Triết học thực chứng của J. S. Mill và H. Spencer
Đại biểu của chủ nghĩa thực chứng xã hội học J. Mill (1808 - 1873) đồng thời là nhà kinh tế học và nhà hoạt động xã hội. Khoảng thời gian 1823 - 1858 Mill hoạt động kinh doanh, tranh thủ làm quen với các tác phẩm của Saint - Simon, nhưng không tán thành quan điểm của nhà cộng sản không tưởng này về quyết định luận xã hội trong hoạt động của con người. Từ 1865 đến 1868 Mill trở thành đại biểu nghị viện, và với tính cách đó ông tuyên truyền cho các cải cách tự do và dân chủ hóa đời sống xã hội.
Thế giới quan của Mill hình thành dưới Ảnh hưởng của kinh tế chính trị học D. Ricardo, học thuyết vị lợi của I. Bentham (chủ nghĩa vị lợi - utilitarism - xuất phát từ tiếng latinh “utilitas”, nghĩa là tác dụng, công dụng, lợi ích), triết học của G. Berkeley, D. Hume, tâm lý học của D, Hartley và J. Mill.
Triết học của Mill được trình bày trong “Tổng quan triết học của ngài William Hamilton” (1865). Tại đây từ lập trường của chủ nghĩa thực chứng hiện tượng học Mill phản bác các nhà triết học siêu nghiệm Anh. Toàn bộ tri thức, theo Mill, xuất phát từ kinh nghiệm, đối tượng của nó là các cảm giác. Cách tiếp cận không duy vật, không duy tâm thể hiện rõ trong sự lý giải vật chất và ý thức. Vật chất, theo Mill, chỉ là khả năng thương xuyên của các cảm giác, còn ý thức - khả năng cảm thụ chúng. Chúng ta tin vào sự tồn tại của thế giới vật chất bên ngoài nhờ dựa vào khả năng cảm giác. Mill chống cả chủ nghĩa duy vật lẫn chủ nghĩa duy tâm trong quan niệm về ý thức, tinh thần. Chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối hóa tinh thần, xem nó như một bản thể độc lập, còn chủ nghĩa duy vật (ngầm hiểu chủ nghĩa duy vật tầm thường ?) xem tinh thần là thuộc tính của vật chất, sản phẩm của vật chất. Tinh thần, theo Mill, là một tập hợp các trạng thái tâm lý, các dạng cảm thụ của con người. Tính khó xác định của cơ cấu tinh thần càng chứng tỏ sự phong phú và phức tạp của đời sống tình cảm, tinh thần của con người.
Tán thành hàng loạt quan điểm triết học và lôgíc học của Comte, Mill lại bác bỏ học thuyết chính trị, xã hội của người đi trước, phát hiện ở đó hiện thân của chủ nghĩa độc tài chính trị và tinh thần, xem nhẹ tự do và tính cá thể của con người. Mill cho rằng cần dành cho con người khoảng không tự do, thay vì quàng lên cổ nó một thứ định mệnh luận xã hội nhân tạo nào đó. Tư tưởng chống đối này được Mill trình bày trong “A. Comte và chủ nghĩa thực chứng” (1865).
Tác phẩm chủ yếu của Mill - Hệ thống lôgíc - nhấn mạnh phép quy nạp lôgíc như phương pháp luận chung của các khoa học. Theo Mill mọi suy luận, chứng minh, mọi phát hiện về chân lý đều do phép quy nạp tạo nên; đặc điểm chung của nó từ cái đã biết suy luận về cái chưa biết. Phép quy nạp của Mill thực chất là sự kế thừa và phát triển phương pháp quy nạp khoa học do F. Bacon xây dựng trong điều kiện khoa học thực nghiệm đương đại. Lôgíc học là mẢnh sân trung lập dành cho các trường phái triết học gặp gỡ nhau và cùng bàn về một đề tài lớn là làm sao tư duy con người phản ánh một cách có hiệu quả toàn bộ hoạt động của con người và môi trường thiên nhiên, Tuy nhiên sau khi trách cứ các nhà triết học chỉ loay hoay với vấn đề cơ sở của tồn tại và bản chất của thế giới, Mill kêu gọi hướng đến chủ nghĩa hiện tượng như cơ sở của phương pháp luận phổ biến. Là người theo chủ nghĩa quy nạp ôn hòa Mill phê phán sự đề cao thái quá phép diễn dịch và các mệnh đề duy lý, nhưng thừa nhận tác dụng của nó trong nhận thức khoa học.
Tác phẩm tập trung về tư tưởng đạo đức của Mill là “Chủ nghĩa vị lợi” (1863). Tuy nhiên ông không phải là người sáng lập chủ nghĩa vị lợi. Người khai sinh chủ nghĩa vị lợi là J. Bentham (1748 - 1832), người có tác động đáng kể đến sự hình thành và chuyển biến tư tưởng của Mill. Mill xuất phát từ quan điểm về nguồn gốc kinh nghiệm của tình cảm và các nguyên tắc đạo đức. Ông bổ sung một số điểm vào đạo đức học vị lợi của J. Bentham (1748 - 1832), theo đó giá trị của hành vi được quy định bởi sự thỏa mãn mà nó đem đến. Mill thừa nhận cả sự ích kỷ lẫn vô tư như bản tính đối lập nhau trong mỗi con người: trong đời sống xã hội quyền lợi cộng đồng, tương hỗ có thể vượt qua thói ích kỷ. Tình cảm đạo đức tốt thể hiện ở sự phấn đấu vươn đến hạnh phúc chung. Đây cũng là điểm tương đồng giữa Mill với Comte, dù người sáng lập chủ nghĩa thực chứng tỏ ra mềm yếu hơn trong tình cảm tôn giáo vào cuối đời.
Một trong những đại diện của chủ nghĩa thực chứng xã hội học là H. Spencer (1820 - 1903), người Anh. Spencer từng là kỹ sư đường sắt (1837 - 1841), sau đó cộng tác với tạp chí “Economist” (1848 - 1853). Trong triết học Spencer là người phát triển tiếp tục chủ nghĩa thực chứng của Comte, mặc dù phủ nhận sự lệ thuộc về tư tưởng của mình vào Comte.
Đánh giá bài viết?