Tương quan giữa triết học và thần học theo Duns Scotus (P. I)

Như bất cứ triết học gia và thần học gia nào khác ở vào thời kỳ Trung cổ, Duns Scotus phải đối diện với một vấn đề quan trọng: vấn đề “tương quan giữa triết học và thần học.” Đặc biệt, ở vào thế kỷ thứ 13, khi mà học thuyết của Aristôte, -vốn nhấn mạnh đến vai trò ưu việt của lý trí -, đạt đến đỉnh cao của nó, thì vấn đề này trở nên quyết liệt hơn, đến nỗi Scotus xem đây là một cuộc tranh biện giữa hai hệ tư duy, tư duy của các nhà thần học và tư duy của các nhà triết học.[1] Trước khi đi vào chi tiết sự phân tích của Scotus, thiết nghĩ nội dung của cuộc tranh luận, qua mô tả của học giả Sondag, có thể giúp chúng ta có một khái niệm tổng quát về vấn đề trên,

 “Các triết gia chủ trương rằng thiên nhiên thì toàn hảo, và họ chối bỏ mọi điều thiện hảo siêu nhiên. Do chủ trương như thế, họ phải tuyên bố như một hệ luận là: không có tri thức siêu nhiên nào là cần thiết cho con người trong hiện trạng này cả, và con người có thể thu thập tất cả những kiến thức cần thiết cho nó bằng tác động duy nhất của các nguyên nhân tự nhiên. Ngược lại, các nhà thần học nhận ra được sự khiếm khuyết của tự nhiên, sự cần thiết của ân sủng và điều thiện hảo siêu nhiên.”[2]

Trong phần mở đầu của tác phẩm Ordinatio, Scotus đã phân tích sự khác biệt giữa hai khoa học này dựa trên ba điểm sau: đối tượng, mục đích và các nguyên tắc.[3]


I. Đối tượng của triết học và thần học:
Đối tượng của triết học nói chung là hữu thể, hữu thể xét như hữu thể (ens in quantum ens). Đây là đối tượng đầu tiên của lý trí con người: “Sed primum objectum intellectus nostri naturale est ens in quantum ens…””(Prima Pars, n.1, I, 2. 7-8). Được gọi là đầu tiên, vì lý trí không có thể biết một cái gì nào khác trước nó và đơn thuần hơn nó. Theo Scotus, tuy ens là một khái niệm đơn thuần, nhưng bao hàm một nội dung rất phong phú, bởi vì nó chỉ tất cả những gì có một “cái gì”(quid), cái mà sự hiện hữu của nó trong thực tế không bị bất cứ trở ngại nào có thể ngăn cản nó hiện hữu – trừ duy nhất một trường hợp gây trở ngại, đó là khi sự hiện hữu của nó thì nghịch lại với luật mâu thuẫn của luận lý, ví dụ như hình vuông tròn; tam giác bốn cạnh!- [4] Như vậy, khái niệm hữu thể trước tiên chỉ bản thể (quidditative) và khái niệm này áp dụng chung cho tất cả những gì hiện hữu. Do bởi tính chất ‘chung” (commune) này mà khái niệm “hữu thể” dẫn lý trí đến khái niệm “hữu thể vô cùng” (ens infinitum), nhờ vào phương pháp được gọi là “sự thiện toàn đơn thuần” (pure perfection), một phương pháp đã được thánh Anselmô sử dụng trong việc chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa của ngài.[5] Khái niệm ens infinitum này là khái niệm quy chiếu về hữu thể duy nhất được gọi là Thiên Chúa. [6] Mặc dù, đối với nhà triết học, khái niệm này là một khái niệm rỗng tuếch, không có nội dung, nhưng chính nhà thần học là người có thể đem lại cho khái niệm nầy một nội dung nhờ việc hiểu biết Mạc khải: trong Kinh thánh, Thiên Chúa mạc khải chính Người là “Đấng Hiện Hữu” (Xh 3: 14). 

Ở đây chúng ta thấy một tương quan hỗ tương giữa triết học và thần học: nhờ nhà triết học mà nhà thần học có thể nói về Thiên Chúa với một bản chất rõ ràng: Người chính là hữu thể vô cùng.[7] Đối tượng của thần học là Thiên Chúa trong bản thể duy nhất và riêng biệt đó của Người, là “bản thể này” (haec esentia), [8] nghĩa là một bản thể được xác định rõ ràng. Ở đây Scotus không qui chiếu về Thiên Chúa như “Người là, trong chính Người,” nhưng như Người mạc khải chính Người trong Kinh Thánh. Từ nay, thần học có đối tượng là “hữu thể vô cùng”: đây là khái niệm toàn hảo nhất mà trí óc con người có thể nghĩ đến.[9] Diễn tả cách khác, chỉ có thần học mới có khả năng nhận dạng “hữu thể vô cùng” như là khái niệm diễn tả cách hay nhất bản chất của Thiên Chúa. Như thế, tuy rằng đối tượng của cả triết học lẫn thần học là “hữu thể ”(ens), song, cách hiểu khái niệm này như là “hữu thể vô cùng”(ens infinitum) của thần học đã dẫn đến sự khác biệt nhau giữa chúng: triết học có khả năng đạt đến đối tượng của thần học nhờ vào lý trí; tuy nhiên, không có mạc khải, sẽ không có bất kỳ một sự hiểu biết đầy đủ, hoặc có chất lượng nào về đối tượng này cả, hay là sẽ không có bất kỳ đối thoại nào với đối tượng này. Cách hiểu này cũng đồng thời vừa khẳng định sự lệ thuộc của thần học vào triết học, vừa xác nhận tính ưu việt của thần học trên triết học. 

Triết học cung cấp cho thần học những khái niệm và các công cụ mang tính phương pháp, để rồi, tiếp theo đó, thần học mặc vào cho chúng những ý nghĩa thích hợp. Thần học là bộ môn duy nhất có khả năng chỉ cho triết học thấy các giới hạn của nó, bởi vì sự hiểu biết của đức tin thì siêu vượt sự hiểu biết của lý trí tự nhiên. Đối với Scotus, chính quan niệm của người Do thái và của người Kitô hữu về một Thiên Chúa cá vị là điều làm cho thần học khác biệt với triết học. Thiên Chúa không chỉ tự mạc khải bản tính của Người, mà Người còn dấn thân vào một cuộc đối thoại với con người trong lịch sử. Trong khi trào lưu triết học của thế kỷ 13 quá xem trọng việc bàn luận về những chân lý trừu tượng, tính chất tất yếu của các qui luật của thiên nhiên, tính thường hằng của vũ trụ…Scotus lại triển khai một cách hiểu biết về thực tại mang đậm tính chất “vô thường”, sự tự do, tính cá biệt. Nền tảng của việc ngài nhấn mạnh đến tính ưu việt của thần học trên triết học là việc ngài xem sự tự do như nền tảng trong và cho trật tự hoàn vũ. Nói cách khác, theo Scotus, trong khi nét đặc thù của triết học là bàn luận về các tương quan tất yếu và những khảo sát trừu tượng, thì nét biểu trưng của thần học là các hành vi tự do của mạc khải và giá trị của cái cụ thể. Như thế, cả hai lãnh vực đều có khả năng hổ trợ lẫn nhau, và làm cho thấy sự phong phú của thực tại, một thực tại vừa hữu hình vừa vô hình, vừa ở trong thời gian vừa siêu vượt thời gian. 
Còn nữa...
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?