TS. Dương Quốc Quân - Nho giáo ở Việt Nam hôm nay

NHO GIÁO Ở VIỆT NAM HÔM NAY 
TS. DƯƠNG QUỐC QUÂN
 
(Hội thảo khoa học quốc tế, LB Nga, 2013)
 
Kể từ khi xuất hiện ở Trung Quốc tới nay, Nho giáo đã có trên 2500 năm lịch sử. Trong khoảng thời gian lâu dài ấy, Nho giáo có lúc được coi là đỉnh cao của hệ tư tưởng thống trị nhưng cũng có lúc bị phê phán nặng nề, bị coi là nguồn gốc của tư tưởng bảo thủ, lạc hậu. Dù sao chăng nữa, một hiện thực không thể phủ nhận là Nho giáo đã có ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc ở Trung Quốc, Việt Nam cũng như một số nước Đông Bắc Á. Hiện nay, những dấu ấn của tư tưởng Nho giáo vẫn còn ảnh hưởng trong xã hội hiện đại, thấm vào đặc tính xã hội-dân tộc của những nước du nhập. Đối với giới nghiên cứu khoa học, Nho giáo là chủ đề ngày càng thu hút sự quan tâm rõ rệt.  Nhiều nhà nghiên cứu xã hội ở Trung Quốc, ở các nước Đông Bắc Á và ở các quốc gia khác nhau trên thế giới đã thông qua việc đánh giá lại Nho giáo để cắt nghĩa sự thành công của Nhật Bản, sự phát triển kinh tế công nghiệp của Hàn Quốc, Đài Loan, Singapo – những quốc gia chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Thậm chí có ý kiến cho rằng, Nho giáo là học thuyết của cả nhân loại trong thế kỷ XXI [1]. Thời gian sẽ kiểm chứng điều đó. Tuy nhiên, ngay bây giờ cũng có thể thấy Nho giáo vẫn tác động đến sự phát triển của xã hội con người, với nhiều mức độ và biểu hiện đa dạng.
 
 
Là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng xã hội, là ý thức hệ và công cụ thống trị của các triều đại phong kiến Việt Nam, Nho giáo đã ảnh hưởng đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội và con người Việt Nam như: Thế giới quan, chính trị - xã hội, đạo đức, giáo dục, pháp luật, phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa, v.v. Nhìn chung, “vai trò của Nho giáo ở Việt Nam phụ thuộc vào vai trò lịch sử của giai cấp phong kiến Việt Nam”[5]. Khi giai cấp phong kiến có chiều hướng đi lên, có vị thế vững vàng thì nó chú ý tới các yếu tố biện chứng và nhân văn của Nho giáo, làm cho Nho giáo có nội dung tích cực và tiến bộ. Khi giai cấp phong kiến ở thời kỳ đi xuống, địa vị thống trị bị lung lay, thì nó khai thác những yếu tố bảo thủ, nghiệt ngã vốn có trong Nho giáo như chỗ dựa để củng cố  sự tồn tại, vì vậy Nho giáo lúc đó có tác dụng tiêu cực và kìm hãm. Tình hình trên được thể hiện rõ trong các thời kỳ lịch sử của chế độ phong kiến Việt Nam.
 
Thời kỳ hiện đại, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước từ năm 1986 đến nay, Việt Nam luôn coi trọng công tác đổi mới tư duy lý luận nhằm định hướng phát triển đất nước theo con đường riêng bằng chính những giá trị tư tưởng của mình, trong đó tư tưởng triết học dân tộc là cốt lõi. Vì thế, một số nhà nghiên cứu triết học ở Việt Nam đã quan tâm xới lại vấn đề Nho giáo theo phương châm gạn lọc, tiếp thu những nhân tố hợp lý, những giá trị tích cực phổ quát của Nho giáo. Đã xuất bản  nhiều công trình, sách, bài viết nghiên cứu về sự thể hiện của Nho giáo ở Việt Nam trong lịch sử và hiện nay. Có đánh giá đáng chú ý cho rằng: Những hiện tượng tiêu cực đã và đang tồn tại trong xã hội hiện đại; sự xuống cấp của đạo đức; sự yếu kém về kinh tế; sự lạc hậu của khoa học kỹ thuật và giáo dục; sự thiếu tôn trọng kỷ cương và nề nếp từ trong gia đình đến ngoài xã hội, v.v là do trước đây Việt Nam đã phê phán, bài xích Nho giáo một cách phiến diện, không công bằng. Từ đó, theo những nhà nghiên cứu này, để thúc đẩy xã hội phát triển, Việt Nam cần áp dụng triệt để công thức: “Gắn kỹ thuật, công nghệ phương Tây với Nho giáo và mô hình quản lý xã hội ở những nước phát triển có truyền thống Nho giáo” [7] v.v.

GS Nguyễn Tài Thư - Một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về Nho giáo và Nho giáo tại Việt Nam, từng nhận định: Từ yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay, nhìn về truyền thống nho giáo, chúng tôi thấy vẫn còn có nhiều điều có thể tiếp tục khai thác được. Đó là quan niệm xem nhân dân là gốc của đất nước. Đó là các quan niệm về con người, như cho rằng con người sống trong xã hội là có mối quan hệ và nghĩa vụ với người khác, với xã hội; cho rằng con người muốn có cuộc sống tốt thì phải giữ được sự hài hòa trong bản thân mình, trong quan hệ với xã hội và với tự nhiên. Đó là yêu cầu phải thường xuyên rèn luyện bản thân: sống có lý tưởng, sống góp phần thực hiện một xã hội thái bình thịnh trị, sống để thực hiện thế giới đại đồng, v.v; sống phải có nhân cách cao cả của người trí thức, người quân tử; sống với yêu cầu và trách nhiệm ngày một cao: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ không phải bằng sức mạnh vũ lực, bằng quân sự mà bằng những việc làm có tính thuyết phục, bằng đạo đức gương mẫu; sống biết đối xử hợp lý giữa nghĩa vụ và quyền lợi, v.v. Đó còn là các phạm trù: nhân, nghĩa, lễ, trung, hiếu, trí, dũng, cần cù, tiết kiệm, liêm khiết, chính trực, v.v. Những phương diện trên của Nho giáo, ngày nay vẫn còn có ý nghĩa tích cực của nó, vẫn còn tác dụng tốt với việc rèn luyện con người. (...)
 
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?