Khái lược triết học Mỹ đương đại
DIÊU GIỚI HẬU (*)
Bài
viết trình bày một cách khái lược triết học Mỹ đương đại. Theo tác giả,
các học phái triết học Mỹ rất phong phú và đa dạng, thể hiện rõ nét
tính đa nguyên cũng như cục diện đối kháng giữa chủ nghĩa khoa học và
chủ nghĩa nhân văn trong triết học phương Tây hiện đại. Trong đó, tác
giả tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu, như triết học hậu phân tích,
triết học khoa học, triết học nhân văn châu Âu tại Mỹ và học thuyết luân
lý xã hội. Đồng thời, nhấn mạnh rằng, sự tăng cường nghiên cứu và trao
đổi học thuật về triết học Mỹ hiện đại có ý nghĩa quan trọng trên nhiều
phương diện.
Nước
Mỹ mới có 200 năm lịch sử. Dân tộc Mỹ là sự hợp thành của nhiều chủng
tộc di cư, triết học của họ thiên về thu nhận và dung hợp các thành quả
văn minh của thế giới, nhất là từ châu Âu. Nhìn từ góc độ lịch sử, triết
học Mỹ hình thành từ vùng ven của văn hoá châu Âu suốt một thời gian
dài, triết học thực dụng chủ nghĩa mang đặc trưng bản địa đích thực phải
đến cuối thế kỷ XIX mới ra đời. Triết học Mỹ hiện đại sau Chiến tranh
thế giới thứ hai trở thành một trong những nền triết học đóng vai trò
chính trên sân khấu triết học thế giới. Giới triết học Mỹ hiện nay có
lực lượng khá đông đảo, theo thống kê, số người làm triết học chuyên
nghiệp là 11316 người, có 219 xuất bản phẩm định kỳ về triết học, 660
trường cao đẳng và viện nghiên cứu có khoa triết học, tiến sĩ triết học
có 219 người. Trong dòng chính của triết học phương Tây hiện đại, triết
học Mỹ phát triển mạnh mẽ, không ngừng khái quát lý luận đối với thành
quả của cách mạng khoa học mới, phản ứng triết học nhanh nhậy trước mâu
thuẫn xã hội phương Tây, hấp thụ toàn diện triết học và văn hóa bên
ngoài, giữ gìn và điều chỉnh khéo léo tinh thần triết học truyền thống
bản địa, tạo ra không ít nhà triết học và học thuyết triết học mang tầm
thế giới. Nếu không tìm hiểu, nghiên cứu triết học Mỹ hiện đại, sẽ rất
khó có thể nghiên cứu một cách cặn kẽ toàn bộ diện mạo triết học và văn
hóa phương Tây hiện đại.
Các
học phái triết học Mỹ hiện đại rất phong phú và đa dạng, thể hiện rõ
nét tính đa nguyên cũng như cục diện đối kháng giữa chủ nghĩa khoa học
và chủ nghĩa nhân văn trong triết học phương Tây hiện đại. Nhìn từ xu
thế cơ bản của triết học, triết học Mỹ hiện đại mang bốn đặc điểm lớn
sau: thứ nhất, nước Mỹ chính là một “đại bản doanh” của triết học phân
tích hiện đại, bao gồm triết học ngôn ngữ và triết học khoa học giữ vai
trò chủ đạo, về sau nó chuyển biến thành học thuyết triết học hậu phân
tích với rất nhiều phân nhánh và sự phong phú. Thứ hai, triết học nhân
văn từ những năm 60 của thế kỷ trước trở về sau của châu Âu, như hiện
tượng học, chủ nghĩa hiện sinh, chú giải học, chủ nghĩa hậu hiện đại,
v.v. đã được truyền bá và nghiên cứu rộng rãi tại Mỹ, tạo nên một số
biến thể mới tích hợp được với các yếu tố văn hóa bản địa Mỹ. Thứ ba,
chủ nghĩa thực dụng từng bị triết học phân tích gạt khỏi địa vị trung
tâm; song, với tư cách cái thể hiện tinh thần triết học bản địa đặc sắc
Mỹ, nó đã phục hưng mạnh mẽ bằng cách thẩm thấu vào triết học phân tích
và Mỹ hóa triết học nhân văn châu Âu. Thứ tư, do mâu thuẫn của xã hội
phương Tây hiện đại bùng nổ, giới triết học Mỹ chú trọng nhiều đến
nghiên cứu các vấn đề đạo đức xã hội và triết học chính trị - xã hội
liên quan, phản tư các vấn đề thể chế xã hội và hệ thống giá trị đạo
đức, vì vậy, nó đã tạo nên một số học thuyết có ảnh hưởng quốc tế mạnh
mẽ.
1. Triết học hậu phân tích
Triết
học phân tích do Russell, Moore, Wittgenstein sáng lập đầu thế kỷ XX là
một dòng chủ đạo của triết học phương Tây trong suốt gần 100 năm, nó tự
cho mình là triết học của khoa học. Trong những năm 20 của thế kỷ
trước, trường phái Vienna với nhân vật tiêu biểu là Karnap đã xây dựng
chủ nghĩa kinh nghiệm lôgíc, mở ra cao trào triết học phân tích. Trong
những năm 30, do sự bức hại của chủ nghĩa phát xít, phần lớn thành viên
của trường phái Vienna đã di cư sang Mỹ, truyền bá và phát triển chủ
nghĩa kinh nghiệm lôgíc, và dần giành được địa vị chủ đạo vốn của chủ
nghĩa thực dụng. Những năm 50, chủ nghĩa kinh nghiệm lôgíc do nghiên cứu
một cách tách rời và tĩnh tại kết cấu lôgíc của tri thức khoa học, xa
rời con người và thực tế văn hóa xã hội, nên khi gặp phải sự tấn công
của cách mạng khoa học và những sự phê phán lý luận cả từ bên trong lẫn
bên ngoài, nó dần bước vào thời kỳ suy thoái. Đối với chủ nghĩa kinh
nghiệm lôgíc từ “khách biến thành chủ”, chủ nghĩa thực dụng bản địa Mỹ
đã giữ một thái độ rất mềm dẻo: vừa kiềm chế, phê phán vừa thừa nhận,
tiếp thu; đồng thời, tự thẩm thấu chính triết học phân tích, trở thành
nhân tố tư tưởng mạnh mẽ cho việc cải tạo triết học phân tích. Đặc sắc
cơ bản của triết học hậu phân tích Mỹ là tinh thần chủ nghĩa thực dụng
được dung nạp ở các mức độ khác nhau và khuynh hướng lý luận của mỗi học
thuyết cũng không đồng nhất.
