Tư tưởng của George Edward Moore


George Edward Moore (1873-1958) phát triển chủ nghĩa vị lợi lý tưởng (Ideal Utilitarianism) thành một triết lý độc lập với thuyết trực giác (Intuitionism).


Thuyết trực giác khẳng định rằng mọi quy tắc đạo đức đều tồn tại bên trong mỗi cá nhân, thuộc về lãnh vực ý chí, chủ đích hay thiên bẩm. Ngược lại, chủ nghĩa vị lợi lý tưởng trình bày quan điểm đạo đức dưới hình thức các kết quả và sự kiện rõ ràng của hành động. Về phần mình, Moore xác định bản chất đúng sai của hành vi dựa trên cơ sở hiệu quả do nó gây ra, bất kể ý định của người thực hiện. "Lẽ đúng sai của một hành vi luôn tuỳ thuộc vào kết quả toàn cục của nó."(10) Nếu hành vi ấy mang đến điều tốt đẹp cho cuộc sống trên thế giới này, nó là một hành động đúng đắn; nếu không, nó là một hành động sai trái.

Hành vi đúng đắn không chỉ là hành vi xuất phát từ ý định tốt lành, hay thậm chí được dự kiến là đúng đắn nhất trong điều kiện cho phép, nó phải là hành động mang đến ích lợi thực tế. Lợi ích thực tế không phải là dạng kết quả tiên đoán dựa trên cơ sở đánh giá theo lẽ đúng-sai; nó phải là kết quả có giá trị cụ thể. Khó khăn chủ yếu là cá nhân khó lòng xác định được liệu rằng hành động của mình thực sự sẽ mang đến kết quả khả dĩ tốt đẹp nhất hay không. Thực chất, chỉ có trí tuệ toàn năng mới xác định được điều ấy-nói cách khác, chỉ có hoạt động sáng tạo của Thượng đế mới có thể thoả mãn được yêu cầu của đạo lý này.

Thuyết hiện thực đạo đức (the Ethical Realism) của Moore nhấn mạnh rằng các thuộc tính luân lý tồn tại trong chính kết quả thực tế của hành vi đạo đức, không phục thuộc vào nhận định của con người dành cho giá trị của nó. Đạo lý nằm bên ngoài khả năng ý thức của con người; một hành vi có thể là tốt hay xấu cho dù người thực hiện có nhận thức được điều đó hay không. Quan điểm này tương phản trực tiếp với chủ nghĩa trực giác vốn giới hạn đạo đức trong khuôn khổ kinh nghiệm và nhận thức của cá nhân, không cần xét đến kết quả của hành động.


Moore nhận định về một hành vi đạo đức như một Gestalt, một tổng thể hữu cơ bất khả phân cắt và luôn có giá trị lớn hơn tổng cộng các bộ phận cấu thành. Nước có tính ẩm ướt, những hydrogen (H) và oxygen (O), hai nguyên tố cấu thành nên phân tử nước (H2O), lại không có thuộc tính ấy - nước có những thuộc tính không thể tìm thấy được ở các nguyên tố thành phần của nó. Tương tự như vậy, các hành vi đúng đắn có những thuộc tính đạo đức mà chúng ta không thể phát hiện ra được quá trình phân tích. Thực vậy, cứu 1 đứa trẻ khỏi chết đuối là một nghĩa cử tốt đẹp, nhưng nếu phân tích mọi khía cạnh cấu thành nên hành động ấy, ta chẳng thể xác định được bản chất đạo đức của chúng. Có phải điều tốt lành nằm ở chỗ nhảy xuống nước? Hay ở nỗ lực nắm được đứa trẻ? Hoặc giả, ở nỗ lực kéo đứa bé lên bờ? Không có yếu tố nào cấu thành nên nghĩa cử ấy có thể được xem là hành động đạo đức; nhưng xét về mặt tổng thể, hành vi ấy được nhìn nhận là đúng đắn và tôt đẹp. Điều thiện vốn là thực hữu, nhưng chỉ tồn tại như một khối hữu cơ thống nhất; giá trị đạo đức của nó là giá trị tổng thể, không thể tìm thấy qua quá trình phân tích các yếu tố riếng lẻ cấu thành nên nó.

Tính thiện bất khả định
Moore khẳng định rằng không thể định nghĩa được tính Thiện, bởi lẽ đó là khái niệm cơ bản nhất, tối hậu và bất khả phân. Để định nghĩa một từ hay một khái niệm, chúng ta cần phải phân tích các thành tố cơ bản của nó; nhưng làm sao có thể định nghĩa được các từ ngữ khác? Tính thiện chính là khái niệm cơ bản tối hậu, vì thế chúng ta không thể định nghĩa được nó.

Hoang tưởng theo chủ nghĩa tự nhiên
Theo Moore, ý niệm về Cái Thiện là một kinh nghiệm nhận thức-vấn đề là bạn cảm nhận được nó hay là không. Với một kẻ mù loà bẩm sinh, mọi định nghĩa và khái niệm về màu sắc điều vô nghĩa. Tương tự như vây, mặc dù có thể xác định được những điều tốt đẹp, chúng ta chẳng thể nào diễn đạt trọn vẹn ý niệm về Cái Thiện. Những ai cho rằng mình đã thành công trong nỗ lực định nghĩa Cái Thiện, thông qua cách lý giải khoa học về những điều tốt lành, đã vô tình rời vào tình huống được Moore gọi là "hoang tưởng theo chủ nghĩa tự nhiên"(Naturalistic fallacy). Chúng ta cũng sẽ rơi vào tình huống tương tự khi cho rằng mình đã giúp cho một người mù loà cảm nhận được màu sắc thông qua các lý giải khoa học về màu sắc.

S.T
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?