Biện chứng của tự nhiên - Lời nói đầu
Lời nói đầu của cuốn sách nói về sự phát triển của khoa học
tự nhiên hiện đại từ khi ra đời vào cuối thế kỷ XV cho đến khi Ăngghen soạn cuốn
sách này. Sau đó phác họa sơ qua tình hình sự phát triển của tự nhiên và của xã
hội loài người.
Như vậy, trong lời nói đầu, một mặt Ăngghen phác hoạ bức
tranh về sự phát triển của vật chất từ những hình thức thấp và đơn giản nhất đến
những hình thức cao và phức tạp; mặt khác, ông trình bày lịch sử phát triển nhận
thức của con người về tự nhiên.
Trước hết cần chú ý rằng, Ăngghen bắt đầu nghiên cứu lịch sử
khoa học tự nhiên bằng cách gắn liền với lịch sử xã hội và tình hình chính trị.
Ăngghen nhấn mạnh mối liên hệ trực tiếp của các khoa học tự nhiên với sản xuất
ra của cải vật chất. Sau khi nói về thực chất của thời đại Phục hưng, thời đại
đã bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XV, Ăngghen viết: “Đó là một cuộc đảo lộn tiến bộ
lớn nhất mà từ xưa tới nay, nhân loại đã trải qua; đó là một thời đại cần có những
con người khổng lồ và đã sinh ra những con người khổng lồ: khổng lồ về năng lực
suy nghĩ, về nhiệt tình và tính cách, khổng lồ về mặt có lắm tài, lắm nghề và về
mặt học thức sâu rộng. Những người đã đặt cơ sở cho nền thống trị hiện đại của
giai cấp tư sản có thể được coi bất cứ là những người như thế nào nhưng quyết
không phải là những người có tính hạn chế tư sản. Trái lại, ít nhiều họ đều có
cái tinh thần phiêu lưu của thời đại họ cổ vũ” 1.
Về sự phát triển của khoa học tự nhiên ở thời đại này
Ăngghen viết: “Vào thời đó, khoa học tự nhiên cũng phát triển ngay giữa cuộc
cách mạng phổ biến và bản thân nó cũng triệt để cách mạng: vì nó còn cần phải
giành quyền sống của nó”2.
Ăngghen nhận định rằng buổi bình minh của sự xuất hiện và
phát triển của khoa học hiện đại về tự nhiên nổi bật lên nhà bác học Ba Lan vĩ
đại là Côpécních. Từ khi Côpécních dựng nên hệ thống lấy mặt trời làm trung tâm
thì hệ thống lấy trái đất làm trung tâm của Ptôlêmê sụp đổ.
Trước Côpécních người ta quan niệm rằng trung tâm vũ trụ là
trái đất. Nhưng Côpécních cho rằng trái đất chỉ là một hành tinh, còn mặt trời
là trung tâm của hệ thống này. Chính thuyết đó của Côpécních đã giáng một đòn mạnh
vào Kinh thánh của tôn giáo. Mặt trời không phải là cái gì do con người sáng tạo
ra để đối lập với trái đất. Trái lại chính trái đất quay xung quanh mặt trời.
Ăngghen nói rằng đó là một hành vi cách mạng, tách khoa học ra khỏi giáo hội,
“từ đó trở đi khoa học tự nhiên mới bắt đầu được giải phóng khỏi thần học”3.
Nhưng do sự thống trị của phép siêu hình, người ta coi lịch
sử của tự nhiên chỉ là sự phát triển trong không gian, khác với lịch sử của
nhân loại là phát triển về thời gian. Quan niệm siêu hình về cái hiện tượng tự
nhiên không cho phép vạch rõ được động lực phát triển của tự nhiên, do đó ngăn
cản việc giải phóng khoa học tự nhiên khỏi chủ nghĩa duy tâm và thần học.
Như vậy, có nghĩa là người ta quan niệm trong xã hội có sự
phát triển từ thấp đến cao, nhưng trong tự nhiên thì mọi vật từ xưa đến nay vẫn
thế. Trong khoa học tự nhiên lúc đó chưa có thuyết phát triển của giống nòi nên
người ta cho rằng mọi vật đều tồn tại y nguyên, không thay đổi gì cả. Vì thế,
người ta quan niệm thế giới tự nhiên chỉ là mở rộng về không gian.
Ăngghen viết về khoa học tự nhiên lúc này như sau: khoa học
còn bị sa lầy sâu trong thần học. Ở bất cứ đâu, nó cũng đi tìm và tìm thấy rằng
nguyên nhân cuối cùng là sự thúc đầy từ bên ngoài, một sự thúc đẩy không thể giải
thích được từ bản thân giới tự nhiên...
Vào đầu thời kỳ đó Côpécních đã gửi cho thần học một bức thư đoạn tuyệt; Niutơn
kết thúc thời kỳ đó bằng cái định đề về cái hích đầu tiên của Chúa”4.
