Trần Khuyết Nghi - Đọc Trò chuyện triết học, nghĩ về khái niệm, vai trò của triết học
Triết học thật sự là gì, vai trò của nó ra sao đối với cuộc sống của mọi người chúng ta? Câu hỏi mới nghe qua trông có vẻ tầm thường, nhưng đối với cá nhân tôi thì đó là một nỗi thắc mắc hoàn toàn chân thật. Trước hết, vì tôi cũng có võ vẽ biết qua triết học, nhưng lại không theo đuổi xuyên suốt và một cách có hệ thống, thành thử bây giờ nếu có ai tình cờ hỏi mấy câu như vậy, chắc chắn người được hỏi sẽ không khỏi lúng túng một cách thảm hại. Nói bâng quơ để ứng phó cho qua có lẽ cũng xong, nhưng để trình bày khái niệm triết học một cách nghiêm túc cho người khác mau hiểu thì chắc phải tra cứu lại những sách vở có liên quan. Mà sách triết học, trong nhà hiện chẳng còn được mấy cuốn đúng nghĩa triết học mà lại có đề cập từ đầu những khái niệm mang tính nhập môn hay khai tâm, nên khi hay tin cuốn Trò chuyện triết học của Bùi Văn Nam Sơn sắp ra đời, tôi đã có ý chờ đợi đón xem, với hi vọng tác giả sẽ giúp mình tự giải đáp được mấy câu hỏi trông có vẻ giản đơn nêu trên, để khỏi mất công phải tra tìm thêm trong nhiều sách báo khác, cho một lĩnh vực mà thật ra mình cũng không có năng khiếu lẫn điều kiện nghiên cứu chuyên sâu.
Cũng như những bạn học cùng trang lứa một thời, hiện đang ở tuổi trên dưới 60, ở miền Nam thời trước, chúng tôi đều có học qua môn Triết ở lớp Đệ nhất, tương đương lớp 12 bây giờ. Nếu theo ban văn chương (ban C, D, đối lại với các ban khoa học tự nhiên A, B), ai cũng được học cả bốn phân môn, gồm Đạo đức học, Tâm lý học, Luận lý học và Siêu hình học, trong đó phân môn sau cùng tương đương với triết học nhập môn hoặc triết học tổng quát, đặt những vấn đề chung liên quan triết học, dẫn chứng từ nhiều học thuyết khác nhau. Nếu lên bậc đại học mà vẫn tiếp tục theo ban Triết thì chương trình thời đó căn bản chia thành hai ngành lớn: triết học Đông phương và triết học Tây phương. Tuy nhiên sinh viên học ngành chính triết Tây vẫn phải học qua mấy môn triết Đông, và ngược lại. Thành thử, người tốt nghiệp cử nhân ban Triết coi như đã được học đủ tất cả các học thuyết tiêu biểu trong lịch sử triết học thế giới đông tây kim cổ, trong đó triết học Mác cũng chiếm một địa vị khá quan trọng, được giảng kỹ, có giáo trình riêng[1], nhưng lẽ tất nhiên cách giảng dạy có phần khác hơn bây giờ, như ít tô đậm vấn đề mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp, mà lại chú trọng đến khía cạnh mục tiêu giải phóng con người ra khỏi các tình trạng tha hóa nhiều hơn…
Để lấy lại căn bản cho một tình trạng đã mất căn bản, nhằm đọc cuốn sách của tác giả Bùi Văn Nam Sơn được tốt hơn, tôi tìm trong đống sách cả cũ lẫn mới có sẵn trong nhà (còn ít lắm), xem lại vài khái niệm. Đầu tiên, dở thử cuốn Từ vựng Triết học (Vocabulaire de la Philosophie) nổi tiếng của André Lalande (do Presses Universitaires de France in năm 1956), nơi mục từ PHILOSOPHIE (triết học), đọc cảm thấy hơi dội, vì trích dẫn nhiều loại định nghĩa khác nhau mà toàn của các triết gia từ Aristote (384-322 TCN) trở đi, lại viết bằng tiếng Pháp, tiếng Latinh, hiểu càng khó hơn, nhưng cũng ráng đọc cho được một đoạn đầu (trong một loạt định nghĩa dài đến 2 trang giấy khổ lớn): “(Triết học) là sự hiểu biết dựa trên lý tính,sự thông thái, theo nghĩa tổng quát nhất của từ này. Nghĩa này đã được bảo tồn lâu nơi các tác giả hiện đại” (Lalande, tr. 774).
