Biện chứng của tự nhiên - Kết cấu của tác phẩm
Như đã nói ở trên, tác phẩm này chưa hoàn thành nên trong
nghiên cứu sẽ gặp những khó khăn. Chỉ có một vài đoạn đã được Ăngghen gọt giũa
về văn chương và được coi như những phần chủ yếu và liên tục của quyển sách.
Còn phần lớn là những đoạn rời của bản thảo, bản nháp mà Ăngghen định tiếp tục
soạn thành những chương của một cuốn sách.
Tìm hiểu “Sơ thảo đề cương chung” của quyển sách có thể giúp
ích nhiều cho việc nghiên cứu tác phẩm này:
1. Nhập đề lịch sử: trong khoa học tự nhiên, do sự phát triển
của bản thân nó, quan điểm siêu hình không thể tồn tại được nữa.
2. Tiến trình phát triển lý luận ở nước Đức từ thời kỳ
Hêghen đến nay (bài tựa cũ). Trở lại phép biện chứng một cách không tự giác cho
nên đầy mâu thuẫn và chậm chạp.
3. Phép biện chứng là khoa học về sự liên hệ phổ biến. Những
quy luật chủ yếu: sự chuyển hoá lượng thành chất, sự xâm nhập lẫn nhau của các
mâu thuẫn đối cực và chuyển hoá từ mâu thuẫn này sang mâu thuẫn khác khi mâu
thuẫn đó lên tới cực độ, sự phát triển bằng mâu thuẫn hoặc phủ định của phủ định
- phát triển theo hình xoáy trôn ốc.
4. Liên hệ giữa các bộ môn khoa học: toán học, cơ học, vật
lý học, hoá học, sinh vật học - Xanh Ximông (Côngtơ) và Hêghen.
5. Nhận xét về các môn khoa học riêng biệt và nội dung biện
chứng của các môn khoa học:
a) Toán học: công cụ bổ trợ và phương thức biểu hiện biện chứng,
- vô hạn toán học tồn tại trong thực tế.
b) Cơ học thiên thể, - hiện nay người ta coi toàn bộ nó là một
quá trình nào đó. - Cơ học: xuất phát điểm của nó là quán tính, mà quán tính chỉ
là biểu hiện mặt trái của tính không thể bị tiêu diệt được của vận động.
c) Vật lý học, - chuyển hoá lẫn nhau của các vận động phân tử
Claudiút và Lốtsmít.
đ) Hoá học: Các lý thuyết năng lượng.
đ) Sinh học. Chủ nghĩa Đácuyn. Tất nhiên và ngẫu nhiên.
6. Giới hạn của nhận thức (Đuy Boa Râymông và Nêgơli,
Hemhôntxơ, Cantơ, Hium).
7. Thuyết cơ giới - Hếchken.
8. Linh hồn của thể hạt nhỏ. - Hếchken và Nêgơli.
9. Khoa học và việc giảng dạy. - Viếcsốp.
10. Quốc gia tế bào - Viếcsốp.
11. Chính trị của chủ nghĩa Đácuyn và học thuyết Đácuyn về
xã hội. Hếchken và Smít, lao động phân hoá con người. - Áp dụng kinh tế chính
trị học vào khoa học tự nhiên. Khái niệm về “công” của Hemhôntxơ (“những báo
cáo phổ thông”, quyển II).
Đề cương này gồm có 11 điểm, có thể coi mỗi một điểm là một
loại nội dung trong sách. Do đó, xem đề cương có thể hình dung được thứ tự
Ăngghen định trình bày các vấn đề liên quan tới phép biện chứng của khoa học tự
nhiên. Đề cương có thể chia làm ba phần.
Phần mở đầu (gồm 3 điểm đầu) nói về lịch sử của khoa học tự
nhiên và liên hệ của nó với triết học, Ăngghen phân tích tình trạng khoa học tự
nhiên thời đó và trình bày những điểm chung của phép biện chứng duy vật với tư
cách và khoa học về liên hệ phổ biến và những quy luật chủ yếu của nó: quy luật
chuyển hoá lượng thành chất và ngược lại, quy luật xâm nhập vào nhau của các mặt
đối lập và quy luật phủ định của phủ định.
Phần thứ hai là phần chủ yếu, nói về phân loại các khoa học
tự nhiên và nêu những ý kiến về từng môn khoa học và nội dung biện chứng của
khoa học đó. Phần này gồm điểm 4 và điểm 5 của đề cương (điểm 5 lại có 5 điểm
nhỏ).
Phần cuối cùng gồm có 6 điểm cuối gồm các điểm 6, 7, 8, 9,
10 và 11. Ăngghen định phê phán và vạch trần những xu hướng thế giới quan trong
“thuyết không thể biết” (nhận thức có giới hạn), chủ nghĩa máy móc (quy những
hình thức vận động cao thành hình thức thấp), Thuyết sức sống, chủ nghĩa Đácuyn
về xã hội,…
Ăngghen vạch trần và giải thích những sai lạc của các nhà tư
tưởng tư sản về các hiện tượng xã hội (áp dụng một cách vô lý những quy luật của
tự nhiên hữu sinh vào xã hội), đồng thời nêu nhiệm vụ chứng minh rằng: con người
nhờ lao động mà tách ra khỏi giới động vật.
Quyển sách dự định kết thúc bằng phần xem xét các hiện tượng
xã hội, bước đầu vạch ra mối liên hệ biện chứng giữa các hiện tượng tự nhiên với
các hiện tượng xã hội, biện chứng của tự nhiên và biện chứng của xã hội.
Đánh giá bài viết?