Giáo
sư W.V.Quine của Đại học Harvard chính là người sáng lập nên triết học
phân tích cải tiến hiện đại ở Mỹ. Năm 1951, ông công bố tiểu luận Hai
giáo điều trong lý luận về kinh nghiệm, đánh đổ hai cột trụ lý luận lớn
của chủ nghĩa kinh nghiệm lôgíc, tức là phân chia rạch ròi mệnh đề phân
tích và mệnh đề tổng hợp với thuyết hoàn nguyên [1] của thực chứng ý
nghĩa [2], gây chấn động mạnh đối với giới triết học phân tích quốc tế.
Ông sáng tạo nên một loại chủ nghĩa thực dụng lôgíc để cải tạo triết học
phân tích, đề xướng sử dụng toàn bộ lý luận kinh nghiệm của chủ nghĩa
thực dụng để nghiên cứu một cách sống động và biện chứng về tri thức
khoa học, phản đối khẩu hiệu sai lầm “thải loại tất cả siêu hình học”
trong truyền thống phân tích, tái khẳng định vai trò quan trọng của bản
thể luận triết học trong xây dựng và phát triển lý luận khoa học. Ông
khơi dậy hàng loạt các học thuyết thừa nhận bản thể luận đa nguyên chân
lý, chủ nghĩa hành vi, triết học ngôn ngữ của chủ nghĩa tự nhiên, nguyên
tắc không chính xác của ngôn ngữ dịch, v.v. có màu sắc chủ nghĩa tương
đối rất rõ rệt. Từ những năm 60 về sau, học thuyết của ông có ảnh hưởng
trực tiếp tới triết học phân tích và triết học khoa học Mỹ, dấu ấn tư
tưởng của ông cũng dễ dàng được nhận thấy trong văn hóa Mỹ hiện đại. Sau
ông, xoay quanh vấn đề cơ bản của triết học, triết học hậu phân tích Mỹ
có khuynh hướng phân hóa thành thực tại luận và phản thực tại luận.
Có
hai nhân vật đại biểu cho khuynh hướng thực tại luận. D.H.Davidson là
học trò của W.V.Quine, ông thừa nhận lý luận kinh nghiệm và quan niệm
khoa học mang tính chỉnh thể và sống động của Quine, nhưng phê phán chủ
nghĩa tương đối của Quine. Ông nghiên cứu lý luận về chân lý, xây dựng
bản thể luận ngôn ngữ và “nhất nguyên luận biến dịch” mang khuynh hướng
thực tại luận, hình thành “cương lĩnh Davidson” rất có ảnh hưởng trong
giới triết học phân tích. Nội dung cơ bản của nó là: chân lý khoa học
lấy niềm tin làm căn cứ mang tính kinh nghiệm, ý nghĩa của chúng là ở
“phép tắc tự nhiên”, người ta có chung ngôn ngữ và niềm tin, tức là họ
có cùng một hình ảnh về thế giới chung, khách quan. Học trò xuất sắc thứ
hai là giáo sư S.A.Kripke của Đại học Princeton cũng là nhà lôgíc học
nổi tiếng. Học thuyết “thế giới khả năng” có liên quan tới ngữ nghĩa học
của lôgíc mô thái [3] do ông sáng lập được sử dụng rộng rãi trong giới
lôgíc học quốc tế. Ông kiên trì quan điểm mang đặc tính chủ nghĩa bản
chất, cho rằng truyền thống phân tích hoàn toàn sai lầm khi chỉ thừa
nhận tính tất yếu lôgíc của cái tiên nghiệm và coi các mệnh đề khoa học
kinh nghiệm chỉ là cái có tính hoặc nhiên hay ngẫu nhiên, toàn bộ tri
thức khoa học đều là những nhận thức mang tính tất yếu và bản chất về
các sự vật thực tại. Ông cho rằng, “mệnh đề” hay nhận thức của con người
chính là một quá trình mang tính xã hội truyền bá những mắt xích nhân
quả, cần phải sử dụng quan điểm lịch sử vận động để nghiên cứu tri thức
khoa học.
Đại
biểu chính của khuynh hướng phản thực tại luận là R.M.Rorty, người tạo
nên sự trỗi dậy với hình tượng kẻ phản nghịch của triết học phân tích từ
cuối thập niên 70, hiện nay là giáo sư Đại học Virginia. Ông đã xuất
bản Triết học và tấm gương phản chiếu tự nhiên, Hậu quả của chủ nghĩa
thực dụng, v.v. đề xướng một loại chủ nghĩa thực dụng mới có thể dung
hợp với chủ nghĩa nhân văn châu Âu để cải tạo căn bản triết học phân
tích, có ảnh hưởng rộng rãi ở phương Tây. Ông cho rằng, toàn bộ các dòng
triết học chính trước đây đều lấy tiền đề chia đôi tâm vật hay chủ
khách, dựa vào trục nhận thức luận để nghiên cứu về nền tảng tri thức và
nền tảng bản chất của thế giới khi mài giũa cái “tấm gương phản chiếu
tự nhiên” của tâm trí con người, để tạo nên đủ thứ “hệ thống triết học
kiểu tấm gương phản chiếu” và “chủ nghĩa nền tảng” (triết học là nền
tảng của mọi tri thức - ND.). Ông muốn đánh sập hoàn toàn thứ triết học
“kiểu tấm gương phản chiếu” và thành lập cái gọi là “triết học gợi mở”
của chủ nghĩa thực dụng, coi toàn bộ tri thức và hoạt động văn hóa của
con người như là trò chơi ngôn ngữ mang tính chỉnh thể, kinh nghiệm hành
vi mang tính xã hội thích nghi với hoàn cảnh, chỉ có như thế mới có thể
tiến vào thời đại “cách mạng triết học” trong nghiên cứu toàn cảnh hoạt
động văn hóa và đời sống của con người.