Dở thêm một cuốn từ điển triết học nữa viết bằng tiếng Việt của TS Triết học Trần Văn Hiến Minh thì thấy tác giả đưa ra sơ lược đến bốn định nghĩa khác nhau: “(1) Theo Aristote, môn học nghiên cứu hữu thể xét như là hữu thể. Nghiên cứu bằng tìm hiểu các nguyên nhân: nguyên nhân chất thể, mô thể, tác thành, mục đích. (2) Theo Descartes và Kant: nghiên cứu về nhận thức con người, về giá trị của nó. (3) Theo Khổng Tử: nghiên cứu về nguyên lý của vũ trụ và của nhân sinh. (4) Theo quan niệm hiện đại: học về tinh thần con người với tất cả chiều hướng hiện sinh của nó” (Từ điển và Danh từ Triết học, Tủ Sách Ra Khơi, 1969, tr. 278-279).
Đọc Trò chuyện triết học, nghĩ về khái niệm, vai trò của triết học
Theo Từ điển Triết học do một nhóm nhà nghiên cứu triết học Liên Xô biên soạn (NXB Sự Thật, Hà Nội, 1960) thì: “Trước khi chủ nghĩa Mác ra đời, triết học được coi như là ‘khoa học của những khoa học’ bao gồm toàn bộ sự hiểu biết của loài người và thay thế cho tất cả các khoa học” (tr. 823). Bài giải thích mục từ triết học này dài tới sáu trang giấy, sau khi nhắc sơ qua một số trường phái triết học trong lịch sử, nhằm bác bỏ chủ nghĩa duy tâm và khẳng định tính đúng đắn của chủ nghĩa duy vật, đã chấm dứt bằng kết luận: “Chủ nghĩa duy vật biện chứng là phương pháp duy nhất có giá trị của các khoa học hiện đại, là lý luận duy nhất khoa học để giải thích và cải tạo tự nhiên và xã hội” (tr. 828). Với một quan điểm và cách giải thích tương tự, nhưng phần đầu sách Giáo trình triết học Mác-Lênin của Bộ Giáo dục biên soạn dành cho các trường cao đẳng, đại học (NXB Chính Trị Quốc Gia, 2004) lại đưa ra một định nghĩa tương đối dễ hiểu và ít lan man hơn: “Triết học là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới; về vị trí, vai trò của con người trong thế giới ấy” (tr. 8). Về nguồn gốc và tính chất của triết học, bài giảng trong bộ giáo trình trên nêu tiếp: “Triết học ra đời từ thực tiễn, do nhu cầu của thực tiễn… Từ khi ra đời, triết học, tự nó đã mang trong mình tính giai cấp, nghĩa là nó phục vụ cho lợi ích của những giai cấp, những lực lượng xã hội nhất định”.
Chưa thỏa mãn, tôi dở thêm vài cuốn từ điển loại phổ thông nhất để tìm kiếm một định nghĩa thật ngắn gọn, như Đại từ điển tiếng Việt (do Nguyễn Như Ý chủ biên), xem có nói thêm gì về tính giai cấp của triết học nữa không, thì chỉ thấy: “Khoa học nghiên cứu những quy luật chung nhất của thế giới và sự nhận thức thế giới” (tr. 1707). Định nghĩa này so với định nghĩa trong từ điển Oxford của Anh dường như không được rõ bằng: “Sự dùng lý trí và lý lẽ để tìm kiếm chân lý và tri thức về thực tại, nhất là về những nguyên nhân cùng bản chất các sự vật cũng như những nguyên tắc chi phối sự tồn tại”. Lại còn một cách diễn đạt khác nữa trong Triết học đại từ điển của Trung Quốc (Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã, 2007), theo một hướng có vẻ tổng hợp và đầy đủ hơn: “Học thuyết về thế giới quan. Hệ thống các quan điểm căn bản của con người đối với toàn bộ giới tự nhiên, xã hội và tư duy. Đó là sự khái quát và tổng kết về thế giới quan, tri thức tự nhiên và tri thức xã hội đã được lập thành hệ thống và lý luận” (tr. 1).
