Phương pháp luận của Thomas Hobbes

Chủ nghĩa kinh nghiệm như một trào lưu (thậm chí có thể gọi là khuynh hướng) gắn liền với các thành quả của khoa học tự nhiên thực nghiệm, được hình thành tại Italia và Hà Lan ngay từ thế kỷ XVI, tại Anh thế kỷ XVII. Là trung tâm kinh tế và văn hóa châu Âu, nước Anh cũng là nơi khai sinh ra chủ nghĩa kinh nghiệm duy vật Anh, gắn liền với tên tuổi Bacon. Hobbes tiếp tục truyền thống đó, nhưng thực hiện những điều chỉnh cần thiết dưới tác động của cơ học và xu thế toán học hóa tư duy. 

        Trong quan niệm về nguồn gốc của tri thức Hobbes tiếp tục bảo vệ duy cảm luận, mà quan điểm cốt lõi của nó là “không có cái gì trong trí tuệ, nếu không có trước hết trong cảm giác”, hoặc “ không có bất kỳ khái niệm nào trong trí tuệ con người, nếu không được sinh ra trước tiên, toàn bộ hay từng phần, trong các cơ quan cảm giác” (Sđd, tr. 50). Nhận thức con người về thực chất được bắt đầu từ cảm giác, bởi lẽ nếu không có các  cảm giác sẽ không có biểu tượng, không có ký ức, không có quan niệm. Suy rộng ra, cảm giác không tách rời khỏi đời sống con người, nó đem đến cho cuộc sống thường nhật tri thức về sự kiện (cognitio). Song Hobbes lưu ý rằng các hình ảnh do cảm giác đem đến dưới hình thức các sự kiện vẫn không đủ cơ sở để giải thích hiện tượng của khoa học. Vì thế cần xác lập khoa học về tính toán, hay toán học. Đây là điểm khác biệt giữa Hobbes và Bacon. 


        Trong bảng phân loại khoa học của mình, Bacon đánh giá toán học chỉ như thứ khoa học bổ trợ cho triết học, chứ không nâng lên vị trí của một khoa học đúng nghĩa. Ngược lại Hobbes chú trọng đặc biệt đến các nguyên lý duy lý – toán học của tư duy. Hobbes chỉ đồng ý với Bacon trong thái độ đối với tam đọan luận của Aristote, là thứ thuyết vô giá trị trong việc xét đoán tính chân thực của tri thức. Nhờ khai thác được những tư tưởng quý giá từ các công trình toán học của Euclide, tiếp xúc, nghiên cứu tác phẩm, hoặc trao đổi với các nhà toán học và các nhà khoa học tự nhiên lớn của thời đại như Galileio, Descartes, Leibniz mà Hobbes phân tích sâu sắc vai trò của toán học và khoa học tự nhiên lý thuyết trong nhận thức thế giới. Theo sau Descartes, người đã xem toán học là khoa học phổ biến, còn phép diễn dịch là phương pháp phổ quát của khoa học tự nhiên lý thuyết, Hobbes đưa toán học lên vị trí đầu tiên giữa các khoa học khác, gọi hình học và số học là toán học thuần túy. Ông nhấn mạnh: "nghiên cứu triết học tự nhiên mà không bắt đầu từ việc nghiên cứu hình học thì thật là vô ích” (Sđd, tr. 124 – 125). Chẳng phải ngẫu nhiên mà phần thứ nhất của “Về những nguyên lý triết học”  có tên là “Phép tính, hay Lôgíc học”. Đối với các khoa học tự nhiên khác, chẳng hạn vật lý và thiên văn, Hobbes quy về các khoa học toán học ứng dụng. Cũng như các nhà triết học duy lý, Hobbes coi toán học là khuôn mẫu của tri thức, bởi lẽ nó thể hiện ở mức độ cao nhất “ánh sáng tự nhiên” cửa trí tuệ con người và khả năng của con người khám phá những bí mật của tự nhiên và của chính con người. Chỉ có toán học mới đem đến tri thức chân thực, tất yếu và phổ biến, thứ tri thức được hình thành thông qua các xét đoán lôgíc hợp lý và thuyết phục. Hobbes viết:"Từ kinh nghiệm khó có thể rút ra một kết luận nào mang tính phổ biến” (Sđd, tr. 524). Như vậy là Hobbes phân biệt tri thức đơn giản về sự kiện với tri thức khoa học, mà hai tính chất cơ bản của nó là tính chân thực và tính phổ biến. Ngay cả khi con người thường xuyên quan sát thấy  ngày và đêm lần lượt thay thế nhau, thì vẫn chưa thể rút ra kết luận rằng, chúng thay thế nhau thường xuyên hay thay thế nhau từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Nói khác đi, kết luận thông qua thường nghiệm không thể là chân lý vô điều kiện. 