Ăngghen tiếp tục phân tách chỉ ra nguyên nhân tình hình trên
đây của khoa học tự nhiên: “Nhưng cái đặc biệt nói lên nét đặc trưng của thời kỳ
ấy là việc đề xuất một quan điểm tổng quát riêng biệt của nó mà điểm trung tâm
là cái quan niệm về tính tuyệt đối không thay đổi của giới tự nhiên”5.
Ăngghen viết tiếp: “Ngược với lịch sử của nhân loại là cái
diễn ra trong thời gian, người ta cho rằng lịch sử của giới tự nhiên chỉ diễn
ra trong không gian mà thôi.
Người ta phủ nhận mọi sự biến đổi, mọi sự phát triển trong
giới tự nhiên. Khoa học tự nhiên, lúc đầu thì cách mạng như thế, bỗng nhiên đứng
trước một giới tự nhiên tuyệt đối bảo thủ, trong đó, - cho tới ngày tận thế hoặc
mãi mãi, - mọi vật trước thế nào thì sau cũng vẫn phải như thế” 6.
Nhưng nếu không thừa
nhận sự phát triển của vật chất thì không thể giải thích được một cách hợp lý
do đâu mà có vũ trụ, hệ mặt trời, trái đất, sự sống trên trái đất và nói chung
là toàn bộ thế giới muôn vẻ xung quanh ta. Điều đó nhất định đưa tới tư tưởng về
cái thúc đẩy đầu tiên về sự sáng tạo ra thế giới.
Như vậy, phép siêu hình dẫn tới “Thuyết thầy tu”. Ăngghen vạch
rõ rằng phép siêu hình chẳng những không giúp cho khoa học tự nhiên đoạn tuyệt
hẳn với thần học (tôn giáo), lực lượng đã bóp nghẹt khoa học trong thời Trung
thế kỷ và khoa học đã đứng lên chống lại trong thời đại Phục hưng; trái lại,
trong điều kiện hiện tại phép siêu hình đã đưa các nhà khoa học tự nhiên tới thần
học. Thành tựu cao nhất của khoa học tự nhiên lúc đó là tư tưởng cho rằng hết
thảy mọi cái trong tự nhiên đều có mục đích và Ăngghen đã châm biếm sự thiển cận
của quan niệm đó như sau: “Tư tưởng khái quát cao nhất mà khoa học tự nhiên ấy
đã đạt đến là tư tưởng cho rằng mọi trật tự được xác định trong giới tự nhiên là
có mục đích, đó là mục đích luận tầm thường của Vônphơ, - theo mục đích luận
này thì mèo sinh ra là để ăn chuột, chuột sinh ra là để bị mèo ăn và toàn bộ giới
tự nhiên được sáng tạo ra để chứng minh trí tuệ của đấng tạo hoá”7.
Về vấn đề này, Ăngghen đề cao những nhà triết học duy vật
tân tiến, mặc dù với sự hạn chế của khoa học tự nhiên đương thời và sự thống trị
của phép siêu hình, họ đã phản đối việc bắt khoa học, nhất là những kết luận
triết học rút ra từ những tài liệu của khoa học tự nhiên thời đó phải phục tùng
tôn giáo: “Vinh dự hết sức lớn của nền triết học thời bấy giờ là đã không bị những
kiến thức có hạn của thời bấy giờ về giới tự nhiên đưa vào con đường lầm lạc,
mà lại còn kiên trì - kể từ Xpinôda đến các nhà duy vật vĩ đại Pháp - xuất phát
từ bản thân thế giới để giải thích thế giới và để cho khoa học tự nhiên tương
lai làm cái việc chứng minh về chi tiết”8.
Từ đó, Ăngghen vạch ra rằng, quan điểm mới về tự nhiên (phủ
nhận sự thúc đẩy đầu tiên và phủ nhận Thượng đế sáng tạo ra thế giới) đã chật vật
lắm mới xác lập được. Tuy sự tiến bộ của khoa học hoàn toàn làm lung lay quan
điểm cũ về tự nhiên nửa đầu thế kỷ XIX, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng chi phối của
nó.
Ăngghen coi phát hiện đầu tiên khai thông quan niệm cũ về tự
nhiên là tác phẩm Lịch sử tự nhiên đại cương và thuyết bầu trời của Cantơ xuất
bản năm 1755, qua đó vấn đề cái hích đầu tiên bị gạt bỏ, trái đất và hệ thống mặt
trời đã được coi là kết quả của sự hình thành trong thời gian. Do đó, ông kết
luận là hết thảy mọi cái trên trái đất cũng đều đã xuất hiện về thời gian chứ
không phải là tồn tại vĩnh viễn.
