Con người và bản chất của con người theo quan điểm của triết học Mác - Lênin

a. Quan niệm về con người trong Triết học Phương đông

- Phật giáo: Con người là sự kết hợp giữa sắc và danh (vật chất và tinh thần). Cuộc sống vĩnh cửu là cõi Niết bàn, nơi linh hồn con người được giải thoát để trở thành bất diệt.

- Khổng Tử: Bản chất của con người là do “thiên mệnh”, chi phối, đức “nhân” là giá trị cao nhất của con người, đặc biệt là con người quân tử.

- Mạnh Tử: quy tính chất của con người vào năng lực bẩm sinh, do ảnh hưởng của phong tục, tập quán xấu, xa rời cái tốt đẹp. Vì vậy, phải thông qua tư tưởng, rèn luyện để giữ được đạo đức của mình.

- Tuân Tử: Ông cho rằng, bản chất của con người khi sinh ra là các, nhưng có thể cải biến được, phải chống lại cái ác, con người mới tốt được.

- Đổng Trọng Thư: Là người kế thừa Nho giáo theo xu hướng duy tâm cực đoan. Ông quan niệm Trời và Người có thể thông hiểu lẫn nhau (Thiên nhân cảm ứng). Cuộc đời con người bị quyết định bởi “thiên mệnh”.

- Lão Tử: Con người được sinh ra từ “Đạo”. Vì vậy, con người cần phải sống “vô vi” theo lẽ tự nhiên, không trái với tự nhiên.

Có thể nói rằng, với nhiều hệ thống triết học khác nhau, triết học phương Đông biểu hiện tính đa dạng và phong phú thiên về vấn đề con người trong mối quan hệ chính trị, đạo đức...
Nhìn chung con người trong triết học phương Đông biểu hiện yếu tố duy tâm có pha trộn tính chất duy vật chất phác ngây thơ trong mối quan hệ với tự nhiên và xã hội.
 

b. Quan niệm về con người trong triết học phương Tây trước K.C.Mác.
- Ky tô giáo: Ky tô giáo quan niệm con người có thể xác và linh hồn. Thể xác thì mất đi nhưng linh hồn tồn tại vĩnh cửu. Vì vậy, phải thường xuyên chăm sóc linh hồn để hướng đến Thiên đường vĩnh của.

- Hy Lạp cổ đại: Con người là một tiểu vũ trụ trong vũ bao la.

- Thời kỳ Trung cổ: Con người là sản phẩm sáng tạo của thượng đế. Cuộc sống trần thế là tạm bợ, hạnh phúc là ở thế giới bên kia.

- Triết học Phục hưng: Con người là một thực thể có trí tuệ.

- Triết học cổ điển Đức: G.V.Hegel cho rằng, là hiện thân của “ý niệm tuyệt đối”, còn L.Feuerbach lại cho rằng, con người là kết quả của sự phát triển của tự nhiên. Con người và tự nhiên là thống nhất, không thể tách rời.

Các quan niệm về con người trong thời kỳ triết học trước C.Mác, dù là đứng trên nền tảng thế giới quan duy tâm, nhị nguyên hay duy vật siêu hình đền không phản ánh đúng bản chất con người. Nhìn chung các quan niệm trên đều xem xét con người một cách trừu tượng, hoặc là tuyệt đối hoá mặt tinh thần, hoặc là tuyệt đối hoá mặt thể xác của con người, tuyệt đối hoá mặt tự nhiên – sinh học mà không thấy mặt xã hội trong đời sống con người.

c. Quan niệm của triết học Mác - Lênin về bản chất con người.

Trong tác phẩm Luận cương về Feuerbach, K.C.Mác chỉ ra hạn chế của Feuerbach trong việc xem xét con người như là một cơ thể sinh vật có ý thức và tình cảm, như tình yêu, tình bạn, không thấy mặt xã hội và hoạt động thực tiễn của con người. K.C.Mác vạch rõ: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội” (Toàn tập, tập 3, tr.11).

