Triết học chính là tinh hoa tinh thần của thời đại
Thuật ngữ “triết học” mà chúng ta đang sử dụng hiện nay có ý nghĩa tương đương với tiếng Hy Lạp “philosophia” (φιλοσοφία), sự hợp nhất của “yêu mến”, “yêu thích”, “khát vọng” (φιλεω, hoặc φιλία) và “sự thông thái”, “sự mẫn tiệp” (σοφία). Thuật ngữ “philosophia” đi sau thuật ngữ “philosophos” – triết gia khác với nhà thông thái, nhà bác học: một đằng là khát vọng “vươn đến sự thông thái” (thần linh), đằng khác là nắm tóm, thủ đắc sự thông thái; một đằng là khát vọng vươn đến chân lý, đằng khác là “đã” đạt được chân lý. Phép ẩn dụ này cho ta một nhận định rất quan trọng: tri thức triết học mang tính thời đại, và là tri thức mở, với ước muốn đem đến những lời đáp chung nhất, có tính hệ thống về thế giới xung quanh và thế giới của chính con người, và là dạng tri thức lý luận xưa nhất của nhân loại
Lịch sử tư tưởng triết học là sự phản ánh lịch sử hiện thực thông qua các phạm trù, khái niệm đặc trưng của mình. Sự phản ánh đó thể hiện ở nhiều bình diện khác nhau.
Về mặt lịch sử, hình thức triết lý đầu tiên của con người thể hiện trong tư duy huyền thoại, mà những lời đáp về thế giới được cô đọng trong những câu chuyện thần thoại, sự đối thoại đầu tiên, đầy tính hoang tưởng của con người với thế giới xung quanh. Thần thoại ngự trị trong ý thức đại chúng cùng với thuyết nhân hình xã hội nguyên thuỷ, vật linh thuyết, vật hoạt luận. Người nguyên thủy bị vây bọc trong quyền lực của xúc cảm và trí tưởng tượng, những quan niệm của họ còn rời rạc, mơ hồ, phi lôgíc. Các yếu tố tư tưởng và tình cảm, tri thức và nghệ thuật, tinh thần và vật chất, khách quan và chủ quan, hiện thực và suy tưởng, tự nhiên và siêu nhiên ở thần thoại còn chưa bị phân đôi. Đỉnh cao phát triển của thần thoại cũng đồng thời báo hiệu sự cáo chung tất yếu của nó. Triết học – hình thức tư duy lý luận đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại – ra đời, thay thế cho tư duy huyền thoại và tôn giáo nguyên thuỷ.
Thuật ngữ “triết học” do người Hy Lạp nêu ra (philosophia) theo nghĩa hẹp là “yêu mến sự thông thái”, còn theo nghĩa rộng, là khát vọng vươn đến tri thức; nói khác đi, là “quá trình tìm kiếm chân lý”; nhà triết học là người yêu mến sự thông thái, khác với nhà bác học (sophos), người nắm vững chân lý. Tuy nhiên với thời gian triết học được hiểu theo nghĩa rộng: đó là thứ tri thức phổ quát, tìm hiểu các vấn đề chung nhất của tồn tại và tư duy. Ở buổi đầu lịch sử tri thức triết học là tri thức bao trùm, là “khoa học của các khoa học”. Nói như thế không có nghĩa là tư tưởng đạo đức, chính trị, thẩm mỹ, nghệ thuật chưa xuất hiện. Vấn đề là ở chỗ các tư tưởng đó đã được xem là một phần của triết học. Trong thời Trung cổ thần học Kytô giáo chiếm vị trí thống trị trong sinh hoạt tư tưởng.
Nhà nước phong kiến và nhà thơ Thiên chúa giáo chỉ lấy “những cái phù hợp” trong triết học Arixtốt (Aristoteles, Aristotle), trường phái Platôn (Platon, Plato) để làm chỗ dựa tư tưởng của mình. Triết học trở thành nô lệ của thần học, của cái gọi là tư duy chuẩn mực, nhà thờ trở thành “nền chuyên chính tinh thần”, lịch sử các vị thánh quan trọng hơn lịch sử các danh nhân. Thế kỷ XV – XVI được xem là thời kỳ chuyển tiếp từ chế độ phong kiến sang xã hội tư sản. Tư tưởng nhân văn trở thành trào lưu chủ đạo và xuyên suốt, thể hiện ở hầu khắp các lĩnh vực nhận thức và hoạt động thực tiễn, với thông điệp con người là trung tâm. Từ thế kỷ XVII – XVIII trở đi tư tưởng triết học, khoa học, đạo đức, thẩm mỹ, chính trị mang tính thế tục và duy lý thay thế dần thần học vạn năng. Khi trung tâm tri thức chuyển từ Anh và Pháp sang Đức từ nửa sau thế kỷ XVIII truyền thống “cổ điển” phương Tây, bắt đầu từ Hy Lạp – La Mã, đạt đến đỉnh cao hoàn thiện nhất, mà điển hình là hệ thống Hêghen (Hegel). Trong những năm 20 – 40 của thế kỷ XIX đã diễn ra quá trình phi cổ điển hóa các lĩnh vực tri thức, thể hiện ở văn hóa, khoa học, triết học.