Cũng phức tạp như từ “văn hóa”, mà các nhà nghiên cứu xưa nay đã nêu ra đến vài trăm định nghĩa, không cái nào giống hẳn cái nào, xem ra qua mấy định nghĩa về triết học dẫn trên, khái niệm triết học cũng chưa được đồng nhất, mà khác nhau còn tùy theo do ai đưa ra, dựa trên quan điểm nào, cách diễn đạt ra sao. Nói chung ngay từ trong các định nghĩa, thấy ngay triết học thật sự đã có phần rắc rối rồi, như mọi người không chuyên thường hay suy nghĩ.
Trở lại cuốn sách của Bùi Văn Nam Sơn, chắc chắn những người đọc không chuyên cũng sẽ hi vọng tìm thấy trong đây, trước hết ở những trang đầu, một định nghĩa cho biết triết học là gì. Nhưng tác giả cuốn Trò chuyện triết học đã không giải quyết ngay điều mong đợi đó, mà nói vòng vo qua đủ thứ chuyện, để giúp người đọc cũng hiểu được triết học là gì và lợi ích của nó ra sao đối với đời sống thực tế trong hiện tại. Chọn cách làm này, có lẽ xuất phát của cuốn sách vốn là một tập hợp của 92 bài viết trong chuyên mục có cùng tên lần lượt đăng từng kỳ trên tờ tuần báo Sài Gòn Tiếp Thị, với đối tượng là độc giả bình thường, trong suốt gần hai năm, từ ngày 25.5.2010 đến ngày 16.4.2012.
Cuốn sách dày 448 trang, nội dung gồm bốn phần: Đường vào triết học, Khoa học và giáo dục, Con người tự nhiên và văn hóa, Kỹ thuật và công nghệ. Phương thức cấu tạo các phần nội dung khác hẳn lề lối thông thường của các sách giáo khoa hay phổ thông về triết học tổng quát.
Cách triển khai chung của Bùi Văn Nam Sơn là giản dị hóa các vấn đề hóc búa của triết học bằng một lối giảng giải cốt sao dễ hiểu nhất đối với mọi người bình thường, nên đã cố ý giảm bớt việc sử dụng các thuật ngữ triết học, thay vào đó là ngôn ngữ đời thường cùng lối diễn đạt bằng nhiều câu chuyện thí dụ và hình tượng cụ thể, để mọi người đều có thể làm quen với các khái niệm trừu tượng, khó hiểu và từ đó yêu thích triết học. Như để giảng giải cái gì là bản thể thường tồn bất biến hay bản chất của sự vật, còn cái gì là tùy thể khả biến, tác giả đưa ra hình ảnh cuộc tranh luận giữa hai cha con ông chủ một quán phở, trong đó người cha chỉ muốn tiếp tục bán phở thôi, còn người con lại muốn bổ sung thêm mấy món điểm tâm nữa: cái quán phở có thể thay đổi bằng cách bán thêm vài món khác, nhưng thay đổi tới mức độ nào thì cái quán phở vẫn còn là quán phở? Cái cây cũng vậy, nếu cưa cái cây đến tận gốc thì cái cây không còn là cái cây nữa, vì bản thể của nó đã bị phá hủy. Rồi ông đưa ra mấy câu thơ Truyện Kiều để giải thích quan niệm của Aristoteles (cũng viết Aristote) về bản thể. Đó là cái gì “nằm bên dưới”, là cái gì bền vững mà nếu không có nó, không còn sự vật nữa. Sau đó ông nêu tiếp quan niệm của những triết gia tiêu biểu khác về bản thể, từ Platon (tổ sư của thuyết duy tâm khách quan) đến Thomas Aquino (đại triết gia Kitô giáo thời Trung cổ), René Descartes (cha đẻ của triết học cận đại), từ Gottfried Wilhelm Leibniz, Immanuel Kant, G. W. F. Hegel, Edmund Husserl (đại biểu của hiện tượng học) đến Jean Paul Sartre (một trong những ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh), nhắc qua David Hume, John Locke (các triết gia Anh), và khái niệm chức năng, lý thuyết hệ thống của những triết gia thế kỷ 20… Cuối cùng đi đến kết luận, cho biết: “Nhưng, nhiều người vẫn chưa trọn tin vào lý thuyết ấy. Họ vẫn cứ thành tâm hướng đến một cái gì siêu việt hơn đời thường, và… cha con ông bán phở vẫn cứ tiếp tục tranh luận” (tr. 20).
