Triết học Mác với chủ nghĩa duy vật nhân văn (P. I)

 TS. Hồ Bá Thâm 
Tạp chí Thông tin khoa học xã hội (3/2006)

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, không chỉ sáng lập ra chủ nghĩa, triết thuyết của mình mà còn đưa ra mẫu mực phương pháp luận về sự tự phê phán và phát triển chủ nghĩa Mác. Đó là kim chỉ nam cho các thế hệ tiếp bước theo các ông. Nhưng đó là việc không dễ dàng tí nào, thậm chí phải trả giá đắt như lịch sử không ít lần đã chỉ rõ, xét cả mặt áp dụng sáng tạo trong thực tế và cả mặt học thuật, phát triển lý thuyết.

Do vậy, ngày nay, hơn bao giờ hết, thấm nhuần tinh thần và bài học đó, phải xây dựng phương pháp tư duy học thuật, tư duy phát triển lý luận và chống bệnh tự ti, từ đó góp phần nghiên cứu phát triển triết học Mác trong thời đại ngày nay, từ đó tạo tầm nhìn sâu rộng cho quá trình xây dựng xã hôi ngày càng hiện đại, thịnh vượng, công bằng, dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa.

I- Thái độ tự phê phán của Ăngghen đối với chủ nghĩa Mác

F.Angghen (F.Engels) là một trong những nhà sáng lập đầu tiên của chủ nghĩa Mác, một nhà duy vật biện chứng- duy vật thực tiễn lỗi lạc. Là người bạn tâm giao, gần gũi và đồng hành cùng với C Mác (K.Marx) trong sự nghiệp sáng tạo chủ nghĩa Mác và lãnh đạo phong trào công nhân giữa thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ ấy, cả sau khi Mác đã qua đời. Có lẽ không ai hiểu Mác bằng Angghen, và về nhân cách, tài năng thì một chín một muời, nhưng lại hết sức khiêm tốn. Khi Mác qua đời thì chính Ăngghen đã đánh giá cao những phát hiện, phát minh chủ yếu của Mác, rồi tiếp tục hoàn chỉnh tác phẩm (bộ Tư bản) của Mác còn dang dở, đánh giá việc vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác trong thực tiễn cách mạng mới với tinh thần khoa học và tính tự phê phán và phê phán với tính chiến đấu rất cao.

Như ta đã biết với tác phẩm "Tình cảnh giai cấp công nhân Anh", thì thế giới quan mới đã xuất hiện và sự đồng cảm trong sáng tạo hệ tư tưởng của giai cấp công nhân giữa Mác và Ăngghen đã gặp nhau. Nhưng sau khi khởi thảo "quan niệm duy vật về lịch sử" (Angnghen gọi là "chủ nghĩa duy vật lịch sử"-Mác- Ăngghen, tuyển tập, tập VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1984, tr. 719), thì Mác đi sâu vào nghiên cứu kinh tế chính trị, còn Ang nghen thì tập trung hoàn chỉnh và phát triển triết học Mác trong khoa học tự nhiên và lịch sử xã hội, và phát triển những tư tưởng về chủ nghĩa xã hội khoa học. Nhiều tư tưởng triết học của Mác đã được Angghen làm rõ và phát triển.

Đồng thời, qua một số công trình nghiên cứu, ông cũng làm rõ những vấn đề có tính quy luật phát triển của triết học: Chúng ta có thể hệ thống hóa lại như sau:

Một là, mỗi lần có một bước ngoặt trong khoa học tự nhiên thì chủ nghĩa duy vật sẽ thay đổi hình thức của mình.

Hai là, đồng thời, chính thực tiễn cách mạng là động lực của lý luận đã điều chỉnh và kiểm nghiệm lý luận, cũng như gợi mở những kết luận mới, những học thuyết mới.

Ba là, rằng không nghiên cứu lịch sử triết học thì không tiến lên được ở đỉnh cao của tư duy lý luận.

Bốn là, thông qua cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận, thông qua luận chiến thì khoa học lý luận sẽ sinh động, tinh tế hơn các góc cạnh của nó và tiếp tục tiến lên phía trước.

