Bản thể luận triết học Aristoteles
Ngoài chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm như hai khuynh hướng, hay hai đường lối cơ bản, hình thành và phát triển trong cuộc tranh luận về nguyên nhân, cơ sở của tồn tại, trong triết học Hy Lạp còn hình thành phương án thứ ba - nhị nguyên luận (dualism xuất phát từ tiếng la tinh dualis là tính hai mặt, phân đôi). Đại diện cho phương án này làArixtốt.
Trong chương 9, quyền 1, các chương 4 và 5, quyển 13 của Siêu hình học Arixtốt phê phán Platôn vì đã tuyệt đối hóa ý niệm, xem nó như một thế giới lý tưởng, tồn tại độc lập (xem Arixtốt: Siêu hình học, quyển 1, chương 9, 10; quyển 13, chương 4; quyển 14, chương 1). Nhằm vượt qua Platôn, Arixtốt xây dựng quan niệm mới về tồn tại trên cơ sở thừa nhận tính tuyệt đối, tính phổ biến và tính đơn nhất của nó. Tồn tại, theo Arixtốt, là cái bao hàm những đặc tính tạo nên bản chất của sự vật. Khi ta nói cái gì đó có, ta nói trước hết đến các thuộc tính tạo nên nó. Đó là tồn tại đơn nhất, có cá tính. Tồn tại cũng được xác định theo tính phổ biến, nghĩa là trong vô số các sự vật khác nhau thuộc một hoặc nhiều chủng loại, ta vẫn tìm ra những nét tương đồng của chúng. “Tồn tại, - Arixtốt viết, - tự nó quy cho tất cả những gì được xác định thông qua những hình thức diễn đạt của các phạm trù, bởi lẽ những diễn đạt ấy được tạo ra bằng bao nhiêu cách thức, thì tồn tại được xác định trong bấy nhiêu ý nghĩa. Do chỗ một số diễn đạt quy định bản tính sự vật, một số khác - chất, một số khác nữa - lượng, một số khác nữa - quan hệ, một số khác nữa - vận động hay chịu tác động, một số khác nữa - “ở đâu” (vị trí), một số khác nữa - “khi nào” (thời gian), nên tương tự mỗi thứ trong số chúng đều hàm nghĩa tồn tại” (Arixtốt, sđd, quyển 5, chương 7, 1017a 23 - 27). Đó là tồn tại phổ biến, bao hàm những đặc tính chung nhất của sự vật. Ngoài hai đặc tính vừa nêu Arixtốt dành nhiều quan tâm đến tồn tại thuần túy tự thân, tuyệt đối, tách khỏi vậ chất, nghĩa là tồn tại như một bản thể siêu việt, vượt khỏi thế giới khả giác hữu hình, hay Thượng đế. Vấn đề này được làm sáng tỏ thêm trong học thuếyt về tồn tại như sự thống nhất tiềm thể, hay khả năng (vật chất, hay thể chất) và hiện thể, hay hiện thực phi vật chất (hình thức, hay mô thức). Cùng với hai mặt đối lập ấy Arixtốt còn đưa ra yếu tố thứ ba, một thể nền (hypokeimenon) mà trên đó các quá trình sinh thành, biến đổi diễn ra từ sự tương tác của các mặt đối lập. Như vậy có thể hình dung một cấu trúc gồm ba thành tố:cái hiện hữu, cái đối lập với hiện hữu, cái mà từ đó một cái khác xuất hiện. Cái hiện hữu bao giờ cũng là cái được xác định, nghĩa là mang một diện mạo, dáng vẻ cụ thể. Sự khiếm khuyết diện mạo có thể xem là mặt đối lập của nó.