Sự
phát triển của triết học hậu phân tích hiện đại ở Mỹ đã thúc đẩy việc
nghiên cứu các môn khoa học mới, như triết học ngôn ngữ, lôgíc hiện đại,
lý luận khoa học về nhận thức hay triết học về tâm trí, v.v. hình thành
nên không ít các học thuyết mới có giá trị. Các học thuyết này liên
quan chặt chẽ tới các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và tin học. Trong
đó, nổi bật nhất là lý luận triết học ngôn ngữ của giáo sư A.N.Chomsky
thuộc Học viện kỹ thuật Massachusetts. Ông không thuộc vào dòng chính
của triết học phân tích mà là một ngọn cờ riêng biệt, sáng lập lý luận
sinh thành ngữ pháp, được công nhận như là người thầy lớn của ngôn ngữ
học lý thuyết hiện đại. Học thuyết của ông đã dẫn dắt phương hướng
nghiên cứu ngôn ngữ học lý thuyết phương Tây gần 30 năm và chứa đựng
những giá trị ứng dụng mang tính dẫn dắt rất cao đối với lý luận tin
học, dịch thuật tự động, v.v.. Từ những năm 70 về sau, ông lại đi sâu
nghiên cứu triết học tâm trí, cho rằng năng lực đầu óc và ngôn ngữ là
thứ thiên phú di truyền vốn có của con người. Triết học của ông chính là
sự kết hợp tuyệt vời giữa chủ nghĩa duy lý hiện đại với chủ nghĩa tự
nhiên sinh vật học. Ông cũng là một nhà bình luận chính trị rất quan tâm
đến hiện thực xã hội, đã xuất bản một số tác phẩm bình luận chính trị,
phê bình thể chế quan liêu và chủ nghĩa bá quyền của chính phủ Mỹ.
2. Triết học khoa học
Khoa
học triết học nghiên cứu về quy luật và tính hợp lý của sự phát triển
của khoa học. Trong bối cảnh cách mạng khoa học - kỹ thuật phát triển
mạnh mẽ, giới triết học Mỹ hiện đại rất quan tâm khai thác lĩnh vực này.
Khuynh hướng lý luận cơ bản của nó là phê phán chủ nghĩa kinh nghiệm
lôgíc, dưới ảnh hưởng trực tiếp của triết học hậu phân tích, chú trọng
vận dụng quan điểm chỉnh thể luận, liên hệ chặt chẽ với các nhân tố lịch
sử và văn hóa xã hội, nghiên cứu trong trạng thái động quá trình lịch
sử của sự phát triển khoa học và kết cấu nội tại của nó. Hình thành ba
trường phái chính, mỗi trường phái đều đem lại những thành quả nghiên
cứu đáng học hỏi.
Từ
năm 1962, giáo sư T.S.Kuhn thuộc Học viện kỹ thuật Massachusetts đã
xuất bản một số công trình, như Kết cấu của cuộc cách mạng khoa học,
v.v. sáng lập trường phái chủ nghĩa lịch sử. Ông cũng là một nhà lịch sử
khoa học nổi tiếng. Với tài liệu lịch sử phong phú, ông trình bày sự
phát triển của khoa học như một quá trình lịch sử chuyển đổi từ “mô hình
chuẩn” sang sự thay đổi lẫn nhau giữa tập trung, tích luỹ tri thức và
sáng tạo mới, với một kết cấu sống động. Mô hình chuẩn không hề là những
công thức lôgíc không biến đổi, mà là những mô hình tri thức tổng hợp
mang bối cảnh thế giới quan và chịu sự quy định của các loại nhân tố văn
hóa xã hội. Dưới ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng W.V.Quine, ông cho rằng
về bản chất mô hình chuẩn là một “công cụ nhân tạo” dùng để giải quyết
các vấn đề khó, các mô hình khoa học khác nhau đều có các ngôn ngữ khoa
học mang sự thừa nhận và ý nghĩa bản thể luận không giống nhau, ví như
các phương ngữ khác nhau thì có “tính không thể thông ước”, nó cho thấy
khuynh hướng tương đối trong chủ nghĩa thực dụng của ông. Sau khi ra
đời, học thuyết của Kuhn đã ảnh hưởng rộng khắp giới triết học khoa học
quốc tế. Các học thuyết “nghiên cứu truyền thống” của Larry Laudan hay
học thuyết chủ nghĩa đa nguyên của Paul Karl Feyerabend ở Mỹ đã điều
chỉnh và phát triển thêm học thuyết của Kuhn, đều thuộc vào trường phái
này.
Bắt
đầu từ những năm 70, Giáo sư D.Shapere đã xuất bản nhiều tác phẩm, như
Lý tính và sự tìm kiếm hiểu biết (Reason and the Search for Knowledge),
v.v. để tranh luận với chủ nghĩa tương đối của Kunh, thành lập trường
phái chủ nghĩa lịch sử mới với Đại học Maryland làm trung tâm. Ông cho
rằng sự hình thành khoa học trong mỗi thời đại vừa không giống nhau, vừa
có những “vùng” (chuyên đề, phân nhánh hay bộ môn khoa học) liên kết
lẫn nhau, chúng không ngừng phân chia rồi hợp nhất, biến đổi, đi sâu,
làm cho chỉnh thể khoa học trở thành một hệ thống quy tắc của sự biến
đổi, vận động. Ông phê phán chủ nghĩa tương đối của Kunh, cho rằng cách
mạng khoa học đã tạo nên những sự biến đổi sâu sắc của các “vùng”, nhưng
loại biến đổi này lại là sự tiến bộ khoa học lấy những liên hệ nhân quả
của “lý tính” làm cơ sở, chứa đựng sự hợp lý. Tuy vậy, theo ông, chân
lý chỉ là tính có thể chấp nhận được của các niềm tin khoa học trong một
điều kiện lịch sử nhất định, quan niệm về chân lý của chủ nghĩa thực
tại có thể bổ sung lẫn nhau với chủ nghĩa công cụ khái niệm của chủ
nghĩa thực dụng, đây chính là mảnh đất chủ nghĩa tương đối còn sót lại.
Thực
tại luận được hình thành giữa những năm 70 đến nay đã trở thành một
trường phái có ảnh hưởng mạnh mẽ, đại biểu chính của nó là nhà triết học
nổi tiếng H.Putnam của Đại học Harvard. Từ 1975 về sau, Putnam đã xuất
bản một số công trình, như Lý tính, chân lý và lịch sử, v.v.. Ông có
nhiều sáng kiến và đóng góp trong quá trình phát triển triết học hậu
phân tích, xây dựng nên cương lĩnh triết học của thực tại luận khoa học.