        Hobbes còn đến gần với Descartes trong cách hiểu về bản chất và vai trò nhận thức của phương pháp phân tích và tổng hợp. Phương pháp phân tích, theo cả Descartes và Hobbes, chẳng qua là phương pháp đi đến các nguyên tắc và các yếu tố cao hơn  bằng con đường phân tích đối tượng nhận thức, còn phương pháp tổng hợp là phương pháp đi từ các nguyên tắc và các yếu tố được rút ra bằng sự phân tích, đến các sự vật hiện thực và thế giới nói chung. Theo Hobbes, “bất kỳ phương pháp nào mà nhờ đó chúng ta nghiên cứu nghuyên nhân của các sự vật, đều là phương pháp liên kết hoặc chia tách, hoặc một phần liên kết, một phần chia tách. Thông thường phương pháp chia tách được gọi là phương pháp phân tích, còn phương pháp liên kết  - phương pháp tổng hợp" (Sđd, tr. 120). Việc vận dụng phương pháp phân tích và phương pháp tổng hợp ở Hobbes xuất phát từ định nghĩa của ông về bản chất của nhận thức triết học – khoa học là làm sáng tỏ “các nguyên nhân” của thế giới các sự vật, đạt đến chân lý. Tri thức khoa học được biểu đạt trong các phán đoán; các phán đoán có trở thành các phán đoán chân lý hay không, đó là vấn đề của nhận thức. Chân lý là thuộc tính không của các sự vật, mà của phán đoán về sự vật (Sđd, tr. 97). Phương pháp phân tích và phương pháp tổng giúp con người thực hiện mục đích của nhận thức khoa học. Việc rút ra các nguyên tắc từ các hiện tượng tri giác cảm tính được thực hiện bằng phương pháp phân tích, còn vận dụng các nguyên tắc vừa được rút ra ấy vào việc xác định các hiện tượng cụ thể có thể tiến hành thông qua phương pháp tổng hợp. Hobbes viết:"Chúng ta sử dụng phương pháp phân tích nhằm thiết lập những tiền đề riêng lẽ, còn phương pháp tổng hợp nhằm xác định kết quả tổng thể tất cả những gì được sinh ra bởi một tiền đề tách biệt. Tất cả những điều vừa đề cập ấy cho đến nay đều thích hợp đối với phương pháp nghiên cứu” (Sđd, t.1, tr. 129). 