Năm là, bản thân các nhà cách mạng cũng phải tự phê phán, tự đổi mới mình (trước hết về tư tưởng, lý luận, nhận thức) mới tiến lên được.

Sau đây, chỉ xin phân tích vài vấn đề góp phần sáng tỏ thêm vấn đề ấy từ một góc nhìn khác, góc nhìn tự phê phán, thể hiện rõ một phép biện chứng sinh động, một thái độ cách mạng đúng đắn, một tư duy biện chứng có tính chiến đấu và tự phê phán cao.

Phê phán và tự phê phán bệnh tuyệt đối hóa, bệnh giáo điều, bệnh xuyên tạc tinh thần biện chứng đối với chủ nghĩa Mác.

Angghen nghiên cứu biện chứng về tự nhiên, biện chứng về lịch sử, khái quát những tinh hoa của triết học nhân loại, nhất là tinh thần phép biện chứng của triết học Hê ghen. Ông đã phê phán tư duy siêu hình, phản biện chứng của của một số nhà tư tưởng tư sản, nhất là Đuyrinh đối với phép biện chứng duy vật của Mác. Nhân cuộc luận chiến này, ông đã khái quát, hệ thống hó những tư tưởng chủ yếu của ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác. Tinh thần luận chiến là một đặc điểm của chủ nghĩa Mác. Gần đây với tác phẩm Triết học mở, xã hội mở, tác giả Maurice Cornforth của cuốn sách này phê phán chủ nghĩa Pôppơ cũng theo tinh thần đó .

Nhưng đặc biệt là nhà duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, nhà cách mạng kiên định- Ang ghen đã phê phán sự hiểu lầm chủ nghĩa Mác của một số trí thức trẻ và cả những người xã hội chủ nghĩa đương thời: trên một số phương diện.

- Trong xã hội sự phát triển là sự tác động lẫn nhau của nhiều nhân tố, xét đến cùng nhân tố kinh tế là quyết định. Nhưng hoàn toàn không phải điều kiện kinh tế là nguyên nhân duy nhất chủ động (Mác- Ăngghen, tuyển tập, tập VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1984, tr. 778) Không thể quy sự biến diễn ra hàng ngày, sự biến riêng lẻ vào nguyên nhân kinh tế xét tới cùng được (Mác- Ăngghen, tuyển tập, tập VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1984, tr. 594). Thế nhưng khi tiếp cận chủ nghĩa Mác thì nhiều người chỉ thấy có nhân tố kinh tế là duy nhất quyết định, tức là không thấy sự tương tác giữa nhiều nhân tố kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội trong tiến trình phát triển…

- Angghen viết, và tâm sự rằng, "Cả Mác lẫn tôi chưa bao giờ khẳng định gì hơn thế, do đó nếu ai xuyên tạc câu đó khiến cho nó có nghĩa là nhân tố kinh tế là nhân tố quyết định duy nhất thì như vậy đã biến câu đó thành một câu trống rỗng, vô nghĩa" (Mác- Ăngghen, tuyển tập, tập VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1984, tr.726). Ở đây, vấn đề là tính tương tác, biện chứng thì người ta lại quên đi.

- Do phải phê phán lại kẻ thù là chủ nghĩa duy tâm đủ loại, các ông đã quá nhấn mạnh nhân tố kinh tế làm cho giới trẻ vận dụng tuyệt đối hóa nhân tố kinh tế, thành "duy vật kinh tế". Và khi quá nhấn mạnh một mặt thì dù đúng cũng sẽ trở nên phiến diện và sai lầm…. Tuy rằng, khi các nhà kinh điển phân tích thưc tế thì lại rất toàn diện, biện chứng, thấy rõ sự tương tác lẫn nhau của nhiều nhân tố. Chính Angghen rất nhấn mạnh điều then chốt này (qua tác phẩm bộ Tư bản và nhiều tác phẩm khác của Mác).

