Nhập môn lịch sử triết học
V.V.Xocolop
Giáo sư tiến
sĩ triết học, Khoa triết học, Đại học tổng hợp quốc gia Matsxcova mang tên
Lomonoxop ( Liên Bang Nga) - Tạp chí Triết học
Nguồn: http://chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nhap_mon_lich_su_triet_hoc-2.html
Lời tòa soạn:
"Nhập
môn lịch sử triết học" của nhà nghiên cứu lịch sử triết học nổi tiếng,
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa Triết học, Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva mang tên
M.V.Lômônôxốp - V V. Xôcôlốp - đã được sử dụng như một giáo trình cho sinh viên
khoa triết học của các trường đại học tổng hợp thuộc Liên bang Nga. Trong cuốn
sách này, Giáo sư, Tiến sĩ V. V. Xôcôlốp đã đưa ra một quan niệm mới về triết học
với tư cách lịch sử triết học mà có ý kiến cho là còn xuất sắc hơn cả quan niệm
của Cantơ và Hêghen. Không chỉ thế, trong cuốn sách này, ông còn đưa ra quan điểm
coi lịch sử triết học như là triết học trong quá trình phát triển lịch sử của
nó và nhiều tư tưởng độc đáo liên quan đến tính đặc thù của tri thức triết học,
đến nhận thức triết học và lịch sử của nó.
Ngay sau
khi ra mắt độc giả, cuốn sách này đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá, nhận xét
phê bình của các học giả có tên tuổi. Tạp chí "Những vấn đề triết học"
(Nga) đã tổ chức một Hội thảo khoa học với tiêu đề "Triết học với tư cách
lịch sử triết học". Nội dung của Hội thảo này đã được đăng tải trên một loạt
số Tạp chí Triết học trong năm 2007. Ban biên tập Tạp chí Triết học đã nhận được
nhiều ý kiến hoan nghênh và đề nghị cho đăng toàn văn nội dung cuốn sách của
Giáo sư, Tiến sĩ V. V.Xôcôlôp - "Nhập môn lịch sử triết học". Đáp ứng
nguyện vọng này của đông đảo độc giả Việt Nam, bắt đầu từ số này, Tạp chí Triết
học sẽ cho đăng tải bản dịch toàn văn cuốn sách của Phó giáo sư, Tiên sĩ Trần
Nguyên Việt Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hữu Toàn (hiệu đính) như một tài liệu
tham khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy triết học, nhất là lịch
sử triết học ở nước ta.
Toà soạn Tạp
chí Triết học hy vọng nhận được nhiều ý kiến trao đổi của đông đảo độc giả để
có được bản dịch hoàn hảo và những ý kiến trao đổi về các vấn đề đặt ra trong
cuốn sách này.
Thế giới
quan và triết học với tư cách những hiện tượng chung nhất của văn hóa tinh thần
Triết học
là một thành tố rất cổ của văn hóa tinh thần, là trí tuệ là trí tuệ của loài
người và không dễ gì nhận thức được nó. Cái khó trong việc nắm bắt kết học trước
hết bị quy định bởi diện rộng tới mức tối đa các khái niệm triết học. Tính đa
nghĩa của phần lớn các khái niệm ấy luôn gây khó cho sự hiểu biết về nội dung của
chúng, về mối quan hệ qua lại giữa chúng với nhau và giữa chúng với các khái niệm
triết học khác, cũng như vai trò của chúng đối với đời sống con người. Phương
pháp quan trọng nhất, nếu không nói đó là phương pháp cơ bản về hiệu quả của việc
nghiên cứu các khái niệm triết học, chính là việc nghiên cứu lịch sử triết học
từ khi nó mới phát sinh. Một khoa học càng chính xác bao nhiêu và thêm nữa, nó
lại được toán học hóa, thì đòi hỏi phải tìm hiểu sự phát triển trước đó của nó
càng nhẹ hơn. Ngược lại, việc nghiên cứu các khoa học xã hội - nhân văn lại
không thể thiếu những am hiểu căn bản về lịch sử trước đó của chúng. Việc làm
rõ chính các hệ vấn đề triết học trên thực tế đã cho thấy, hoàn toàn không thể
thiếu tri thức về toàn bộ lịch sử trước đây của nó.
Chúng ta đã
có rất nhiều định nghĩa về triết học. Đó là những định nghĩa chung, cụ thể và
mang tính ẩn dụ. Các định nghĩa ấy đã định hình được sự đa dạng về việc giải thích
triết học mà các học giả đưa ra, trong đó có một số học giả sẽ được chúng tôi dẫn
ra trong cuốn sách này tùy theo văn cảnh trình bày. Trước hết, chúng tôi xin nhắc
lại rằng, triết học hoàn toàn mang tính khái quát, kể cả trong trường hợp nó
tác động qua lại với các thành tố khác của văn hóa tinh thần - trí tuệ, tức là
với tôn giáo và thần luận với tư cách phương diện "lý luận" của nó,
xuất hiện khi triết học còn chưa ra đời, với nghệ thuật và sự suy ngẫm về nghệ
thuật (xuất hiện trong chính triết học), với khoa học và những thành tố khác. Sự
tương đồng của các hình thái thế giới quan thể hiện tính đa diện của đời sống
con người đã gây khó khăn lớn cho việc định nghĩa triết học. Sự tương đồng ấy
có thể và cần phải hiểu với tư cách một khoa học phức tạp nhất về con người (điều
được đề cập tới bằng chính thuật ngữ Hy Lạp cổ là "yêu mến sự thông
thái"), với tư cách con người hành động và tư duy, còn khi xét trong vô
vàn các phương diện khác nhau thì đó là sinh thể có tinh thần và thể xác.
