Quan niệm duy vật về tự nhiên tạo nên hạt nhân bản thể luận của triết học Feuerbach.
Giới tự nhiên là hiện thực duy nhất, còn con người là sản phẩm, kết quả ưu tú nhất, đặc sắc nhất của nó. Thông qua con người và nhờ con người giới tự nhiên bộc lộ mình với tất cả những gì phong phú, kỳ vĩ nhất; thông qua tự nhiên con người từng bước hoàn thiện bản thân với tính cách là con người sống và hoạt động. Con người cần tìm hiểu nguyên nhân của tự nhiên trong tự nhiên, vì giới tự nhiên là nguyên nhân tự tại.
Giới tự nhiên mang tính vật chất,vật thể, tính cảm giác được, nghĩa là: nói đến giới tự nhiên chúng ta ngầm hiểu thế giới vật chất rộng lớn gần gủi và bao quanh mình, nhưng đó không phải là một cái gì trừu tượng, thiếu tính quy định, mà thể hiện sự tồn tại của nó qua các vật the cụ thể, phong phú, đa dạng; các vật thể ấy tác động thường xuyên lên cảm giác, được cảm giác nhận biết, phản ánh. Vật chất không do ai sáng tạo, luôn luôn đã, đang và sẽ tồn tại, nghĩa là vĩnh cửu, không có khởi diểm và kết thúc, nghĩa là vô hạn. Vận động, không gian và thời gian là “điều kiện cơ bản”, “phương thức tồn tại” của vật chất. Nói đến vật chất là nói đến vật chất đang vận động, nhưng vận động sẽ vô nghĩa nếu không có không gian và thời gian hiện thực.
Phát triển mang tính phổ biến trong tự nhiên. Quá trình phát triển từ vật chất vô cơ sang thế giới hữu cơ, sang sự sống là quy luật khách quan. Feuerbach xem xét sự sống như sự thống nhất tính chủ quan và tính khách quan, tâm lý và sinh lý, như hình thức tồn tại cao của tự nhiên, trong đó sự sống loài người là biểu hiện hoàn mỹ và sinh dộng nhất.
Lý luận nhận thức của Feuerbach chịu Ảnh hưởng của duy cảm luận duy vật thời trước. Theo ông, thế giới hiện thực được tri giác là đối trượng trực tiếp của nhận thức. Các cảm giác gắn kết con người với thế giới xung quanh, giúp nhận biết thế giới trong tính toàn vẹn của nó. “Các cảm giác của tôi chủ quan, nhưng cơ sở, hay nguyên nhân của nó khách quan”. Duy cảm luận của Feuerbach không đề cao một chiều vai trò của các cơ quan cảm giác. Xuất phát từ chỗ cảm giác của con người khác về chất với cảm giác của loài vật, Feuerbach nhấn mạnh tính thống nhất của trực quan sinh động và tư duy trừu tượng. Con người trong quá trình nhận thức cần bắt đầu từ tính cảm giác như từ cái đơn giản nhất,hiện rõ nhất, rồi mới đi đến cái phức tạp hơn,trừu tượng hóa đối tượng. Nhiệm vụ của tư duy là từ những dữ liệu cảm tính trực tiếp biết tổng hợp lại, sử dụng các phương pháp khác nhau nhằm xác định nội dung ẩn chứa bên trong của chúng. Feuerbach viết:”Chúng tôi coi các cảm giác là quyển sách của tự nhiên, nhưng không coi tự nhiên là các cảm giác”.
Feuerbach xem hoạt động thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra tính chân lý của tri thưc:”Những hoài nghi mà lý luận chưa giải quyết được thì thực tiễn giải quyết”.
Trong lý luận nhận thức của Feuerbach có một số nội dung không phù hợp với quan điểm hiện đại. Trước hết,mặc dù nhấn mạnh tính thống nhất giữa cảm giác và tư duy, song Feuerbach lại không hiểu thấu đáo quá trình chuyền hóa từ sự phản ánh thế giới khách quan bằng cảm giác sang sự phản ánh nó trong lý luận, trong các khái niệm, các phạm trù. Feuerbach tỏ ra xa lạ với Lôgích học của Kant và Hegel, không đánh giá đúng mức tư tưởng sâu sắc của Hegel về sự vận động của tư duy lý luận từ trừu tượng đến cụ thể. Cách hiểu của Feuerbach về thực tiễn mơ hồ và thiếu sâu sắc, chưa đề cập đến những thành tố chủ đạo nhất của hoạt động vật chất mang tính sáng tạo này.
Đánh giá bài viết?