Mời viết bài hội thảo khoa học Quốc tế: Nho học Đông Á: Truyền thông và hiện đại

THÔNG BÁO MỜI VIẾT BÀI HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ:
NHO HỌC ĐÔNG Á: TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI
Ngày 28,29 tháng 03 năm 2015

Trong tiến trình lịch sử, truyền thống Nho học của Trung Quốc đã có những ảnh hưởng sâu sắc và tương đối toàn diện đối với văn hóa và xã hội của các nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á (bao gồm Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Hồng Kông, Đài Loan...), đồng thời đã trở thành một giá trị văn hóa chung của văn minh Đông Á. Bước vào thế kỷ 21, dưới những tác động của trào lưu toàn cầu hóa, cùng sự trỗi dậy của châu Á và những xu hướng mới trong nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, “Nho học Đông Á” – với tư cách là một lĩnh vực học thuật mới trong nghiên cứu châu Á, đã bắt đầu thoát khỏi giới hạn nghiên cứu theo “chủ nghĩa quốc gia trung tâm” vốn có và dần dần chuyển sang một tầm nhìn mới với tính chất đa diện, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, xuyên quốc gia, mang tính liên ngành và lấy Đông Á là phạm vi nghiên cứu. Khái niệm Nho học Đông Á mặc dù bao quát nhưng không phải là tổ hợp mang tính cơ giới của các truyền thống Nho học Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Khái niệm này vừa chỉ sự phát triển và nội hàm tư tưởng Nho học cùng quan niệm giá trị của nó ở khu vực Đông Á, đồng thời còn bao hàm sự biến đổi, phát triển và tương tác của tư tưởng Nho gia ở các nước trong khu vực. Chính vì vậy, lĩnh vực nghiên cứu này có thể giúp chúng ta không chỉ nhận thức được tính tương đồng của hệ thống tư tưởng Nho giáo mà còn nhận thức được tính đặc thù bắt nguồn từ sự đa dạng văn hóa giữa các nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á. Trên cơ sở những hiểu biết đó, chúng ta có thể vận dụng tối đa những giá trị của học thuyết Nho gia để xây dựng cơ sở cho quá trình tương tác và hòa nhập giữa văn minh Đông Á và văn minh thế giới trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Với ý nghĩa đó, việc khảo sát và nghiên cứu về truyền thống Nho học trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông Á chính là xu hướng mới, triển vọng mới trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, cần và đáng được quan tâm, nỗ lực nghiên cứu nhiều hơn nữa trong tương lai.


Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế: “Nho học Đông Á: Truyền thống và Hiện đại” từ ngày 28 đến ngày 29 tháng 3 năm 2015 tại Đại học Quốc gia Hà Nội, với sự tài trợ và đồng tổ chức của Quỹ Sunwah (Tập đoàn Sunwah) nhằm mục đích:

- Thứ nhất, xây dựng một diễn đàn khoa học quốc tế coi Nho học Đông Á là một chỉnh thể nghiên cứu, tiến hành thảo luận về truyền thống, quá trình phát triển, những thách thức và triển vọng của Nho học Đông Á, mục tiêu nhằm khái quát về hiện trạng, sự phát triển cũng như những tương đồng và khác biệt của Nho học ở các nước và vùng lãnh thổ Đông Á, từ đó chỉ ra nội hàm và đặc trưng của Nho học Đông Á.

- Thứ hai, Hội thảo tập trung trao đổi nhằm chỉ ra ý nghĩa từ những tác động, ảnh hưởng của truyền thống Nho học tới lịch sử giao lưu văn hóa cũng như tiến trình hiện đại hóa của các xã hội Đông Á.

- Thứ ba, Hội thảo tạo dựng cơ hội thúc đẩy sự đối thoại và quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa các chuyên gia nghiên cứu về Nho học của Việt Nam với giới học thuật quốc tế và khu vực.

Với ý nghĩa là Hội thảo quốc tế đầu tiên về Nho học Đông Á được tổ chức ở Việt Nam, Hội thảo sẽ là cơ hội để tiến hành đi sâu nghiên cứu, nhận thức và trao đổi, đối thoại về Nho học – một giá trị truyền thống chung của các nước và vùng lãnh thổ khu vực Đông Á. Hội thảo dự kiến sẽ có sự tham gia của nhiều học giả nổi tiếng đến từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp... cùng nhiều nhà khoa học trong nước quan tâm nghiên cứu về Nho học, sẽ xây dựng một diễn đàn học thuật rộng mở và có ý nghĩa sâu sắc trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu Nho học nói riêng và Khoa học Xã hội và Nhân văn của Việt Nam và thế giới nói chung. Hội nghị dự kiến có 150 học giả và khách mời tham dự.

Ban tổ chức trân trọng kính mời các nhà khoa học viết báo cáo tham luận về một trong các chủ đề chính sau (nhưng không giới hạn) của Hội thảo:
- Truyền thống Nho học và tác động tới quá trình hiện đại hóa của các nước và vùng lãnh thổ khu vực Đông Á.
- Sự hình thành, lưu truyền và hoạt động thông diễn kinh điển Nho gia trong lịch sử giao lưu văn hóa Đông Á.
- Giá trị quan hạt nhân của Nho học Đông Á và ý nghĩa hiện đại của nó.
- Lý luận và phương pháp nghiên cứu Nho học Đông Á đương đại.

Ngôn ngữ được sử dụng trong Hội thảo gồm: tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh.


Các mốc thời gian quan trọng:
- Nộp tóm tắt: trước 15/2/2015 (không quá 500 từ, gửi tới email: ccs@vnu.edu.vn)
- Nộp toàn văn: trước 5/3/2015
- Thông báo chương trình Hội thảo: 15/3/2015
- Tổ chức Hội thảo: 28-29/3/2015

Vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp mọi thông tin liên quan tới Hội thảo theo địa chỉ: 
Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN)
Phòng 508, nhà C, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
Email: ccs@vnu.edu.vn
Điện thoại: (84-4) 3558 5847

Trân trọng,
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?