Xuất phát từ
điều nói trên, hoàn toàn có thể hiểu đối tượng của triết học như là tổng hòa
các mối quan hệ chủ - khách thể. Các thuật ngữ "chủ thể" và
"khách thể" bằng tiếng La tinh đã xuất hiện trong Triết học Kinh viện
Tây Âu thời kỳ Trung cổ và hiện nay, nghĩa của chúng đã được thừa nhận một cách
phổ biến - tối đa như các quan hệ nhận thức - thực tế của con người trong tính
hiện thực đối lập với nó là tự nhiên và xã hội, thể hiện những nhu cầu và hoạt
động của trí óc, của trái tim và của thân xác con người. Dĩ nhiên, một định
nghĩa như vậy về triết học có thể được coi là hoàn toàn thích hợp cho cả thế giới
quan vốn không thể tách rời triết học, bởi nó quá chung, quá rộng, song, như
chúng ta đã thấy, ngay từ khi xuất hiện các mối quan hệ nói trên thì những ý niệm
của các nhà triết học và thậm chí, của nhiều nhà tư tưởng vốn không cho mình là
những nhà triết học, về nguyên tắc, vẫn được hàm chứa trong công thức đó.
Chúng tôi
không muốn đặt ra một góc nhìn cho trước đối với việc nghiên cứu tiếp theo về hệ
vấn đề triết học mà các nhà triết học đã trình bày. Ở đây, chúng tôi muốn chỉ
ra rằng, trong triết học cổ điển Đức thế kỷ XVIII - XIX, hệ vấn đề đó đã được
nghiên cứu với quy mô đặc biệt sâu rộng. Một trong, những nhà sáng lập nền triết
học đó là Iôganơ Phích tơ, người đã chú trọng đến việc suy xét hệ vấn đề đạo đức
xã hội và luôn đặt đối lập chủ thể người "cái Tôi" (và cả "cái
Tôi") với tổng hòa các khách thể mâu thuẫn với nó - "cái Không-
tôi". Khi chứng minh cho sự khẳng định dứt khoát của mình về xuất phát điểm
là "cái Tôi" và cũng là để hiểu cho đúng mọi "cái Không -
tôi", Phích tơ đã xác định lập trường của mình đứng về phía "chủ
nghĩa duy tâm", đối lập với lập trường của "chủ nghĩa giáo điều"
(hay là "chủ nghĩa duy vật"). C.Mác và Ph.Ăngghen đã coi Phíchtơ là một
trong những bậc tiền bối của mình, nhưng các ông lại thay đổi thái độ đó, đồng
thời khẳng định rằng, một lập trường đúng đắn duy nhất, phù hợp với toàn bộ lịch
sử thực tiễn và phát triển của loài người về triết học và khoa học là chủ nghĩa
duy vật, bởi nó giải thích tinh thần con người như một hiện tượng phái sinh và
thứ phát so với vật chất. Do vậy, toàn bộ lịch sử triết học được chủ nghĩa Mác
diễn tả như là sự đối lập và đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy
tâm. Thế nhưng, sự gián đoạn mang tính nhị nguyên hóa đã quá nhấn mạnh
"con người đang sống như một sinh thể tinh thần - thể xác và thể xác tinh
thần. Khác với tính phổ biến đến tối đa của vật chất và tinh thần, được đặt đối
lập với nhau trong "tính thứ nhất" và "tính thứ hai", mối
quan hệ chủ - khách thể là sự thừa nhận sự thống nhất giữa hai mặt của con người
- tinh thần và thể xác như một sinh thể hiện thực có nhận thức. Thật vậy, khi
chú ý đến vai trò to lớn của các khoa học, đến sự tác động qua lại của chúng với
triết học để tạo nên yếu tố cấu thành quan trọng về đối tượng nghiên cứu, chúng
ta cần phải lưu ý rằng, để phân tích vai trò đó trong nghiên cứu chuyên sâu của
các khoa học về tự nhiên, trong việc nghiên cứu theo lối quy giản về tự nhiên
thì dường như, lại cần phải phân tách chủ thể ra khỏi khách thể để không những
nắm bắt được chúng trong sự thống nhất, mà cả trong sự phân chia nữa. Đồng thời,
khách thể tự nhiên cũng trở nên rõ ràng hơn đối với con người, mở ra cho con
người khả năng sử dụng một cách có hiệu quả các yếu tố cấu thành hiện thực
khách quan tồn tại không phụ thuộc vào con người.
Trên trục
đường chính ấy luôn xuất hiện và phát triển một hiện tượng đặc biệt của nền văn
minh - đó là cái trung gian giữa chủ thể và khách thể tự nhiên, là khách thể mới
và phức tạp hơn nhiều, là hiện thực chủ - khách thể. Cùng với sự phát triển của
nền văn minh, lĩnh vực tinh thần của chính con người và nền văn hóa của nó cũng
được phát triển, trong đó nhiều yếu tố cấu thành và bộ phận hợp thành của nó có
thể được luận giải như là những khía cạnh của triết học.
Để cụ thể
hóa tính chủ - khách thể của lĩnh vực tinh thần, về nguyên tắc, cần phải nhấn mạnh
rằng, triết học là một hệ thống khá phức tạp của tri tín (tín ngưỡng và tri thức),
luôn thể hiện bản chất nhận thức - chân thực của đời sống con người mà ở đó,
thường có sự đan xen giữa các yếu tố cấu thành tín ngưỡng và tri thức trong các
mối quan hệ qua lại khác nhau. Dĩ nhiên, ở đây không đề cập đến riêng niềm tin
tôn giáo - tín ngưỡng mà tính nhất quyết tuyệt đối trong các giáo điều của niềm
tin ấy đã đạt tới đỉnh điểm trong nguồn gốc thần luận về thuyết đơn thần của
Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo và các tôn giáo khác. Với nội dung đầy
đủ và được suy ra từ các kinh thánh, những giáo điều ấy đã có trước mọi
"tri thức", trước hết là đối với "tri thức" tôn giáo.
