Chủ nghĩa nhân văn: Cuộc cách mạng tư tưởng thời kỳ Phục hưng (P.3)

Tinh thần nhân văn trong xã hội có giai cấp, trước hết, là một tinh thần tranh đấu ở Tây Âu, dưới thời kỳ Văn hóa phục hưng, chủ nghĩa nhân văn là một phong trào chống chế độ phong kiến, do tư tưởng tư sản phát động. Tranh đấu cho giai tầng tư sản các thành thị chống với phong kiến. Tranh đấu cho dân tộc Ý chống với cuộc xâm lăng của những dị tộc.

Trên lập trường tư tưởng chống phong kiến, chủ nghĩa nhân văn bao hàm hai yếu tố chính: yếu tố tri thức và yếu tố luân lý.

Về phương diện tri thức, chủ nghĩa nhân văn nêu cao giá trị và tác dụng của lý tính để chống với nguyên tắc quyền uy của học thuật phong kiến. Nhà nhân văn chủ nghĩa đi vào lĩnh vực tư tưởng, với khối óc tự do sẳn sàng kiểm điểm lại các giá trị cũ và phê bình cả giáo chỉ của Kinh thánh. Nhưng chủ nghĩa hoài nghi, nếu đi đến tuyệt đối, sẽ chỉ đưa tri thức đến chỗ bỡ ngỡ, lưỡng lự, siêu thoát. Động cơ chính của công việc xây dựng giá trị mới là một tinh thần tích cực, căn cứ vào thực nghiệm. Tự nhiên (la Nature) đối chọi với Chúa Trời (Jehovah). Lẽ phải chống với tín ngưỡng. Lý trí muốn xây dựng phải theo một kỷ luật hợp lý, kiểm điểm theo thực tế. Mọi công việc xây dựng của trí thức đều lệ thuộc vào tính cách người, với sự nhu cầu của đời sống con người. Bênh vực tinh thần tự do, tinh thần phê bình, chủ nghĩa nhân văn yêu trọng tự nhiên, cái tự nhiên trong thiên tính của con người cũng như cái tự nhiên trong bản sắc của sự vật. Một mặt nữa, chủ nghĩa nhân văn đặc biệt chú trọng đến di sản văn hóa của dân tộc, để xây dựng cho dân tộc một nền văn hóa mới. Văn chương của Dante, Pétrarque, Boccace là tinh thần dân tộc Ý Đại Lợi. Sau đó phái Văn tinh hay Thất tinh (La Pléliade) ở Pháp bước vào văn đàn với một bản tuyên ngôn có tính cách tranh đấu: Bảo vệ và phát huy tiếng nói nước Pháp.