Theo Putnam, ngôn ngữ khoa học biểu đạt sự vật thực tại, quy tắc lý
luận khoa học trong quá trình phát triển mang tính chỉnh thể không ngừng
tiếp cận tới chân lý của thực tại; nhận thức khoa học hình thành và
phát triển trong thực tiễn xã hội của sự tương tác, liên hệ nội tại giữa
chủ khách thể; tiến bộ khoa học có tiêu chuẩn giá trị khách quan và
chức năng xã hội to lớn. Ông chỉ rõ: khoa học là sự thống nhất của chân
và thiện, nó đã thực hiện những giá trị vô cùng to lớn trong cách mạng
công nghiệp và hiện đại hóa xã hội, cần phải kết hợp chặt chẽ giữa con
người và thực tiễn phát triển xã hội, định hướng theo những giá trị hợp
lý, không ngừng thúc đẩy sự nghiệp cách mạng khoa học - kỹ thuật. Từ
thập niên 90 về sau, ông cũng phần nào tiếp thu quan điểm của chủ nghĩa
thực dụng về ý nghĩa và giá trị của khoa học. Thực tại luận khoa học
ngày nay phát triển phong phú, ví dụ như các học thuyết mới của
R.N.Boyd, I.Hacking, C.Hook và M.A.Bunge (Canada).
Triết
học khoa học Mỹ hiện đại đều có quan điểm nghiên cứu sự phát triển của
khoa học và giá trị của nó trong mối liên hệ chặt chẽ với các nhân tố
lịch sử và văn hóa xã hội. Từ thập niên 80 trở lại đây, nó thúc đẩy phát
triển một môn khoa học mới mang tính tổng hợp là “khoa học, kỹ thuật và
xã hội” (viết tắt là STS). Khoa học chính là “lực lượng sản xuất hàng
đầu” cho sự phát triển xã hội, cách mạng khoa học - kỹ thuật đang thúc
đẩy những sự biến đổi sâu sắc trên các lĩnh vực xã hội, đồng thời nó
cũng sinh ra một số hiệu ứng phụ cần được nghiên cứu để ngăn ngừa. Môn
khoa học mới mang tính tổng hợp này có nội dung nghiên cứu rộng rãi, như
quan hệ giữa khoa học - kỹ thuật với kinh tế, sản xuất kinh doanh, giáo
dục, văn hóa, v.v.. Ngày nay, có nhiều trường đại học ở Mỹ đã thành lập
cơ quan nghiên cứu “STS” và giảng dạy các môn học liên quan, thành lập
học hội “STS” toàn Mỹ, hàng loạt các nhà triết học khoa học Mỹ đã đạt
được những kết quả học thuật rất đáng chú ý về các mặt lý luận, lịch sử,
chiến lược phát triển của việc triển khai nghiên cứu “STS”. Xu thế
nghiên cứu này rất đáng để chúng ta tìm hiểu, học hỏi.
3. Triết học nhân văn châu Âu tại Mỹ
Nhà
triết học Đức Husserl đã khai sáng phong trào hiện tượng học vào đầu
thế kỷ XX, cùng với triết học phân tích trở thành hai dòng lớn có vai
trò không kém gì nhau của triết học phương Tây 100 năm gần đây. Chủ
nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hậu kết cấu, thuyên tích học, v.v. đều bắt
ngồn từ hai dòng triết học này. Triết học nhân văn châu Âu nhấn mạnh
nghiên cứu giá trị của con người và xã hội. Tuy nhiên, nó lại không được
giới triết học Mỹ quan tâm nhiều vào giai đoạn những năm 50 về trước.
Họ cho rằng, nó không phải là khoa học, thậm chí coi nó là một mớ “loạn
ngôn mất trí”. Từ những năm 60 về sau, do xã hội phương Tây bùng nổ các
vấn đề mâu thuẫn xã hội, tha hóa con người và khủng hoảng văn hóa, triết
học nhân văn châu Âu dần dần có được chỗ đứng tại Mỹ, qua nỗ lực nghiên
cứu và truyền bá của M. Farber, A.T. Tymieniecka, S.A. Spielberg và
W.A. Kaufmann; thành lập được nhiều học hội và trung tâm nghiên cứu, trở
thành các môn học phổ biến trong trường đại học. Ngày nay, nó đã trở
nên khá thịnh hành, đồng thời dung hợp với chủ nghĩa thực dụng và tạo
lập nhiều loại học thuyết mới. Đầu thế kỷ XX, Sigmund Freud đã sáng lập
học thuyết phân tích tâm lý, được tiếp nhận sớm và nhanh ở Mỹ, có ảnh
hưởng sâu rộng đến khoa học xã hội nhân văn Mỹ. Đại học Yale, Đại học
Tây Bắc và Viện nghiên cứu khoa học xã hội mới New York chính là những
trung tâm chính nghiên cứu triết học nhân văn châu Âu tại Mỹ.
Giáo
sư M. Farber - học trò của Husserl ở Đại học Buffalo, đã sáng lập một
trường phái riêng tách khỏi chính người thầy của mình, hiện tượng học
của chủ nghĩa tự nhiên, hỗn dung các nhân tố tư tưởng duy vật luận và
chủ nghĩa thực dụng. A.Schutz và một số người khác cố gắng kết hợp hiện
tượng học và tâm lý học chủ nghĩa thực dụng trong nghiên cứu triết học
xã hội. Trường phái của A.T.Tymieniecka bảo vệ hiện tượng học chính
thống, “Trung tâm thúc đẩy nghiên cứu hiện tượng học quốc tế” và ấn phẩm
Niên giám hiện tượng học của bà có ảnh hưởng lớn trong giới triết học
quốc tế. Sau những năm 60, ở Mỹ rất thịnh hành chủ nghĩa hiện sinh của
Martin Heidegger (Đức), đồng thời cũng xuất hiện một số loại triết học
hiện sinh mới kiểu Mỹ. J.D.Wild (1902-1969) đã sáng lập triết học hiện
sinh hiện tượng học, dung hợp chủ nghĩa hiện sinh của Heidegger, học
thuyết thế giới sống của Husserl, kinh nghiệm luận của chủ nghĩa thực
dụng và thực tại luận của chủ nghĩa duy tâm cổ điển, đồng thời có ý dùng
loại triết học này để xóa bỏ cái gọi là chiến tranh “thế giới” giữa
“thế giới” khoa học và “thế giới” nhân văn trong triết học phương Tây
hiện đại. Triết học hiện sinh của William Barrett nhiệt thành tô vẽ con
người phi lý tính, cho rằng chủ nghĩa lý tính từ thời Khai sáng đến nay
đã đưa tới khủng hoảng văn minh phương Tây hiện đại. Ông đã phê bình một
cách sắc xảo đối với văn minh kỹ thuật phương Tây và sự tha hóa của con
người dưới thể chế xã hội kỹ thuật hóa cao độ. Tuy nhiên, ông lại quy
kết mâu thuẫn trong xã hội phương Tây thành xung đột giữa lý tính kỹ
thuật và tự do của con người, khuyến khích hô hào tự do cá nhân của chủ
nghĩa phi lý tính có thể loại bỏ khủng hoảng của văn minh phương Tây.