Béctơrăng Rátxen đã rất thành công khi xác định bản chất của triết học như là
tri tín trong phần Nhập môn "Lịch sử triết học phương Tây", đồng thời
giải thích lĩnh vực trung gian như là "vùng đất hoang” nằm giữa thần học
và khoa học mà cả hai đều tấn công "mảnh đất ấy" từ hai phía đối lập
nhau, nhưng không bao giờ đụng độ nhau. Chỉ có niềm tin thế giới quan triết học
mới được đặc trưng bởi tính đầy đủ về mặt nhận thức luận, nhận thức lý luận,
song nếu thiếu trình độ nhất định về tri thức, niềm tin đó cũng sẽ bị mất ý
nghĩa về mặt chức năng. Phương diện nhận thức khoa học của triết học lại đòi hỏi
một định nghĩa khác cho nó, đó là định nghĩa bổ sung chứ không phải là loại bỏ
định nghĩa trước đó.
Định nghĩa
đó, theo tín niệm của tác giả, phải được coi là một định nghĩa về thế giới quan
đã được hệ thống hóa ở mức độ cao nhất, được duy lý hóa đến tối đa trong thời đại
của nó. Trong tổ hợp tri tín, chính khoa học lại quy định nội dung của yếu tố cấu
thành thứ hai. Ngoài ra, để làm rõ một định nghĩa đã được hình thành, cần phải
vạch ra ý nghĩa của cụm từ "thế giới quan" vốn đa nghĩa và rất rộng
trong tiếng Đức và tiếng Nga. Trong các tài liệu triết học Đức thuật ngữ
"thế giới quan" (Weltanschauung) xuất hiện vào thế kỷ XVIII (còn
trong ngôn ngữ Nga, nó xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ XIX). Trên phương diện triết
học, thế giới quan được đặc trưng bởi tính xác định và tính hệ thống ở mức độ
thấp hơn, khi nó được sử dụng trong các văn cảnh khác nhau. Người ta thường nói
đến các thế giới quan: tôn giáo nghệ thuật, đạo đức, khoa học tự nhiên theo
nghĩa các thế giới quan này, xét về mặt hệ thống, thể hiện các tín niệm ít được
luận chứng (hoặc hoàn toàn không được luận chứng) và còn lâu, mới dựa trên tính
đầy đủ về sự kiện.
Ở đây, cả
thuật ngữ "duy lý hóa" cũng cần phải được làm rõ. Trong những điều kiện
của nền văn minh Hy Lạp cổ đại, triết học đã xuất hiện đồng thời với các khoa học
khác. Vào thời kỳ Trung cổ, triết học thường được đồng nhất với tổng hòa các
khoa học các nền nghệ thuật tự do"), mặc dù ở giai đoạn đê trong lịch sử
triết học Hy Lạp cổ đại, toán học, thiên văn học và thậm chí, cả những nhận thức
kinh nghiệm (vốn được xem là đặc thù của thời đó) về địa lý, văn học, nhất là y
học, đã phát triển ngoài văn cảnh triết học. Trong tư liệu triết học phương Tây
và của Nga, chúng ta cũng thường thấy những nhận định cho rằng, trong quá trình
phát triển của văn hóa trí tuệ đã có các khoa học cụ thể khác nhau được tách ra
từ triết học. Vả lại, triết học chưa bao giờ là cha đẻ của khoa học cả, nhưng
nó đã từng xuất hiện và được phát triển trong mối liên hệ mật thiết với các
khoa học: Triết học và các khoa học đã cùng nhau tạo nên những bộ phận cấu
thành quan trọng nhất của sự duy lý hóa.
Do vậy, cần
phải nói rằng, về căn bản, chúng ta cần phải hiểu các khoa học trong sự tác động
qua lại của chúng với triết học thời cổ đại, kể cả các hình thức tác động khác
trong những thời đại tiếp theo, như toán học và các tri thức khoa học tự nhiên.
Vào thời cổ đại, các khoa học đã phát triển một cách riêng lẻ, sự liên kết giữa
chúng chúng chỉ diễn ra vào thời Cận đại, thời đại của Galilê, Đêcáctơ và
Niuton, khi mà các khoa học đang ngày càng trở thành lực lượng sản xuất. Trên
cơ sở đó, nhiều nhà nghiên cứu khoa học, thậm chí cả những nhà triết học, đã giải
thích thời đại đó như là sự khởi đầu của riêng tri thức khoa học. Song, đó là
quan niệm giản đơn, không thể chấp nhận được đối với nhà nghiên cứu lịch sử triết
học. Trên thực tế, cần phải định nghĩa khoa học vốn được hiểu trong tính chỉnh
thể của nó như một tri thức đã được chuyên môn hóa mà trước hết, công dụng của
nó về mặt thực tiễn là sự thỏa mãn những nhu cầu cụ thể của con người. Đồng thời,
cần phải kết nối khoa học với quá trình phát triển và tổ chức lao động trí óc
trong sự tác động qua lại của nó với lao động chân tay. Chỉ có trên cơ sở đó, mới
có thể phát huy được tính năng động của cả hai nhân tố này trong khoa học. Cùng
với đó là phương pháp kinh nghiệm thực tiễn - kinh nghiệm cảm tính mà chúng ta
thường sử dụng trong quá trình sáng tạo các tri thức thực tiễn hơn có và bền vững
- các tri thức đó được củng cố trong bộ nhớ của loài người. Nhân tố này là vốn
có đối với loài người ngay từ thời tiền sử, tiền văn minh, về nguyên tắc, nó vẫn
là nhân tố quy định ngay cả trong những điều kiện của các nền văn minh cổ đại
Ai Cập và Babilon, nơi mà toán học, thiên văn học và y học rất phát triển (đó
là khoa học kinh nghiệm cảm tính trong số các khoa học tự nhiên, và như chúng
ta đã thấy, hiện vẫn còn tiếp tục phát triển). Song, như chúng ta đều biết, chỉ
có ở Hy Lạp cổ đại mới có sự xuất hiện và phát triển lý thuyết - diễn dịch của
từ thức khoa học trong các trường phái triết học. Do lệ thuộc trực tiếp vào
nhân tố này mà lôgíc học mới ra đời trong chính triết học Hy Lạp cổ đại. Thiếu
lôgíc học sẽ không thể có bất kỳ một sự duy lý hóa nào cả.