Chống với luân lý phong kiến, tư tưởng nhân văn cũng đứng trên hai lập trường cá nhân và dân tộc để phê bình, để kiến thiết. Nhân văn chủ nghĩa trong thời kỳ đầu là một tinh thần hoạt động, một tinh thần chiến đấu. Cá tính đã bạo dạn phê bình những giáo điều cũ đang ràng buộc con người trong xiềng xích một hệ thống luân lý giả dối hẹp hòi. Con người lý tưởng hồi này không phải là một đấng thánh – Le Saint – xanh xao vàng vọt, chỉ biết quỳ lại và tụng niệm. Con người phải lành mạnh, phải tự do phát triển và yêu chuộng hành động. Nó hoạt động để cho tự mình có thể phát triển, cho thời đại có thể tiến bộ. Tư tưởng của Boccace là tư tưởng khỏe khoắn trong suy nghĩ và hưởng thụ. Văn chương Coccace luôn luôn châm biếm những người không sống theo luật tự nhiên. Sau này nhà văn nước Pháp Rabelais sẽ tiếp tục công cuộc phản kháng tư tưởng kinh viện học. Dưới ngòi bút của Rabelais, toàn thể các hạng người đại biểu cho chế độ phong kiến đã được đưa ra làm bia cười cho độc giả. Bọn kinh viện học sẽ đội những danh hiệu gàn dở là Sorboneur, Sorbonien, Sorbornard. Các nhà tu hành là một lũ “dốt nát ăn không ngồi rồi, vô ích cho xã hội, bẩn thỉu, tục tằn, lẩm bẩm tụng chuỗi Kinh cầu nguyện nhưng không để ý gì đến cầu nguyện, vì tâm hồn chúng còn lởn vởn trong bếp kia!” Chúng trú ngụ trên một hòn cù lao, giữa những tiếng chuông thường xuyên. Chúng là những con chim rất quái gở, giống người nhưng lại có một bộ lông kỳ quặc, đủ màu đen, trắng, xanh, xám và đỏ. Tên chúng là tên những giống chim kỳ quái: clergaulx, cardigaulx; giống papegaulx[3] là một giống độc nhất (có một, không nên lầm nghĩa). Mấy con cái là clergesses hoặc monegesses… Rabelais còn công kích cả tổ chức chế độ chính trị, từ bọn quan tòa, thầy cúng, bọn thầy kiện chuyên môn đục khoét dân cho đến bọn vua chúc phong kiến say sưa với máu người trong cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Triết học Rabelais là tư tưởng chống với mọi trạng thái tự nhiên, trái thiên tính. Lực lượng phản động là con ác quái Antiphysic (phản tư nhiên). Tượng trưng sự sống lý tưởng là tòa đền Thélème trước cửa vẽ một chai rượu. Phải về với tự nhiên, ăn no, uống say, học cho rộng, biết cho nhiều, và hưởng thu và phát triển thân thể cho hết sức tự do.

Riêng về nước Ý, thì nhân văn chủ nghĩa có một tinh thần tranh đấu cho quốc gia cho dân tộc chống với bôn Germains, đồng thời chống với giai tầng phong kiến bản xứ. Cổ học còn có nghĩa gọi hồn cố quốc, cổ động nhân dân, để xây dựng nên một nước Ý hùng cường. Trong ý thức hệ của chế độ tư bản, giai cấp tân tiến đã tỏ rõ ý chí muốn thay thế cho các địa chủ phong kiến để giải phóng dân tộc, đưa nước Ý thoát ly khỏi sự áp bức của bọn địa chủ.

Nhiều nhà phê bình văn học vẫn cho rằng tinh thần của chủ nghĩa nhân văn là “về với cổ đại”. Đành rằng các nhà nhân văn chủ nghĩa đều là những nhà văn uyên súc, họ đọc Platon, Aristote Epicure, Zénon.. họ đã dẫn giải Homère, Sophocle, Horace, Cicéron, Virgile, đã hiểu thấu tư tưởng và nghệ thuật La Mã dưới triều đại Auguste. Tuy vậy, nói là họ đã học thì đúng hơn là nghĩ rằng họ có xu hướng về với thời cổ. Họ không sùng bái thời cổ vì thời cổ. Họ thông thuộc khoa học hiện đại của thời kỳ mới nữa. Léonard de Vinci là nhà học sĩ, điêu khắc, nhà kiến trúc sư, nhưng cũng là một nhà toán học, nhà kỹ sư, nhà khoa học tự nhiên, nhà giải phẩu và nhà địa chất học nữa. Các nhà nhân văn chủ nghĩa trong khi nghiên cứu văn cổ đâu có phải chỉ tìm một mối an ủi yếu đuối cho lòng tự ái hoặc một lý do để trốn tránh hiện tại. Cổ học của họ có một tinh thần khoa học và một công dụng thực hành. Cổ học Hy Lạp dưới ánh sáng của tinh thần mới đã tươi sáng thêm và có một sắc khí mới. Học cổ không phải là cứu cánh, mà chỉ là một phương tiện để chống phong kiến, chống dị tộc, để xây dựng văn hóa mới. Tinh thần nhân văn là tinh thần tranh đấu cho một tư tưởng, một chế độ tiến bộ hơn, một đời sống lành mạnh, đầy đủ, công bình hơn đời sống phong kiến.