Địa chất học đã giúp ta vạch rõ lịch sử của trái đất và của
thế giới thực vật, động vật (hoá thạch). Các nhà địa chất không những đã phát
hiện ra các lớp đất, xác định được tuổi các lớp đất đó mà phát hiện ra được các
hoá thạch. Nhờ có những phát hiện ra những hoá thạch của động vật và thực vật ở
dưới những lớp đất sâu, người ta xác định được những động vật và thực vật trước
kia không giống như ngày nay, có những động vật trước đây 1 triệu năm nhưng
ngày nay không còn nữa, điều đó chứng tỏ rằng động vật và thực vật không những
phát triển trong không gian mà còn phát triển trong thời gian.
Ăngghen phê phán thuyết tai họa của Quiviê, khi người ta
phát hiện và xác định được tự nhiên phát triển trong không gian và thời gian
thì Quiviê dựng lên một thuyết về tai hoạ của thế giới. Quiviê cho rằng trong sự
phát triển của giới tự nhiên có lúc nào đó xảy ra tai biến tất cả những sinh vật
đều bị tiêu diệt rồi lại xuất hiện những sinh vật mới. Thuyết này mở cửa cho chủ
nghĩa duy tâm tôn giáo. Bởi vì, quan niệm như vậy có nghĩa là đến một lúc nào
đó có một đấng siêu nhiên sẽ tiêu diệt mọi sinh vật để rồi sau đó lại tạo ra một
giới sinh vật mới. Thuyết này là phản động và Ăngghen đã phê phán kịch liệt.
Tiếp đó, Ăngghen nói tới những phát hiện trong vật lý học,
hoá học, sinh vật học đã xác nhận quan niệm biện chứng về thế giới.
Trong vật
lý học, Ăngghen cho rằng: “... Tất cả những cái gọi là lực vật lý, lực cơ giới,
nhiệt, ánh sáng, điện, từ và ngay cả cái lực gọi là lực hoá học trong những điều
kiện nhất định đều có thể chuyển từ cái nọ thành cái kia mà không mất đi một
chút lực nào và như thế là bằng con đường vật lý học, ông (Grâuvơ) đã chứng
minh một lần nữa luận điểm của Đêcáctơ nói rằng số lượng vận động có ở trong vũ
trụ là không thay đổi. Nhờ thế, các lực vật lý khác nhau, có thể nói, là những
“loài bất biến” của vật lý học - bằng những cách khác nhau đã biến thành những
hình thái vận động và chuyển hoá khác nhau từ hình thái này thành hình thái kia
của vật chất theo những quy luật nhất định. Tính ngẫu nhiên của việc có một số
lượng vực vật lý nào đó đã bị gạt ra khỏi khoa học, vì người ta đã chứng minh
được những mối liên hệ lẫn nhau và sự chuyển hoá lẫn nhau của những lực vật lý ấy.
Vật lý học, cũng như thiên văn học trước đây, đã đạt đến cái kết quả tất yếu phải
chỉ ra rằng tuần hoàn vĩnh viễn của vật chất đang vận động là kết luận cuối
cùng của khoa học”9.
Trong hoá học
và sinh vật học, Ăngghen cho rằng, cũng có những kết luận mới: “Nhờ dùng phương
pháp vô cơ để tạo ra những hợp chất từ trước tới giờ chỉ sinh ra trong cơ thể sống,
hoá học đã chứng minh rằng những quy luật hoá học có thể áp dụng cho cả các vật
hữu cơ lẫn các vật vô cơ và đã lấp được phần lớn cái hố sâu giữa giới tự nhiên
vô cơ và giới tự nhiên hữu cơ, cái hố mà trước đây Cantơ cho là không bao giờ
có thể vượt qua được.
Cuối cùng, cả trong lĩnh vực nghiên cứu sinh học cũng thế,
những cuộc du lịch và các cuộc thám hiểm khoa học được tổ chức một cách có hệ
thống từ giữa thế kỷ trước, việc nghiên cứu một cách chính xác hơn những thuộc
địa của người Âu ở khắp mọi nói trên thế giới do những nhà chuyên môn sống ở đấy
tiến hành, tiếp theo là những sự tiến bộ của khoa cổ sinh học, của khoa giải phẫu
học và của khoa sinh lý học nói chung, nhất là từ khi người ta sử dụng kính hiển
vi một cách có hệ thống và từ khi người ta tìm ra tế bào, cũng đã tập hợp được
nhiều tài liệu khiến cho có thể và đồng thời cũng cần thiết phải áp dụng phương
pháp so sánh. Một mặt, nhờ khoa địa lý tự nhiên so sánh, người ta xác định được
điều kiện sinh sống của thực vật và động vật ở các vùng khác nhau; mặt khác,
người ta so sánh các cơ quan tương đương của các sinh vật khác nhau, và so sánh
không những trong trạng thái đã trưởng thành mà trong tất cả các giai đoạn phát
triển của các cơ thể đó” 10.
Đánh giá bài viết?