        Hoạt động phân tích của lý trí, đưa đến việc xác lập các nguyên tắc của nhận thức cũng đồng thời là phương pháp thực nghiệm của việc nghiên cứu tự nhiên. Hobbes hiểu phương pháp này từ quan điểm máy móc – siêu hình, bởi lẽ ông cho rằng bất kỳ hiện tượng tự nhiên nào cũng đều được phân tích vô điều kiện ra các yếu tố cấu thành của nó, và rằng, cái toàn thể và tổng thể các bộ phận của nó đều như nhau. Trên cơ sở này Hobbes tuyên bố: cái toàn vẹn chỉ có thể được gọi là cái được cấu thành từ các bộ phận và phân chia ra các bộ phận. Các kết quả có được nhờ vận dụng phương pháp phân tích, được làm sáng tỏ thông qua những định nghĩa chặt chẽ, đem đến cho chúng ta khả năng tư duy về cái toàn vẹn với sự hỗ trợ của phương pháp tổng hợp. Hobbes hình dung phương pháp này như phương pháp chứng minh, diễn dịch – toán học và tuyệt đối đáng tin cậy, nghĩa là phương pháp đạt đến tri thức xác thực tuyệt đối. Quan niệm của Hobbes về ưu thế của tri thức diễn dịch – toán học trước tri thức thực nghiệm, sự đồng thuận của Hobbes với Descartes trong vấn đề vai trò nhận thức của phân tích và tổng hợp, thiện cảm của Hobbes đối với các hình thức diễn dịch – duy lý của tư duy cho phép một số nhà nghiên cứu lịch sử triết học và khoa học nói đến nhị nguyên luận về phương pháp, một hiện tượng dễ nhận biết đối với người hệ thống hóa chủ nghĩa duy vật Bacon trong điều kiện cơ học và xu thế toán học hóa tư duy đang thịnh hành. Trên thực tế, Hobbes xem cả hai phương pháp – phương pháp thực nghiệm – phân tích và phương pháp diễn dịch – tổng hợp – là ngang nhau, nhưng lĩnh vực ứng dụng khác nhau. Lĩnh vực ứng dụng của phương pháp thực nghiệm – quy nạp, phân tích trước hết là lĩnh vực nghiên cứu tự nhiên (vật lý chẳng hạn), còn lĩnh vực ứng dụng của phương pháp diễn dịch – tổng hợp là toán học, và cả chính trị, đạo đức. 

        Lẽ cố nhiên với tính cách là đại biểu của khuynh hướng kinh nghiệm và duy cảm, người hệ thống hóa chủ nghĩa duy vật kinh nghiệm Bacon, Hobbes cần tìm kiếm khả năng dung hòa hai khuynh hướng đối lập nhau trong lý luận nhận thức thế kỷ XVII. Ông mong muốn kết hợp Descartes với Bacon, các nguyên lý toán học với lập trường kinh gnhiệm – duy cảm xuất phát của mình. Hobbes bác bỏ một cách kiên quyết sự giải thích của Descartes về tính chân thực của tri thức toán học trên cơ sở học thuyết về trực giác trí tuệ và ý niệm bẩm sinh. Ông cố kết hợp tri thức toán học, các chân lý toán học không với kinh nghiệm cảm tính trực tiếp, thứ kinh nghiệm không đem đến tri thức phổ biến, mà với ngôn ngữ. Thực ra ngôn ngữ con người, được thể hiện trong diễn đạt, trong hệ thống từ vựng cụ thể, chẳng qua là một biến dạng cao hơn, phức tạp hơn của kinh nghiệm mà thôi. Là nhà duy danh, Hobbes trên thực tế đồng nhất tư duy con người với ngôn ngữ. Phát triển quan điểm ký hiệu về ngôn ngữ, Hobbes nhấn mạnh, hàng vạn tư tưởng xuất hiện trong trí tuệ con người, nếu không được duy trì, củng cố thông qua hệ thống từ nhất định, sẽ biến đi mà không để lại dấu vết. Truyền thống duy danh mà Hobbes kế thừa ra đời tại Anh ngay từ thế kỷ XIV. Đối lập với chủ nghĩa duy thực kinh viện, là học thuyết xem các khái niệm “phổ quát” là những đặc tính bản chất của tồn tại, còn các sự vật đơn nhất, cụ thể là những cái khả biến, không bền vững, sự thể hiện mờ nhạt của tồn tại đích thực, các nhà duy danh cho rằng chỉ có các sự vật mới tồn tại thực, còn các khái niệm “phổ quát” có sau sự vật, thậm chí không phản ánh đầy đủ hiện thực ấy, là những “tên gọi”. Tư duy khái niệm, theo các nhà duy thực ôn hòa, gắn với hoạt động trí tuệ, nên có tính rõ ràng, hiển nhiên cụ thể trong ngôn ngữ. Nối tiếp truyền thống đó, Hobbes phê phán chủ nghĩa sính chữ và chủ nghĩa giáo điều kinh viện, hướng đến việc hoàn thiện nhận thức và các phương tiện của nó. Nhiệm vụ mà Hobbes đặt ra cho mình là xác lập thứ ngôn ngữ triết học chuẩn xác và uyển chuyển. Hobbes viết:"Ngôn ngữ, tựa như cái mạng nhện, những cái đầu yếu đuối bám víu vào các ngôn từ, và bị mất phươmg hướng ở đó, những cái đầu mạnh mẽ hơn phá vỡ nó" (Sđd, tr. 79). "Cái đầu yếu đuối” không thấy được tính đa nghĩa của từ ngữ, bị mắc kẹt tại đó, không có lối ra. Chỉ có thể ý thức một cách rõ ràng tính đa nghĩa của từ ngữ mới xác lập được ngôn ngữ khoa học chuẩn xác. Ở phương diện này, có thể nhận thấy sự khác nhau có tính nguyên tắc giữa Descartes và Hobbes. Nếu đối với Descartes, cơ sở xuất phát của tri thức là trực giác như năng lưc trí tuệ bên trong, còn đối với Hobbes không thể có trực giác, nhưng có thể có và cần phải có các định nghĩa, những định nghĩa chuẩn xác, ghi dấu ý nghĩa của vật cần nhận thức. “Ánh sáng của trí tuệ con người, đó là những ngôn từ khúc chiết, tuy nhiên cần phải được thanh tẩy bước đầu khỏi sự mập mờ bằng những định nghĩa chính xác” (Sđd, tr. 82). 