* Con người là một thực thể thống nhất giữa mặt sinh vật và mặt xã hội

- Mặt sinh vật bao gồm cơ thể cùng những nhu cầu cơ thể và những quy luật sinh học chi phối đời sống của cơ thể con người.

- Mặt xã hội bao gồm “tổng hòa những quan hệ xã hội”, những hoạt động xã hội, đời sống tinh thần của con người.

 Hai mặt này có quan hệ khắng khít không thể tách rời nhau, trong đó mặt sinh học là nền tảng vật chất tự nhiên của con người, nhưng không phải là yếu tố quyết định bản chất của con người; mặt xã hội mới là mặt giữ vai trò quyết định bản chất của con người. Bởi mặt xã hội của con người biểu hiện trong hoạt động sản xuất vật chất. Lao động sản xuất ra của cải vật chất là yếu tố quyết định hình thành bản chất xã hội của con người, đồng thời hình thành nhân cách cá nhân trong cộng đồng xã hội.
Là sản phẩm của tự nhiên và xã hội nên quas trình hình thành và phát triển của con người luôn luôn bị quyết định bởi hệ thống ba quy luật khác nhau nhưng thống nhất với nhau:

- Những quy luật sinh học chi phối đời sống của cơ thể
- Những quy luật hình thành tâm lý, ý thức.
- Những quy luật xã hội quy định đời sống xã hội của con người.

Ba hệ thống trên cùng tác động, tạo nên thể thống nhất hoàn chỉnh trong đời sống con người bao gồm cả mặt sinh học và mặt xã hội.

Bản chất của con người không phải là cái gì có sẵn, mà có quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện cùng với hoạt động thực tiễn của con người.

* Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội.

Trong tác phẩm Luận cương về Feuerbach, K.C.Mác khẳng định: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”.

- Luận đề trên đã chỉ rõ: Con người luôn luôm cụ thể, xác định, sống trong một điều kiện lịch sử cụ thể nhất định. Trong điều kiện lịch sử cụ thể đó, bằng hoạt động thực tiễn của mình, con người tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển cả thể lực và tư duy trí tuệ. Chỉ trong toàn bộ các mối quan hệ xã hội, con người mới bộc lộ toàn bộ bản chất xã hội của mình.

- Trong khi khẳng định bản chất xã hội của con người, triết học Mác - Lênin không phủ nhận mặt tự nhiên trong đời sống con người, triết học Mác - Lênin chỉ muốn nhấn mạnh sự phân biệt giữa con người với thế giới động vật trước hết ở bản chất xã hội.

* Con người là chủ thể và là sản phẩm của lịch sử

- Không có thế giới tự nhiên, không có lịch sử xã hội thì không tồn tại con người. Bởi vậy, con người là sản phẩm của lịch sử, của sự tiến hoá lâu dài của giới hữu sinh. Song, điều quan trọng hơn cả là, con người luôn luôn là chủ thể của lịch sử - xã hội.

- Với tư cách là thực thể xã hội, con người hoạt động thực tiễn, tác động vào tự nhiên, cải biến giới tự nhiên, đồng thời thúc đẩy sự vận động, phát triển của lịch sử xã hội.

- Trong quá trình cải biến giới tự nhiên, con người cũng làm nên lịch sử của chính mình. Con người là sản phẩm của lịch sử, đồng thời là chủ thể sáng tạo ra lịch sử của chính bản thân con người. Bản chất của con người không phải là một hệ thống đóng kín, mà là hệ thống mở, tương ứng với điều kiện tồn tại của con người.

Vì vậy, để phát triển bản chất con người theo hướng tích cực, cần phải cho hoàn cảnh ngày càng mang tính người nhiều hơn. Con người tiếp nhận hoàn cảnh một cách tích cực và tác động trở lại hoàn cảnh trên nhiều phương diện khách nhau. Đó là biện chứng của mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử xã hội loài người.

Triết học+ (Triết học Plus)
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?