Paul Tillich thì sáng lập một loại triết học hiện sinh Kitô giáo mới,
khuyến khích vận dụng “dũng khí hiện sinh” như là giá trị tự do phương
Tây vào việc khắc phục khủng hoảng tinh thần phương Tây và thông đạt với
Thượng đế siêu việt. Hans-Georg Gadamer sáng lập chú giải học triết học
Đức, Paul Ricoeur sáng lập chú giải học hiện tượng học Pháp và Jacques
Derrida sáng lập chủ nghĩa hậu cấu trúc Pháp đều trở thành những giáo sư
thỉnh giảng của Đại học Chicago và Yale nước Mỹ. Sau những năm 70, chú
giải học và chủ nghĩa hậu cấu trúc rất thịnh hành ở Mỹ, nhưng chủ yếu là
truyền bá và nghiên cứu chứ không sản sinh ra học thuyết mới nào mang
đặc sắc Mỹ và có ảnh hưởng rõ rệt.
Bác
sĩ tâm lý E.Fromm, người Ashkenazi (người Do Thái ở Bắc – Đông – Trung
Âu thời trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai) di cư, từ những năm
50 đến những năm 70 với khối lượng tác phẩm lớn đã xuất bản, như Chiếm
hữu hay tồn tại hay Xã hội kiện toàn, v.v. đã sáng lập một loại triết
học xã hội nhân đạo chủ nghĩa, nổi tiếng ở phương Tây, có ảnh hưởng tư
tưởng rộng rãi. Ông dung hợp phân tích học tinh thần của Sigmund Freud
với học thuyết tha hóa của C.Mác thời kỳ đầu, dùng bản năng tâm lý nội
tại của con người để giải thích động lực của lịch sử xã hội, phê phán
sâu sắc hình thái ý thức giả tạo và nhân tính tha hóa của trạng thái phi
nhân tính trong xã hội tư bản chủ nghĩa, quyết định thông qua việc thực
thi giá trị luân lý chủ nghĩa nhân đạo, đặc biệt là truyền bá tinh thần
yêu thương để loại bỏ nguồn gốc tha hóa của xã hội phương Tây, xây dựng
một xã hội lành mạnh nhân đạo hóa.
Chủ
nghĩa hậu hiện đại là trào lưu văn hóa và triết học mang tính tổng hợp
thịnh hành ở phương Tây hiện đại, ra đời ở Mỹ và Pháp trong những năm
60, đến những năm 80 phổ biến khắp phương Tây rồi truyền bá ra toàn thế
giới. Dòng tư tưởng này tương đối hỗn tạp, dưới cái ô “hậu hiện đại” là
các kiểu học thuyết đa dạng. Linda Hutcheon và một vài người khác đã
sáng lập văn học hậu hiện đại chủ nghĩa tại Mỹ, về sau mở rộng dần thành
một dòng tư tưởng triết học và văn hóa xã hội. Học giả người Mỹ Daniel
Bell với các tác phẩm nổi tiếng Bước vào xã hội hậu công nghiệp hay Mâu
thuẫn văn hóa của chủ nghĩa tư bản, v.v. được coi là người tiên phong
của phong cách nghiên cứu “hậu hiện đại”. Ông tuyên bố, do tri thức và
công nghệ thông tin có vai trò chủ đạo trong xã hội hiện đại, xã hội hậu
công nghiệp mà phương Tây đã tiến vào chứa đựng rất nhiều đặc trưng mới
lạ. Sự chia cắt của ba cơ chế chính: kinh tế, chính trị và văn hóa
trong xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại đã khiến ông đưa ra chủ nghĩa bảo
thủ văn hóa mới, mong muốn phục hồi đồng thời đổi mới đạo đức truyền
thống, qua đó cải tạo văn hóa phương Tây, xây dựng lại trình tự đạo đức
xã hội. Triết học chủ nghĩa hậu hiện đại Pháp có chủ nghĩa hậu cấu trúc,
bao gồm học thuyết giải trừ cấu trúc của Jacques Derrida, nó chống lại
“chủ nghĩa trung tâm logos” (biệt danh của nền siêu hình học phương Tây -
ND.), phủ định địa vị chủ thể trung tâm của con người, tuyên bố “con
người đã chết”. Tương ứng là học thuyết “văn hóa hậu triết học” tại Mỹ,
học thuyết này chống lại chủ nghĩa nền tảng, muốn dung hợp chủ nghĩa
thực dụng của John Dewey với triết học phân tích Anh và triết học nhân
văn châu Âu. Học thuyết này coi văn hóa hậu hiện đại chính là “văn hóa
hậu triết học”, chân lý không hề có tính khách quan mà chỉ là sự thỏa
hiệp của niềm tin, các văn hóa hậu triết học đều là kinh nghiệm hành vi
thích nghi với hoàn cảnh sống, văn hóa xã hội bộc lộ giá trị dân chủ và
tự do phương Tây, triết học không còn là nền tảng và trung tâm của tri
thức nữa, nó chỉ còn là cái nằm ở vùng ven của những đối thoại văn hóa
mang tính đa nguyên và tự do, giữ vai trò bình luận và tư vấn mà thôi.
Học thuyết “văn hóa hậu triết học” điển hình cho chủ nghĩa tương đối văn
hóa. Nhà mácxít mới F.Jameson thuộc Đại học Duke có thái độ phê bình
đối với chủ nghĩa hậu hiện đại. Ông cho rằng, chủ nghĩa Mác vẫn là lý
luận phân tích xuất sắc nhất về chủ nghĩa tư bản; rằng, văn hóa chủ
nghĩa hậu hiện đại, về thực chất, chính là lôgíc văn hóa của chủ nghĩa
tư bản giai đoạn cuối. Jameson chỉ rõ đặc trưng của “hậu hiện đại” là
các nước phát triển phương Tây bước vào giai đoạn chủ nghĩa tư bản đa
quốc gia hóa bùng nổ toàn cầu, văn hóa hậu hiện đại là biểu hiện về mặt
kiến trúc thượng tầng của cái khuynh hướng mới thống trị trong kinh tế
này, sự phân liệt về mặt tinh thần giữa cái Tôi và xã hội chính là đặc
trưng cơ bản của nó. Chế độ nền tảng và mâu thuẫn căn bản của xã hội tư
bản ngày nay vẫn không hề thay đổi, tuy nhiên trong bối cảnh cách mạng
khoa học - kỹ thuật và toàn cầu hóa kinh tế, trên một loạt khía cạnh như
địa vị của tri thức, sự bành trướng của tư bản, kết cấu xã hội hay hình
thái văn hóa, v.v. thực sự đã xuất hiện rất nhiều đặc trưng và mâu
thuẫn mới đáng được đi sâu nghiên cứu, và đó chính là ý nghĩa của việc
chúng ta nghiên cứu chủ nghĩa hậu hiện đại.
