Nhận thức luận và lôgíc học của Platon
Từ vấn đề tồn tại đích thực Platôn đi đến giải quyết vấn đề nhận thức đích thực và tri thức tự thân. Theo Platôn, nhận thức là quá trình linh hồn tìm về suối nguồn vĩnh cửu - thế giới các ý niệm, hay thế giới lý tưởng. Đó là quá trình hồi tưởng (anamnèsis): linh hồn hồi tưởng lại những gì mình có được trước đây, nhưng quên đi vào thời điểm gia nhập vào thân xác của đứa trẻ vừa sinh ra. Với cách lý giải như thế tri thức không phải là một hành vi cảm giác, không hẳn là một kiến giải đúng, hay kiến giải đúng kèm theo lý do, mà là một kết quả được xây dựng trên nền tảng của thực tại, thể hiện mối quan hệ có tính lôgíc, tính quy luật của những hình Ảnh diễn ra ở đó.
Phương pháp anamnèsis là phương pháp đi đến các ý niệm với tính cách cái chung không bằng con đường khái quát những cái đơn nhất, mà bằng con đường đánh thức trong linh hồn “tri thức đã bị quên lãng”. Platôn nhấn mạnh:”Hãy tìm kiếm tri thức nơi mình - điều đó có nghĩa là hồi tưởng”. Hồi tưởng bắt đầu như thế nào? Khi quan sát các sự vật lập tức trong linh hồn xuất hiện ý niệm tương đồng hay khác biệt, giúp chủ thể so sánh chúng với nhau. Chúng ta nhận biết tính thống nhất và đa dạng của thế giới nhờ kênh tín hiệu ấy trước tiên. Chẳng hạn, ta gọi một vật là đẹp, vì ta nhớ lại theo sự tương đồng ý niệm “cái đẹp”, và ngược lại. Chất xúc tác chủ yếu của phương pháp anamnèsis là nghệ thuật phán đoán lôgíc, đối thoại triết học, hỏi và đáp, mà đó lại là phép biện chứng theo cách hiểu của Xôcrát và Platôn.
Biện chứng còn được hiểu theo nghĩa thứ hai - năng lực tìm hiểu các khái niệm, phân biệt chúng theo tiểu loại, liên kết các tiểu loại thành những khái niệm chủng loại. Có thể đơn giản gọi phép biện chứng của Platôn là lôgíc học, khoa học nghiên cứu sự hoạt động của tư duy. Phép biện chứng được Platôn xem như khoa học tối thượng, đi từ mâu thuẫn và sự thiếu nhất quán trong tư duy đến nhận thức thực tại chân lý. Hai quá trình thường xuyên diễn ra là biện chứng đi lên và biện chứng đi xuống. Biện chứng đi lên là đi từ những cái phân tán, những cảm giác đa tạp đến cái đơn nhất - ý niệm thống nhất duy nhất, tức ý niệm cái thiện. Biện chứng đi xuống, ngược lại, là sự phân tích, triển khai tất cả những kết quả có được ra những chủng loại, xác lập lại những ý niệm mà không cần tới vai trò của cảm giác. Có thể hình dung biện chứng đi xuống như đi từ nguyên lý phổ quát của vạn vật đến các ý niệm và thế giới cảm tính.
Phép biện chứng chủ quan của Platôn, có thể gọi như vậy, là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của lý luận nhận thức và lôgíc học. Platôn đã xây dựng cơ sở cho học thuyết về phạm trù, về chủng loại và tiểu loại của các khái niệm, về sự thống nhất quy nạp - suy diễn như phương pháp tiếp cận chân lý, về sự phát triển thông qua các mặt đối lập. Phép biện chứng theo cách hiểu hiện đại được bắt đầu từ chính sự xem xét lại cách hiểu của người Hy Lạp về phép biện chứng, cải biến nó cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới của nhận thức.
Đánh giá bài viết?