- Nhưng dầu sao thì sai lầm ở những người đọc Mác, một phần cũng do hoàn cảnh lúc đó. Trách nhiệm này thuộc về Mác và Ăngghen như các ông thừa nhận. (Mác- Ăngghen, tuyển tập, tập VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1984, tr.728)

"Mác và tôi, một phần nào, phải chịu trách nhiệm về việc những anh em trẻ đôi khi nhấn mạnh quá mức vào mặt kinh tế. Đối với kẻ thù, chúng tôi phải nhấn mạnh nguyên lý chủ yếu mà họ phủ nhận, và chúng tôi cũng ít khi có thì giờ, có địa điểm và cơ hội để mang lại một vị trí xứng đáng cho những nhân tố khác tham gia vào sự tác động qua lại ấy. Nhưng khi phải trình bày một thời kỳ lịch sử, nghĩa là khi vận dụng lý luận vào thực tiễn thì vấn đề lại khác hẳn và ở đây không thể có một sai lầm nào. Nhưng đáng tiếc là người ta thường hay nghĩ rằng, có thể hiểu hoàn toàn thấu đáo một lý luận mới và có thể vận dụng lý luận đó không khó khăn gì, một khi đã nắm được những nguyên tắc chủ yếu, và điều đó không phải bao giờ cũng đúng. Và tôi không thể không trách cứ nhiều người "mácxít" mới về điều đó, và cũng phải nói rằng họ đã phạm phải những điều hết sức kỳ quái"(Mác- Ăngghen, tuyển tập, tập VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1984, tr. 729).

Tương tự như vậy về sau, không ít người, bên cạnh tuyệt đối hóa nhân tố kinh tế, coi nhẹ vai trò văn hóa; hoặc tuyệt đối hóa nhân tố giai cấp, nhân tố chính trị và thực tế đã dẫn tới sai lầm tả khuynh về tư tưởng, siêu hình về phương pháp,… Sai lầm này tất nhiên còn do tâm lý nông dân, tiểu tư sản, hay tâm lý quan lại mang tính gia trưởng.

Các nhà kinh điển đã nhấn mạnh việc vận dụng và phát triển sáng tạo nhưng trên thực tế chủ nghĩa giáo điều vẫn diễn ra ở các thế hệ mác xít và có lúc chi phối khá nặng, nhất là trên lĩnh vực cải tạo xã hội và xây dựng xã hội mới…

Thừa nhận ảo tưởng và sai lầm về tổng công kích và sự thắng lợi nhanh chóng của cách mạng vô sản như thế nào

Đến cuối đời, Angghen tự thấy rằng, các ông trước đây nhận định cách mạng vô sản thế giới sớm nổ ra là sai lầm. Do lạc quan quá, và do nhận thức về chủ nghĩa tư bản ở trình độ chín muồi chưa đúng ((Mác- Ăngghen, tuyển tập, tập VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1984, tr.600-602).

Angghen, nhìn lại tình hình từ 1848 đến năm 1895, đã viết về bệnh ảo tưởng của những lãnh tụ và ngay bản thân các ông, về việc cách mạng vô sản nổ ra và thắng lợi, như sau:

- Khi cách mạng tháng 2- 1848 bùng nổ, rằng các ông đã bị ám ảnh, bị nhiễm những ký ức về mô hình của kinh nghiệm cách mạng Pháp 1789, 1830. về tính chất, tiến trình của cách mạng, về kiểu một trận quyết chiến duy nhất có thể giải quyết được vấn đề (Mác- Ăngghen, tuyển tập, tập VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1984, tr. 559-600.). .

- Cuộc đấu tranh giai cấp năm 1948 và những năm sau đó, đã chứng tỏ rằng, không thể nào cải tạo xã hội bằng một cuộc đột kích được.

