Triết học tự nhiên của trường phái Milê

Cuộc tranh luận đầu tiên của triết học Hy Lạp cổ đại xoay quanh vấn đề “thế giới bắt đầu từ đâu và hướng (quay) về đâu?”, nói cách khác, đó là cuộc tranh luận về bản nguyên thế giới, tức cơ sở ban đầu, căn nguyên phát sinh mọi sự vật, hiện tượng, hay nói như Talét, là cái mà từ đó mọi thứ sinh ra và trở về. Đi tìm “cái ban đầu”, viên gạch đầu tiên xây nên tòa lâu đài vũ trụ, đã tạo nên các cách lý giải khác nhau về bản nguyên thế giới. Tinh thần tranh luận quyết liệt ngay trong vấn đề đầu tiên này đã cho thấy khát vọng khám phá và chinh phục thế giới của người Hy Lạp, tiêu biểu cho phong cách tư duy phương Tây trong lịch sử phát triển của nó. Sự vượt qua và điều chỉnh nhau giữa các triết gia, xét cho cùng, cũng chỉ nhằm biểu thị giới hạn và triển vọng hiểu biết của con người.

Milê là tên một thị quốc phồn thịnh bậc nhất của Hy Lạp cổ đại, thuộc xứ Iôni, miền Tiểu Á. Người sáng lập trường phái Milê là nhà toán học, nhà thiên văn học, nhà triết học đầu tiên của Hy lạp làTalét (khoảng 624 - 547 TCN). Trong toán học, bằng việc phát minh nhiều định lý cơ bản của hình học, số học, nghĩa là bằng việc sử dụng những công thức trừu tượng, Talét đã đặt cơ sở cho sự ra đời toán học lý thuyết. Trong thiên văn và vật lý Talét có nhiều phát hiện độc đáo về hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, thủy triều, tiết phân, hạ chí, mặc dù còn mang tính chất ngây thơ. Trong triết học, Talét thuộc thế hệ đầu tiên xem xét bản nguyên ở dạng hành chất. Ông nói về nước như một cái phổ quát, tuyệt đối, như cơ sở của sinh thành và cả chuyển hóa nữa, mặc dù ý tuởng về chuyển hóa chỉ xuất hiện dưới dạng phôi thai. Tất cả chỉ là biến thái của nước. 

Trái đất như cái đĩa dẹt trôi bồng bềnh trên nước, được bao quanh bởi nước, các đại dương, và chia thành 5 vùng (bắc, hạ chí, xuân phân, đông chí, cực nam). Sự giải thích bản nguyên thế giới từ chính những yếu tố vật chất của thế giới về căn bản đưa đến sự kết thúc vai trò thống trị của thần thoại trong ý thức con người. Lý trí thay thế thần Dớt, giới tự nhiên dần dần cởi bỏ lớp vỏ siêu nhiên. Tuy nhiên bản thân Talét chưa thể chấm dứt ngay những ràng buộc với tư duy huyền thoại. Ông sử dụng các yếu tố vật linh thuyết, vật hoạt luận làm chỗ dựa cho quan điểm của mình, như điều kiện cần thiết để dung hòa với thói quen truyền thống. Đặc tính vật lý của nước được nâng lên cấp độ thần linh. Thế giới chứa đầy thần linh. Nước và tất cả những gì phát sinh từ nước đều có linh hồn, có thần tính. Mặt trời làm cho nước bốc hơi thì được Talét giải thích một cách ngây thơ, mộc mạc rằng Mặt trời cần nước để tồn tại ! Nhưng khi có người hỏi “nước do đâu mà có ?”, thì sự chông chênh trong lý lẽ của Talét bộc lộ ngay.

Đại biểu thứ hai của trường phái Milêlà Anaximăngđơ (khoảng 610 - 546 TCN). Bản nguyên bây giờ không còn là nước, mà là cái có ý nghĩa phổ quát hơn. Theo Anaximăngđơ, để truy tìm bản nguyên sâu xa nhất, nguyên nhân của các nguyên nhân, thì không thể dừng lại ở những hành chất cụ thể được. Nước, hay một cái gì khác cụ thể, không phải là nguyên nhân, mà là kết quả của một quá trình sinh thành trong vũ trụ. Cái xác định là kết quả của những gì chưa xác định mà thành. Nó vô cùng, vô tận, không chịu sự chi phối của những điều kiện không - thời gian, vĩnh viễn, và không xác định được; trong sự tự do đó nó hợp nhất mọi thứ để tạo nên những cái cụ thể mà ta biết, hoặc cảm nhận. Cái không xác định (apâyrôn) của Anaximăngđơ là nỗ lực vươn đến quan điểm thực thể về bản nguyên: vượt qua cái cụ thể cảm tính để suy tưởng về một căn nguyên có tính trừu tượng. Tất cả các đặc tính của Apâyrôn được quy về một đặc tính chủ yếu là vận động. Sự vận động của thực thể apâyrôn quyết định quá trình hình thành của vũ trụ và con người. Khi vận động theo vòng xoáy lốc, apâyrôn tạo nên những cực đối kháng - ẩm và khô, lạnh và nóng. Kết hợp theo từng cặp những tính chất ấy sẽ dẫn đến hình thành đất (khô và lạnh), nước (ẩm và lạnh), khí (ẩm và nóng) và lửa (khô và nóng). Từ trung tâm, những kết cấu vật chất dần dần được xác định. Dưới tác động của lửa một phần nước bốc hơi, còn đất thì tụ lại giữa đại dương. 