Bằng những cách tương tự như thế, và với một kiến thức uyên thâm sẵn có trong lĩnh vực đang xét, tác giả đã lần lượt trò chuyện về mỗi đề tài một, từng bước dẫn dắt người đọc làm quen với những khái niệm cơ bản của triết học, với những triết gia tiêu biểu trong mỗi thời kỳ chủ yếu của lịch sử triết học thế giới, sau đó liên hệ những câu chuyện triết học bình dân như thế với thực tế cuộc sống đời thường và những công việc làm hằng ngày của mọi thành phần trong xã hội. Bằng những liên hệ thực tế như vậy, tác giả Câu chuyện triết học cho thấy triết học không phải là thứ gì xa lạ tách rời cuộc sống con người, mà đâu đâu cũng cần tới nó, nhưng nó vẫn không phải là một công cụ hay phương pháp để chỉ đạo, quản lý, vì nếu là công cụ, “nó sẽ giới hạn chân trời hoạt động và bắt con người phụ thuộc vào công cụ. Là ‘phương pháp’, nó sẽ bắt người theo phương pháp ấy làm tù binh! Trái lại, chỉ có thể từ triết học, tức từ thái độ được nuôi dưỡng bằng tư duy triết học: triết học giống như nhà tư vấn giúp ta có cái nhìn sâu vào hậu trường, vào tất cả mọi hậu trường… Chính trong tinh thần ấy, triết học thường được hiểu ‘ba trong một’: triết học như là khoa học khai minh, giúp xóa bỏ những ảo tưởng, định kiến; triết học như là khoa học điều hòa, giúp cân đối mọi lối nhìn; triết học như là khoa học hành động, giúp định hướng cho mọi lựa chọn, quyết định” (tr. 13-14). Vì có hiểu hậu cảnh rồi mới“quyết định có cơ sở; hành động có trách nhiệm; hoạt động có hiệu quả; truyền thông rõ ràng, sống thanh thản, hạnh phúc” (tr. 14).
Trả lời cho câu hỏi “Triết học bàn chuyện gì?”, để xác định phạm vi và đối tượng của triết học, tương tự như đưa ra một định nghĩa dựa theo nhiệm vụ của nó phải giải quyết, tác giả dành riêng trong bài “Gai nhọn hay hoa hồng”, với một đoạn khởi đầu dẫn chứng ý kiến rất hình tượng của Bertrand Russell (nhà toán học và triết học hiện đại Anh, 1872-1970): “Bertrand Russell thường ví triết học như một bà mẹ có cái dạ con rất lớn, bao chứa hết mọi ngành khoa học, nuôi lớn chúng, rồi cho chúng ra ở riêng với món hồi môn hậu hĩnh. Còn bà mẹ vẫn mãi mãi chỉ còn là bà mẹ với chiếc dạ con ngày càng trống rỗng! Càng trống rỗng, nó càng có thể tiếp tục bao chứa nhiều hơn!”. Rồi giảng giải tiếp: “Vậy chắc có lẽ nó không bàn về những đối tượng ấy (giới tự nhiên, không gian, thời gian, đời sống con người, thần linh, siêu việt-TKN) theo nghĩa hẹp mà chỉ bàn về những nguyên lý thôi: nguyên lý của tồn tại, nhận thức và hành động, về mọi nguyên lý, thậm chí về nguyên lý tối cao! Nhưng đó có phải là chủ đề trung tâm của nó không?” (tr. 27).