Mặc dù vậy,
chúng ta vẫn không thể quy lôgíc học về sự tác động của nó tới việc xuất hiện
tri thức khoa học, cũng như tới sự phát triển tiếp theo của triết học. Sự tiến
bộ của đời sống kinh tế (đặc biệt là sự xuất hiện của tiền tệ), sự ra đời của
pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ tài sản của con người cũng như một số
nhân tố khác của nền văn minh đã mở rộng và làm sâu sắc thêm khuynh hướng duy
lý hóa.
Tuy nhiên,
khi nhấn mạnh nhân tố duy lý hóa, chúng ta không được phép bỏ qua tính huyền diệu
của vô vàn các hiện tượng tự nhiên và các khách thể của tri thức, đặc biệt là
trong thời kỳ Cổ đại - thời kỳ mà triết học xuất hiện, và hơn thế nữa là tính
huyền bí về sự xuất hiện của con người. Chúng ta cũng không được phép bỏ qua
tính vô cùng phức tạp của bản chất con người mà yếu tố trí tuệ cấu thành của nó
không phải bao giờ cũng mang tính chủ đạo. Phương diện này của sinh thể người
và hoạt động nhận thức của con người được thể hiện rõ khi xác định triết học
như một hệ thống tri tín. Như chúng ta đều biết, triết học Hy Lạp cổ đại đã xuất
hiện trong điều kiện mà ở đó, một tổ hợp của sự duy lý hóa dường như đã trở nên
đầy đủ cho quá trình này. Đó trước hết là xuất hiện của các ý niệm về nhận thức
luận, về bản thể luận, nhân bản học và đạo đức - xã hội; sau đó là các hệ thống
duy lý vĩ đại của Platôn và Arixtốt vào thời kỳ được gọi là cổ điển ở trình độ
cao của nền văn hóa ÊLê. Và, ngay cả ở một trong những trường phái triết học đầu
tiên là Pitago, thì các nhà triết học của trường phái này cũng vẫn vấp phải những
khó khăn không thể giải quyết được bằng lôgíc học khi xem xét một số yếu tố
hình học (đó là điều mà họ đã cố giấu đi). Về sau, vào thời kỳ hậu cổ điển,
khuynh hướng nhà triết học hoài nghi - Phòng đã phủ nhận hoàn toàn khả năng xuất
hiện của tri thức xác thực.
Các ý niệm
phi duy lý không chỉ làm mất khả năng, mà còn thu hẹp quy mô của triết học duy
lý hóa, trước hết là về phương diện kiến giải hiện tượng con người. Các ý niệm
đó đã thâm nhập vào triết học, đặc biệt là từ phía mềm tin tôn giáo, từ các tín
niệm Hy Lạp cổ đại và sau đó, ngày càng nhiều hơn từ các vùng Trung Cận Đông. Hệ
thống đơn thần vĩ đại của Thiên Chúa giáo đã được một số ý niệm sơ cấp của triết
học Hy Lạp cổ đại tiếp thu và do vậy, các yếu tố phi duy lý của nó đã xuất hiện
ngày một mạnh mẽ. Ở đây, sự đối lập giữa phi duy lý và duy lý đã có sự gia tăng
đáng kể, trước hết là từ nhân tôn ý chí - nơi cấu thành lĩnh vực hoạt động cảm
giác của con người và không lệ thuộc vào sự chỉ đạo của trí óc với tư cách
trung tâm của những năng lực và khả năng trí tuệ. Một hình thức cực đoan của
thuyết phi duy lý tôn giáo là thần học đã xuất hiện, khi nhấn mạnh tính tuyệt
đôi không thể nhận thức được về phương diện sinh thể của các vị thần mang nhân
cách mà con người, khi đối thoại với các thần này cũng trở nên huyền bí như vậy
từ trong sâu thẳm của tâm hồn mình.
Những thành
tựu công nghệ và những thành tựu khác của nền văn minh nhân loại đã tìm cho bản
thân mình sự phản ánh trong các ý niệm duy lý và trong các hệ thống triết học
Tây Âu thời Cận đại. Sự toàn diện nhất và vĩ đại nhất trong số các ý niệm và hệ
thống đó đã xuất hiện ở Đức vào thế kỷ XVIII - XIX, trong các tác phẩm của
Cantơ, Phíchtơ, Seling và Hêghen. Song hành với điều đó là sự gia tăng các mặt
đối lập của chính nền văn minh nhân loại. Đặc biệt, nhận thức của một số nhà
triết học Đức về tính phức tạp, đa dạng của đời sống và tinh thần con người (và
không chỉ riêng họ) đã làm nảy sinh các ý niệm phi duy lý, đồng thời làm cho
các hệ thống triết học phi duy lý phát triển. Học thuyết có ảnh hưởng khá mạnh
trong số đó là học thuyết của Sôpenhauơ (1788 - 1860). Ngược lại với ý niệm căn
bản của nhà phiếm lôgíc Hê ghen về lý tính thế giới văn hướng sự phát triển của
văn minh và văn hóa vừa tầm với trình độ hiểu biết của các nhà triết học,
Sôpenhauơ đã đưa ra ý niệm đối lập với ý chí mù quáng và tự tại mà người ta vẫn
thường sử dụng để biện luận cho tính bí ẩn của tồn tại và tính phi duy lý của đời
sống con người.
