Triết học của phái biện thuyết hay chủ nghĩa ngụy biện
Vào nửa sau thế kỷ V TCN trong bối cảnh hưng thịnh của nền dânchủ chủ nô triết học, lôgíc học và tu từ học được dịp phát triển, dần dần chiếm ưu thế trong hệ thống giáo dục của xã hội. Lúc ấy tại Aten và một số thị quốc khác xuất hiện nghề “dạy tư duy”, dạy cách diễn đạt, gọi là nghề biện thuyết (từ nguyên Hy Lạp:sophistikè), và một loại người - các nhà biện thuyết (từ nguyên Hy lạp: sophistès). Đối với họ chân lý khách quan không quan trọng bằng chiến thắng đối thủ trong tranh cãi.
Các nhà biện thuyết có nhiều đóng góp cho khoa học ngôn ngữ, nhất là tu từ học. Họ làm sâu sắc thêm thái độ có tính phê phán đối với mọi tri thức và kiến giải, chống lại những quan điểm thiếu tính chân thực, phê phán cả những cơ sở của nền văn minh. Lần đầu tiên cá nhân trở thành quan tòa phán xét mọi thứ.
Có thể gọi các nhà biện thuyết là những nhà khai sáng cổ đại. Họ không chỉ làm sâu sắc thêm các học thuyết của quá khứ, mà hơn thế nữa, đã đại chúng hóa tri thức, truyền bá cho các công dân những gì mà khoa học và triết học thời ấy tích lũy.
Các nhà biện thuyết hầu như không quan tâm đến thế giới bên ngoài, giới tự nhiên, mà chỉ chú trọng nhân tố con người, chủ thể tư duy, dùng chủ nghĩa tương đối (relativism) để giải thích những vấn đề thế giới quan, nhận thức luận, đạo đức, xã hội. Chân lý, theo họ, có tính chất tương đối, vì lệ thuộc vào ngoại cẢnh, thời gian, đặc biệt là con người. Tuy nhiên, do quá thiên về trò chơi trí tuệ, tuyệt đối hóa năng chủ quan của con người mà sau này sophistikè bị phê phán như một học thuyết cố tâm bảo vệ và biện minh những điều lạ lùng, ngược đời, nghĩa là một học thuyết mang tính nguỵ biện.
Người sáng lập phái biện thuyết là Prôtago (Protagoras, 480 - 410 TCN), sinh tại Apđerơ, đồng hương với Đêmôcrít. Ông là thầy dạy chuyên nghiệp môn tu từ học và thuật tranh biện. Ông không ở cố định một nơi nào, mà lang thang khắp Hy Lạp, hay trên đường phố Aten, từng bị kết án tử hình do thái độ hoài nghi đối với tôn giáo và trật tự hiện hành, sau được tha, bị trục xuất trục xuất ra khỏi Aten nhờ sự can thiệp của Pêriclét, nhưng bị chết đối trên đường từ Nam Ý sang Xixin. Tư tưởng của Prôtago khác hẳn bản thể luận truyền thống. Ông cũng cho rằng các hành chất là nguyên nhân đầu tiên của vạn vật, nhưng không phải thực tại khách quan, mà tính biến đổi mới là thuộc tính của nó. Nói cách khác, ông lý giải bản nguyên không từ kết cấu, mà tử bản chất của nó. Chính tính biến đổi, hay “tuôn chảy” của vạn vật đã đẫn Prôtago đến nhận định rằng nếu trong sự vật tồn tại hai mặt đối lập nhau, thì trong con người có thể tồn tại hai ý kiến trái ngược nhau về sự vật, và “cả hai đều đúng”. Trong trường hợp đó sức mạnh của phán quyết phụ thuộc nhiều vào nghệ thuật biến hóa ngôn từ. Trong Những ngôn từ lật đổ Prôtago viết:”Con người - thước đo của vạn vật”. Luận điểm chủ đạo đó hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu xa. Tạm bỏ qua những yếu tố cực đoan, có thể tìm thấy ở đây tinh thần đề cao tự do và năng lực cá nhân. Nếu con người là thước đo của vạn vật, thì thiết chế do con người xác lập là thước đo của sự công bằng. Là nạn nhân của nền dân chủ Aten, nhưng khác với Xôcrát, Prôtago vẫn xem dân chủ là hình thức nhà nước ưu việt nhất trong thế giới cổ đại, vì theo ông, nó mở ra khả năng đối thoại bình đẳng giữa các công dân và chính quyền. Prôtago vận dụng chủ nghĩa tương đối vào việc lý giải các chuẩn mực đạo đức và các quan hệ xã hội. Tiêu chuẩn của chân lý là lợi ích. Cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác mang tính chất tương đối, vì phụ thuộc vào cách xem xét và đánh giá của mỗi cá nhân. Tôi chiến thắng, nghĩa là tôi đúng, chứ không phải tôi đúng, nên tôi chiến thắng.