        Sự khác nhau giữa chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa duy lý truyền thống là ở chỗ, thứ nhất, chủ nghĩa kinh nghiệm xem kinh nghiệm cảm tính, được sinh ra nhờ sự tác động của thế giới khách quan lên con người, là nguồn gốc duy nhất của tri thức chúng ta, trong khi chủ nghĩa duy lý đánh giá thấp vai trò của kinh nghiệm cảm tính, mặc dù thừa nhận ảnh hưởng có tính khích thích nhất định của nó, xác định nguồn gốc tri thức ở chính trí tuệ. Thứ hai, trong khi tìm hiểu bản chất lôgíc của tính phổ biến và tính tất yếu, vốn được xem là dấu hiệu duy nhất của chân lý khoa học xác thực, chủ nghĩa kinh nghiệm rút nó ra từ kinh nghiệm cảm tính  Chủ nghĩa duy lý thì cho rằng, kinh nghiệm và những khái quát của nó không có khả năng mang đến cho tri thức ý nghĩa phổ biến và tất yếu do tính thiếu hoàn thiện và tính biến đổi thường xuyên của nó, và do đó nó dường như được xác lập dựa trên các nguyên tắc tiên nghiệm, cố hữu tự thân ở trí tuệ tự thân. Ngay ở điểm phân biệt thứ nhất đã có thể nhận ra Hobbes với tính cách là nhà triết học theo chủ nghĩa kinh nghiệm, thể hiện ở tuyên bố “không có khái niệm nào trong trí tuệ, nếu không có gì trước tiên trong các cơ quan cảm giác”. Học thuyết về ngôn ngữ chứng tỏ điều này. Nhưng trước hết cần chỉ ra thái độ của Hobbes đối với quan điểm “ý niệm bẩm sinh”, hay tính bẩm sinh của ý niệm của Descartes. Nhà triết học người Pháp này trong khi thừa nhận tính bẩm sinh của ý niệm đã hướng đến Thượng đế như cơ sở của nó. Theo Descartes, ý niệm bẩm sinh là dạng ý niệm phân minh, rõ ràng nhất của trí tuệ con người, xuất phát từ cơ sở chung là sự tồn tại của Thượng đế – Đấng tạo hóa. Ngược lại, đối với Hobbes, cái gọi là ý niệm bẩm sinh ấy chẳng qua chỉ là cái phổ quát mờ tối, xuất hiện do hạn chế của chúng ta trong việc xác định cái vô hạn  và xác lập giới hạn cho việc tăng hay giảm bớt cái gì đó. Vì thế mà, theo Hobbes, chúng ta chỉ nhận thức được cái hữu hạn, còn cái vô hạn được hiểu như cái khả năng, cái tiềm ẩn. Không có ý niệm bẩm sinh, chỉ có ý niệm của mỗi người, qua đó thể hiện năng lực nhận thức của mình. Sự phê phán quan điểm ý niệm bẩm sinh về sau được Locke tiếp tục từ lập trường của duy cảm luận duy vật.   