Câu trả lời tiếp sau là: “Có nhiều chủ đề thật cơ bản, nhưng không thể giới hạn triết học vào những chủ đề ‘vĩnh cửu’ nào cả nếu không muốn cưỡng bức nó hay đẩy nó vào chỗ mâu thuẫn. Thế thì chỉ còn một cách định nghĩa khác: triết học không chỉ bàn về thực tại nói chung, về những trật tự và những nguyên lý chi phối trật tự ấy, tức không chỉ bàn về cái đang tồn tại mà còn bàn về việc có cái đang tồn tại, hay, nói trừu tượng hơn, về cái tồn tại xét như cái tồn tại, cũng như về sự tồn tại của cái đang tồn tại…Triết học không có đối tượng riêng như các khoa học riêng lẻ. Là tất cả nhưng không là gì cả, nên triết học mới được I. Kant ban cho danh hiệu cao quý: chiếc vương miện của Tinh thần con người” (tr. 28-31).
Lâu quá không có dịp đọc sách luận giải các vấn đề triết học theo kiểu thông thoáng dễ chịu như Bùi Văn Nam Sơn, được nghe nhắc lại tên nhiều triết gia ngoài học thuyết Mác, nên khi tiếp nhận được quyển sách của ông do một người bạn đưa tặng sau khi nó mới vừa được xuất bản vào cuối tháng 6.2012 năm nay, tôi mang về đọc ngay một số bài, cảm thấy dễ chịu như uống được ly nước mát loại ngon đã lâu ngày không gặp. Đây cũng có thể là cảm giác chung của nhiều người khác có dịp học sơ qua môn Triết như tôi, còn đối với một số sinh viên trẻ tuổi lâu nay ít tiếp cận với những nguồn triết học gọi là tư sản, có thể họ cảm thấy là lạ nhưng vẫn có sức quyến rũ, kích thích sự tò mò để tìm hiểu sâu hơn. Cuốn sách vì thế đã thật sự tạo nên một nguồn sinh khí mới trong học thuật, được các giới độc giả hoan nghênh nhiệt liệt, và nghe đâu đã có tới trên 10 bài báo viết bình luận về nó theo hướng khen ngợi tích cực.
Nội dung sách chứa nhiều đề tài quá nên không thể thâu tóm lại bằng vài câu ngắn gọn như một cách viết bài thu hoạch, nhưng tôi vẫn hiểu đại khái, theo những nội dung bàng bạc trong cuốn sách, đã là triết học đích thực thì không thể cứng nhắc, giáo điều, buộc mọi người khác phải theo. Bởi vì, không một hệ thống lý luận của triết gia riêng lẻ nào dám tự hào giải quyết rốt ráo được mọi vấn đề trục trặc, bức xúc của cuộc nhân sinh đầy bí ẩn phức tạp, mà chỉ đóng góp được phần nhỏ nào của mình vào đó, như thể xắn một cánh tay để vén lên bức màn vô minh, hay đẩy viên đá cản đường cho nhân loại tiến lên theo những chiều hướng tích cực mà con người có thể hi vọng, nhưng cũng không bao giờ đạt được mục đích cuối cùng. Nếu giả định có trường hợp đạt được mục đích lý tưởng cuối cùng, thì có lẽ không chỉ riêng triết học, mà cả tôn giáo, văn chương, các ngành khoa học khác cũng không còn lý do để tồn tại. Những ngành hoạt động này, đã từng có mặt trên hành tinh từ nhiều ngàn năm qua, trong ý hướng tìm kiếm giải pháp cho vấn đề con người, đến nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong nhiệm vụ của mình, khi con người đến đầu thiên niên kỷ thứ ba vẫn tiếp tục đứng trước bao vấn nạn của một thế giới còn đầy rẫy đói nghèo, bất bình đẳng, bệnh tật, chiến tranh và tội ác, cùng tình trạng hủy diệt môi sinh trong phát triển dẫn đến hàng loạt những họa hoạn thiên nhiên chưa từng thấy, và cũng chưa tìm ra lối thoát một cách rõ ràng, chắc chắn.
