Sự phân kỳ của triết học Hy Lạp - La Mã cổ đại
Triết học Hy Lạp - La Mã trải qua ba chặng đường lớn, phản ánh sự hình thành, phát triển, khủng hoảng và sụp đổ của chế độ chiếm hữu nô lệ.
Triết học thời sơ khai, còn gọi là thời kỳ Tiền Xôcơrát, gắn với sự ra đời các trường phái triết học đầu tiên tại Hy Lạp (thế kỷ VI - V TCN). Đây là thời kỳ đầu của chế độ chiếm hữu nô lệ. Triết học thay thế tư duy huyền thoại, mong muốn tìm kiếm lời giải đáp nghiêm túc, hợp lý cho những vấn đề của tồn tại và nhận thức. Phần lớn các triết gia được gọi là các nhà triết học tự nhiên, vì họ quan tâm chủ yếu đến tự nhiên, tìn hiểu bản nguyên và bản chất thế giới, nhằm giải đáp hai câu hỏi lớn: thế giới bắt đầu từ đâu và hướng về đâu (hay quay trở về đâu)? Thế giới có trải qua quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong hay không?Thế giới quan triết học còn ở trình độ chất phác, sơ khai, nhưng đã mang tính phân cực rõ ràng. Chủ nghĩa duy vật, chủ yếu tập trung trong trường phái Milê và Hêraclít, đồng nhất bản nguyên thế giới với các yếu tố vật chất cụ thể (nước, khí, lửa, đất), hoặc giả định (apâyrôn), và chiếm vị thế áp đảo trước khuynh hướng duy tâm, thần bí. Tính biện chứng tự phát, bẩm sinh thể hiện một cách sinh động qua cuộc tranh luận giữa Hêraclít và trường phái Elê. Bên cạnh đó vấn đề nhận thức luận, nguồn gốc sự sống cũng được đặt ra. Thời kỳ khai nguyên triết học là thời kỳ hình thành trong dạng phôi thai những khuynh hướng và những phương pháp tư duy cơ bản nhất.
Triết học thời cực thịnh (thế kỷ V - thế kỷ IV TCN), còn gọi là thời kỳ Xôcrát, gắn với những bước thăng trầm của nền dân chủ chủ nô (dân chủ theo từ nguyên Hy Lạp là demokratia, là sự giản lược của demos + kratos, trong đó demos là nhân dân, kratos là quyền lực, hiểu chung thành “quyền lực của nhân dân”). Vào thời kỳ này cùng với các vấn đề bản thể luận và vũ trụ luận, các nhà triết học tìm hiểu nhận thức luận và vấn đề nhân sinh, xã hội. Các nhà biện thuyết, do Prôtago đừng đầu, là những người đầu tiên mở ra hướng đi mới cho triết học phương Tây cổ đại, chuyển sự quan tâm từ tự nhiên sang con người và năng lực nhận thức của nó thông qua tuyên bố “Con người - thước đo của vạn vật”. Song bước ngoặt thực sự trong triết học gắn với tên tuổi của Xôcrát, vốn xuất phát từ phái Biện thuyết. Quy chức năng của triết học về đạo đức học, hiểu như “phương tiện dạy con người sống”, Xôcơrát đã góp phần làm cho triết học vượt qua sự bế tắc, đi sâu vào những vấn đề nhân sinh, xã hội. Con người giờ đây không chỉ là chủ thể, mà còn trở thành đối tượng, thành điểm xuất phát và mục đích của các tư tưởng triết học. “Bước ngoặt Xôcơrát” cũng đánh dấu sự thay thế “triết học tự nhiên”, chủ nghĩa duy vật, bằng chủ nghĩa duy tâm, mà Platôn là người hệ thống hóa nó.
Sau Xôcơrát, triết học Hy Lạp một mặt vẫn tiếp tục các đề tài truyền thống, mặt khác dành nhiều tâm huyết lý giải những vấn đề liên quan đến vị trí và số phận con người, ý nghĩa của cuộc sống, khả năng và phương pháp nhận thức, tiến trình lịch sử, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của triết học Hy Lạp, thời kỳ sản sinh ra những tên tuổi lớn, làm rạng danh nền văn hóa phương Tây cổ đại.