Chủ nghĩa nhân văn bắt đầu phát đạt ở, Florence vào quãng đầu thế kỷ thứ XV. Trường Đại học Plorence mở một ban dạy văn Hy Lạp. Cosme de Médicis thiết lập thư viện công cộng đầu tiên cho thị xã. Từ Florence, cuộc vận động về sau sẽ lan đến Rome. Giáo hoàng Nicolas V cũng đặt một thư viện trong điện Vatican. Sau đó một thời gian, chủ nghĩa nhân văn trở lại về xứ Toscane. Dưới sự lãnh đạo của Marsile Ficin, tư tưởng Platon, trước kia bị triết học Aristote che mờ, lại được truyền bá huy hoàng. Marsile Ficin cùng với Jean Pic de la Morandole đã dám “chú thích Kinh thánh với tinh thần độc lập”. Trong lúc đó Ange Poli-tien trong các tác phẩm và trong các bài diễn giảng, đã góp sức rất nhiều vào sự phát huy tinh túy cổ học. Vào khoảng cuối thế kỷ XV, vì tình hình chính trị nên công cuộc vận động nhân văn chuyển qua Venise, do nhà xuất bản trứ danh là Alde Manuce I’Ancien bị loạn lạc, thì đại bản doanh của phong trào lại rút về Rome một lần nữa, cho đến khi “Thành phố Thánh” bị vây phá (Sac de Rome, 1527). Trong khi đó thì từ nước Ý, tư tưởng nhân văn được truyền khắp Tây Âu, qua Hòa Lan với học giả Erasme, qua Đức với J. Reuchlin, qua Pháp với Guilaume Bude. Ở Pháp, tư tưởng nhân văn sẽ có một địa điểm thuận tiện để biểu hiện vào tư trào Văn nghệ phục hưng, với học viện Collège de France thiết lập ở Paris vào khoảng 1530. Phái thi sĩ Văn tinh (la Pléiade) đại biểu cho tinh thần văn học sẽ rèn luyện cho văn học Pháp một lối thơ vừa tao nhã vừa uyên bác để phụng sự nước Pháp. Về văn xuôi, văn học thế kỷ thứ XVI, nước Pháp đã sản xuất được hai nhà văn vĩ đại. Rabelais đại biểu cho khuynh hướng của đầu thế kỷ, cho tinh thần tranh đấu nồng nàn và một lạc quan chủ nghĩa say sưa, ồn ào, một nhà nhân văn thứ hai đã có dịp suy nghĩ kỹ nhiều trên kinh nghiệm của các thế hệ trước, là Michel de Montaigne. Vào cuối thế kỷ XVI, Montaigne sẽ đưa ra một lối văn uyển chuyển, mềm mại, một tư tưởng hoài nghi, bao quát mọi học thuyết, mọi lý tưởng xưa và nay. Trong lúc người ta tán dương Platon hay Aristote, trong khi bọn này tán thành Giáo hội La Mã, bọn kia ủng hộ Luther và Calvin thì Montaigne chỉ thỏ thẻ một câu hỏi khe khẽ: “Que sais – je?” (Biết là tôi có biết gì không?” trong một nụ cười tủm tỉm. Nhưng nụ cười hoài nghi của Montaigne vẫn có ý nghĩa tìm tòi, phê bình, dọn đường cho tư tưởng mới, không phải là trùm mền ngủ kỹ như các nhà Agnosticisme (phái Bất khả tri luận) sau này.

Trên quá trình phát triển của chủ nghĩa nhân văn, tinh thần tranh đấu dần dần cũng thuần thục lại. Dưới ảnh hưởng phê bình của kinh nghiệm, những nét phức tạp càng ngày càng giản dị bớt, những cử chỉ ồ ạt lúc đầu sẽ nhuần lại và bao nhiêu ngóc ngách cũng được gọt giũa dần. Phong trào kém vẻ bạo dạn, nhưng mọi sự lố lăng, hỗn độn đã bị sa thải. Tư trào nhân văn đã đi đến chỗ thanh tao, nhã nhặn như một giòng nước chảy vào vùng đồng bằng dã thành một con sông rộng rãi, êm đềm, trong trẻo. Công trình nghiên cứu, phê bình, sáng tác của mấy thế hệ triết học, văn học, ngữ học và nghệ thuật đã chuẩn bị nền móng cho văn phái cổ điển sắp xuất hiện, Chủ nghĩa nhân văn tư bản đã phát triển đến hạn độ tối cao của nó.

