Thomas Hobbes: Cuộc đời và tác phẩm
Thomas Hobbes sinh ngày 5 tháng 4 năm 1588 trong gia đình một mục sư tại Malesbern (Anh). Trong những năm học phổ thông Hobbes tỏ ra có năng khiếu môn tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp cổ. Năm 15 tuổi, Hobbes đã là sinh viên Đại học Oxford. Kết thúc khóa học 5 năm, Hobbes đạt loại giỏi, nhất là ở các môn Lôgíc học và Vật lý. Aristote là một trong những tên tuổi để lại dấu ấn sâu đậm trong hành trang tư tưởng của Hobbes. Với học lực như thế, Hobbes được quyền lựa chọn nơi làm việc, được đề nghị ở lại trường giảng môn Lôgíc, song ông từ chối do tính chất kinh viện sáo rỗng của giáo dục đại học thời ấy. Để có nhiều thời gian dành cho nghiên cứu khoa học, Hobbes nhận lời làm gia sư cho con trai một huân tước. Năm 1610 Hobbes cùng học trò (con trai huân tước) sang Pháp và Italia khoảng 3 năm, làm quen với nhiều nhà tư tưởng, nhà hoạt động chính trị, nhiều nhà khoa học lớn. Trở về Anh, Hobbes tìm hiểu các tác phẩm của F. Bacon, tỏ ra tâm đắc với ý tưởng “Đại phục hồi khoa học” (The Great Instauration), nhất là với “Công cụ mới” (Novum Organum).
Nước Anh thời Hobbes đầy ắp các biến cố chính trị. Sự khủng hoảng trong quan hệ với Tây Ban Nha dưới thời Nữ hoàng Elizabeth trị vì (1558 – 1603), những căng thẳng xã hội trong quá trình tích lũy tư bản chủ nghĩa, những mâu thuẫn giữa các phe phái trong triều đình đã làm lung lay nền quân chủ từ chính kiến trúc thượng tầng. James I (1603 – 1625), người kế nghiệp Elizabeth, tạo nên vương triều Stuart, làm tăng thêm khả năng đối đầu và xung đột chính trị. Với thuyết “Quyền lực của nhà vua do Thượng đế ban cho”, James toan tính biến ngai vàng thành quyền lực tuyệt đối và bất khả xâm phạm, vượt lên trên cả pháp luật. Trong chính sách đối ngoại James tiến hành truy bức và hãm hại tôn giáo, mà cụ thể là Thanh giáo (Puritanism, từ tiếng Latinh purus, nghĩa là trong sạch, là phong trào tôn giáo – chính trị của Anh và Scotland vào thế kỷ XVI – XVII chống chuyên chế và Nhà thờ Anh, xác lập cộng đồng riêng theo phái Calvin, đòi tách nhà thờ ra khỏi nhà nước, chống lối sống xa hoa của giới quý tộc và tăng lữ), tăng thuế vô tội vạ, bóc lột nhân dân, gây hấn với các thành viên quốc hội. Trong chính sách đối ngoại James kết thân và nhượng bộ Tây Ban Nha, khiến giai cấp tư sản Anh bất bình. Vua Charles I, người kế nghiệp James vào năm 1625, tiếp tục chính sách tàn bạo và độc đoán, áp dụng thêm những khoản thuế mới, làm dấy lên làn sóng phản kháng sôi sục trong nhân dân lẫn các thành viên Quốc hội. Những diễn biến đó báo trước một cuộc cách mạng khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khi cách mạng nổ ra (1640, đánh dấu bằng sự kiện triệu tập Viện nguyên lão) Hobbes đứng về phía quý tộc, không tán thành đường lối của những người Nghị viện. Từ năm 1640 đến 1651 Hobbes sống tại Paris.
Sự kiện nổi bật trước tiên trong quá trình diễn ra cách mạng tư sản Anh là cuộc đấu tranh giữa những người bảo hoàng và những người “nghị viện”. Những người bảo hoàng tập hợp xung quanh vua Charles I chủ trương bảo vệ quyền lợi của quý tộc phong kiến, ủng hộ chuyên chế. Ngược lại, những người “nghị viện” bảo vệ quyền lợi tư sản công – thương nghiệp, lôi cuốn giới “quý tộc mới” vào các công việc buôn bán, kinh doanh, xa dần lập trường thủ cựu trước đây. Giới quý tộc mới ngày càng lớn mạnh, cảm thấy Anh giáo không có lợi cho mình, bởi lẽ nó đã trở thành công cụ của nhà vua nhằm duy trì chế độ chuyên chế. Những người nghị viện được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của những thị dân nghèo và nông dân tự do. Kết quả của cuộc đấu tranh đó là phái bảo hoàng bị lật đổ, vua Charles I bị xử tử vào ngày 30 tháng 1 năm 1649 theo bản án của tóa án tối cao, được lập ra ngay trong năm đó.Tiếp đó, nền cộng hòa (Commonwealth) ra đời (1649 – 1653).