        Nhấn mạnh định nghĩa chuẩn xác, Hobbes gắn nó với kinh nghiệm ngôn ngữ của con người, bởi lẽ theo ông ngôn ngữ chính là phương tiện của con người, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu không nói là quyết định, trong tồn tại của con người. Kinh nghiệm cảm tính trực tiếp, xuất phát từ các cảm giác và biểu tượng, được sinh ra do tác động của các sự vật bên ngoài lên các cơ quan cảm giác, và là những hình ảnh của các sự vật ấy, hay các chất và các thuộc tính của chúng. Có thể gọi dạng kinh nghiệm này là kinh nghiệm tâm lý. Vô số các hình ảnh chủ quan, xuất hiện ở mỗi người như kết quả của sự tác động từ bên ngoài, được ghi lại trong trí nhớ và biểu đạt thành ngôn ngữ. Dạng kinh nghiệm thứ hai thuộc về kinh nghiệm cao cấp, là năng lực sử dụng đúng ngôn ngữ hay tên gọi trong ngôn ngữ. Như vậy là việc Hobbes thừa nhận luận điểm của chủ nghĩa duy lý, theo đó kinh nghiệm không đem đến tri thức xác thực, lại được ông kết hợp với nguyên tắc chủ yếu của chủ nghĩa kinh nghiệm, theo đó mọi tri thức xuất phát từ kinh nghiệm. Hoạt động kinh nghiệm làm giàu khả năng giao tiếp của con người. Từ ngữ chuyển ngôn ngữ bên trong ra ngôn ngữ bên ngoài, làm cho sự giao tiếp diễn ra. Hobbes viết:"Ngôn ngữ (serma), hay khả năng nói (oratio), là sự kết hợp từ, được xác lập nên bởi ý chí con người, dùng để cắt nghĩa hàng loạt quan niệm về các sự vật mà chúng ta nghĩ đến. Do đó, ngôn ngữ liên quan đến quá trình tư duy, tương tự như từ liên quan đến ý niệm hay khái niệm (conseptum). Ngôn ngữ là nét đặc trưng riêng có của con người” (Sđd, tr. 232). 

        Quan điểm dấu hiệu (ký hiệu, tín hiệu, signa) của Hobbes hình thành trên cơ sở này. Ngôn ngữ, theo Hobbes, có tính chất dấu hiệu. Nên hiểu điều này như thế nào? Theo Hobbes, nhằm làm cho tư duy trở nên sống động, và thực hiện các thao tác lôgíc chúng ta cần đến các phương tiện hỗ trợ để giải nghĩa và định hình theo một trình tự nhất định cái mà chúng ta khai thác được nhờ kinh nghiệm và suy lý. Hobbes gọi phương tiện như thế là sự đánh dấu (nota) mà nhờ đó chúng ta hiểu biết về các sự vật cảm tính. Các sự vật được tri giác và kích thích trong đầu chúng ta những ý tưởng nhất định, như chúng ta mong muốn. Về khái niệm này Hobbes viết:"Trong việc vận dụng phương pháp nghiên cứu và khám phá (inventio) lợi ích của từ ngữ là ở chỗ chúng là những sự đánh dấu mà nhờ đó chúng ta có thể phục hồi kết quả do chúng ta tìm ra trong ký ức…Tóm lại, từ ngữ là những sự đánh dấu đối với nhà nghiên cứu” (Sđd, tr. 129). Song như thế vẫn chưa đủ. Nếu sự đánh dấu của ký ức chỉ cần cho sự phát triển tư duy của người sở hữu, thì toàn bộ tri thức của người đó sẽ biến mất cùng anh ta, mà không đóng góp gì cho khoa học. Để khoa học, cũng như nhân loại nói chung, phát triển, những sự đánh dấu của trí nhớ cần được truyền lại và làm sáng tỏ cho người khác nhờ sự trợ giúp của các ký hiệu đặc biệt. “Các sự vật kế tiếp nhau, - Hobbes viết,- làm nên các dấu hiệu tương ứng cho chúng ta, bởi lẽ chúng ta nhận thấy rằng trong trình tự của các sự vật ấy vẫn tồn tại tính chính xác nhất định” (Sđd, tr. 82). 