Toàn bộ
khuynh hướng đó dường như là của nền triết học Đức vốn được mệnh danh là
"triết học đời sống" (thuật ngữ này đã từng xuất hiện vào thế kỷ
XVIII). Nhà tư tưởng lớn nhất và khá nổi tiếng của khuynh hướng đó là diễn giả
tài ba Nítsơ (1844 - 1900). Đặc điểm nổi bật của triết học đời sống là sự hạ thấp
bằng mọi cách năng lực trí tuệ và khả năng của con người, đồng thời nhấn mạnh
những thiếu sót về nhận thức của lý tính - cái dường như là sức mạnh không gì
lay chuyển nổi của lôgíc học. Nhà tư tưởng Pháp Bécxông (1859 - 1941) cũng đã
phát triển triết lý khá mạnh mẽ đó theo khuynh hướng nói trên. Một nhà lý luận
nổi tiếng của "triết học đời sống" - nhà triết học Đức Vinhem Đintây
(1833 - 1911) đã được xem là học giả có trình độ hiểu biết nhiều về lịch sử triết
học, là tác giả của nhiều tác phẩm thơ ca và các công trình tâm lý học. Ở một
trong những tác phẩm lớn nhất của mình là Nhập môn tinh thần khoa học (1883),
ông đã đặt đối lập khoa học nhân văn với tư cách khoa học được con người biết đến
khá nhiều với các khoa học tự nhiên. Theo ông, con người, với những mức độ xác
tín khác nhau, cũng chỉ giải thích được những hiện tượng rời rạc của tự nhiên
mà thôi. Chủ thể trong sự nhận thức tự nhiên đã hội tụ trong nó tất cả những điều
mà ông quan tâm, lại được ông đặt đối lập với chính khách thể tự nhiên bên
ngoài. Trong hiện tượng đặc biệt của ý thức con người, đối với ông, cái xác định
không phải là quá trình nhận thức trong sự tác động của nó với thế giới khách
quan bên ngoài, mà là áp lực đối với sự trải nghiệm tâm lý, ý chí, cảm xúc, bản
năng, v.v.. Tính chỉnh thể của nhận thức được thể hiện trong các nhân tố đa dạng
của kinh nghiệm bên trong, được liên kết bởi khái niệm "đời sống", tức
là khái niệm mà về căn bản, được hiểu bằng trực giác.
Một khuynh
hướng rất gần gũi với triết học đời sống và có uy tín là chủ nghĩa hiện sinh -
"triết học về sự hiện hữu". Khuynh hướng này đã nhận được sự tán
thành của không ít học giả ở Nga vào thế kỷ XX (Berơđêép, Séctốp), ở Đức
(Giaxpe, Haiđơgơ), ở Pháp (Xáctơrơ, Mắcxen, Camuy) cũng như ở Mỹ, Tây Ban Nha
và các nước khác. Mục đích chủ yếu của chủ nghĩa hiện sinh là vạch ra ý nghĩa bản
thể luận về sự hiện hữu của cá nhân con người trước tính phức tạp của tồn tại
mang tính siêu nghiệm trong quan hệ với con người. Do vậy, nó luôn phải giải
quyết hệ vấn đề hết sức phức tạp về tự do (đặc biệt là khi đối mặt với cái chết)
mà con người không thể tránh được. Véctơ siêu nghiệm của con người trong hoàn cảnh
đó luôn hướng tới hoặc là Chúa, hoặc một cách giản đơn không tới cái gì cả.
Ngay cả
trong một số khuynh hướng phi duy lý được cho là quan trọng, nếu mô tả hoàn
toàn bằng lược đồ, cũng dễ nhận thấy rằng, không thể có lý thuyết phi duy lý
"thuần túy". Lý thuyết này chỉ có thể là sự thần bí hoá mà thôi. Thuyết
phi duy lý triết học ở trình độ này hay trình độ khác đều bao hàm các yếu tố của
thuyết duy lý. Các trường hợp triết học đối lập cũng gặp không ít tình huống
như vậy. Như chúng ta đều biết, trong sự đa dạng của các ý niệm triết học và
ngay cả các học thuyết triết học còn lâu mới có hiện tượng một nhà triết học
nào đó lấy tư tưởng của mình để phủ định hoàn toàn tư tưởng của các nhà triết học
khác. Đương nhiên, trong lịch sử triết học, cũng đã xuất hiện các triết thuyết
thuộc loại đó. Một trong số đó là chủ nghĩa Mác-Lênin - một học thuyết từng
tuyên bố chủ nghĩa duy vật biện chứng là duy nhất mang tính khoa học và hoàn
toàn bác bỏ các quan điểm triết học cơ bản của chủ nghĩa duy tâm. Trên thực tế,
như chúng ta đã thấy, chủ nghĩa duy vật với tư cách một hình thức triết học tự
nhiên (xét trên bình diện rộng nhất, chứ không phải theo ý nghĩa của mỹ học) và
chủ nghĩa duy tâm còn lâu mới hoàn toàn bác bỏ được nhau. Nhà toán học và lôgíc
học, nhà siêu hình học vĩ đại người Đức là Lépnít, người mà vào thời của mình
đã biết khá rõ lịch sử triết học (ông cũng là người đầu tiên sử dụng các thuật
ngữ "các nhà duy vật" và "các nhà duy tâm") , đã chỉ ra rằng,
"đa số các trường phái triết học đều đúng trong phần lớn các nhận định của
mình, song các trường phái đó cũng bị sai ở việc phủ định" (Thư gửi người
theo phái Platon ở Pháp Nicôlai Rây mông, ngày 10 tháng Giêng năm 1714).
Về sau, nhà
triết học duy tâm Đức vĩ đại Hêghen (1770 - 1831) - người đã sáng tạo ra một hệ
thống đa diện của triết học và được xem như là sự tổng kết toàn bộ tiến trình lịch
sử triết học, trong những suy tư của mình, đã đưa ra ý niệm cho rằng, tất cả
các hệ thống triết học đều là nhất thời, song chúng đã tạo ra các phạm trù và
những ý niệm riêng, mang ý nghĩa đặc biệt. Các phạm trù và những ý niệm ấy đang
tiếp tục tồn tại một cách độc lập, hoặc đang tồn tại trong các hệ thống mới
khác. Tuy nhiên, một mặt, Hê ghen đã xem hệ thống triết học của mình là duy nhất
đúng; mặt khác, lại cho rằng, hệ thống đó cần được làm rõ trong sự xem xét của
tiến trình lịch sử triết học (vả lại, không chỉ có Hê ghen đã giải thích như vậy
về học thuyết của mình).