Đại biểu lớn thứ hai của phái biện thuyết là Goócgiát (Gorgias, 483 - 375 TCN), sinh tại Lêontium (Leontium), đảo Xixin. Nếu Prôtago thiên về vấn đề nhận thức, thì Goócgiát chú trọng đến bản thể luận, mặc dù bản thế luận của ông hết sức đặc biệt. Nếu trong chủ nghĩa tương đối Prôtago khẳng định “mọi thứ đều đúng”, thì Goócgiát lại tuyên bố “mọi thứ đều sai”, sử dụng các apôria của Dênông như con dao hai lưỡi, bác bỏ luận điểm nền tảng của trường phái Elê về chân lý và tồn tại. Quan điểm triết học của Goócgiát có thể tóm gọn trong một câu: “Không có gì tồn tại cả”. Các nhà triết học thuộc trường phái Elê khẳng định rằng cái gì được ta tư duy thì mới tồn tại, mọi ý tưởng luôn luôn là ý tưởng về cái đang tồn tại, còn cái không tồn tại trên thực tế (hư vô) thì không thể được tư duy như cái đang tồn tại. Nhưng Goócgiát bác bỏ từng luận điểm một của họ. Thứ nhất, không thể chứng minh “hư vô không tồn tại” vì bản thân từ “chứng minh” đã buộc phải thừa nhận “cái không - là”, nghĩa là hư vô. Thứ hai, không thể chứng minh “cái đang tồn tại thì tồn tại”, vì tồn tại, theo trường phái Elê, là không sinh không diệt, bất biến bất phân, nghĩa là không có khởi đầu, mà nếu không có khởi đầu thì vô hạn, mà nếu vô hạn thì không xác định được, mà nếu không xác định được thì hóa ra vật tồn tại không ở đâu cả, mà nếu không ở đâu cả thì nó không có (không tồn tại). Tính chất nguỵ biện của cách lập luận trên đã quá rõ. Goócgiát đánh động khởi điểm thời gian với vị trí không gian, vị trí với tồn tại (không có vị trí là không có tồn tại).
Trình tự lập luận của Goócgiát đưa ông đến ba điểm chính:1) không có gì tồn tại cả;2) nếu có tồn tại thì cũng không nhận thức được; 3) nếu chúng ta biết được một cái gì đó tồn tại, thì cũng không giải thích nó đầy đủ cho người khác được. Sai lầm về lý luận của Goócgiát là ở chỗ tách rời tồn tại và ý thức, biểu tượng và lời nói, chủ thể cảm giác và đối tượng cảm giác. Tư tưởng triết học bị mất đi tính nghiêm túc vốn có của nó, hơn nữa rơi vào chủ nghĩa hoài nghi, bất khả tri. Cả Platôn và Arixtốt đều xem biện thuyết như trò lừa bịp, biến con người thành nô lệ của ngôn từ, dùng ba tất lưỡi bẽ cong chân lý. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác có thể thấy rằng chính các nhà biện thuyết thông qua sự triển khai tư tưởng của mình đã cho thấy sự huyền diệu của ngôn ngữ, sức mạnh của nghệ thuật hùng biện, một nghệ thuật rất cần trong ứng xử, giao tiếp, quan hệ công việc.
Đánh giá bài viết?