Sigmund Freud - Người khai phá những miền sâu của cảm xúc con người (P. III)
Freud coi những giấc mơ như là “con đường trực tiếp dẫn tới những hiểu biết về trạng thái vô thức”. Những giấc mơ là sự thực hiện một cách trá hình những mong muốn vô thức. Khi lý giải ý nghĩa của những giấc mơ thông qua một quá trình giải thích, Freud dựa vào sự khác biệt cơ bản giữa nội dung biểu hiện (giấc mơ như bản thân nó hay như khi được nhớ lại lúc tỉnh giấc) và nội dung tiềm tàng (những suy nghĩ – mơ một cách vô thức). Freud tin chắc rằng, sự giải thích thông qua việc liên tưởng tới những thành tố đặc biệt của nội dung hiển hiện trái ngược với quá trình hình thành giấc mơ. Công việc mơ là công việc mà trong đó, rất nhiều cơ chế bóp méo khác nhau hoạt động vào những phần còn lại của ngày (những nhận thức và suy nghĩ từ ban ngày trước khi giấc mơ được mơ) và những suy nghĩ – mơ tiềm tàng để làm nên những giấc mơ hiển hiện. Chủ nghĩa tượng trưng ít nổi bật trong lý thuyết về giấc mơ của Freud hơn là mọi người vẫn nghĩ. Thực vậy, phần nói về những biểu tượng chỉ xuất hiện ở phần bổ sung sau cùng của cuốn sách Lý giải những giấc mơ (1900). Freud dứt khoát loại bỏ phương thức lý giải cũ theo kiểu “cuốn sách giấc mơ”, tức là dưới dạng các biểu tượng cố định và ông tin chắc rằng, con người cần phải tìm lại ý nghĩa ẩn giấu của một giấc mơ thông qua những liên tưởng của mình (chứ không phải của người giải thích) đến những thành tố đặc biệt. Những liên tưởng như vậy là một phần của quá trình liên tưởng tự do, trong đó một bệnh nhân cần phải tường thuật lại cho nhà phân tâm học toàn bộ những suy nghĩ của mình mà không kiểm duyệt chúng dưới bất kỳ hình thức nào. Quá trình này là cái quyết định đối với phân tâm học, cái bao gồm cả kỹ thuật chữa bệnh bằng tâm lý lẫn phương pháp điều tra về hoạt động của tinh thần.
Freud sử dụng kết quả nghiên cứu của mình nhằm suy xét nguồn gốc của đạo đức, tôn giáo và quyền lực chính trị. Ông hướng tới việc tìm ra nguồn gốc lịch sử và tâm lý của chúng ở những giai đoạn sớm trong sự phát triển của cá nhân. Cái được Freud coi là yếu tố cần thiết mà một xã hội có trật tự cần đến để điều hành công việc của nó chính là sự hy sinh bản năng được yêu cầu bởi đạo đức và thường đạt được bởi sự kiềm chế. Mỗi nền văn minh đều có được nguồn năng lượng cho những thành tựu nghệ thuật và khoa học thông qua sự thăng hoa của những nỗ lực bản năng. Nhưng, cái mà mỗi xã hội, mỗi nền văn minh phải trả - sự thất vọng, sự bất hạnh và trạng thái rối loạn thần kinh chức năng – có thể là quá cao. Phương pháp chữa bệnh riêng biệt của Freud có nghĩa là dẫn tới việc giải phóng những năng lượng bị kiềm chế (cái sẽ không tự bảo đảm được hạnh phúc); ông hy vọng nó cũng có thể cung cấp năng lượng để làm biến đổi thế giới và điều hòa những nhu cầu quá đáng nhằm đạt đến sự kiềm chế. Nhưng ngay khi tâm lý học cá nhân của Freud được hình thành trên cơ sở sự không thể tránh được của xung đột nội tâm, trong tư tưởng về xã hội, ông đã nhìn thấy một số giới hạn (đặc biệt đối với sự gây hấn – bản năng chết hướng ra phía ngoài) tất yếu và thể hiện sự bi quan về cuộc đấu tranh bất tận và hiển nhiên mà lý trí tiến hành (Nền văn minh và sự bất mãn của nó, 1930).
Tóm lại, có thể nói, Freud đã có những cống hiến nhất định cho việc nghiên cứu quá trình tâm lý và chữa trị các trạng thái loạn thần kinh của con người, đặc biệt là phương pháp tự do liên tưởng, cách giải thích giấc mơ,... Tuy nhiên, trong việc giải thích các hiện tượng xã hội và lịch sử văn hóa, Freud đã mắc phải những sai lầm và điều này đã dẫn ông đến quan điểm của quyết định luận sinh vật, đi ngược lại quan điểm lịch sử. Chính là xuất phát từ những mâu thuẫn trong học thuyết của mình, nên cả lúc sinh thời, những giai đoạn sau đó và cho đến ngày nay, Freud và học thuyết của ông vẫn gặp phải những luồng tư tưởng khác nhau, cả thừa nhận, ủng hộ lẫn chối bỏ. Nhưng có một điều không thể phủ nhận được rằng, ảnh hưởng của học thuyết Freud đối với gần như toàn bộ nền văn hóa xã hội là rất lớn. Ông chính là người đã phát hiện ra những “vùng tối” của trí não con người mà trước đó, chưa ai làm được. Ngày nay, khoa học hiện đại, với những thành tựu vĩ đại của mình, đã có khả năng đi sâu, làm rõ bản chất của rất nhiều vấn đề hóc búa thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy vậy, đối với nó, cuộc sống tâm lý của con người với những miền sâu của cảm xúc, vẫn luôn là một điều bí ẩn.
Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, Freud đã để lại một số lượng lớn các tác phẩm mà cho đến nay, nội dung của chúng vẫn còn là đề tài nghiên cứu, thậm chí tranh luận giữa nhiều học giả. Đó là những công trình: Studies on Hysteria (1895, Nghiên cứu về Hysteria), The Interpretation of Dreams (1900, Lý giải những giấc mơ), The psychopathology of Everyday life (1901, Tâm lý học đời sống thường ngày), Three Essays on the Theory of Sexuality (1905, Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục), The Ego and the Id (1923, Tự ngã và bản ngã), Civilization and Its discontents (1930, Nền văn minh và sự bất mãn của nó), Moses and Monotheism (1939, Moses và độc thần giáo)…
(1) Dẫn theo: Phạm Minh Lăng. S.Freud và tâm phân học. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000, tr.47.
Đánh giá bài viết?