Cho nên có thể nói, bản chất của triết gia ngoài tự do suy tư ra còn là sự khiêm tốn, xuất phát từ những khả năng vốn dĩ rất hữu hạn của bản thân triết học, dù triết học đó có thuộc bất kỳ khuynh hướng nào đi nữa.
Cách nay chừng mười lăm năm, khi tôi ghé thăm người bạn vong niên, tình cờ gặp một người quen bước vào, trả cuốn sách cho người bạn chủ nhà. Ông từng là giáo sư dạy môn triết rất nổi tiếng ở một số trường đại học. Vừa trao cuốn sách, ông vừa nói lên một ý tưởng tâm đắc: “Tới từng tuổi bảy mươi này, tôi ngày càng thấy rõ hơn tất cả những vấn đề gì mà nhân loại đặt ra thì đều không giải quyết được”.
Câu nói ấy cứ lởn vởn trong óc cho tới ngày hôm nay, và khi đọc xong cuốn Trò chuyện triết học của Bùi Văn Nam Sơn, tôi cũng không lấy làm chán nản gì thêm nữa về sự thất bại của con người, vì tác giả cuốn sách cũng không hứa hẹn chắc rằng triết học sẽ có thể cung cấp cho xã hội loài người mọi công cụ, giải pháp hữu hiệu, mà chỉ có tác dụng gợi ý, soi đường để biết cách xác định thái độ đúng đắn nhằm khu xử sao cho thích hợp hơn với mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống mà thôi.
Triết học Mác có lẽ cũng vậy, cho dù có những đóng góp cực kỳ to lớn, nó cũng chỉ là một hệ thống quan trọng trong toàn bộ lịch sử triết học của loài người, nên đương nhiên cũng có những giới hạn nhất định. Nhưng phải thành thật nhận rằng, do hoàn cảnh đặc thù của lịch sử, cũng như sự thúc đẩy từ những nhu cầu chính trị cấp bách, ở nước ta, trong thời gian khá dài, đã có hiện tượng chính trị hóa chủ nghĩa Mác một cách khá triệt để và dĩ nhiên như thế là không bình thường lắm về phương diện học thuật. Về điểm này, trong bài “Triết học và chính trị” viết cách nay gần hai lăm năm, tôi cũng đã từng thẳng thắn nêu ra: “Thay vì dùng triết học để soi sáng cho đường lối chính trị, có một hiện tượng không bình thường đã xảy ra ở các nước XHCN, trong đó có nước ta, đó là việc dùng chính trị để nghiên cứu và chi phối triết học. Từ chủ nghĩa duy ý chí (hay từ những đòi hỏi chính trị), người ta đã có những giải thích lệch lạc tầm thường hóa chủ nghĩa Mác, biến nó thành một học thuyết giáo điều, rồi trên cơ sở chủ nghĩa Mác đã giáo điều hóa, xây dựng nên một hệ thống các tư tưởng chính trị (thể hiện trong một số đường lối, chính sách, các định thức chính trị-xã hội…) để đến lượt chính hệ thống này chi phối lại việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác (…). Sự thật thì ở nước ta (cũng như ở nhiều nước XHCN khác), chỉ có những người học triết, giảng triết chứ không có triết gia… Rõ ràng chúng ta chưa có một công trình triết học nào đáng kể (kể cả về triết học Mác-Lênin), một công trình dùng dẫn chứng cho những công trình khác, được nhân dân và giới trí thức lưu ý. Rốt cuộc, các ‘nhà triết học’ của ta đành phải dẫn chứng lời nói của các lãnh tụ hoặc nghị quyết chính trị, thay vì phải làm ngược lại. Việc nghiên cứu triết học lại chỉ do các công chức thực hiện nên không thể có tự do tư tưởng, điều kiện số một của tư duy triết học và điều này quả là trái với truyền thống triết học thế giới. Ngay như Mác, Ăngghen, Lênin cũng không bao giờ lãnh lương để nghiên cứu triết học!” (xem báo Tuổi Trẻ, 29.11.1988).