4. Học thuyết luân lý xã hội
Nội
dung song trùng của nghiên cứu luân lý học xã hội: nguyên tắc luân lý
mà thể chế xã hội hàm chứa và hệ thống giá trị đạo đức xã hội tương ứng
với cái luân lý chứa đựng trong thể chế. Nó có liên quan chặt chẽ với lý
luận kinh tế và triết học chính trị. Từ những năm 70 về sau, nó trở
thành một học thuyết nổi tiếng trong giới triết học quốc tế. Chủ nghĩa
tự do, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vị lợi [4] là các giá trị luân lý
chính của xã hội phương Tây từ thời cận đại. Do mâu thuẫn nội tại của
chế độ nền tảng trong xã hội, chế độ chính trị, kinh tế cũng như giá trị
luân lý tương ứng với chúng của nước Mỹ hiện đại không ngừng được điều
chỉnh, biểu hiện về mặt vận hành chính trị là sự cạnh tranh và luân
chuyển giữa chủ nghĩa bảo thủ mới và chủ nghĩa tự do mới. Khi đó, khủng
hoảng đạo đức xã hội ngày càng nặng nề hơn, và trong bối cảnh như vậy
nghiên cứu luân lý học xã hội được giới triết học Mỹ rất quan tâm, hình
thành nên ba học thuyết có ảnh hưởng quốc tế rộng rãi.
Giáo
sư triết học J.Rawls thuộc Đại học Harvard đã cho in cuốn sách nổi
tiếng Bàn về chính nghĩa vào năm 1970, gây chú ý mạnh mẽ ở phương Tây,
được ca ngợi là lý thuyết kinh điển quan trọng nhất sau Chiến tranh thế
giới thứ hai. Lý thuyết chính nghĩa của ông, về thực chất, là một loại
chủ nghĩa tự do mới. Rawls đưa ra lý luận về cam kết xã hội mới của
những con người lý tính lựa chọn nguyên tắc chính nghĩa, phê bình chủ
nghĩa vị lợi trong truyền thống phương Tây; về chính trị, ông đưa ra
“nguyên tắc tự do của bình đẳng” để cải thiện chế độ dân chủ lập hiến
phương Tây; về kinh tế, ông đưa ra “nguyên tắc sai biệt”, đối mặt với
vấn đề xã hội phân cực giàu nghèo, muốn nhà nước thông qua “tái phân
phối” để sự phân phối tài nguyên và của cải xã hội công bằng hơn với
người nghèo. Ông cũng luận giải hệ thống giá trị đạo đức và giáo dục đạo
đức đảm bảo cho sự ổn định của một “xã hội chính nghĩa”, đây chính là
một học thuyết đạo đức của chủ nghĩa thực dụng. Rawls đã xây dựng thể
chế cơ bản của một “xã hội chính nghĩa”, chính là phiên bản hiện đại của
“vương quốc lý tưởng” với các giá trị tự do, bình đẳng và bác ái mà các
nhà tư tưởng Khai sáng phương Tây cận đại đã thiết kế. Lý thuyết chính
nghĩa của ông cho thấy rõ sự thực về sự xung đột giữa công bằng và hiệu
quả, phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng chính trị, v.v. trong xã hội
phương Tây; đồng thời, lập luận về ý nghĩa phổ biến và nội dung đạo đức
luân lý của kinh tế thị trường, cũng như sớm chỉ ra sự “hoàn toàn thích
hợp với nhau” giữa chế độ xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường. Đây là
những vấn đề ít nhiều có giá trị hay có thể học hỏi nhất định.
Giáo
sư triết học Robert Nozick thuộc Đại học Harvard đã cho in cuốn sách
nổi tiếng Trạng thái vô chính phủ, nhà nước và đất nước lý tưởng vào năm
1974, trong đó đưa ra một kiểu học thuyết luân lý xã hội của chủ nghĩa
cá nhân cực đoan – chủ nghĩa tự do, tranh luận kịch liệt với lý thuyết
chính nghĩa của John Rawls, gây được sự chú ý. Ông dùng học thuyết về
cam kết xã hội của chủ nghĩa cá thể tự do để giải thích về sự ra đời
quốc gia dân tộc và bản chất của chính phủ, đưa ra thuyết “chính phủ tối
thiểu”, cho rằng thể chế chính trị lý tưởng phải là “nhà nước trọng
tài”[5], nó chỉ có chức năng hạn hẹp nhất là bảo vệ quyền và lợi ích cá
nhân. Ông chủ trương bỏ mặc kinh tế thị trường tự do, phản đối mọi hoạt
động can thiệp, khống chế hay điều tiết của nhà nước, phản đối các loại
“chủ nghĩa phân phối lại”, đưa ra quan niệm chính nghĩa về phân phối
trong “chủ nghĩa tư cách ”, cho rằng cá nhân có tư cách hưởng thụ toàn
bộ tài sản có được qua sản xuất và trao đổi, quyền tư hữu thần thánh đối
với tài sản là không thể bị xâm phạm. Tranh luận giữa John Rawls và
Robert Nozick, về thực chất, là sự phản ánh trên khía cạnh hình thái lý
luận của cuộc tranh chấp giữa chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa phúc lợi,
chủ nghĩa bảo thủ mới và chủ nghĩa tự do.
Giáo
sư người Anh di cư - A.MacIntyre của Đại học Duke đã in nhiều tác phẩm,
như Mặt trái đức tính, v.v. đưa ra học thuyết luân lý cộng đồng lấy đức
tính làm chỗ dựa, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ ở Bắc Mỹ và Tây Âu. Ông vạch
rõ nguồn gốc lý luận của khủng hoảng đạo đức phương Tây hiện đại chính
là sự lan tràn khắp nơi từ thời cận đại của hai loại luân lý chính: chủ
nghĩa tình cảm (bao gồm chủ nghĩa vị lợi) và chủ nghĩa cá thể tự do.