Bước ngoặt lớn này gắn liền với những biến đổi kinh tế, chính rị, xã hội và chịu sự sự chi phối của những biến đổi ấy. Ngày nay xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa đưa các dân tộc xích lại gần nhau hơn, tăng cường giao lưu, đối thoại, hướng đến lợi ích chung – hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Song bên cạnh đó xung đột về lợi ích vẫn chưa chấm dứt, mà ngày càng diễn biến phức tạp. Đấu tranh tư tưởng và đối thoại tư tưởng đan xen nhau, làm nên bức tranh tư tưởng đa dạng và phức tạp và đầy mâu thuẫn. Các chủ đề của tư tưởng triết học trở nên phong phú, với khá nhiều trào lưu, khuynh hướng lần lượt ra đời và bị thay thế, kể cả những trào lưu, khuynh hướng từng được xem là tuyên ngôn bán chính thức về lối sống của một xã hội.
Tìm hiểu sự phát triển của tư tưởng triết học qua các thời đại, C.Mác nhận định: “… mọi triết học chân chính đều là tinh hoa về mặt tinh thần của thời đại mình”, và rằng “các triết gia không mọc lên như nấm từ trái đất; họ là sản phẩm của thời đại mình, của dân tộc mình”. Triết học chân chính là thứ triết học được sinh ra bởi thời đại, được tạo nguồn năng lượng sống bằng chính thực tiễn phong phú của thời đại, và về phần mình, góp phần vào sự phát triển của thời đại thông qua thiên chức cao cả của mình.
Tính quy luật của sự ra đời, phát triển tư tưởng triết học thể hiện ở những điểm sau:
1) Mỗi hệ thống, trào lưu tư tưởng triết học đều xuất hiện một cách tất yếu, và với tính tất yếu ấy nó chịu sự sàng lọc của lịch sử, bị thay thế bởi những tư tưởng phù hợp với điều kiện lịch sử mới.Quá trình phát sinh, phát triển của tư tưởng triết học chịu sự quy định của những điều kiện lịch sử – xã hội cụ thể. Chính thực tiễn xã hội với toàn bộ tính sinh động và phức tạp của nó chi phối nội dung và thực chất các khuynh hướng, trường phái triết học, vị trí, vai trò của triết học trong đời sống xã hội. Sự thay thế nhau của các học thuyết triết học không tách rời nhu cầu khách quan, hiện thực của con người.
2) Tư tưởng của quá khứ không biến mất hoàn toàn, mà thường để lại di sản của mình; một số nội dung của nó tiếp tục được tìm hiểu, nghiên cứu như những bài học kinh nghiệm của lịch sử, một số khác tiếp tục gia nhập vào cái toàn thể sống động tiến về phía trước;
3) Sự vận động của tư tưởng triết học theo quá trình từ trừu tượng đến cụ thể. Theo đó triết học càng lùi về phía sau càng trừu tượng, càng gần với chúng ta càng giàu nội dung, càng cụ thể. Mối quan hệ giữa triết học với các lĩnh vực tri thức cũng thay đổi theo thời gian. Vào thời cổ đại, khi trình độ nhận thức chung còn thấp, tri thức khoa học còn ở trong tình trạng tản mạn, sơ khai, thì triết học đóng vai trò là dạng nhận thức lý luận duy nhất, giải quyết các vấn đề lý luận chung về tự nhiên, xã hội, tư duy. Triết học được xem như “khoa học của các khoa học”, còn các triết gia được tôn vinh thành những bộ óc bách khoa, am tường mọi thứ. Tuy nhiên khi các khoa học chuyên biệt với hệ thống lý luận riêng có của mình lần lượt ra đời, thì mọi tham vọng về triết học toàn năng trở nên vô nghĩa. Ph.Ăngghen viết: “Chủ nghĩa duy vật hiện đại… không còn là một triết học nữa, mà là một thế giới quan…” và “Chủ nghĩa duy vật hiện về bản chất là biện chứng, và nó không cần đến bất cứ một triết học nào đứng trên các khoa học khác”;
4) Tư tưởng triết học là sản phẩm của thời đại, được sinh ra, nuôi dưỡng, thẩm định bởi thời đại; không có chân lý bất biến, tuyệt đích cho mọi thời đại, do đó không có thứ tư tưởng triết học xuyên qua nhiều thời đại, được thần thánh hóa như những tín điều bất di bất dịch.
Đánh giá bài viết?