Tác giả “Thế giới phẳng” Thomas Friedman: Việt Nam cần tạo liên minh

Tôi cho rằng Việt Nam cần liên kết với các nước khu vực để tạo ra sự cân bằng, tạo ra một liên minh, như trong “câu chuyện bó đũa” – nhà báo đoạt 3 giải Pulitzer nói.


Là một nhà báo, nhà quan sát về tình hình kinh tế chính trị thế giới, ông có bình luận gì về ứng xử của Trung Quốc trên Biển Đông và của cả Việt Nam trong thời gian vừa qua?

- Hai tuần trước tôi đã có mặt tại Ukraina, và giờ đây tôi đang có mặt tại TP HCM. Ukraina và Việt Nam là hai quốc gia có quy mô trung bình sống cạnh những nước láng giềng lớn. Ukraina sống cạnh Gấu Nga, Việt Nam sống cạnh Hổ Trung Quốc. Cái khó với Ukraina là một ngày, Gấu nói: “Hãy cưới anh đi, nếu không anh sẽ giết em”. Cái khó của Việt Nam là Hổ nói “Ồ, sữa thật là ngon. Anh sẽ uống hết phần của anh và uống hết cả phần của em nữa”.

Nếu có một đôi đũa thì rất dễ để bẻ, nhưng nếu có cả một bó đũa thì bẻ rất khó. Vì vậy tôi cho rằng Việt Nam cần liên kết với các nước khu vực để tạo ra sự cân bằng, tạo ra một liên minh.

Trong lý thuyết về “nghịch lý dầu mỏ”, ông cho biết các quốc gia dầu mỏ thường có điểm PISA của học sinh thấp. Trong khi những nước phát triển cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21 như Israel, Đài Loan, Singapore… lại có trình độ dân trí cao và đều không phải là những nước khai thác tài nguyên. Làm thế nào để Việt Nam có thể giảm phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tập trung phát triển các nguồn lực con người?

- Tạ ơn trời vì Việt Nam không có nhiều dầu để được gọi là quốc gia dầu lửa. Theo quan sát của tôi, một quốc gia dầu lửa sẽ có 2 hành động: Một là tập trung để khoan dầu thay vì đào sâu vào bộ óc, làm giàu kĩ năng của mình, suy nghĩ làm sao để làm việc, cộng tác hiệu quả hơn. Hai là họ thường coi nhẹ vai trò của người phụ nữ, cho rằng phụ nữ không có vai trò và đóng góp gì cho sự phát triển của quốc gia. Điều đó giống như tự trói tay phải của mình và nói với thế giới rằng mình chỉ cần hợp tác bằng một tay. Tôi cho rằng như thế là không ổn.

Thêm nữa về mô hình phát triển. Ở Mỹ có câu nói “no taxation without representation” – nếu đánh thuế của tôi thì tôi phải có tiếng nói trong chính phủ. Tuy nhiên ở các quốc gia dầu lửa, họ không cần đánh thuế người dân, nên mô hình của họ ngược lại – là “no presentation without taxation”. Họ không đánh thuế nên người dân không có tiếng nói trong chính phủ. Điều này mang lại rất nhiều hệ quả tiêu cực.

Thomas Friedman, Thế giới phẳng, từ Beirut đến Jerusalem, Nóng, phẳng, chật

Friedman đang đưa ra ví dụ về cuốn sách "Thế giới phẳng" như là một sản phẩm sáng tạo từ trí óc. Từ đó sẽ thu lợi nhuận nhiều hơn so với một sản phẩm lắp ráp.

Chương 14 (chương bổ sung) của “Thế giới phẳng” có đề cập đến việc “Làm thế nào để kiểm soát danh dự của chúng ta trong một thế giới mà tất cả đều trở thành người xuất bản, và như vậy tất cả đều trở thành những nhân vật của xã hội.”. Ông có thể làm rõ hơn điều này?

- Với một smartphone, hiện nay bất cứ ai cũng có thể trở thành người đưa tin, tay săn ảnh, người bình luận, người làm phim nghiệp dư… cũng có nghĩa là trong thế giới này, việc chúng ta sống như thế nào, xử lý mọi việc như thế nào rất quan trọng. Tôi cho rằng chúng ta đang bước vào “kỷ nguyên ứng xử”.

Trong kỷ nguyên đó, tất cả chúng ta có thể đưa nội dung lên mạng mà không có ai kiểm duyệt, biên tập, cũng không có nhà xuất bản, cũng không có bất cứ luật sư nào có thể đứng ra bảo vệ chúng ta. Vì thế, cách thức chúng ta sống hàng ngày, cư xử với người trên kẻ dưới.. có vai trò rất quan trọng.

Ông có từng chứng kiến một quốc gia đang phát triển có nền xuất bản đóng vai trò quan trọng giúp quốc gia đó hội nhập tốt hơn?

- Khi thức dậy mỗi ngày, ta nên tự hỏi thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới như thế nào? Những xu thế lớn trên thế giới là gì và liệu chúng ta đã chuẩn bị/hay chưa chuẩn bị để thành công trong thế giới đó.

Ngày nay, nếu như chúng ta bị lạc hậu thì tốc độ lạc hậu sẽ nhanh hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu nắm được cơ hội cũng sẽ có khả năng đi trước, bám kịp các nước khác rất nhanh.

Khi tôi đến đây, nhiều người Việt Nam đã hỏi tôi bí quyết thành công trong thế giới này. Theo tôi có 3 yếu tố:

(1) Nhà nước pháp quyền: Nhà nước pháp quyền có có vai trò trung tâm để khuyến khích sáng tạo. Nếu như không có nhà nước pháp quyền thì không thể có sáng tạo được.

(2) Phải xây dựng được cơ sở hạ tầng tốt: Đường xá, sân bay, đặc biệt là internet băng thông rộng.

(3) Giáo dục: Theo tôi điều này là quan trọng nhất. Phải cải cách giáo dục làm sao trang bị cho con em những kỹ năng cần thiết để hợp tác, tương tác, khai thác những điểm mạnh của thế giới phẳng.
Làm sao để các quốc gia đang phát triển có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thưa ông?

- Việt Nam đã trở thành một quốc gia lắp ráp, và theo nghĩa nào đó đã đạt tới sản xuất “made in VietNam” tương đối nhiều về sản phẩm. Tuy nhiên, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đạt tới tầm trên thì phải trở thành một quốc gia thiết kế và sáng tạo. Chừng nào đạt được điều đó, Việt Nam sẽ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Lợi nhuận sẽ đi về đâu? Sẽ đi về những đất nước nghĩ ra và thiết kế một sản phẩm.

Nói vui như với cuốn sách “Thế giới phẳng”. Nó được “lắp ráp” ở VN bởi NXB Trẻ, tuy nhiên nó được tưởng tượng, nghĩ ra trong óc của Friedman, nên ông Friedman kiếm được nhiều tiền hơn NXB Trẻ (cười).

Tôi muốn trong 5 năm tới, những cuốn sách không chỉ được lắp ráp ở VN mà còn được nghĩ ra ở Việt Nam.

Sinh năm 1953, Thomas Friedman đang phụ trách chuyên mục đối ngoại của tờ The New York Times (Mỹ). Ông từng đoạt 3 giải Pulitzer và là tác giả của nhiều cuốn sách lớn.

Thomas Friedman có mặt tại Việt Nam từ ngày 5-11/5 theo lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?