ngừng lại và việc ngăn ngừa mới hoàn thành, giáo hoá mà bị phế bỏ thì gian tà đua nhau mà nảy ra, hình phạt không kể xiết, việc ngăn ngừa bị hỏng. Các bậc vua đời xưa hiểu rõ điều đó, thế cho nên họ cứ ngồi yên mà trị thiên hạ, không ai không coi việc giáo hoá là việc lớn".
 
Nội dung giáo dục của Nho giáo, trước sau cũng chỉ là những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cơ bản trong Tam cương, Ngũ thường. Nho giáo đùng Tam cương, Ngũ thường để giáo hoá mọi suy nghĩ, hành động của con người đúng với danh phận, địa vị của mình. Có như vậy, con người mới có đạo đức, xã hội mới ổn định, mới có trật tự, kỷ cương. Tất nhiên, xét về tính chất giai cấp và mục đích chính trị, tư tưởng giáo dục, giáo hoá ở Nho giáo là nhằm bảo vệ và duy trì sự tồn tại vĩnh viễn của chê độ phong kiến. Và vì vậy, ở Nho giáo, giáo dục, giáo hóa còn là một phương tiện chính trị, một biện pháp cai trị. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, từ thời Tuân Tử về sau, các chính quyền phong kiến đều rất coi trọng và khuyến khích giáo dục, khoa cử. Đồng thời, với việc đề xuất chủ trương chọn người ra làm quan theo phương châm "Học nhi ưu tắc sĩ”, thì trên thực tế, Nho giáo đã đòi hỏi người cầm quyền không chỉ là người có đạo đức mà còn phải là người có tri thức Nho giáo.
 
Như vậy, trong quan niệm của các nhà Nho, việc giáo dục, việc giáo dục, giáo hóa để làm cho tất cả mọi người trong xã hội đều có đạo đức đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập một xã hội lý tưởng.
 
Với chủ trương coi trọng giáo dục, giáo hoá đạo đức cho con người và cùng với điều đó là nhà nước phong kiến đề cao, tôn vinh người học giỏi, áp dụng chính sách chọn cử người hiền tài ra làm quan thông qua con đường học tập, thi cử, Nho giáo đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một tầng lớp trí thức trong xã hội cũng như một tầng lớp cai trị, cầm quyền có học. Đồng thời, nó đã tạo ra một xã hội hết mực "đề cao văn hoá, đề cao văn hiến, trọng kẻ có học, kẻ làm văn chương, gây ra tâm lý hiếu học, tôn sư trọng đạo cho đến mức sùng bái văn tự…Tuy nhiên, với nội dung giáo dục, thi cử chỉ giới hạn ở nhưng nguyên lý, chuẩn mực đạo đức trong Tứ thư, Ngũ kinh, với phương châm học tập và thi cử chủ yếu là “thuật nhi bất tác", với mục đích giáo dục là đào tạo ra người làm quan để hưởng bổng lộc và hoàn thiện đạo đức con người phù hợp với xã hội phong kiến, nên nền giáo dục, khoa cử của Nho học - cũng là nền giáo dục trong xã hội phong kiến - không thể tránh để lại những di hại, những hạn chế. Điều dễ nhận thấy là nền giáo dục đó đã tạo ra một lớp người mà tri thức của họ chỉ thu hẹp ở những hiểu biết về đạo đức, các quan hệ xã hội và cách ứng xử của con người trong các quan hệ xã hội đó. Do vậy, trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật, trước những bước ngoặt của sự phát triển xã hội, họ không có vai trò gì đáng kể.
 
Tất nhiên, với chủ trương coi trọng đạo đức, coi việc hoàn thiện nhân cách đạo đức của mỗi người là điều kiện để xây dựng và hoàn thiện xã hội lý tưởng, Nho giáo đã góp phần tạo đựng cho con người lối sống có trách nhiệm với gia đình, đất nước, với cả chính mình và đặc biệt coi trọng trật tự, kỷ cương một lối sống mà "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất". Nho giáo đã tạo ra một cộng đồng xã hội ó tôn ti trật tự, hòa mục từ trong gia đình đến Nhà nước, thiên hạ. Song cũng do những hạn chế trong nội dung giáo dục mà Nho giáo đã góp phần tạo ra một xã hội và những con người bảo thủ, trì trệ, lạc hậu, và do đó, hạn chế mặt tài năng và tính sáng tạo cửa con người cũng như cản trở sự phát triển của xã hội, của lịch sử.
 
Mặc dù quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng có những điểm hạn chế, song có thể khẳng định rằng, nó vẫn có một ý nghĩa nhất định đối với chúng ta trong việc nhận thức con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và xác định những mục tiêu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay, nhất là mục tiêu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, có văn hoá, có trật tự, kỷ cương.

Nguyễn Thanh Bình
Theo: Tạp chí Triết học
 
 
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?