Charles Sanders Peirce (1839 - 1914) - Người sáng lập chủ nghĩa thực dụng Mỹ (P.II)
Nền tảng triết học của Charles S.Peirce là “thuyết sao chụp hiện tượng” (phaneron – hiện tượng, vẻ bề ngoài) và học thuyết về ba cấp độ cơ bản của tồn tại và nhận thức mà ông diễn tả bằng ba phạm trù: “Tính thứ nhất” – cấp độ mà ở đó, sự gặp gỡ giữa tinh thần sáng tạo tự do và hiện thực sẽ tạo ra tính đa dạng vô tận về tiềm năng ở các “chất lượng có thể có” của những “dự án thực tại” lý tưởng hay của các hình thức thuần túy. “Tính thứ hai” – cấp độ tồn tại của các sự vật với tư cách một tập hợp các khách thể riêng biệt và mối quan hệ của chúng. Và, “Tính thứ ba” – cấp độ “thực tại đích thực”, những khái niệm phổ biến (các quy luật, các bản chất)(4).
Diễn
tả tồn tại và nhận thức theo ba cấp độ này, Charles S.Peirce cho rằng,
sự tồn tại hiện thực là kết quả của “sự can thiệp” của tinh thần vào
tính tự phát liên tục và toàn vẹn của tồn tại, là “sự tách rời” khỏi
chỉnh thể đó các sự vật cùng với những mối liên hệ và quan hệ của chúng,
là việc xác định các quy luật tạo dựng và hoạt động chung của chúng.
Còn việc đưa lý tính vào hiện thực phi lý tính thì được thực hiện trong
kinh nghiệm thực tiễn của chủ thể – cái kinh nghiệm cho phép xác định
được những điều kiện để kiểm nghiệm các phán đoán nhằm hợp lý hóa thế
giới và qua đó, đem lại cho thế giới này địa vị là một thực tại.
Như vậy, có thể nói, cái gọi là
“hiện tượng học tinh thần” mà Charles S.Peirce đã xây dựng nên, ngay từ
đầu, đã bao hàm trong nó tính hai mặt. Một mặt, nó tuân thủ những quan
niệm truyền thống của chủ nghĩa hiện thực trung cổ, khi khẳng định tính
hiện thực của những khái niệm phổ biến. Mặt khác, nó thừa nhận sự tồn
tại hiện thực của thế giới đã được nhận thức (tính chỉnh thể, các khách
thể và những mối quan hệ riêng biệt) với tư cách sự tồn tại không phụ
thuộc vào tinh thần nhận thức. Tính hai mặt này trong “hiện tượng học
tinh thần” của Charles S.Peirce không phải là một mâu thuẫn mang tính
hình thức, mà có thể coi đó là vấn đề – antinomi mà luận điểm (hiện thực
tồn tại trước nhận thức) và phản luận điểm (thực tại xuất hiện trong
quá trình nhận thức và được hình thành trong đó) của nó thể hiện ra như
là hai mặt của mối quan hệ biện chứng và như là tính quy định lẫn nhau
của mối quan hệ chủ thể – khách thể(5).
Bản
thân Charles S.Peirce cũng nhận ra điều này và ông đã cố gắng tìm cách
giải quyết antinomi đó trong quá trình phân tích và luận giải thực tiễn
nhận thức của chủ thể mà, với việc phóng đại, đề cao đến mức thái quá
yếu tố chủ quan của thực tiễn nhận thức đã đưa ông tới chỗ sáng lập nên
một trào lưu triết học mới – chủ nghĩa thực dụng.