Chúng xóa nhòa tính thống nhất của cá nhân và xã hội, tạo nên sự thịnh
hành của chủ nghĩa tương đối đạo đức và chủ nghĩa hoài nghi đạo đức,
khiến đạo đức bị gạt ra lề của văn hóa xã hội, đánh mất chức năng của
vai trò trung tâm trong văn hóa. Ông nhấn mạnh phải kế thừa và phát huy
đạo đức truyền thống lịch sử, nhất là chủ nghĩa đạo đức của Arixtốt thời
Hy Lạp cổ đại, xây dựng lại đức tính của con người và xã hội, làm cho
giá trị tập thể (gia đình, thành thị, đất nước, dân tộc, v.v.) thống
nhất với tự do cá nhân. Thể chế xã hội chính nghĩa trong tư duy của ông
coi cái thiện cộng đồng ưu tiên tập thể là nguyên tắc luân lý cơ bản,
nhấn mạnh chức năng điều tiết, khống chế của nhà nước trong việc phân
phối lợi ích, tổ chức thực hành “chính trị công ích”. Học thuyết kiểu
này gần gũi với quan điểm “con đường thứ ba” và “chủ nghĩa xã hội dân
chủ”. Chủ nghĩa tập thể hiện nay đã trở thành dòng tư tưởng có ảnh hưởng
khá mạnh mẽ trong giới chính trị và học thuật. Các đại biểu đang phát
huy học thuyết này tại Bắc Mỹ có Taylor, Walzer, Sandel, Miller, v.v..
Tạp chí Tập thể phụ trách số ra mùa đông đã đăng Chính cương của chủ
nghĩa tập thể phụ trách: quyền lợi và trách nhiệm, tuyên ngôn của 50 học
giả và nhà chính trị. Họ định dùng học thuyết này chỉ đạo xử lý mọi vấn
đề xã hội, đạo đức, pháp luật hiện nay; tổ chức thực hành một loại “con
đường thứ ba” mà thủ tướng đương nhiệm của nước Anh gọi là “chủ nghĩa
tập thể trở thành chất gây men cho sự phục hưng của phe cánh tả châu
Âu”.
Ngoài
các dòng triết học thuộc bốn khía cạnh khác nhau kể trên, triết học Mỹ
hiện đại còn có nhiều học thuyết đa dạng trên các lĩnh vực. Chủ nghĩa
Mác vẫn duy trì sức sống mạnh mẽ trên đất Mỹ, các tổ chức học thuật của
nó vẫn hoạt động không ngừng, Đại học Minnesota chính là thủ đô của nó.
Tại Đại hội triết học thế giới lần thứ XX, Boston tháng 8/1998, các tổ
chức và hội viên triết học Mác của Mỹ hoạt động rất tích cực. Họ chú ý
nhiều đến việc nghiên cứu sự phát triển mới của chủ nghĩa Mác sau khi
Liên Xô giải thể. Chủ nghĩa Mác phương Tây tại Mỹ cũng có các học thuyết
mới, chủ yếu là chủ nghĩa Mác phân tích và chủ nghĩa Mác sinh thái.
Trên một số lĩnh vực khoa học quan trọng có liên quan chặt chẽ đến sự
phát triển xã hội, như luân lý kinh tế, triết học sinh thái, luân lý
sinh thái, luân lý sự sống, triết học nữ quyền, v.v. triết học hiện đại
Mỹ có nhiều thế mạnh và thành tựu. Liên quan đến nghiên cứu triết học
Trung Quốc, về đội ngũ nghiên cứu thì Mỹ mạnh nhất trong các nước phương
Tây, hầu hết các trường đại học nổi tiếng đều có trung tâm nghiên cứu
Đông á hay Hán học. Một số học giả gốc Hoa tại Mỹ cũng có vai trò quan
trọng trong việc truyền bá và nghiên cứu triết học truyền thống của
Trung Quốc, như chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Harvard – Yenching - giáo
sư Đỗ Duy Minh là một trong các Tân Nho gia tiêu biểu thế hệ thứ tư.
Gần đây, ông quan tâm nghiên cứu các vấn đề Nho giáo Trung Quốc, quan
niệm giá trị châu á, mô hình phát triển Đông á. Các học giả người Mỹ
cũng ngày càng quan tâm nghiên cứu triết học truyền thống của Trung
Quốc, ví dụ như “Tân Nho gia Boston” tại Đại học Boston. Các học giả
Trung Quốc trẻ tuổi đang học tập tại Mỹ gần đây đã thành lập “Hiệp hội
các nhà triết học Trung Quốc tại Bắc Mỹ”, cố gắng đối thoại và nghiên
cứu triết học Đông – Tây, và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động
của “Hiệp hội triết học Mỹ” - tổ chức triết học lớn nhất nước Mỹ.
Bước
vào thế kỷ XXI, dự báo xu thế chính của triết học Mỹ hiện đại không có
biến đổi lớn. Trong cục diện triết học đa nguyên hóa, hai dòng chủ nghĩa
khoa học và chủ nghĩa nhân văn sẽ có nhiều hơn sự đối thoại và dung hợp
mang tính cục bộ, nhưng không thể xóa bỏ hoàn toàn trạng thái đối đầu.
Nước Mỹ đề cao khoa học và kinh nghiệm, đề cao hiệu quả thực dụng mang
tính vị lợi. Trên các lĩnh vực khoa học triết học, giới triết học Mỹ sẽ
tăng cường nghiên cứu lý luận cơ bản và lý luận ứng dụng về các vấn đề
liên quan chặt chẽ đến hiện thực xã hội, như khoa học - kỹ thuật, kinh
tế, chính trị, văn hóa. Nước Mỹ là một “siêu cường” của phương Tây hiện
nay, triết học của nó có vai trò và tác dụng rất rõ ràng trong văn hóa
phương Tây. Trước đây, khi nghiên cứu và trao đổi học thuật về triết học
phương Tây, chúng ta nghiêng về Tây Âu, còn với triết học Mỹ hiện đại
mới chỉ có những nghiên cứu rời rạc, thiếu những nghiên cứu đi sâu mang
tính chỉnh thể; hoạt động trao đổi học thuật cũng không ít, nhưng chưa
có kế hoạch mang tính mục đích và tính chỉnh thể. Tăng cường nghiên cứu
và trao đổi học thuật về triết học Mỹ hiện đại có ý nghĩa quan trọng
trên các phương diện: nghiên cứu hiện trạng và xu hướng văn hóa xã hội
phương Tây đem lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị; trong sự đối
mặt với sự tấn công của văn hóa phương Tây trong bối cảnh toàn cầu hóa,
nó giúp tìm ra đối sách phát triển văn hóa tương ứng.