Trái đất đã hình thành như vậy. Bầu trời phân chia ra ba vòng, do khí bao quanh, tương tự như ba vành bánh xe rỗng, được bơm đầy lửa. Vành dưới nhiều lỗ hổng, chứa lửa, là các vì sao. Vành giữa một lỗ hổng, là Mặt trăng. Vành trên cùng một lỗ hổng, là Mặt trời. Theo Anaximăngđơ, sự sống hình thành trước tiên ở đại dương, sau đó tiến dần lên cạn. Con người có thể chất yếu đuối nên sinh ra và phát triển trong bụng một loài cá khổng lồ. Chỉ khi trưởng thành loài người mới lên đất liền và sống độc lập. Đó là quan niệm ngây thơ về nguồn gốc sự sống, song trong cái vẻ nghèo nàn, trừu tượng này đã thể hiện những đột phá táo bạo về thế giới quan,: lần đầu tiên trong triết học cổ đại Hy Lạp Anaximăngđơ đã cố gắng giải thích thế giới từ nguyên nhân tự thân, gạt bỏ yếu tố vật linh thuyết, vật hoạt luận, đưa ra tư tưởng biện chứng tự phát về tính phổ biến của vận động, biến đổi, sự thống nhất các mặt đối lập, về quá trình thành sự sống từ thế giới vô cơ, con người từ loài vật.

Anaximen (588 - 525 TCN), nhân vật thứ ba của trường phái Milet, tìm cách dung hòa hai bậc tiền bối, nhưng bác bỏ sự lựa chọn của họ. Bản nguyên thế giới phải là cái xác định, chứ không phải vô định, bởi lẽ tòa lâu đài vũ trụ không thể tự nhiên mà sinh thành với toàn bộ diện mạo của nó (bác bỏ Anaximandros). Tuy nhiên với tính cách là cơ sở của mọi sự sinh thành, phát triển, diệt vong, của mọi trạng thái sự vật, bản nguyên phải là cái năng động và biến hóa, cái ta không thấy, mà cảm nhận sự hiện hữu khắp nơi của nó, đóng vai trò hàng đầu của sự sống, như nước, mà biến hóa hơn nước. Đó là apâyrốt, tạm hiểu là “khí”, mà theo Anaximen, còn tỏ ra bao quát hơn cả apâyrôn, cái chỉ đáng xem như thuộc tính của nó. Chính ở apâyrốt diễn ra quá trình “tán” và “tụ” thường xuyên, để có được một thế giới sống động và hài hòa. Khi tán khí hóa thành lửa, rồi sau thành cái vầng sáng tinh khiết nhất - ête (aither); lúc tụ apeiros biến thành gió, mây, nước, đất và đá, tùy thuộc vào mức độ tụ của nó. Sự tán gắn với quá trình đốt nóng, sự tụ - quá trình lạnh đi. Không chỉ là bản nguyên thế giới, khí còn là nguồn gốc sự sống và các hiện tượng tâm lý. Linh hồn là sự thở, khí của linh hồn và khí của thế giới vật chất thống nhất với nhau. Thần linh cũng xuất hiện từ khí. Như vậy khí của Anaximen vừa là yếu tố vật lý (không khí), vừa là yếu tố tâm linh (sinh khí). 


Cả Talét, Anaximăngđơ và Anaximen đều là những nhà “vật lý”, vì họ xác định nhiệm vụ chủ yếu là tìm hiểu những vấn đề của vũ trụ, tự nhiên. Bên cạnh đó, họ còn đưa vào triết học của mình những yếu tố của huyền học, một phần kế thừa từ thế giới quan huyền thoại trước đó, phần khác du nhập từ các nước phương Đông láng giềng. Nước được nâng lên cấp độ “nước thần”, là biểu tượng của sự nhất trí và hòa hợp; apâyrôn là nguyên lý sinh hóa của vạn vật; apâyrốt không chỉ là yếu tố vật lý, mà còn biểu thị sức sống năng động của vũ trụ và con người; quan niệm về ngày tận thếlà sự vận dụng luật bù trừ trong thiên nhiên để giải thích quy luật chuyển hóa của các sự vật, hiện tượng; kiếp người thường được liên tưởng đến kiếp của muôn loài: có sinh có diệt, tội ác phải đền bằng cái chết. Đó là điều bình thường trong điều kiện tư duy triết học vừa thoát ra khỏi thế giới quan huyền thoại, cần sử dụng những yếu tố của quá khứ, nhưng đang còn phổ biến trong ý thức đại chúng, như giá đỡ cho sự thể hiện cái mới, cái hiện là cá biệt, song với thời gian sẽ chuyển hóa thành cái phổ biến.
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?