Về
cống hiến này của Charles S.Peirce trong lịch sử tư tưởng triết học
nhân loại, chúng tôi muốn lưu ý rằng, mặc dù ông được thừa nhận là người
sáng lập chủ nghĩa thực dụng, nhưng bản thân ông lại không phải là
người thực dụng chủ nghĩa một cách triệt để và thuần túy. Trước thập
niên 70 của thế kỷ XIX, Charles S.Peirce chỉ chuyên tâm nghiên cứu về
lôgíc quan hệ. Khi đó, tư tưởng của ông thể hiện rõ khuynh hướng chống
chủ nghĩa tâm lý và bản thân ông cũng chưa trở thành nhà thực dụng chủ
nghĩa. Tư tưởng thực dụng chủ nghĩa chỉ được ông đưa ra vào những năm
đầu thập niên 70 của thế kỷ XIX. Năm 1872, lần đầu tiên, ông đưa ra khái
niệm “chủ nghĩa thực dụng” và trình bày những tư tưởng cơ bản, quan
niệm chủ yếu của mình về chủ nghĩa thực dụng trong báo cáo khoa học đọc
tại “Câu lạc bộ siêu hình” thuộc Đại học Harvard. Sau đó, báo cáo khoa
học này đã được ông chỉnh lý, bổ sung thành hai bài viết với tên gọi Xác
định niềm tin và Làm thế nào để cho quan niệm của chúng ta được sáng tỏ
và lần lượt cho đăng trên Nguyệt san khoa học phổ thông (số 11 – 1877
và số 1 – 1878). Hai bài viết này được coi là những tác phẩm tiêu biểu
cho chủ nghĩa thực dụng của Charles S.Peirce. Sau này, bản thân Charles
S.Peirce còn tiếp tục phát triển thêm tư tưởng thực dụng chủ nghĩa này
của mình. Song, vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XIX, ông chủ
yếu dồn sức cho việc xây dựng một hệ thống triết học rộng rãi với dự
định đưa vào đó cả vấn đề bản thể luận, nhưng lại không hoàn thành, Do
vậy, về cơ bản, sự phát triển thêm này không thống nhất với tư tưởng
thực dụng chủ nghĩa mà ông đã đưa ra từ những năm đầu thập niên 70 của
thế kỷ XIX và nó cũng không hoàn toàn đồng nhất với tư tưởng của các nhà
thực dụng chủ nghĩa sau ông. Chính vì thế, vào những năm đầu thế kỷ XX,
ông đã nhận thấy việc cần phải tách riêng chủ nghĩa thực dụng của mình
với chủ nghĩa thực dụng của W.James, của F.C.Schiller - đại biểu của
trào lưu thực dụng chủ nghĩa Anh, và thậm chí với cả J.Dewey – nhà triết
học thực dụng của “chủ nghĩa tự do triệt để”. Do vậy, khi nghiên cứu tư
tưởng triết học của Charles S.Peirce, theo chúng tôi, cần phải có sự
luận giải chuyên biệt về những tư tưởng này chứ không nên quy giản một
cách đơn thuần về chủ nghĩa thực dụng.
Thực
ra, khái niệm “chủ nghĩa thực dụng” (pragmatism) là khái niệm do
W.James nêu ra lần đầu tiên trong một bài phát biểu đọc tại California
vào năm 1898 với tên gọi Khái niệm triết học và hiệu quả thực tế. Trong
bài phát biểu này, W.James đã đề cập đến “nguyên tắc Peirce” và “nguyên
tắc chủ nghĩa thực tế hay chủ nghĩa thực dụng” của Charles S.Peirce. Bản
thân Charles S.Peirce, trong báo cáo khoa học đọc tại “Câu lạc bộ siêu
hình” và cả trong hai bài viết được chỉnh lý từ báo cáo này, vẫn chưa sử
dụng danh từ “chủ nghĩa thực dụng”. Sau này, ông đã nhiều lần định sử
dụng danh từ này, nhưng cảm thấy ý nghĩa của nó chưa được rõ ràng nên
chưa dùng. Mãi đến năm 1902, khi viết đề mục Từ điển triết học tâm lý
của Boune, ông mới sử dụng danh từ này. Tuy nhiên, cũng vào thời gian
này, ông nhận thấy quan điểm của mình về chủ nghĩa thực dụng đã bị
W.James giải thích một cách sai lệch. Do vậy, để phân biệt với quan điểm
của W.James và các nhà thực dụng chủ nghĩa khác, ông đã sửa đổi danh từ
“chủ nghĩa thực dụng” thành “chủ nghĩa thực hiệu” (pragmaticism) và cho
rằng, việc sử dụng danh từ “xấu xí” này sẽ không bị người khác giải
thích sai lệch(6).
Charles S.Peirce xây dựng tư tưởng thực dụng chủ nghĩa của mình dưới ảnh hưởng của triết học
Kant.
