Triết học của trường phái Xôcrát
Sau khi Xôcrát bị xử tử tại nhiều nới đã hình thanhg2 các trường phái triết học nhỏ, triển khai tư tưởng Xôcrát theo những hướng khác nhau, trong đó có trường phái Mêga, trường phái Elít, trường phái Er6tơri, trong đó nổi lên trường phái Aten, do Antixten sáng lập, và trường phái Xiren, do Arixtíp đứng đầu.
Phái Khuyển nho (cynics) )được biết đến như một trường phái chống đối chế độ chính trị Aten. Tên gọi trường phái đồng âm với tên gọi một trường học đặt ở ngoại vi Aten là Kinôsarơgết ((Kynosarges), nơi Antixten (Antisthenes, 445 - 360 TCN) - người sáng lập trường phái này, theo học. Đại biểu lớn thứ hai của phái Khuyển nho là Điôgen (Diogenes, khoảng 412 - 323 TCN), sinh tại Xinốp (Sinope), thành phố cảng bên bờ biển Đen, thuộc địa cũ của Milê. Dần dần, khi Antixten truyền bá lối sống “phù hợp với tự nhiên”, giống như lối sống của loài vật, lối sống của con chó (Kyon), ông cũng nhận được danh xưng “con chó bình dị” (haplokyon). Tên gọi bỡn cợt ấy bao hàm cả nghĩa mỉa mai lẫn yêu thương trìu mến. Những môn đệ của Antixten, những “con chó” ấy, không cắn người ta bằng răng nhọn, mà bằng ngôn từ. Cũng như Xôcrát, Antixten có thái độ phê phán đối với nền dân chủ, nhưng không phải vì nó là quyền lực của nhân dân, mà vì về thực chất` nó củng cố chuyên chính của tầng lớp chủ nô.
Mối quan tâm hàng đầu của những người khuyển nho là vấn đề đạo đức, mặc dầu Điôgen viết hẳn cuốn sách tựa đề Về tự nhiên. Tự nhiên ngoài ý nghĩa là những gì tồn tại xung quanh con người, còn hàm chứa tính tự nhiên của đời sống. Vì phái Khuyển nho chống đối nền văn minh, nên bị xem như bất chấp đạo lý; bất chấp đạo lý của xã hội một cách cực đoan thì gọi là cuồng si. Trong sự cuồng si ấy những người khuyển nho đã thách đố tất cả, bởi vậy mà người ta gán cho họ là những kẻ vô liêm sỉ, phớt lờ mọi thang bậc đạo đức do xã hội đặt ra. Tính chất vô liêm sỉ là sự phản ứng thái quá của những người khuyển nho đối với nền tảng đạo đức đang bị mục ruỗng bởi những kẻ “chơi trò dân chủ”. Đạo đức học của phái Khuyển nho hướng đến việc bảo vệ tầng lớp thấp của xã hội. Nguyên tắc đạo đức hàng đầu là khẳng định quyền tự nhiên của con người. “Tự nhiên” - chuẩn mực và thước đo của tất cả. Sống hạnh phúc nghĩa là sống theo tự nhiên. Nguyên tắc thứ hai - khổ hạnh như sự giải thoát. Khổ hạnh giúp con người tránh xa những nhu cầu vật chất để vươn đến sự tự do tâm linh. Nguyên tắc thứ ba - lý trí là sức mạnh chi phối hành vi con người. Lý trí thống nhất với phẩm hạnh, đối lập với dục vọng thấp hèn Dù đòi hỏi con người xa rời nhu cầu vật chất, nhưng phái Khuyển nho lại đánh giá cao lao động và người lao động. Luận điểm “lao động là hạnh phúc” trở thành một trong những hòn đá tảng của đạo đức khuyển nho, phản ánh quan niệm của đại chúng về cái thiện. Nguyên tắc thứ tư - con người cá nhân trên hết. Những người khuyển nho đào sâu mối bất hòa giữa cá nhân và xã hội, giữa tính cá nhân và tính cộng đồng. Họ kiêu hãnh tuyên bố:”Nghèo không phải là tội lỗi”. Chủ nghĩa cá nhân của họ không chống lại đạo đức nói chung, mà chống đạo đức do giới cầm quyền áp đặt.
Phái Xiren (Cyrenaism) do Arixtíp (Aristippos, 435 - 360 TCN) sáng lập tại Xiren, một thị quốc thuộc địa của Hy Lạp tại vùng ven biển Bắc Phi. Triết học của phái Xiren là sự kết hợp duy cảm luận (sensualism, sensationalism) và chủ nghĩa khoái lạc (hedonism). Khác với phái Khuyển nho, đạo đức học của phái Xiren khuyến khích con người tận hưởng khoái lạc, giảm thiểu khổ đau. Khoái lạc là điều thiện, khổ đau là điều ác. Lối sống khổ hạnh không xứng đáng với tinh thần tự nhiên, thậm chí là sự tự trừng phạt. Con người được phú cho bao nhiêu cơ quan cảm giác hãy sử dụng bấy nhiêu để thỏa mãn nhu cầu con người. Hãy tận hưởng khoái lạc, vì khoái lạc đâu phải là đặc quyền của giới qúy tộc? Khoái lạc chỉ dành cho ngày hôm nay, bởi lẽ quá khứ và tương lai không thuộc về ta. Tự do là phương tiện đạt tới hạnh phúc; hạnh phúc là “tận hưởng”, “thu vào”, chứ không “chối bỏ”những nhu cầu hiện thực. Tri thức trở nên hữu dụng nếu nó đem đến hiệu quả cụ thể, con người trở nên tự do, nếu không chịu sự can thiệp của thần linh. Sống trước hết là hoạt động, nếm trãi, hưởng thụ, song hưởng thụ một cách hợp lý, điều độ vẫn tốt hơn. Arixtíp chống lại sự hưởng lạc thái qaú, tầm thường, dung tục, kêu gọi sử dụng tiện nghi vật chất, thú vui tinh thần như người lái tàu, người cỡi ngựa, biết dẫn dắt chúng đi theo ý muốn. Triết gia khôn ngoan là người biết sẵn sáng tận hưởng mọi lạc thú, nhưng cũng sẵn sáng khước từ chúng nhẹ nhàng, đúng lúc.
Như vậy phái Khuyển nho và phái Xiren đã bày tỏ hai thái độ hoàn toàn trái ngược nhau đối với thực trạng xã hội đang có dấu hiệu tha hóa về đạo đức.
Đánh giá bài viết?