Nền tảng chủ
- khách thể của triết học cho phép chúng ta lý giải một số học thuyết với tư
cách những học thuyết hỗn dung nhưng lại thiên về phía khách thể (như chủ nghĩa
duy vật), số khác thì thiên về phía chủ thể. Thậm chí, nhiều học thuyết trong số
các học thuyết đó cũng muốn tìm ra ý nghĩa xác định của triết học trong các
nghiên cứu theo hướng nhận thức luận và trong các hệ thống triết học. Tuy các học
thuyết ấy lệ thuộc một cách rõ rệt vào lĩnh vực chủ thể, song không có một hệ
thống bản thể luận nào, bằng cách này hay cách khác lại bỏ qua những khách thể
nào đó của nó. Điều này dường như cũng đúng cho cả khuynh hướng có sự phát triển
khá mạnh mẽ là chủ nghĩa thực chứng thế kỷ ở XIX - XX (mặc dù các yếu tố cụ thể
của nó xuất hiện sớm hơn nhiều). Đây là khuynh hướng đã đưa ra yếu tố cấu thành
của khoa học - nhận thức luận để chống lại khuynh hướng phổ biến - khuynh hướng
siêu hình.
Xét toàn bộ
nội dung quan điểm của triết học đời sống và chủ nghĩa hiện sinh, có thể nói,
những khuyết tật của chúng đã đặc biệt thể hiện ra ở sự đối lập giữa con người
tinh thần và con người thân xác; trong sự cách biệt đáng kể ở mức độ nhiều hay
ít, là sự đối lập giữa con người và tự nhiên; còn trong một mức độ nhất định,
là sự đối lập giữa con người và tồn tại xã hội - văn minh. Những nghiên cứu
kinh nghiệm phân tích, cũng như các quan điểm khác với các hệ thống triết học
nói trên, về thực chất, đã bỏ qua con người chỉnh thể với toàn bộ tính phức tạp
về đời sống của nó. Cũng đã có một tham vọng muốn nắm bắt tính chỉnh thể tinh
thần - vật chất, chủ khách thể của tồn tại, tức là tính chỉnh thể từng được thực
hiện trong nhiều triết học ở thời Cổ đại, thời Trung cổ và thời Cận đại, đến thế
kỷ XIX - XX, nó lại được tái diễn trong điều kiện xuất hiện những thành tựu mới
trong các lĩnh vực toán học, lôgíc học, vật lý học và những lĩnh vực khác của
tri thức khoa học tự nhiên.
Ở đây, một
số hệ thống của các nhà triết học Anh - Mỹ đã liên kết với nhau thành khuynh hướng
tân hiện thực và thể hiện rõ mối quan tâm hàng đầu của mình. Đặc biệt nổi bật về
phương diện này là Alfred Waithed (1861 - 1947). Ông là tác giả của công trình
Điểm khởi đầu của toán học (1910 - 1913, viết cùng với học trò là Rátxen) được
xem là một trong những công trình căn bản về lôgíc toán. Về sau, trong một loạt
công trình của mình, ông đã xem xét các vấn đề vật lý lý thuyết và triết học tự
nhiên. Vào những năm 20 của thế kỷ XX Waithed đã chú ý tới việc suy tư về các
hiện tượng của sinh học, nhân học, tâm lý học, nghệ thuật, tôn giáo và chính trị.
Với ý đồ khắc phục sự phân chia thành cái thân xác và cái tâm lý, nhà triết học
Anh - Mỹ này đã cố gắng xây dựng tính đơn nhất của hệ thống, khi giải thích các
hiện tượng đa dạng và phức tạp của một hệ thống chỉnh thể - Vũ trụ. Các nhà triết
học tham gia nghiên cứu hệ thống đó là Samuel Alechxanđơrơ (mất năm 1938, các
công trình chủ yếu của ông, gồm "Không gian. Thời gian và Thượng đế",
1927), Jan Smitz (mất năm 1950, công trình quan trọng nhất của ông là "Toàn
thể luận (Holism) và sự tiến hóa", năm 1926) và các nhà triết học khác. Họ
đã đưa ra thuật ngữ khá thích hợp có gốc từ tiếng Hy Lạp là holism (do Smitz
đưa ra) - đó là triết học về tính chỉnh thể mà theo đó, cái toàn vẹn luôn bao
hàm một cách khá sâu sắc tri thức mới so với tổng hòa các yếu tố tạo nên tính
chỉnh thể đó. Ý niệm về tính hiệu quả của con đường nhận thức từ tính chỉnh thể
đến các bộ phận, các yếu tố cấu thành của nó, như chúng ta thấy, đã xuyên suốt
nhiều học thuyết triết học, bắt đầu từ triết học Hy Lạp cổ đại. Sự tiến bộ của
các tri thức khoa học cụ thể, tự nhiên và xã hội - nhân văn đang đặt ra trước
các nhà triết học những nhiệm vụ ngày càng khó khăn hơn khi xem xét chúng trong
phạm vi của tính chỉnh thể. Do vậy, có thể nhấn mạnh rằng, phẩm chất trí tuệ
hàng đầu của một nhà triết học được quy định bởi trực giác về tính chỉnh thể của
ông ta, bởi năng lực nắm bắt sự thống nhất bền vững trong tính đa dạng của các
hiện tượng được suy xét - đó là những hiện tượng mà thoạt nhìn, hoàn toàn mang
tính mâu thuẫn. Và, tính đa dạng đó càng rộng bao nhiêu, thì bản chất của nó
càng sâu bấy nhiêu.