Ông đã dựa vào quan niệm của I. Kant – quan niệm coi “niềm tin ngẫu
nhiên” tạo nên phương thức thực hiện trong thực tế có tính xác định là
“niềm tin thực dụng”, và những luận điểm mà I. Kant đưa ra khi giải
thích sự khác nhau giữa hai khái niệm “thực dụng và “thực tiễn”, để
trình bày và luận giải quan niệm của mình về chủ nghĩa thực dụng. Tuy
nhiên, giữa Charles S.Peirce và I.Kant vẫn có sự phân biệt về nguyên
tắc. I.Kant đưa ra quan niệm về “niềm tin thực dụng” nhưng lại không
phải là người thực dụng chủ nghĩa. I.Kant hạn chế tri thức nhân loại ở
phạm vi hiện tượng, nhưng ông không phủ nhận khả năng có thể nhận được
tri thức có tính phổ biến và tất yếu của nhân loại. Còn chủ nghĩa thực
dụng của Charles S.Peirce thì lại coi mọi tri thức của nhân loại đều là
“niềm tin thực dụng”; rằng tri thức chẳng qua chỉ là phương tiện để nhân
loại xác định niềm tin và biến niềm tin này thành phương thức hành
động. Charles S Peirce cũng mong muốn xây dựng một hệ thống triết học
hoàn chỉnh như hệ thống triết học của I.Kant nhưng lại không phải là hệ
thống của I.Kant. Mặc dù mong muốn như vậy, song ông đã không thực hiện
được mong muốn này. Chủ nghĩa thực dụng của ông không phải là một hệ
thống triết học hoàn chỉnh, mà cũng như các nhà thực dụng chủ nghĩa
khác, trong hệ thống đó không có chỗ cho bản thể luận. Bản thân Charles S
Peirce cũng thừa nhận rằng, chủ nghĩa thực dụng của ông “tự nó không
phải là học thuyết siêu hình, không có ý định xác định bất kỳ tính chân
lý nào của sự vật. Nó chỉ là phương pháp phát hiện từ hiện thực và ý
nghĩa của khái niệm trừu tượng”(7). Ông còn nhiều lần khẳng định rằng,
cái quan tâm chủ yếu của ông là làm cho tư tưởng và khái niệm mà con
người đưa ra có được kỹ xảo và phương pháp rõ ràng. Chính vì vậy mà ông
muốn xây dựng chủ nghĩa thực dụng của mình thành một loại lôgíc khoa học
hay phương pháp luận khoa học để phân tích ý nghĩa của từ, của khái
niệm, tư tưởng hay ý nghĩa của ký hiệu và biến chúng thành phương tiện
xác định niềm tin, phương thức sử dụng hành động để đạt đến mục đích. Do
vậy, phương thức để xác định niềm tin và vấn đề xác định niềm tin trên
cơ sở “làm sạch” khái niệm, tư tưởng đã trở thành bộ phận cấu thành chủ
yếu trong chủ nghĩa thực dụng của Charles S.Peirce.
Chủ
nghĩa thực dụng của Charles S.Peirce tuy không phải là một hệ thống
triết học hoàn chỉnh, nhưng những tư tưởng thực dụng chủ nghĩa mà ông
đưa ra vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XIX đã thực sự trở
thành cơ sở lý luận cho sự ra đời của chủ nghĩa thực dụng Mỹ ở những
năm đầu thế kỷ XX và do vậy, ông xứng đáng được tôn vinh là người sáng
lập chủ nghĩa thực dụng Mỹ – một trào lưu triết học có ảnh hưởng lớn
không chỉ trong thế kỷ XX, mà còn cho đến cả hiện nay.r
(1) Xem: Bùi Đăng Duy và Nguyễn Tiến Dũng. Triết học Mỹ. Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005, tr.87.
(2) Dẫn theo: Bùi Đăng Duy và Nguyễn Tiến Dũng. Sđd., tr. 88.
(3) Xem: Lưu Phóng Đồng. Triết học phương Tây hiện đại, t.II. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 92.
(4) Xem: Viện Triết học. Triết học phương Tây hiện đại – Từ điển. (Người dịch: Đỗ Minh Hợp - Đặng Hữu Toàn; người hiệu đính: Nguyễn Trọng Chuẩn - Đặng Hữu Toàn). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr. 411.
(5) Xem: Viện Triết học. Sđd., tr. 412.
(6) Xem: Lưu Phóng Đồng. Sđd., tr. 94.
(7) Dẫn theo: Lưu Phóng Đồng. Sđd., tr. 95.
(2) Dẫn theo: Bùi Đăng Duy và Nguyễn Tiến Dũng. Sđd., tr. 88.
(3) Xem: Lưu Phóng Đồng. Triết học phương Tây hiện đại, t.II. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 92.
(4) Xem: Viện Triết học. Triết học phương Tây hiện đại – Từ điển. (Người dịch: Đỗ Minh Hợp - Đặng Hữu Toàn; người hiệu đính: Nguyễn Trọng Chuẩn - Đặng Hữu Toàn). Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr. 411.
(5) Xem: Viện Triết học. Sđd., tr. 412.
(6) Xem: Lưu Phóng Đồng. Sđd., tr. 94.
(7) Dẫn theo: Lưu Phóng Đồng. Sđd., tr. 95.
Đánh giá bài viết?