Cái làm cơ sở cho sự xuất hiện chính là vật chất (thể chất). Arixtôt gọi ba bản nguyên này lần lượt là mô thức (morphè), khiếm khuyết (steresis) và thể chất (hyle). Vật chất là khả năng tồn tại (tiềm thể). Khối đồng trở thành bức tượng bằng đồng là nhờ có một mô thức (hình Ảnh bức tượng) khoác lên vật chất ấy (khối đồng), giúp nó có được diện mạo đặc trưng. Pho tượng, quả cầu, hình vuông, hình tam giác, hình thoi … có thể phổ biến cho nhiều chất liệu - đất, đá, sắt, đồng, gang …Điều này chứng tỏ tính năng động của mô thức, khác với tính thụ động của vật chất, cái chỉ trở thành một hiện hữu xác định khi tiếp nhận một mô thức nào đó. Mô thức được Arixtốt quy về bản chất, hiện thực. Nguyên nhân đích thực, sơ khởi của tồn tại không phải là những yếu tố vật chất, mà là cái đem lại một thiết định cho sự vật để sự vật là chính nó (xem Arixtốt, sđd, quyển 7, chương 17, 1041a7 - 30, 1041b3 - 20). Nhưng, theo Arixtốt, vật chất xét trong những trường hợp khác nhau vừa là khả năng, vừa là hiện thức. Chẳng hạn, việc xem khối đồng là “vật chất” của quả cầu chưa phải là cách xem xét duy nhất. Có thể nói đơn giản “khối đồng là một hiện thực”, còn các phân tử đồng là “vật chất” hợp nhất thành “khối”. Theo trình tự đó có thể truy đến kỳ cùng, đến chỗ bản thân các hành chất cơ bản của vũ trụ (đất, nước, lửa khí) cũng là những hiện thực (mô thức) đặc biệt, kết hợp với “thể chất”, tức vật chất đặc biệt nào đó. “Vật chất” với tính cách là nguồn gốc tự nhiên của bốn hành chất - vật chất đầu tiên - có lẽ là hỗn mang không xác định, thứ “khả năng” thuần tuý, tự nó chưa thể trở thành hiện thực.
Vật chất cũng vĩnh cửu như mô thức. Tất cả những gì tồn tại trong tự nhiên đều được tạo thành từ vật chất và mô thức. Không có vật chất sẽ không có tự nhiên và sự vật. Sự vật xuất hiện là nhờ có một mô thức được đưa vào vật chất. Vật chất và mô thức là cơ sở của các sự vật đơn nhất, ban cho chúng một chủng loại, một hình thức đặc trưng. Khác với mô thức, vật chất là nguồn gốc của tính nhất thời, khả biến của vạn vật; chính nhờ nó có đặc tính đứng ở ngưỡng cửa của tồn tại và không tồn tại, mà sự vật cũng có khả năng “tồn tại hay không tồn tại”. Thế giới các sự vật do sự kết hợp vật chất - mô thức tạo ra là thế giới vận động. Nhưng đâu là nguồn gốc của vận động? Theo Arixtốt, sự tồn tại vĩnh cửu của thế giới và sự vận động vĩnh cửu tất yếu đưa đến sự thiết định về nguyên nhân vĩnh cửu, tối hậu của thế giới. Theo trật tự nhân quả cần truy tìm nguyên hnân đầu tiên của dòng chuyển biến vạn vật theo thời gian. Trong chu kỳ nối tiếp nhau con gà - quả trứng - con gà vẫn có thể hình dung con gà đầu tiên không sinh không diệt. Đó là hình Ảnh Động cơ đầu tiên mà thiều nó sẽ không có bất kỳ động cơ nào khác, vận động nào khác.
Động cơ đầu tiên được phân tích từ ba khía cạnh: thứ nhất, Động cơ đầu tiên không chịu sự tác động của bất kỳ yếu tố bên ngoài nào; nó vừa là nguyên nhân đầu tiên, vừa là tồn tại đầu tiên. Thứ hai, Động cơ đầu tiên là cái bất động, vì nó đã ngự ở đỉnh chóp, trở thành nguyên lý tối cao của mọi sự chuyển dịch, biến đổi. Thứ ba, Động cơ đầu tiên là tồn tại tối thượng, tự thân, phi vật chất, siêu tự nhiên, là trí tuệ thuần túy, mô thức thuần túy, mô thức của những mô thức, khởi động và chi phối các quá trình vũ trụ. Như vậy nhị nguyên luận dẫn đến chủ nghĩa duy tâm khách quan. Điểm xuất phát là sự phê phán chủ nghĩa duy tâm Platôn trong học thuyết về ý niệm như cơ sở, khuôn mẫu cũa thế giới các sự vật, điểm kết thúc lại là một thứ chủ nghĩa duy tâm không triệt để dưới hình thức nhị nguyên vật chất - mô thức.
Đánh giá bài viết?