Triết học thời kỳ Hy Lạp hóa, khủng hoảng và suy tàn, hay thời kỳ Hy Lạp - La Mã, bắt đầu từ thế kỷ III TCN đến thề kỷ V CN. Thời kỳ Hy Lạp hóa được bắt đầu từ khi Alécxanđơ xứ Maxêđoan thông qua các cuộc viễn chinh đã phổ biến Ảnh hưởng của Hy Lạp ở phương diện chính trị lẫn văn hóa đến các nước trong vùng. Tinh thần Hy Lạp hoá đó vẫn tiếp tục lan truyền ngay cả khi Hy Lạp bị mất chủ quyền về tay La Mã (khoảng 143 TCN). La Mã đô hộ Hy Lạp về quân sự và chính trị, nhưng về văn hóa Hy Lạp đã Ảnh hưởng một cách tích cực đến La Mã và toàn bộ đế chế La Mã. Những thành tựu văn hóa, khoa học của Hy Lạp được dịp phổ biến rộng rãi, từ từ khu vực Địa Trung hải đến Bắc Phi và vùng Trung Cận Đông; tiếng Hy Lạp được sử dụng chính thức. Nét đặc trưng của triết học thời kỳ hậu Hy Lạp là bên cạnh những vấn đề phổ quát, siêu hình, các triết gia chú trọng nhiều hơn đến thế giới nội tâm của cá nhân, tìm kiếm phương thức giải thóat khỏi những vướng bận của đời thường, hoặc chủ trương đối thoại giữa con người với vũ trụ, thần linh. Trừ phái Êpiquya, phần lớn các nhà triết học thời kỳ Hy Lạp hóa là những người đề cao vai trò của thần trong đời sống tâm linh của con người.
Sự khủng hoảng của tư tưởng triết học Hy Lạp - La Mã xuất phát từ bản chất của chế độ chiếm hữu nô lệ, khi một bộ phận quần chúng đông đảo trong xã hội bị tướt bỏ quyền làm người, đưa đến những xung đột gay gắt, những cuộc khởi nghĩa của nô lệ và những cuộc chiến tranh triền miên. Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của Kytô giáo (Christianity, Christianisme), với tư cách là tôn giáo nhất thần, thay thế tôn giáo đa thần, với thuyết giáo và biểu tượng mới, cũng góp phần báo trước cái chết tất yếu của chế độ chiếm hữu nô lệ. Ở buổi đầu lịch sử Kytô giáo là tôn giáo của quần chúng bị áp bức, chống lại ách thống trị của đế chế La Mã bằng hình thức ôn hòa, tuyên truyền cho lối sống dân chủ, bình đẳng, không phân biệt giàu, nghèo, sang hèn, nam nữ, trở thành chỗ dựa, hay liệu pháp tâm lý, tinh thần của nô lệ và người nghèo.
Sau hai thế kỷ bị đàn áp, năm 324 Kytô giáo được công nhận là quốc giáo. Từ thời điểm này, nó trở thành một định chế vững vàng trong xã hội đang đi vào qũy đạo của chế độ phong kiến. Năm 476 Tây bộ đế quốc La Mã bị sụp đổ do những mâu thuẫn bên trong và sự tấn công của các sắc tộc “man di”từ phương Bắc. Năm 529 trường phái Platôn tại Aten chính thức bị đóng cửa, chấm dứt một thiên niên kỷ tồn tại và phát triển của triết học cổ đại Hy Lạp - La Mã, triết học của xã hội chiếm hữu nô lệ. Phong cách tư duy Hy Lạp - La Mã được thay thế bằng phong cách tư duy dựa vào một hệ quy chiếu duy nhất, chịu sự chi phối của Kinh Thánh ở bình diện thế giới quan, nhận thức luận và nhân sinh - xã hội. Triết học Kytô giáo chiếm vị trí độc tôn trong sinh hoạt tư tưởng, tinh thần, thủ tiêu đa nguyên triết lý, vốn là đặc trưng của tư duy cổ đại.
Đánh giá bài viết?