- Sự khôi phục đế chế năm 1851(hay cả 1871) ở Pháp, lại một lần nữa chứng tỏ rằng những nguyện vọng của giai cấp vô sản trong thời kỳ này chưa chính muồi (Mác- Ăngghen, tuyển tập, tập VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1984, tr. 559-600, 605)

- Những tiên đoán cách mạng xã hội sắp nổ ra ở Anh là sai lầnm do nhiệt tình của tuổi trẻ của các ông hồi ấy (Mác- Ăngghen, tuyển tập, tập VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1984, tr..537)

- Lại một lần nữa người ta có thể thấy rằng lúc đó (năm 1971 với cách mạng Công xã Paris) tức là 20 năm sau thời kỳ ấy, cho đến nay (năm 1895) vẫn chưa thực hiện được quyền thống trị của giai cấp công nhân (Mác- Ăngghen, tuyển tập, tập VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1984, tr.607).

- Lịch sử đã chứng minh rằng, Angghen thừa nhận, chúng tôi và tất cả những suy nghĩ như chúng tôi đều sai lầm. Lịch sử đã chỉ rõ rằng, trạng thái phát triển kinh t? liên lục địa lúc bấy giờ còn rất lâu mới chín muồi để xóa bỏ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (Mác- Ăngghen, tuyển tập, tập VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1984, tr.603,604).

- Lịch sử cũng đã chứng minh rằng, chúng tôi cũng sai lầm… lịch sử đã vạch ra rằng quan điểm của chúng tôi lúc bấy giờ là một ảo tưởng. Lịch sử không chỉ đánh tan những ảo tưởng của chúng tôi mà còn hoàn toàn đảo lộn những điều kiện trong đó gia cấp vô sản phải chiến đấu . (Mác- Ăngghen, tuyển tập, tập VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1984, tr. 600) Ông thừa nhận rằng, nhiều vấn đề chưa thể nói trước được, phải tùy thời gian, không gian cụ thể. (Mác- Ăngghen, tuyển tập, tập VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1984, tr. 748)

Rằng, phải chiến đấu lâu dài, phải tiến dần từng bước, và bằng nhiều phương thức khác nhau. Rằng, không thể nói trước được, phải tùy vào hoàn cảnh cụ thể (Mác- Ăngghen, tuyển tập, tập VI, Nxb.Sự thật, Hà Nội,1984, tr. 748-600), trong khi đó sau thất bại năm 1849, phái dân chủ vẫn còn ảo tưởng, điều mà Mác và Ang nghen đã dần nhận ra và khắc phục.
Chúng ta đọc lại những dòng trên đây và tự nhận thấy bệnh ảo tưởng này về cách mạng vô sản thế giới còn lặp lại sau năm 1945 ở phong trào cách mạng trong đầu, giữa thế kỷ XX ở những nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội xuất phát kinh tế xã hội còn thấp, nhất là ảo tưởng về xóa bỏ ngay chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, ảo tưởng về việc tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thành chủ nghĩa xã hội phát triển, tiến nhanh vào chủ nghĩa cộng sản giai đoạn cao… Chính Lênin, lúc đầu cũng bị ảo tưởng này, sau đó ông nhận thấy sai lầm và lùi lại thực hiện chiến lược NEP như chúng ta đã biết. Cố nhiên Trung Quốc, Việt Nam ta cũng không ngại lệ. Có điều là ngay nhiều nước loại này sau nhiều thập kỷ mới nhận ra và mới bắt đầu sửa.

Qua đó, cho thấy thêm rằng, không nên trình bày chủ nghĩa một chiều, chỉ thấy nguyên lý, chỉ thấy luôn luôn đúng, tách khỏi môi trường lịch sử đang vận động và thiếu tinh thần phên phán và tự phê. Đúng là, phân tích cụ thể tình hình cụ thể là linh hồn sống của chủ nghĩa Mác (Lênin).

. Nhưng tại sao lại có tình trạng nhiều người vẫn hiểu sai chủ nghĩa Mác hay vận dụng một cách giáo điều?

Trả lời câu hỏi tại sao lại có tình trạng nhận thức sai về chủ nghĩa Mác từ những người cộng sản, không phải dễ. Nhưng có thể vạch ra một số nguyên nhân đại thể.