Từ nửa thứ hai thế kỷ XIII cho đến thế kỷ XV, nước Ý là lực lượng trung kiên của chủ nghĩa nhân văn. Những bậc thiên tài trác tuyệt đã xuất hiện trong văn học và nghệ thuật, đại biểu cho khuynh hướng tiến bộ. Tác phẩm của họ đã in rõ nhãn hiệu của thời đại: tinh thần khoa học, tinh thần dân tộc và cá nhân chủ nghĩa. Camabue (1246-1032), Gioto (1266-1336) và Massacio hướng dẫn hội họa về với tinh thần tự nhiên của nghệ thuật Hy Lạp. Brunellesco (1367-1446) xây dựng lại nền nếp kiến trúc cổ điển, ngọn dao trổ của Nicolas de Pise hoàn hồn cho nghệ thuật điêu khắc, Ghiberti (1378-1455) Donatello (1386-1466) bước vào nghệ thuật tả chân. Những bức họa phong cảnh bắt đầu ra mắt công chúng. Luật viễn cận và họa khỏa thân đã được thông dụng trong hội họa để mô tả con người, từ cơ thể, nhan sắc, tinh thần của nhân vật cho đến khung cảnh hoạt động của đời sống. Nét mặt, cử chỉ, nếp áo trong họa phẩm muốn bộc lộ cả một tâm trạng, một tư cách, một cá tính riêng biệt. Nghệ thuật đã đẵm một vẻ nhục cảm, chan chứa ý vị trần tục, vật chất, chân thật chống lại lý tưởng thượng giới ngày xưa.

Nhờ sự gặp gỡ may mắn của cổ đại và hiện đại, của Á và của Âu, của văn hóa miền Nam và văn hóa miền Bắc, bao nhiêu ảnh hưởng, bao nhiêu phái hệ đã được tham bác lại, cọ xát nhau, sửa chữa cho nhau, hòa hợp cùng nhau, Do đó, nghệ thuật giàu hẳn lên và trẻ hẳn lại. Trong nền nghệ thuật mới, bao nhiêu tinh thần đã quy tụ: chủ nghĩa tự nhiên có tính chất chủ quan của nghệ thuật Gothique, tác phong trang nghiêm, lạnh lùng và kết cấu minh bạch, phân lượng cân xứng giữa tinh thần cổ điển, cái thâm trầm của tư tưởng miền Bắc cho đến chủ nghĩa thần bí của nghệ thuật Byzantin, di sản của Hy Lạp, La Mã, văn hóa Trung Cổ Pháp và mọi sự tiến bộ hiện đại về toán học, về y học, về lịch sử, đều có cống hiến cho nghệ thuật mới. Người ta đã nhận thấy ở đây tất cả cái nhiệt tình của thời đại, sự sáng suốt của khối óc, của cặp mắt vừa được mở rộng trước một vũ trụ mênh mông, thiên hình vạn tượng. Xu thế lịch sử đã chuẩn bị những điều kiện khách quan đầy đủ cho một lớp thiên tài mới có thể xuất hiện: Léonard de Vinci (1452-1519), Michel Ange (1475-1564), Le Corrège (1499-1534), Gior-gione (1477-1511), Le Titien (1477-1576). Nhưng nói đến nhân văn chủ nghĩa Ý, trước hết phải nói đến văn học. Mà nói đến văn học Ý là phải nhắc đến sự nghiệp của ba nhà văn hào có công nhiều hơn hết trong sự xây dựng nền văn học tân tiến: Dante, Pé trarque và Boccace.
Còn nữa...
 
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?