Ý niệm về
tính chỉnh thể còn quy định cả đặc điểm của chương trình nghiên cứu hiện đang
được tiến hành. Trong chương trình đó, tác giả muốn vạch ra tất cả các ý niệm
thế giới quan - triết học cơ bản và chung nhất mà các nhà tư tưởng, đồng thời
là những học giả tiêu biểu nhất đã trình bày. Nhiệm vụ đó được thực hiện trong
việc xem xét hệ vấn đề của tiến trình thế giới quan và lịch sử triết học. Tính
chỉnh thể trong sự xem xét của nó là bằng chứng xác nhận sự chuyển hướng của
các ý niệm sâu rộng nhất ở các thời đại trước thành các nhu cầu thế giới quan ở
thời đại văn minh này. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là phủ nhận sự xuất hiện
các ý niệm triết học mới và thậm chí, cả những phạm trù mới nữa.
Như vậy,
trong văn cảnh thuyết toàn thể, chúng ta thấy đã có sự xuất hiện của một quan
điểm rộng lớn về cái gọi là sự tiến hóa (emergence), thuật ngữ Latinh xuất hiện
vào năm 1875(1). Thực chất của nó nằm trong sự suy tư về tính tự tại của sự
phát triển không đồng đều, luôn có bước nhảy vọt đối với những trình độ khá cao
về mặt tổ chức - từ cơ thể thô sơ nhất (hoàn toàn không phải là cơ thể đã bị tước
mất sự sống) đến những hiện tượng tinh thần và tâm lý cao. Cũng giống như nhiều
học thuyết triết học ở thời kỳ Hy Lạp cổ đại, ở thời Trung cổ và Cận đại, trong
học thuyết triết học này, cái được xem là chủ đạo và bao hàm cả cái khởi thủy của
Vũ trụ là Chúa Trời với tư cách biểu hiện của sự thống nhất chủ - khách thể.
Trong chủ nghĩa duy tâm Đức thế kỷ XVIII - XIX, chúng ta nhận thấy các ý niệm
giống nhau về sự phát triển tự tại trong tự nhiên, mà tự nhiên thì lại hướng tới
tinh thần (như trong triết học tự nhiên của Se linh) và sự tự gia tăng tính
sáng tạo của chính thần linh trong các hiện tượng đa dạng của lịch sử của văn
minh và văn hóa (như ở Hêghen).
Khi tiếp tục
trình bày hệ vấn đề của tiến trình lịch sử triết học, thuật ngữ "cơ thể"
sẽ được sử dụng rộng rãi (trong sách của chúng tôi thường sử dụng thuật ngữ
"cơ cấu"), "Thuyết cơ cấu", về nguyên tắc, tương ứng với
các học thuyết nói trên của các nhà triết học Anh nổi tiếng. Khi đề cập tới
tính chỉnh thể, tới sự tồn tại nguyên vẹn, thuật ngữ này định hình tính tương tự
đối với chủ thể như một cơ cấu định dạng tính chỉnh thể đó ở trình độ trực giác
- lý tính. Các yếu tố cụ thể của tự nhiên được nhận thức bằng con đường phân
tích - kinh nghiệm thông qua phép quy giản để quy cái phức tạp về cái đơn giản,
nghĩa là đạt được sự quy giản đó bằng các phương tiện cảm tính - lý trí. Từ
chính các yếu tố đa dạng và duy lý, từ kết quả của nhận thức thực tiễn như vậy
mà xuất hiện các trực giác về vật chất và tinh thần của nền văn minh. Loại tri
thức cụ thể như vậy cùng với những kết quả của nó sẽ được thể hiện bằng những
thuật ngữ có gốc từ tiếng Hy Lạp, đó là "cơ học", "cơ chế"
(mechane - công cụ, máy móc), đồng thời mở rộng đến mức tối đa ý nghĩa của nó
(cái đã được đề cập tới một cách tối đa trong cơ học của Nguồn) và kiến giải nó
bằng tính đôi lập căn bản về nhận thức - tồn tại của toàn bộ cơ thể.
Sự đối lập
và tác động qua lại giữa cơ cấu và cơ chế đã xuyên suốt nhiều quan niệm và hệ
thống thế giới quan, - bắt đầu từ thế giới quan tôn giáo - thần thoại, - và cả
thế giới quan triết học mà ở đó, chúng ta có thể thấu hiểu, khi nghiên cứu
chúng một cách cụ thể. Tính cấp thiết của sự tác động qua lại đã được thể hiện
khá rõ nét cả trong thời đại ngày nay, khi khoa học tiến đến sát sự kiến tạo
nên đời sống và thậm chí, cả con người với tư cách đỉnh điểm và tiêu điểm của
khoa học. Nói như vậy, nhưng chúng ta cũng nên quay trở lại với những đặc trưng
cụ thể hơn của chủ thể và khách thể.
Ở trên,
chúng ta đã xác định rõ rằng, khái niệm khách thể bao hàm trước hết là giới tự
nhiên nguyên bản, sau đó mới đến nền văn minh với tư cách khâu trung gian giữa
chủ thể và khách thể tự nhiên. Cái phức tạp trong tiến trình lịch sử và lịch sử
triết học là cái được biểu thị bằng thuật ngữ "chủ thể". Từ những kiến
giải của triết học với tư cách tri tín và thế giới quan đã được duy lý hóa, khi
xem xét chúng trong triển vọng lịch sử và phương pháp luận, tất yếu sẽ nảy sinh
vấn đề chủ thể tập thể có trước chủ thể cá nhân, mặc dù, xét một cách thuần túy
về mặt bản thể luận, thì chỉ có chủ thể cá nhân mà thôi. Ngay cả ngôn ngữ mà nhờ
đó, nhà triết học tư duy và sáng tạo, cũng biến nó thành yếu tố của chủ thể dân
tộc. Đó là còn chưa nói tới nhiều phương diện của nền văn minh và những trực
giác, những nhân tố khác nhau về văn hóa tinh thần và tâm lý dân tộc của nó, -
và đó cũng chính là cái mà Hê ghen gọi là "tinh thần dân tộc".
