Sự hình thành triết học Marx (Phần III)

 3. ĐẾN VỚI GIAI CẤP VÔ SẢN
Bên cạnh “Vấn đề Do Thái”, công trình “Góp phần phê phán Triết học pháp quyền của Hegel: Lời nói đầu” (sau đây sẽ gọi tắt là “Lời nói đầu”) là một dấu mốc quan trọng trên con đường dẫn đến chủ nghĩa Marx; bởi lẽ trong công trình này, lần đầu tiên Marx xác định rõ vai trò quyết định của giai cấp vô sản trong việc cứu vãn nhân loại. Giai cấp vô sản là vũ khí vật chất của triết học, triết học là vũ khí trí tuệ của giai cấp vô sản. Đây là mầm mống của một giải pháp mới cho vấn đề sự tha hóa của con người. Chỉ có mỗi sự phê phán và lý thuyết triết học, chúng ta không thể chấm dứt tình trạng tha hóa này. Chúng ta cần phải có một lực lượng có tính thực tế hơn, và lực lượng ấy là do giai cấp công nhân bị bần cùng hóa bởi nạn bóc lột mang lại. Giai cấp thấp nhất này trong xã hội sẽ “hiện thực hóa triết học”. Theo sự dẫn dắt của nền triết học triệt để mới, tức nền triết học với tư cách là vũ khí trí tuệ của giai cấp vô sản, giai cấp vô sản sẽ chấm dứt quá trình biện chứng trong đó con người xuất hiện, trưởng thành, bị tha hóa với chính mình, và trở thành nô lệ do bản chất bị tha hóa của chính mình. Trong khi giai cấp trung lưu có tài sản có thể giành được sự tự do cho mình trên cơ sở quyền sở hữu, thì giai cấp công nhân không có tài sản, không có cái gì khác ngoài danh hiệu mình là con người. Vì thế, họ chỉ có thể giải phóng bản thân mình bằng cách giải phóng cho tất cả mọi người.

Trước năm 1844, Marx hầu như không chú ý đến sự hiện hữu của giai cấp vô sản; đương nhiên, ông không bao giờ gợi ý rằng họ không có vai trò nào trong việc khắc phục sự tha hóa. Bấy giờ, giống như một nhà đạo diễn phim mời gọi cậu bé chạy việc vào vai Hamlet, Marx đưa giai cấp vô sản vào với tính cách là lực lượng vật chất sẽ tiến hành công cuộc giải phóng con người. Tại sao vậy?

Marx không đi đến quan niệm của ông về giai cấp vô sản như là kết quả của công việc nghiên cứu kinh tế học, vì công việc này, lúc bấy giờ, ông mới bắt đầu khởi sự. Ông đọc rất nhiều về lịch sử, nhưng không củng cố lập trường của mình bằng cách trích dẫn từ các nguồn sử liệu, như cách làm sau này của ông. Những lý do để Marx gán vai trò quan trọng cho giai cấp vô sản là những lý do triết học, chứ không phải sử học hay kinh tế học. Vì sự tha hóa của con người không phải là vấn đề của một giai cấp riêng biệt nào, mà là một vấn đề phổ quát, cho nên bất cứ một giải pháp nào để giải quyết nó cũng phải có tính chất phổ quát – và giai cấp vô sản, Marx yêu sách, có tính chất phổ quát này do tình trạng bị tước đoạt toàn diện của nó. Nó không đại diện cho một giai cấp đặc thù nào trong xã hội, mà cho toàn thể nhân loại.


Quan niệm rằng một hoàn cảnh phải chứa trong nó mầm mống của sự giải thể của chính nó và sự chiến thắng lớn nhất trong mọi sự chiến thắng phải đến từ những miền sâu của sự tuyệt vọng vốn là những chủ đề quen thuộc trong biện chứng pháp của Hegel và những người theo ông. Giai cấp vô sản thích hợp một cách tài tình với kịch bản biện chứng này, và người ta không thể nào tránh khỏi việc nghi ngờ rằng Marx đã nắm lấy giai cấp này vì nó phục vụ rất tốt cho mục đích triết học của ông.

Nói như vậy không có nghĩa là khi viết công trình “Lời nói đầu”, Marx không biết gì đến giai cấp vô sản. Ông đã chuyển sang Paris để sinh sống, tại đó các tư tưởng xã hội chủ nghĩa tiến triển hơn nhiều so với ở Đức. Ông giao thiệp với các nhà lãnh đạo thời ấy, sống chung trong một căn nhà với tư cách là một trong các nhà lãnh đạo của Liên minh những người chính nghĩa (League of the Just), một tổ chức của những người công nhân cấp tiến. Trong một số bài viết, ông còn thể hiện sự ngưỡng mộ của mình trước “sự cao quý của con người rạng ngời lên từ những cơ thể mệt nhoài” của những người lao động xã hội chủ nghĩa Pháp. Vì thế, khi gán một vai trò hết sức quan trọng cho giai cấp vô sản, Công trình “Lời nói đầu” phản ánh một quá trình hai chiều: Marx làm cho quan niệm của ông về giai cấp vô sản phù hợp với triết học của mình và làm cho triết học của mình phù hợp với lòng nhiệt tình của mình đối với giai cấp công nhân và những tư tưởng cách mạng của nó.

XEM TIẾP


 
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?