Jonh Dewey - người tổng kết và hệ thống hóa chủ nghĩa thực dụng.
Đại biểu cuối cùng của chủ nghĩa thực dụng Mỹ - Dewey - để lại dấu ấn của mình trên các lĩnh vực sư phạm, đạo đức, thẩm mỹ, xã hội học và khoa học lịch sử.
+ Phương pháp công cụ. Cuộc sống đặt con người vào tình huống có vấn đề, trạng thái hoài nghi mà lúc đầu chưa tìm ra lối thoát. Bị rơi vào tình huống ấy con người cần đến phương tiện của tư duy. Chức năng của tư duy là cải tạo tình huống chưa xác định thành tình huống xác định. Để thực hiện điều này con người tạo ra những ý tưởng, khái niệm, luật lệ khác nhau; chúng không có ý nghĩa nhận thức, mà chỉ có ý nghĩa “công cụ”, được sử dụng vì mục đích hữu dụng và tiện lợi. Khoa học - đó là một loại hộp đựng công cụ (khái niệm, học thuyết…) mà từ đó người ta lựa chọn những gì tiện lợi, có hiệu quả trong những điều kiện nhất định.
Phương pháp công cụ gồm năm bước: 1) cảm nhận nan giải; 2) ý thức vấn đề; 3) dự thảo giải pháp (giả thiết); 4) khai mở ý tưởng về giải pháp đến những kết quả kinh nghiệm của nó; 5) quan sát và kiểm chứng giả thiết. Từ bước thứ hai trở đi đòi hỏi có sự tham gia tích cực của lý trí. Theo Dewey, phương pháp công cụ đòi hỏi một kinh nghiệm luôn mở rộng và sự nghiên cứu tự do, không bị ràng buộc bởi chủ nghĩa giáo điều.
+ Phương pháp thử - sai. Sử dụng phương pháp này tỏ ra cần thiết và hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, đưa đến sự lựa chọn cách thức tiến hành hợp lý trong từng tình huống. Trong lĩnh vực đạo dức phương pháp thử - sai cũng phát huy tác dụng do tính tương đối của quá trình lựa chọn hành vi. Hành vi nào loại trừ tình huống có vấn đề, đưa tâm hồn về sự cân bằng, thư thái, thì được ủng hộ.
Chủ nghĩa thực dụng thống trị trong đời sống tinh thần của xã hội Mỹ trong vòng vài thập kỷ, Ảnh hưởng to lớn đến các nhà khoa học, các triết gia, các nhà hoạt động chính trị và xã hội. Nội dung tư tưởng của nó thâm nhập vào các nước châu Âu và một só nước châu Á. Cũng như chủ nghĩa hiện sinh, hiện nay chủ nghĩa thực dụng như một triết thuyết không còn tìm thấy nhũng tên tuổi lớn nữa, nhưng nó vẫn tồn tại dưới hình thức pha trộn và chiết trung. Yếu tố thực dụng, được hiểu theo nghĩa tích cực lẫn tiêu cực, vẫn còn thể hiện khá đậm nét trong đời sống mỗi cá nhân.
Đánh giá bài viết?