TRẦN THÚY NGỌC dịch
Nguồn: Tạp chí Triết học, số 1 (236) năm 2011.
Bản điện tử: http://vientriethoc.com.vn
Nguồn: Tạp chí Triết học, số 1 (236) năm 2011.
Bản điện tử: http://vientriethoc.com.vn
(*) Giáo sư, tiến sĩ, Viện Triết học, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
[1] Đưa về gốc, trả về gốc.
[2] Thuyết hoàn nguyên được đề ra thông qua thực chứng ý nghĩa của chủ nghĩa kinh nghiệm hiện đại. ý nghĩa của câu nói hoàn toàn bị quyết định bởi chứng cứ nào khiến nó trở thành chân thực. Hiểu một cách sơ lược thì một từ ngữ muốn có ý nghĩa, bắt buộc phải là một danh từ của chất liệu cảm giác (trực tiếp nhất, gốc nhất của tư duy con người), hoặc là phức hợp của các danh từ đó, hoặc là sự rút gọn của phức hợp danh từ đó. Về sau, nó được hiểu phức tạp hơn là thứ triết học có nhiệm vụ quy định một cách tường tận thứ ngôn ngữ dựa trên chất liệu cảm giác, đồng thời cũng chỉ rõ làm thế nào để các bộ phận còn lại của những bàn luận ý nghĩa cũng dần dần quy về ngôn ngữ của chất liệu cảm giác (ND.).
[3] Lôgíc mô thái hay còn gọi là lôgíc nội hàm là một dạng của lôgíc hình thức, mở rộng tầng nấc của lôgíc hình thức để chứa thêm một số yếu tố của dạng thức (ví dụ tính khả năng hoặc tính cần thiết). Ví dụ, “John hạnh phúc” là sự thực, chúng ta có thể hình dung sự thực này bằng cách nói “John rất hạnh phúc”, trong ví dụ trên từ “rất” sẽ là dạng thức. Xét về cấu trúc, lôgíc mô thái là thứ lôgíc xử lý tính chân lý của các phán đoán dùng những dạng thức hạn định như “có thể”, “hoặc là”, “nhất định”, “bắt buộc”, v.v.. Đặc trưng của lôgíc mô thái có thể mô tả bằng “tính nội hàm” của ngữ nghĩa: giá trị chân thực của một công thức phức tạp không thể bị quyết định bởi giá trị chân thực của các công thức con. Các mệnh đề của mô thái không thể dùng ngữ nghĩa ngoại diên để hình thức hoá được. Ví dụ: “G.Bush là tổng thống Mỹ” và “2 + 2 = 4” đều có giá trị chân thực, nhưng “G.Bush bắt buộc là tổng thống Mỹ” mang giá trị giả dối, còn “2 + 2 bắt buộc = 4” lại vẫn có giá trị chân thực (ND.).
[4] Chủ nghĩa vị lợi (công lợi, duy lợi, thực lợi, thực tế hay hiệu quả) là một lý luận trong triết học đạo đức, đề ra việc theo đuổi “hạnh phúc lớn nhất” (maximum happiness). Các nhà triết học tiêu biểu là John Stuart Mill, Jeremy Bentham, v.v. (ND.).
[5] Hay “canh phu quốc gia” là nhà nước cầm canh, nhà nước chỉ đóng vai trò nhắc nhở, trọng tài.
[1] Đưa về gốc, trả về gốc.
[2] Thuyết hoàn nguyên được đề ra thông qua thực chứng ý nghĩa của chủ nghĩa kinh nghiệm hiện đại. ý nghĩa của câu nói hoàn toàn bị quyết định bởi chứng cứ nào khiến nó trở thành chân thực. Hiểu một cách sơ lược thì một từ ngữ muốn có ý nghĩa, bắt buộc phải là một danh từ của chất liệu cảm giác (trực tiếp nhất, gốc nhất của tư duy con người), hoặc là phức hợp của các danh từ đó, hoặc là sự rút gọn của phức hợp danh từ đó. Về sau, nó được hiểu phức tạp hơn là thứ triết học có nhiệm vụ quy định một cách tường tận thứ ngôn ngữ dựa trên chất liệu cảm giác, đồng thời cũng chỉ rõ làm thế nào để các bộ phận còn lại của những bàn luận ý nghĩa cũng dần dần quy về ngôn ngữ của chất liệu cảm giác (ND.).
[3] Lôgíc mô thái hay còn gọi là lôgíc nội hàm là một dạng của lôgíc hình thức, mở rộng tầng nấc của lôgíc hình thức để chứa thêm một số yếu tố của dạng thức (ví dụ tính khả năng hoặc tính cần thiết). Ví dụ, “John hạnh phúc” là sự thực, chúng ta có thể hình dung sự thực này bằng cách nói “John rất hạnh phúc”, trong ví dụ trên từ “rất” sẽ là dạng thức. Xét về cấu trúc, lôgíc mô thái là thứ lôgíc xử lý tính chân lý của các phán đoán dùng những dạng thức hạn định như “có thể”, “hoặc là”, “nhất định”, “bắt buộc”, v.v.. Đặc trưng của lôgíc mô thái có thể mô tả bằng “tính nội hàm” của ngữ nghĩa: giá trị chân thực của một công thức phức tạp không thể bị quyết định bởi giá trị chân thực của các công thức con. Các mệnh đề của mô thái không thể dùng ngữ nghĩa ngoại diên để hình thức hoá được. Ví dụ: “G.Bush là tổng thống Mỹ” và “2 + 2 = 4” đều có giá trị chân thực, nhưng “G.Bush bắt buộc là tổng thống Mỹ” mang giá trị giả dối, còn “2 + 2 bắt buộc = 4” lại vẫn có giá trị chân thực (ND.).
[4] Chủ nghĩa vị lợi (công lợi, duy lợi, thực lợi, thực tế hay hiệu quả) là một lý luận trong triết học đạo đức, đề ra việc theo đuổi “hạnh phúc lớn nhất” (maximum happiness). Các nhà triết học tiêu biểu là John Stuart Mill, Jeremy Bentham, v.v. (ND.).
[5] Hay “canh phu quốc gia” là nhà nước cầm canh, nhà nước chỉ đóng vai trò nhắc nhở, trọng tài.
Đánh giá bài viết?