        Về nguyên tắc có thể xem dấu hiệu là bất kỳ sự kiện nào diễn ra trước hay sau nó, nếu những sự kiện thể hiện ra cho chủ thể nhận thức như những sự kiện có mối liên hệ theo cách này hay cách khác. Chẳng hạn, mây đen có thể là dấu hiệu của cơn mưa sắp đến, còn cơn mưa cũng có thể là dấu hiệu chưa nhận thấy của một đám mây khác.Các từ ngữ với tính cách là dấu hiệu của các sự vật chứa đựng nội dung tâm lý – cá thể, ở cấp độ này chúng hoàn toàn mang tính chủ quan, nghĩa là, nói theo cách của Hobbes, chúng chỉ đơn giản là sự đánh dấu (nota). Sự giao tiếp của con người đưa vào những từ ngữ – sự đánh dấu nội dung lôgíc sâu sắc hơn. Do đó chúng cũng trở thành những dấu hiệu theo nghĩa trực tiếp của từ đó (signum, signa). Điểm khác nhau giữa sự đánh dấu và các dấu hiệu là ở chỗ, sự đánh dấu có ý nghĩa đối với chính chúng ta, còn các dấu hiệu – đối với những người khác (Sđd, tr. 82). Trở thành phương tiện giao tiếp và trao đổi tư tưởng giữa người với người, từ – dấu hiệu cũng tạo điều kiện cho sự hình thành của khoa học, bởi lẽ chúng được biểu đạt dưới hình thức mệnh đề – phán đoán,  tiếp đó là suy lý, nền tảng của mọi sự chứng minh.         
        Dựa vào học thuyết về ngôn ngữ  như sự liên kết các dấu hiệu, Hobbes nỗ lực giải quyết vấn đề tri thức khái quát hóa, xác thực trong khoa học, đồng thời đặt dấu chấm hết cho hình thức tri thức trung cổ, mà đại diện tiêu biểu là chủ nghĩa duy thực kinh viện. Việc xác lập không ngừng những từ mới và sự khác biệt ngôn ngữ giữa các dân tộc, theo Hobbes, càng chứng minh tính nhân tạo của ngôn ngữ. Không phải Thượng đế, mà con người mới là đấng sáng tạo ngôn ngữ. Quan điểm duy danh – duy cảm luận cũng loại trừ các khái niệm ngoài kinh nghiệm. Là nhà duy danh triệt để, Hobbes thừa nhận tính hiện thực, tính khách quan chỉ trong tồn tại của các sự vật đơn nhất. Mọi thực tại đều là những cái đơn nhất, cụ thể. Điều đó không có nghĩa là ông bác bỏ những khái niệm chung, những thứ chỉ được đem đến trong trí tuệ. Do chỗ trong thế giới không có cái gì chung nhất ngoài những tên gọi, nên những tên gọi ấy không là những dấu hiệu của chính sự vật, mà của tư tưởng về sự vật.  

