Triết học Tây Âu thời Phục hưng - Cận đại
Khi bóng đêm của đêm trường Trung cổ bị những ánh
sáng bình minh của nền văn minh công nghiệp chiếu rọi thì Tây Âu đã có những bước
chuyển dữ dội, chuyển sang thời kỳ phục hưng, thời đại phục sinh những giá trị
của nền văn hoá cổ đại Hy La đã bị lãng quên trong nền chuyên chế phong kiến
kéo dài hàng nghìn năm ở Châu Âu.
Xét về bản chất kinh tế, thời kỳ phục hưng là giai
đoạn quá độ của PTSX TBCN. Đây là thời kỳ tích luỹ tư bản đầu tiên được mở rộng.
Người nông dân bị đuổi ra khỏi ruộng đất của họ, bạo lực của kẻ cường quyền đã
tách người lao động ra khỏi tư liệu sản xuất. Các công trường thủ công dần dần
át cách làm ăn kiểu phường hội phong kiến. Các chủ thủ công nghiệp ngày càng có
vị trí và vai trò quan trọng trong nền kinh tế, họ trở thành giai tầng mới nắm
giữ sức mạnh kinh tế - giai cấp tư sản; trong khi người nông dân do không còn
ruộng đất phải ra thành phố kiếm kế sinh nhai bằng cách làm thuê cho các công
trường, xưởng thợ. Họ là tiền thân của giai cấp vô sản sau này.
Chế độ phong kiến với nền sản xuất nhỏ và các đạo luật
hà khắc của nó đã bước vào giai đoạn lụi tàn. Phong trào chống phong kiến của
nông dân, thợ thủ công trào dâng khắp Châu Âu. Giai cấp tư sản trở thành kẻ đồng
minh. Người ta không chỉ đòi xoá bỏ đặc quyền, đặc lợi của giai cấp phong kiến,
những chướng ngại trên con đường phát triển theo xu hướng TBCN mà còn chĩa mũi
nhọn vào giáo hội La Mã, thành luỹ tinh thần của chế độ phong kiến. Đặc điểm của
phong trào đã ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đấu tranh tư tưởng lúc bấy giờ, bao gồm
cả sự phát triển của triết học. Thế giới quan của giai cấp tư sản thể hiện dưới
hình thức duy vật và vô thần này càng rõ nét.
Do đòi hỏi của thực tiễn sản xuất vật chất, các
ngành khoa học tự nhiên bắt đầu phát triển và đây cũng là thời kỳ gặt hái bội
thu về các thành tựu khoa học kỹ thuật như sử dụng năng lượng nước, dệt, khai mỏ,
luyện kim, chế tạo vũ khí, in ấn, hàng hải… Chẳng hạn với việc sử dụng năng lượng
nước đã cho phép thay thế dần sức người và sức súc vật trong sản xuất.
Chính sự phát triển của khoa học tự nhiên và kỹ thuật
đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho giai cấp tư sản trong cuộc đấu tranh chống
thần học và chủ nghĩa duy tâm.
Về mặt văn hoá, những tư tưởng triết học, những phát
kiến khoa học của thời cổ đại được khôi phục và phát triển. Các nhà tư tưởng
tiên tiến của thời đại phục hưng đặc biệt dương cao ngọn cờ nhân văn. Họ xem
con người là đối tượng nghiên cứu của triết học, những tư tưởng tốt đẹp về con
người của Protagore, Xocrate…trở thành tiền đề lý luận cho ước mơ giải phóng
con người. Các giá trị toán học của Talet, hình học của Euclide, những yếu tố
duy vật trong triết học của Epicure,..cũng dược xem xét và ghi nhận thoả đáng.
Triết học thời phục hưng có những đặc diểm chính sau
đây:
Thứ
nhất, triết học thời kỳ này là vũ khí lý luận của giai cấp
tư sản trong cuộc đấu tranh chống phong kiến và giáo hội.
Thứ
hai, tư tưởng của các nhà triết học phục hưng có tính hai mặt: vừa
có những tiến bộ nhưng còn chứa nhiều yếu tố duy tâm, luẩn quẩn với hình thức
“phiếm thần luận” hay “tự nhiên thần luận”.
Thứ
ba, triết học thời kỳ này gắn liền với vấn đề nâng cao giá trị khát vọng giải phóng con người.
Thứ
tư, triết học thời kỳ này là những tư tưởng xã hội học thấm nhuần
chủ nghĩa nhân văn.
Khác với thời phục hưng, thời cận đại (thế kỷ XVII -
XVIII) ở các nước Tây Âu là thời kỳ giai cấp tư sản đã dành được chính quyền,
PTSX TBCN được xác lập và trở thành PTSX thống trị, nó đã tạo ra những vận hội
mới cho khoa học, kĩ thuật phát triển mà trước hết là khoa hoc tự nhiên, trong
đó cơ học đã đạt được trình độ là cơ sở cổ điển. Khoa học tự nhiên thời kỳ này
mang đặc trưng là khoa học tự nhiên - thực nghiệm. Đặc trưng ấy tất yếu dẫn tới
“thói quen” nhìn nhận đối tượng nhận thức trong sự trừu tượng, tách rời, không
vận động, không phát triển, nếu có đề cập đến vận động thì là sự vận động máy
móc không phát triển.
Chính điều kiện kinh tế - chính trị và khoa học tự
nhiên thời cận đại đã quy định những đặc trưng về mặt triết học thời kỳ này:
Thứ
nhất, đây là thời kỳ thắng lợi của CNDV đối với CNDT, của
những tư tưởng vô thần đối với hữu thần.
Thứ
hai, CNDV thời kỳ này mang hình thức của CNDV siêu hình,
máy móc. Phương pháp siêu hình thống trị, phổ biến trong lĩnh vực tư duy triết
học và khoa học.
Thứ
ba, đây là thời kỳ xuất hiện những quan điểm triết học tiến bộ về
lĩnh vực xã hội, nhưng nhìn chung vẫn chưa thoát khỏi quan điểm duy tâm trong
việc giải thích xã hội và lịch sử.
Đánh giá bài viết?