Đôi lời về đức trị và pháp trị

Trong lịch sử Trung Quốc có hai trường phái trị nước: pháp trị và đức trị. Nhờ một nền pháp trị khốc liệt Tần Thủy Hoàng đã thẳng tay trừng trị các nhà Nho theo thuyết đức trị của Khổng giáo và thống nhất được một đất nước rộng lớn. Sau khi cách mạng thắng lợi Mao Trạch Đông đã lựa chọn pháp trị, ca tụng Tần Thủy Hoàng, tán thành phê Lâm phê Khổng trong Đại Cách mạng văn hóa.

Nhưng ở nước ta, Hồ Chí Minh bằng tấm gương đạo đức của bản thân đã chinh phục được trái tim và khối óc của nhân dân cả nước, thuyết phục được các sĩ phu yêu nước cũ điển hình là Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại và tầng lớp trí thức tân học theo Người. Thực hiện đức trị, trong suốt thời kháng chiến chống Pháp, Người chỉ xử tử có một người: Trần Dụ Châu. Vì sao đức trị có thể thực hiện trong thời gian đó? Một là trên chiến khu, đời sống mọi người kham khổ như nhau, nên đức trị còn có tác dụng. Hơn nữa, Hồ Chí Minh lại là tấm gương sáng chói của nền đức trị đó. Song trong lịch sử có lẽ Hồ Chí Minh thuộc lớp người cuối cùng được đào tạo cơ bản để có được những đức tính trong sáng và cao đẹp của người trị nước theo đúng Nho giáo. Thực vậy ngay từ tuổi nhỏ cậu bé Nguyễn Tất Thành đã sống trong nền nếp gia đình của một nhà nho thanh bạch, cụ phó bảng là người đã thấm nhuần tư tưởng của Khổng Mạnh đối với người trị nước là tu tề trị bình và dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Cũng vì Khổng Tử về cơ bản là người duy vật không tin ở quỷ thần nên Hồ Chí Minh đã đi tới chủ nghĩa Mác một cách tự nhiên, như biết bao nhà nho yêu nước và trí thức đã đi theo Người.


Một thời gian dài chúng ta đã trị nước bằng chỉ thị và nghị quyết. Nhưng từ rất sớm (1956) một luật sư nổi tiếng đã lên tiếng cảnh báo về sự cần thiết phải cai trị theo pháp luật. Sau khi đường lối đổi mới đi vào cuộc sống, xã hội Việt Nam đã thực sự phân hóa về giai tầng, về quyền lợi, nhất là sau khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, những mối quan hệ chằng chịt trong nước lại đan xen phức tạp với các mối quan hệ quốc tế, thì dứt khoát nền đức trị cổ truyền đã chấm hết vai trò lịch sử của nó, và nay chỉ một nền pháp trị cứng rắn bất vị thân mới có khả năng giải quyết đúng đắn các mối quan hệ xã hội phức tạp hiện nay. Chính vì vậy mà Quốc hội khóa XI đã tập trung xây dựng những luật cơ bản.

Tất nhiên một nền pháp trị mới đòi hỏi mọi công dân từ người thứ dân bình thường cho tới người lãnh đạo cao nhất của đất nước phải theo một nền đạo đức mới. Nhưng nền đạo đức mới đó là gì? Có phải chỉ tóm gọn nó trong một câu: Sống và làm việc theo pháp luật là đủ không? Cùng với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi tha thiết đề nghị các vị học giả và trí thức mới hãy tiếp sức cùng nhau suy nghĩ, sớm đề ra một nền đạo đức mới để giáo dục giới trẻ nước nhà, vì chỉ có giáo dục từ nhỏ ngay từ tuổi mẫu giáo và tiểu học thì mới vững bền. Đối với người lớn, tính cách con người đã hình thành khó mà thay đổi, ngoài mặt thì dạ dạ vâng vâng nhưng trong đầu nghĩ gì ai mà biết được! Tất nhiên nền đạo đức mới phải kế thừa và chắt lọc những tinh hoa của truyền thống dân tộc, của nền triết học phương Đông cũng như những thành tựu vĩ đại của nền triết học phương Tây kể từ Thế kỷ ánh sáng.

Chú thích ảnh: Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa do Quốc hội Khóa I, kỳ họp thứ hai bầu ra tháng 11-1946

Nguyễn Văn Chiển
Tạp chí Tia sáng
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?