Thuyết trình của Thomas Friedman về toàn cầu hóa và thế giới phẳng
Ngày 08/05/2014, Trường ĐHKHXH&NV đã tiếp nhà báo Thomas Friedman, tác giả của cuốn sách “Thế giới phẳng” tới thuyết trình về các vấn đề xoay quanh nội dung thế giới toàn cầu hóa. Tham dự buổi thuyết trình có PGS.TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng ĐHKHXH&NV), TS. Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao – Học viện Ngoại giao) cùng các giảng viên, sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV và Học viện Ngoại giao.
Sự xuất hiện của thế giới phẳng
Bằng lối trình bày đơn giản, trực quan nhưng thuyết phục và rõ ràng, nhà báo Thomas Friedman đã phác họa những thành tố cơ bản của “Thế giới phẳng” trong thời đại toàn cầu hóa thế kỷ 21. Theo ông có bốn thành tố chính sau đây khiến cho con người xích lại gần nhau hơn, nâng cao tính tương tác truyền thông và xóa nhòa khoảng cách địa lý: chiếc máy tính cá nhân (PC), hệ thống mạng Internet, các phần mềm quàn lý quy trình làm việc (Workflow) và các công cụ tìm kiếm trên mạng.
Tất cả những yếu tố này đã góp phần đẩy mạnh tính tương tác toàn cầu và giúp các cá nhân sáng tạo, chia sẻ, quảng bá và tìm kiếm thông tin chung mặc cho khoảng cách địa lý xa xôi. Nói cách khác là làm thế giới trở nên “phẳng hơn”. Điều đặc biệt là tất cả đều xuất hiện vào năm 2000, khi công nghệ thông tin và toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Đó cũng là những chủ đề khiến Thomas Friedman viết cuốn sách “Thế giới phẳng”.
Nhà báo Thomas Friedman có lối thuyết trình hấp dẫn, lôi cuốn và gần gũi
Hệ lụy thế giới phẳng
Theo Thomas Friedman, thế giới phẳng đã khiến cho con người từ “kết nối” trở thành “siêu kết nối”, từ “phụ thuộc lẫn nhau” trở nên “trông cậy lẫn nhau”. Thế giới phẳng đem lại nhiều lợi ích cho con người qua việc giúp họ đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua sự giúp đỡ của công nghệ thông tin.
Theo Thomas Friedman, thế giới phẳng đã khiến cho con người từ “kết nối” trở thành “siêu kết nối”, từ “phụ thuộc lẫn nhau” trở nên “trông cậy lẫn nhau”. Thế giới phẳng đem lại nhiều lợi ích cho con người qua việc giúp họ đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua sự giúp đỡ của công nghệ thông tin.
Khi các mạng xã hội như Facebook và Twitter ra đời và phát triển, “tính phẳng” lại càng được thể hiện rõ ràng hơn khi mỗi cá nhân có thể truyền tải thông điệp của mình trên trang cá nhân. Truyền thông ngày càng trở nên tương tác và đa chiều hơn. Ai cũng có thể sáng tạo và phát minh ra sản phẩm của mình để cạnh tranh và hợp tác với những người khác.
Giới trẻ háo hức với thế giới phẳng
Trong phần hỏi - đáp, nhà báo Thomas Friedman đã nhận được nhiều câu hỏi và ý kiến từ các học sinh, sinh viên trường ĐHKHXH&NV và Học viện Ngoại giao về các vấn đề xoay quanh toàn cầu hóa và công nghệ như cơ hội, thách thức của Việt Nam trong thế giới phẳng, các tác động của toàn cầu hóa, vai trò của báo chí trong toàn cầu hóa, sự phát triển của công nghệ thông tin tại Việt Nam, v.v...
Các câu hỏi và ý kiến đều được Thomas Friedman đón nhận và trả lời nhiệt tình, đồng thời cũng chứng minh được sự quan tâm, hứng thú với thế giới phẳng của giới trẻ Việt Nam.
Được biết, ngoài Thế giới phẳng, Thomas Friedman đã xuất bản 4 cuốn sách khác là Từ Beirut tới Jerusalem (1989) (From Beirut to Jerusalem), Chiếc Xe Lexus và Cây Ô lưu (1999) (The Lexus and the Olive tree), Kinh Độ và Thái Độ (2002) (Longitudes and Attitudes), Nóng, Phẳng và Đông Đúc (Hot,Flat and Crowded) (2008).
Theo USSH
Triết học+ (Triết học Plus)
Đánh giá bài viết?