Nếu tiếp tục suy nghĩ thẳng thắn như trên, chúng ta sẽ thấy, việc học tập và giảng dạy triết học ở nước ta đang được cải cách theo chiều hướng tiến bộ trong vài năm nay, lại càng cần có thêm những nội dung cải cách mạnh mẽ thích hợp hơn nữa, trên cơ sở coi mọi hệ thống triết học không bao giờ là cái gì hoàn chỉnh hẳn để lấy nó làm khuôn vàng thước ngọc giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Triết học không phải thiên kinh địa nghĩa. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần khiêm tốn, khách quan, tôn trọng sự thật hàm chứa trong những câu nói rải rác của hai nhà triết học vĩ đại Mác và Ăngghen, khi các ông có dịp phát biểu về học thuyết của mình. Chính Lênin chứ không phải ai khác, với tư cách là nhà lý luận triết học lỗi lạc, khi đề cập một số đặc điểm trong sự phát triển lịch sử của chủ nghĩa Mác, cũng đã viết: “Chính vì chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết, một học thuyết đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch nào đó, mà là một kim chỉ nam sống cho hành động, chính vì thế nên nó không thể không phản ánh sự biến đổi đặc biệt nhanh chóng của điều kiện xã hội” (Mác, Ăngghen và chủ nghĩa Mác, NXB Tiến Bộ, Matxcơva, 1976, tr. 230).
* * *
Được biết, tác giả Bùi Văn Nam Sơn từng theo học khoa Triết, Đại học J. W. Goethe, Frankfurt, CHLB Đức, rồi có thời gian dạy môn triết học ở Đức. Nếu tính riêng cho giai đoạn sau năm 1975, sau một thời gian khá dài đứt quãng vì những lý do thuộc về lịch sử, ông có lẽ là người đầu tiên đã có công lớn bắt tay vào việc đặt lại những viên đá đầu tiên cho tủ sách hệ thống về triết học phương Tây, trong khi kho sách triết học này của Việt Nam chủ yếu chỉ dừng lại ở các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác. Sự đóng góp lớn lao này, nối theo những công trình giới thiệu trước kia của Nguyễn Văn Trung, Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh…, được sự hỗ trợ của các NXB Văn Học, Tri Thức, đã giúp cho việc tìm hiểu, nghiên cứu triết học tại Việt Nam hiện nay có thêm những yếu tố tươi mới khởi sắc, để từ từ điều chỉnh đúng hướng hơn trong việc học tập-giảng dạy môn Triết, theo đúng tinh thần của tư duy triết học, thoát khỏi những giới hạn đáng tiếc của chủ nghĩa giáo điều.
Có người gọi Bùi Văn Nam Sơn là triết gia thì cũng hơi quá đáng, gọi “triết học gia” (Philosophologen, chữ dùng của tác giả ở trang 44, nhưng “triết học gia” trong tiếng Hán gốc lại đồng nghĩa với “triết gia” trong từ Hán Việt) có lẽ hợp hơn, nhưng ông đã có một phong thái nghiêm túc trong việc nghiên cứu và diễn giải triết học rất đáng trân trọng với nhiều công trình dịch thuật, chú giải đồ sộ, tất cả đều được giới học thuật đánh giá cao. Riêng với tác phẩm mới nhất Trò chuyện triết học này, tác giả không chỉ nêu lên cho người đọc một số vấn đề căn bản của triết học diễn giải bằng ngôn ngữ thông thường dễ hiểu, mà còn khơi lại một truyền thống tư duy triết học đúng nghĩa, để góp phần chữa trị căn bệnh tư duy rập khuôn, giáo điều, hoặc coi triết học là một thứ công cụ chỉ đạo, quản lý như lâu nay vẫn có không ít người từng hiểu, không đúng với khái niệm, vai trò đích thực của triết học.
TKN
28.7.2012
[1]. Một số cuốn tiêu biểu như Tìm hiểu triết học Karl Marx (1965) của Trần Văn Toàn, Hành trình tri thức của Karl Marx (1966) của Nguyễn Văn Trung…, đều do NXB Lam Sơn (Sài Gòn) ấn hành.
Nguồn bài viết: http://www.dacsansuoinguon.org/chuyen-muc/diem-sach/211-doc-tro-chuyen-triet-hoc-nghi-ve-khai-niem-vai-tro-cua-triet-hoc
Đánh giá bài viết?