        Cùng với sự đánh dấu, ký hiệu, vấn đề tên gọi được Hobbes hiểu như sau:"Tên gọi là từ được chúng ta lựa chọn một cách tự do với tính cách là sự đánh dấu, nhằm phục hồi trong trí tuệ chúng ta những tư tưởng đồng nhất với những tư tưởng trước, và đồng thời, khi đã được xác lập thành câu và hướng đến một người nào đo, đóng vai trò là dấu hiệu của việc những tư tưởng nào đã có và những tư tưởng nào chưa có trong trí tuệ của người đang nói” (Sđd, tr. 83). Căn cứ vào định nghĩa như thế về ngôn ngữ, Hobbes cho rằng, tên gọi như bộ phận cấu thành của ngôn ngữ là dấu hiệu của biểu tượng chúng ta, và như thế có nghĩa là tên gọi không phải là dấu hiệu của chính sự vật (Sđd, tr. 85).  

        Việc đề cao ngôn ngữ,, xác định đúng vị trí của nó trong lịch sử hình thành xã hội loài người là cần thiết, song biến điều kiện thành nguyên nhân, lại là hạn chế của Hobbes, được ngay chính những người cùng thời vạch ra. Theo Hobbes, nếu không có ngôn ngữ sẽ không thể có xã hội, nhà nước, không có nền văn minh. Nói cách khác, Hobbes chưa làm sáng tỏ bản chất của ngôn ngữ, mặc dù ông dành cho nó sự quan tâm đặc biệt. Hạn chế thứ hai gắn với một số biểu hiện cực đoan của chủ nghĩa duy danh. Khi khẳng định rằng giữa tên gọi và sự vật không thể có sự đồng nhất nào, hay bất kỳ so sánh nào, Hobbes đã tách ngôn ngữ ra khỏi khái niệm, thậm chí đem đối lập chúng với nhau (Sđd, tr. 69). Xuất phát từ truyền thống chống chủ nghĩa duy thực từ cuối thời trung cổ tại Anh, Hobbes đi đến chỗ phủ nhận tính khách quan của cái chung. Theo Hobbes, một số tên gọi chung cho nhiều sự vật như con người, cây cối, một số tên gọi cố hữu ở những sự vật đơn nhất, như Homère, cái này, người này. Do chỗ tên chung được dùng cho nhiều sự vật riêng biệt, nên được gọi là cái phổ biến. Suy ra, tên gọi phổ biến này không cắt nghĩa cho sự vật tồn tại trong tự nhiên, không cắt nghĩa cho tư tưởng hay hình ảnh bộc lộ ra trong trí tuệ, nó chỉ là tên gọi của những tên gọi (Sđd, tr. 86 - 87).

         Tách từ ngữ ra khỏi khái niệm, khái niệm ra khỏi hiện thực khách quan,  phủ nhận tính khách quan của cái chung, cái phổ quát, cái được diễn đạt bởi phương tiện ngôn ngữ, khiến cho mọi nỗ lực của Hobbes giải quyết vấn đề tính phổ biến và tính xác thực của tri thức với  sự hỗ trợ của học thuyết dấu hiệu ngôn ngữ trở nên bất cập, và có thể nói là không thành công. Với cách hiểu ngôn ngữ như thế Hobbes đã mở đường cho sự hình thành học thuyết quy ước về ngôn ngữ, và như ta biết, học thuyết quy ước, trò chơi ngôn ngữ cũng chứa đựng hàng loạt mâu thuẫn. Không thể phủ nhận đóng góp của Hobbes trong việc tìm kiếm và khám phá “thế giới của ngôn từ ", phát hiện tinh thể ngôn ngữ  trong kho báu tư duy nhân loại. Lại càng không thể phủ nhận tinh thần chống hình thức tri thức kinh viện một cách quyết liệt, ý tưởng kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp khác nhau trong nghiên cứu khoa học ở ông. Song nhiều vấn đề mà ông nêu ra chưa được giải quyết triệt để, do chịu sự quy định của những điều kiện hiện thực, cũng như giới hạn trình độ nhận chức chung của thời đại.

        Hobbes là đại biểu điển hình, nhưng không triệt để, của chủ nghĩa kinh nghiệm trong nhận thức luận (P.D.Saskevich. Chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa duy lý trong triết học cận đại Tư tưởng, M, 1976, tr. 60).

Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?