Một phương
diện khác của chủ thể tập thể chính là nhóm - xã hội, hay là giai cấp (đặc biệt
trong truyền thống mác xít). Sự tác động của nó tới triết học không chỉ tới mức
tổng thể vốn đã được khẳng định trong truyền thống mác xít, mà còn biểu hiện ở
mức độ lớn nhất trong những giới hạn chính trị - xã hội của nó và hơn nữa,
trong các học thuyết triết học chính trị độc lập.
Tính đa dạng
thứ ba, tính đa dạng được xem là căn bản của chủ thể - đó là chủ thể có nhân
cách - người sáng tạo trực tiếp ra tất cả các học thuyết triết học. Có thể khẳng
định rằng, trình độ chuyển hóa của bất kỳ tính đa dạng nào về thế giới quan
thành triết học đều có quan hệ trực tiếp với nội dung nhân cách của nó. Cái
mang tính quyết định đối với triết học là chủ thể có nhân cách, tức chủ thể
luôn gắn bó mật thiết với chủ thể tập thể. Sự sáng tạo của một nhân cách có thể
dẫn tới sự thay đổi nào đó, thậm chí còn dẫn tới sự phá vỡ ca truyền thống.
Ở đây, cần
phải đề cập tới một trong những vấn đề lớn nhất của tiến trình lịch sử triết học
tức những vấn đề làm rõ tính quy định về mặt xã hội của nó. Đó là vấn đề về mối
quan hệ qua lại giữa triết học và hệ tư tưởng.
Thuật ngữ
này do nhà triết học Pháp Antuan de Trasi đề xuất trong công trình của ông có
nhan đề "Các yếu tố của hệ tư tưởng" (1801). Kế tiếp các nhà triết học
khác ở Pháp, ông đã bày tỏ sự bất bình đối với các nhà tư tưởng siêu hình theo
khuynh hướng tiền thực chứng - những người đã quá đề cao tính hệ thống của triết
học và cho rằng, quan niệm của họ là hết sức tư biện, là sự bịa đặt. Ở đây, cần
lưu ý rằng, do không quan tâm đến tính hệ thống, một số nhà tư tưởng đã hướng
quan điểm của mình đến những chủ thể chính trị đó là dân tộc, giai cấp, đảng
phái và các phong trào xã hội. Loại hệ tư tưởng như vậy đã xuất hiện và tồn tại
suốt hàng thế kỷ và thậm chí hàng nghìn năm trước khi xuất hiện chính thuật ngữ
này. Trước hết, đó là những tri tín tôn giáo, đặc biệt các tri tín đã xuất hiện
vào thời kỳ hình thành tôn giáo đơn thần. Cái làm nên hạt nhân trong các tri
tín đó đã tạo nên những giáo điều vững chắc, cứng nhắc đến tột độ. Và, niềm tin
phi khoa học vào các giáo điều ấy đã hướng con người tới các thần khai của kinh
thánh. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, trong sự hình thành của chúng, dẫu là với mức
độ thấp hơn cũng như trong sự vận động tiếp theo của chúng, các giáo điều ấy đã
sử dụng một số ý niệm triết học để bứt phá ra khỏi văn cảnh hệ thống của chúng.
Thí dụ điển hình nhất, như chúng ta thấy, là Thiên Chúa giáo.
Giữa triết
học và hệ tư tưởng vốn không có ranh giới rõ ràng, thậm chí, đôi khi còn không
thể nhận ra được các ranh giới đó, nếu xét đến sự tương đồng về các hình thức
thế giới quan. Do vậy, tất cả các hệ tư tưởng đều tuyên bố về tính chân lý của
mình một cách cực quyền, thậm chí là dựa vào trực giác. Tính chân lý của một
giai cấp trên thực tế, luôn được khẳng định là đương nhiên, thậm chí còn cho đó
là phổ biến. Tính giai cấp này cũng được kiến giải như là tính đảng của mọi
chân lý. Thêm nữa, triết học với tư cách thế giới quan thượng lưu, mang tính cá
nhân thường thể hiện tính đảng và tính hoài nghi ở mức độ này hay mức độ khác.
Đã là nhà triết học chân chính thì không thể mang tính đảng, mà vượt lên trên
tính đảng và có thể đi ngược lại giai tầng của mình, luôn giữ lập trường phê
phán đối với chính dân tộc mình. Một thí dụ khá điển hình là Xôcrát, người đã từng
nói rằng, ông đứng về phía nhân dân A ten như cừu đứng cạnh ngựa, cốt để cho ngựa
không lơ là cảnh giác và không bị lâm vào tình trạng lười biếng. Trên thực tế,
do cái đó mà ông đã hy sinh cả mạng sống của mình. Và, đã từng có biết bao trường
hợp tương tự như vậy trong đời sống của các nhà triết học? Sức mạnh của nhà triết
học chính là ở chỗ trở thành người chiến sĩ đấu tranh cho chân lý, bởi theo lời
của nhà triết học nổi tiếng Tây Ban Nha Ortega - I - Gaxet (1883 - 1955),
"chân lý chỉ thoáng hiện ra ở con người có khát vọng về nó, kỳ vọng vào nó
và trong lý tính của người đó luôn chuẩn bị cho nó một vị trí" (B14,
tr.150)(2) . Từ điều nói trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, chức năng quan
trọng nhất của triết học là ở việc điều chỉnh "những lệch lạc" khác
nhau, đặc biệt khi hệ tư tưởng này hay hệ tư tưởng khác được giáo điều hóa, trở
thành một hệ thống cứng nhắc của các tín niệm và hành vi ở quy mô một loạt các
quốc gia .
(1)
Emergency - học thuyết triết học của chủ nghĩa duy tâm Anh - Mỹ hiện đại, theo
đó sự xuất của những cái mới về chất là không thể nhận biết được và không theo
quy luật tự nhiên.
(2) Xin
xem: T.N.Ôizerơman. Triết học với tư cách lịch sử triết học. Mátxcơva, 1999,
tr.150 (tiếng Nga)
Kỳ sau: Hệ
vấn đề chủ - khách thể trong thời kỳ tiền văn minh của loài người
Nguồn:Tạp
chí Triết học
Đánh giá bài viết?