Sự ra đời của Kitô giáo và triết học Kitô giáo

Theo sử liệu học, sự sụp đổ của chế độ chiếm hữu nô lệ được đánh dấu bằng sự kiện Tây bộ La Mã tan rã vào năm 476 (thế kỷ V). Tuy nhiên, nếu nói đến hình thức tư duy Trung cổ, cần hướng đến thế kỷ I, tức thời điểm Kytô giáo ra đời và dần dần khuếch trương ảnh hưởng của mình thông qua các Giáo phụ, những người tiên phong truyền bá tư tưởng Kinh thánh Kytô giáo trong nhiều thế kỷ.

Để hiểu bối cảnh lịch sử dẫn đến sự ra đời hình thức tư duy trung cổ, cần tính đến trước tiên đặc điểm các quan hệ xã hội dưới chế độ chiếm hữu nô lệ, phương  thức sản xuất, chính sách cai trị tàn bạo của đế quốc La Mã.


Dưới chế độ chiếm hữu nô lệ, ngay cả trong thời kỳ hưng thịnh nhất là thời kỳ nền dân chủ chủ nô, giai cấp nô lệ, vốn chiếm số đông trong xã hội (chẳng hạn số lượng nô lệ chiếm hơn ¾ dân số Athènes vào thời kỳ chấp chính của Périclès), không được đối xử như con người, mà chỉ đáng xem là “công cụ biết nói”, sẵn sàng bị đem bán hay làm thú tiêu khiển, bị hành hạ không thương tiếc. Vì thế những cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra, có khi lên đến hàng chục ngàn nô lệ, đẩy xã hội đến tình thế khủng hoảng nghiêm trọng.  Alếchxăngđơ Đại đế mở rộng ảnh hưởng của thế giới Hy Lạp ra bên ngoài thông qua những cuộc viễn chinh đẫm máu (Hy Lạp hóa lần thứ nhất), song vẫn không làm dịu bớt bầu không khí ngột ngạt, xuất phát từ bản chất của chế độ chiếm hữu nô lệ. Sau khi Alếchxăngđơ qua đời thế giới Hy Lạp càng lún sâu vào khủng hoảng. Năm 143 TCN Hy Lạp bị La Mã thôn tính về chính trị. Mặc dầu vậy người La Mã vẫn tự xưng là học trò của Hy Lạp ở phương diện văn hóa, khoa học, triết học, nghệ thuật. Tiếng Hy Lạp vẫn được sử dụng làm ngôn ngữ chung của toàn khu vực đế quốc. Sử sách gọi hiện tượng mày là “Hy Lạp hóa” lần thứ hai – Hy Lạp hóa văn hóa La Mã, nghĩa là kẻ đi chinh phục lại bị chính phục.
  
Lúc này trong sinh hoạt tôn giáo đa thần giáo là hình thức thống trị. Ách cai trị tàn bạo của người La Mã, những bế tắc trong cuộc sống con người, sự thất bại của những nỗ lực cải cách chính trị trong khuôn khổ chế độ chiếm hữu nô lệ, sự đổ vỡ các giá trị … khiến cho lòng tin của các tín đồ đa thần giáo bị lung lay nghiêm trọng. Trong điều kiện đó sự ra đời và phổ biến các tôn giáo nhất thần từ phương Đông vào đế quốc La Mã, ở chính nơi giao tiếp nhiều nền văn hóa, tôn giáo, đã đánh thức sự kỳ vọng của con người vào Đấng tối cao duy nhất, chứ không phải vào nhiều vị thần, và vào những phép nhiệm màu, nhằm xoa dịu nỗi đau thân xác và sự dằn vặt tinh thần nơi họ. Trong số các tôn giáo nhất thần Kytô giáo (Christianity), do Giêxu (Jesus), một người Do Thái sinh tại Paléxtin sáng lập, được truyền bá nhanh chóng và mãnh liệt hơn cả. Về mặt tín ngưỡng nó đã làm đảo lộn truyền thống của người Hy Lạp, La Mã. Về mặt chính trị, nó thách thức chế độ cai trị phản nhân văn thời bấy giờ. Sự ra đời của Kytô giáo là một hiện tượng có tính cách mạng trong đời sống tinh thần của xã hội, bởi lẽ, thứ nhất, ở buổi đầu lịch sử Kytô giáo là tôn giáo của người nghèo, của quần chúng bị áp bức, và với tính cách đó nó tuyên truyền lối sinh hoạt dân chủ, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, sang hèn, nên được đại chúng tin theo. Thứ hai, Kytô giáo trở thành thứ liệu pháp tâm lý, tinh thần, an ủi con người, gieo vào lòng họ niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp mai sau. Có được lòng tin ấy, họ sẵn sàng đương đầu với những bi kịch cuộc đời, chờ ngày phán xử và được cứu chuộc bởi “Đấng cứu chuộc” là Đức Chúa Kytô. Thứ ba, Kytô giáo thể hiện sự phản kháng của con người đối với tách thống trị tàn bạo của đế quốc La Mã. “Tòa án khủng khiếp” được dựng lên là nhằm kết tội đế quốc La Mã; “Ngày tận thế” (hai hình ảnh được nhắc đến trong Kinh Thánh nhằm xác định sự kết thúc một chu kỳ của loài người) ngầm hiểu là ngày tàn của chế độ chiếm hữu nô lệ. Kytô giáo góp phần đẩy nhanh sự suy vong của chế độ chiếm hữu nô lệ, là chế độ đến lúc đó đã tận dụng hết những giá trị của mình, trở thành lực cản đối với tiến trình lịch sử.

Ròng rã trong ba thế kỷ Kitô giáo bị đàn áp đẫm máu vì những nguyên cớ giáo lý và động cơ chính trị của thế lực cầm quyền. Tư tưởng dân chủ, bình đẳng theo giáo lý Kitô bị xem như sự thách thức quyền uy của kẻ thống trị, còn những buổi hành lễ vào ban đêm bị gán cho âm mưu bạo loạn. Điều đáng ngạc nhiên là tôn giáo mới đó càng bị đàn áp lại càng khuếch trương ảnh hưởng của mình trong cộng đồng dân cư, tác động đến cả tâm lý của kẻ đi đàn áp. Đến đầu thế kỷ IV chính quyền La Mã bắt đầu thay đổi thái độ đối với Kitô giáo. Các hoàng đế La Mã, trong đó có Côngxtăngtin (Constantinus), tuyên bố chấm dứt những cuộc tàn sát và hợp pháp hóa Kitô giáo vào các năm 311 và 313. Từ đó bắt đầu phong trào cải đạo theo tôn giáo mới, thu hút cả những người đứng đầu chính quyền và những người giàu có. Được bảo trợ bởi nhà nước đang đi dần vào quỹ đạo phogn kiến, Kitô giáo tiếp tục đấu tranh vì mục tiêu lớn hơn – quốc giáo. Năm 324 mục tiêu này đã đạt được. Năm 325 Nhà thờ toàn cõi Kitô giáo ra đời, công bố biểu tượng và thuyết giáo chính thức. Từ đó trở đi Kitô giáo trở thành  thế lực lớn trong một thế giới khủng khiếp – thế giới của “đêm trường trung cổ”, thần quyền thậm chí lấn át cả thế quyền.   
 
Cuộc tấn công của các sắc tộc man di chỉ là sự chứng thực tất yếu cho cái chết khó tránh khỏi của một hình thái kinh tế – xã hội không còn phù hợp với nhu cầu phát triển chung.
Sưu tầm
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?