- Phần nhiều những người cộng sản ở các nước kinh tế và văn hóa, dân chủ chưa phát triển thì năng tư tưởng giáo điều, thiếu dân chủ, gia trưởng kiểu phong kiến, hiểu vấn đề lý luận ở tầm kinh nghiệm, mang tính ấu trĩ và tả khuynh kiểu chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản. Những người công sản ở các nước phát triển thì lại hay rơi vào tư tưởng dân chủ cải lương, ảo tưởng hòa bình chủ nghĩa.

- Nhận thức ở tầm tư duy, cảm tính, kinh nghiệm, phương pháp trực quan máy móc, thiếu tư duy duy lý và biện chứng chiều sâu của khoa học.

- Bị các tiềm thức văn hóa và tư tưởng lạc hậu trong truyền thống chi phối, từ đó tạo nên những khúc xạ cả về mặt tư tưởng lẫn nhận thức.

- Bị cố định bởi thái độ chính trị hay đường lối chính trị chính thống mà không phải khi nào cũng đúng lại nhân danh lập trường vững vàng, nhưng thực chất là gia trưởng, độc đoán, thiếu dân chủ.

- Thiếu một tri thức, một tầm nhìn xa rộng, không hiểu chiều sâu tinh hoa văn hóa nhân loại, và khoa học hiện đại và sự phát triển…

- Công thức hóa, chuẩn mực hóa, chính thống hóa các nguyên lý mác xít. Tư duy xơ cứng các mối quan hệ biện chứng và xa rời hiện thực, xa rời thực tiễn sinh động và văn hóa, lịch sử tiến hóa của nhân loại.

- Thiếu động cơ và thiếu tình cảm trong sáng trong việc vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác.


Vấn dề là ở chỗ nhiều thế hệ hiểu không đầy đủ, hiểu sai chủ nghĩa Mác chứ không phải về cơ bản chủ nghĩa Mác sai, dù rằng chủ nghĩa Mác cũng có hạn chế lịch sử do thời đại cụ thể mà trong đó các ông sống quy định và chưa thể biết tới thời đại cụ thể sau này có được. Mác không làm thấy bói, không làm nhà tiên tri. Mác là nhà khoa học, biện chứng, thực tiễn hiện thực.

Cho nên, dù có hạn chế đi nữa thì những nguyên lý cơ bản của triết học Mác và chủ nghĩa Mác vẫn có giá trị lâu dài, có sức sống mạnh liệt. Rằng, nhân loại sẽ không có tương lai nếu không có Mác, như một nhà triết hoc nổi tiếng ngoài mácxít ở Pháp thừa nhận. Gần đây qua cuôc thăm dò ở Anh có người nhiều nước tham dự chọn những nhà triết học vĩ đại của nhân loại thì được đánh giá Mác là "triết gia vĩ đại nhất của nhân loại", có "hệ thống triết học nghiêm túc nhất của loài người", trong số 20 người được bình chọn (theo Bản tin số tháng 8, năm 2005, của Hội đồng Lý luận TW, tr.6). Hoặc vào những năm cuối thế kỷ XX, trên thế giới, cũng đã lựa chọn Mác cùng với Anstanh và Frớt là một trong ba nhà khoa học, nhà tư tưởng vẫn còn ảnh hưởng to lới tới tiến trình thế kỷ XXI. Điều đó càng chứng tỏ uy tín của chủ nghĩa Mác mà hai phát minh vĩ đại của ông như Ăng ghen đã đánh giá, có ý nghĩa bất hủ.
Nhưng chúng ta, nhưng người theo chủ nghĩa Mác, tin tưởng vào chủ nghĩa Mác khoa học, sáng tạo, cách mạng, nhưng không nên tuyệt đối hóa, thần thánh hóa chủ nghĩa Mác, biến nó thành một tôn giáo!

Với tinh thần trên đây của Ăngghen, chúng ta thấy rằng, khó mà bác bỏ được một tinh thần tự phê phán mang tính cách mạng và khoa học như các nhà sáng lâo chủ nghĩa Mác. Vì vậy, tính chiến đấu, tự phê phán, tinh thần cách mạnh và khoa học ấy là bất diệt

ĐỌC TIẾP
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?