John Locke - Cuộc đời và tác phẩm
Sinh cùng năm với Spinôza, Locke là một trong những tên tuổi có ảnh hưởng nhiều nhất đến xã hội Anh và Tây Âu thời đại các cuộc cách mạng tư sản. Ông là người con tinh thần của thỏa hiệp năm 1688, nhưng lại là người khởi xướng tư tưởng nhà nước pháp quyền tư sản. Locke sinh trưởng trong gia đình Thanh giáo. Bố ông, một trạng sư và là chủ trang trại, từng gia nhập quân đội Cromwell trong thời nội chiến. Cách mạng tư sản Anh, với những diễn biến phức tạp và đầy rẫy xung đột của nó, khiến Hobbes liên tưởng đến trạng thái “chiến tranh của tất cả chống lại tất cả”, hay “người với người là chó sói”, còn Locke thì cảm nhận ở đó sự kỳ vọng của con người vào một trật tự chính trị mang tính dung hòa, nhằm duy trì truyền thống trong một “xã hội công dân”. Locke học tại Đại học Oxford vào thời kỳ chuyên chính Cromwell, sau đó được giữ lại trường giảng dạy. Tại đây ngoài triết học ông quan tâm đến hóa học thực nghiệm, thiên văn học, và đặc biệt là y học. Năm 1688 Locke trở thành thành viên Hội khoa học tự nhiên hoàng gia Luân Đôn.
Là đại biểu của trường phái kinh nghiệm Anh, Locke nhấn mạnh vai trò của quan sát, mô tả, thực nghiệm như điểm xuất phát của nhận thức khoa học. Ông đề cao vai trò của khoa học tự nhiên thực nghiệm, mô tả, phê phán hình thức tri thức kinh viện và “ý niệm bẩm sinh” của Descartes, vì theo ông, chỉ có khoa học thực nghiệm mới làm bộc lộ những đặc tính bản chất của đối tượng.
Từ khi trở thành bác sỹ riêng và gia sư của bá tước A. Shaftesbury, đứng đầu phái chống đối vua Charles II và đảng bảo hoàng thân nhà vua (năm 1687), Locke tích cực tham gia hoạt động chính trị, nắm giữ nhiều cương vị cao trong bộ máy chính phủ. Chính trong thời kỳ này Locke bắt đầu tập trung nghiên cứu các vấn đề triết học và tư tưởng chính trị, công bố một số bài viết về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo. Do bất đồng với giới cầm quyền, Locke buộc phải sống lưu vong tại Pháp và Hà Lan trong một thời gian dài, chỉ trở về Anh sau sự biến 1688, mà sử sách gọi là “cuộc cách mạng quang vinh”, một cuộc cách mạng diễn ra từ bên trên, kết quả của sự dung hòa giữa giai cấp tư sản và quý tộc mới, tạo nên chính thể quân chủ lập hiến, với ưu thế chính trị và thực quyền thuộc về nghị viện, còn nhà vua là biểu tượng của nhà nước. Sau khi trở về nước (năm 1689) Locke bắt tay vào việc công bố hàng loạt tác phẩm của mình.
Chủ đề chính và mối quan tâm trước tiên của triết học Locke là nhận thức luận, sau đó là các vấn đề tôn giáo, đạo đức, chính trị, xã hội. Là đại biểu lớn thứ ba của chủ nghĩa kinh nghiệm duy vật Anh thế kỷ XVII, Locke tiếp tục truyền thống Bacon và gắn chủ nghĩa kinh nghiệm với duy cảm luận (sensualism, sensationalism). Ngoài Bacon, trong nhận thức luận Locke còn chịu ảnh hưởng của Gassendi), Bayle, Newton v.v.. Tác phẩm triết học chủ yếu của Locke – “Khảo luận (kinh nghiệm) về lý trí con người” (1690) là một công trình đồ sộ, kết quả nghiên cứu suốt 20 năm. Liên quan đến tác phẩm này có một số tác phẩm nhỏ như “Về việc sử dụng lý trí”(1706),“Tìm hiểu ý kiến của cha Malebranche về việc nhìn thấy các sự vật trong Thượng đế” (1694)… Locke còn được biết đến như một chiến sỹ đấu tranh chống chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo, chống thần quyền, đề cao quyền tự do tín ngưỡng, thể hiện qua bốn bức thư về khoan dung tôn giáo (1685 – 1692). Trong “Tính hợp lý (lý tính) của Kitô giáo” (The reasonableness of Christianity,1685) Locke theo tinh thần đạo Tin Lành cố gắng tách học thuyết chân chính về Christ khỏi sự xuyên tạc nó bởi Nhà thờ và các nhà thần học thời sau.
Nếu trong tôn giáo Locke thiên về khuynh hướng “làm gần Chúa với con người”, thì trong đạo đức ông chú trọng đến những giá trị mang tính thực dụng, thậm chí xem những vấn đề đạo đức qua lăng kính toán học. Trong các giá trị đạo đức, tự do là giá trị thiêng liêng nhất. Tuy nhiên đạo đức như một khoa học chưa được Locke xác lập một cách có hệ thống.
Quan điểm chính trị – xã hội của Locke thể hiện trong “Hai khảo luận về chính thể nhà nước” (Two treatises of government, 1690). Trong khảo luận đầu tiên Locke bác bỏ quan điểm lỗi thời về quyền lực tuyệt đối của nhà vua. Khảo luận thứ hai bàn đến học thuyết về nền quân chủ lập hiến đại nghị, thưc chất là quan điểm chính trị của Locke, được hiện thực hóa sau chính biến 1688 – 1689. Cũng xuất phát từ quyền tự nhiên và “khế ước xã hội”, nhưng Locke không theo quan điểm chuyên chế như Hobbes, mà nhấn mạnh các quyền cơ bản của con người trong xã hội – quyền sống, quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, đặc biệt là quyền sở hữu.
Nói một cách vắn tắt Locke là bác sỹ xét về mặt học vấn, là nhà triết học, nhà kinh tế, nhà chính trị, xét về năng lực, sự cống hiến và về tầm hoạt động thực tiễn của ông.
Tư tưởng triết học của Locke ảnh hưởng sâu rộng đến tư tưởng triết học – chính trị Anh và Tây Âu. Các nhà khai sáng Pháp, mà Montesquieu là một trong những người mở đường, đón nhận Locke, xem ông như bậc tiền bối của lý luận về nhà nước pháp quyền hiện đại.
Triết học+
Tổng hợp
Đánh giá bài viết?