Cuộc nội chiến đẫm máu giữa phái Độc lập, tập hợp giai cấp tư sản và quý tộc mới, và phái Bình đẳng theo xu hướng cấp tiến, đã làm suy yếu cách mạng, mở đường cho sự chấp chính của Cromwell, người đứng đầu quân đội Nghị viện. Sau cái chết của vị Giám quốc Cromwell (1658, tình hình nước Anh trở nên rối ren. Trong bối cảnh đó sự dung hòa giữa giai cấp tư sản và quý tộc mới với lực lượng bảo hoàng đã đưa con của Charles I lên ngôi, lấy hiệu là Charles II. Dù chịu sự quản lý của Nghị viện, song Charles II vẫn tìm cách cấu kết với phe bảo hoàng, đưa ra nhiều sắc lệnh phản động, đàn áp nhân dân và những người từng chống lại vua cha. Cuối năm 1661, Charles ra lệnh quật mộ Cromwell, bêu đầu để thị uy trước công chúng. Nền quân chủ đã trở lại. Là người đứng về phía Thanh giáo Hobbes không thể làm ngơ trước những sự kiện này. Ông đã mất dần niềm say mê nghiên cứu khoa học và những dự định chính trị. Thông qua hàng loạt bài viết Hobbes buộc phải tự bảo vệ trước những lời buộc tội về chủ nghĩa vô thần.và sự liên đới chính trị với phe Cromwell
Dù là người có năng lực nghiên cứu, nhưng mãi đến năm 40 tuổi Hobbes mới cho ra công trình đầu tiên, đó là bản dịch tác phẩm của sử gia Hy Lạp Phucidic về chiến tranh Peloponnesse. Trong thời gian tại Pháp, năm 1629 Hobbes làm quen với tác phẩm “Các nguyên lý” của Euclide. Sau đó vài năm, trong chuyến hành trình sang các nước Tây Âu khác lần thứ ba (1634 – 1636) Hobbes lại bị Galileio cuốn hút bằng “Đối thoại về hai hệ thống chủ yếu nhất của thế giới – Hệ thống Ptolemei và hệ thống Copernic”, Hobbes cũng trao đổi thư từ với Descartes, một người Pháp xem Hà Lan là quê hương thứ hai của mình. Nhận bản thảo “Những suy tư siêu hình học” của Descartes, đọc kỹ nhiều lần, nhưng không đồng ý với Descartes ở một số điểm, nhất là quan niệm về đối tượng của triết học và vấn đề phương pháp nhận thức. Hobbes trả lời Descartes bằng một bài viết từ lập trường của duy cảm luận duy vật (1642). Cũng tại Pháp trong chuyến đi lần thứ 3 ấy Hobbes tiếp xúc với Mersenn, và từ nhân vật này ông biết đến Gassendi, người phục hồi nguyên tử luận của Démocrite và Epicure, nhờ đó mà tạo được ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng khoa học tự nhiên thế kỷ XVII. Năm 1636 trong thời gian lưu lại tại Florence (Italia) Hobbes gặp Galileio, nhưng không trao đổi được nhiều về các vấn đề cần quan tâm.
Cuộc tranh luận với Descartes tạo điều kiện cho Hobbes xác lập hệ thống các quan điểm triết học thực sự của mình. Vẫn như trước các vấn đề chính trị – xã hội có sức thu hút lớn đối với Hobbes. Vì thế phần thứ ba trong hệ thống triết học của mình (Về công dân) Hobbes công bố trước tiên (1642). Năm 1651 tại London, Hobbes xuất bản bằng tiếng Anh tác phẩm đồ sộ “Leviathan” (tên gọi đầy đủ là “Leviathan, hay vật chất, hình thức và quyền lực nhà nước giáo hội và nhà nước công dân” – Leviathan, or the matter, form and power or a commonweath ecclesiastical and civil). Tiếp đó Hobbes lần lượt cho ra mắt người đọc “Về cơ thể” (1655, tiếng Latinh), “Về con người” (1658, tiếng Latinh). Ba tác phẩm riêng biệt – “Về cơ thể”, “Về con người”, “Về công dân” – được tập hợp thành bộ tác phẩm thể hiện tư tưởng triết học cơ bản của Hobbes – “Về những nguyên lý triết học”.
Sau khi công bố, cả “Về công dân” lẫn Leviathan” đều bị liệt vào danh mục sách cấm của Nhà thờ. Trong lần xuất bản bằng tiếng Latinh (1668) Hobbes buộc phải điều chỉnh một số nội dung của “Leviathan”, nhất là những chỗ bị coi xúc phạm đến quyền lực nhà vua và uy tín của nhà thờ.
Triethoc.info
Triết học+
Đánh giá bài viết?