Triết lý tôn giáo

William S. Sahakan & Mabel. Sahakan
- Thanh Chân dịch Tư tưởng các triết gia vĩ đại - NXB TP.HCM

Mục lục: 1. Giới thiệu. 2. Những quan niệm về Thượng Đế3. Chủ nghĩa Tự nhiên tôn giáo4. Thuyết bất khả tri và Chủ nghĩa vô thần5. Vấn đề linh hồn
6. Mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác7. Sự bất tử 8. Các hình thức giả danh sự bất tử9. Các lập luận phản bác sự bất tử10. Các lập luận hỗ trợ sự bất tử
11. Vấn đề Thiện và Ác

1. Giới thiệu
Công việc của các triết gia là đánh giá mọi sự kiện kinh nghiệm. Theo đó, triết lý tôn giáo quan tâm đánh giá mọi sự kiện liên quan đến kinh nghiệm tín ngưỡng, trong đó chủ yếu phải kể đến các vấn đề về : Thượng Đế, linh hồn, sự bất tử và bản chất của Thiện và Ác.

Trong phần định nghĩa trên, yếu tố then chốt "là sự đánh giá" (evaluation), bởi lẽ các bộ môn khoa học tôn giáo khác không bao hàm công việc đánh giá các sự kiện. Giống như các ngành khoa học khác, các bộ môn ấy (Tâm lý học tôn giáo, Xã hội học tôn giáo, Lịch sử tôn giáo) cố gắng mô tả các sự kiện tôn giáo một cách chính xác và khách quan, không cần phải đánh giá bản chất và hiệu lực của các hình thức tín ngưỡng. Chính các triết gia tôn giáo đảm nhận công việc đánh giá bản chất của kinh nghiệm tín ngưỡng và nhận định tính chân xác của các giá trị tôn giáo.

Thí dụ: Khi nghiên cứu đời sống tôn giáo tại đất nước Ấn Độ một cách cẩn trọng, các nhà xã hội học có thể đưa ra nhân xét rằng dân Hindu1 là những người phiếm thần2, tin ở Thượng Đế, Đấng hiện diện khắp nơi trong tự nhiên. Về phần mình, một triết gia tôn giáo không tự bằng lòng với sự kiện nêu trên. Ông ta băn khoăn với vấn đề liệu rằng thuyết phiếm thần là một niềm tin chân xác hay mê muội, nhất quán hay không nhất quán, thiện hay ác, đạo đức hay trái đạo đức, v.v...... Nói cách khác, ông ta tìm cách đánh giá sự kiện hơn là tự giới hạn mình trong khuôn khổ mô tả sự kiện một cách đơn thuần.

Chúng ta cũng không nên lẫn lộn giữa triết lý tôn giáo với tín ngưỡng (religion) hay thần học (theology). Tín ngưỡng bao hàm cả hành vi thực hiện các kinh nghiệm tôn giáo trong cuộc sống, không dừng lại ở mức đánh giá các niềm tin. Các bộ môn thần học(thần học thiên khải, thần học giáo điều hay thần học thánh linh, v.v.....) khác biệt rõ ràng với triết lý tôn giáo. Yêu cầu của một triết gia là không bị hạn chế bởi định kiến, giáo quyền, thiên khải hay đức tin; ông ta bám lấy mọi dữ kiện thích đáng nếu chúng đúng là phương tiện để đạt đến sự đánh giá chân xác nhất. Vì thế, các sự kiện khoa học, tự nhiên cũng như mọi lý lẽ đúc kết đều được xem xét đến trong quá trình cân nhắc cẩn trọng. Trong khi đó, bản thân thần học bằng lòng chấp nhận một cách thành tín hiệu lực của thiên khải, nguồn cảm hứng của thánh kinh và giáo lý của Nhà Thờ. Xác quyết giá trị tối thượng của các nguồn cảm hứng thần thánh như một tiêu chuẩn chân lý, thần học bước vào những lãnh địa ấy, các luận thuyết giáo điều xuất hiện, chẳng hạn như thuyết về chúa Ba Ngôi (the Trinity), luận thuyết mà giới triết gia thường lẩn tránh do bản chất nằm ngoài lý lẽ của nó.

Giống như triết lý tôn giáo, thần học cũng khác biệt với tín ngưỡng (religion per se); bởi lẽ thần học mang tính lý thuyết trong khi các tín đồ tôn giáo thực hiện đức tin của họ (chẳng hạn như cầu nguyện ), một nhà thần học chỉ là tín đồ thực sự khi ông ta tự nguyện đón nhận phận sự thực hiện tín ngưỡng của mình. Cách lập luận tương tự cũng dành để so sánh giữa triết học và tín ngưỡng.

2. Những quan niệm về thượng đế

Một số triết gia tôn giáo xem các khái niệm có liên quan đến Thượng Đế là vấn đề có tầm quan trọng tối thượng, đứng trên mọi khái niệm và nhận thức trong lãnh vực triết lý tôn giáo. Mặt khác trọng tâm vấn đề không còn xoay quanh sự tồn tại của Thượng Đế, xét vì bất kỳ định nghĩa nào về Thượng Đế cũng bao hàm bản chất về sự tồn tại của Ngài. Thực tế, ý nghĩa của thuật ngữ ấy thay đổi theo tầm nhận thức của từng cá nhân. Đối với từng số người, Ngài là thực tại tối thượng; với số khác, là thiên nhiên hay một nguyên lý vũ trụ.



Giả định rằng mỗi người đều có khái niệm về Thượng Đế, các triết gia đặt ra câu hỏi :"chúng ta nên định nghĩa Thượng Đế như thế nào?" Với định nghĩa của mình, mỗi người có thể bộc lộ khuynh hướng tôn giáo của bản thân, chí ít là khuynh hướng sùng bái một đối tượng nào đó trong đời. Với một tin đồ "tửu giáo" Thượng Đế có thể là một chất lỏng có men nào đó giúp anh ta tìm thấy sự an toàn và hạnh phúc. Với người duy lý, Thượng Đế có thể là một bộ môn khoa học mà anh ta đặt lòng tin không thể lay chuyển. Với các tín đồ của quyền lực, Thượng Đế có thể là một vũ khí huỷ diệt giúp họ cảm thấy an tâm khi thực hiện các biện pháp tự vệ hay răn đe. Với những người sùng tín, Thượng Đế là Đấng sáng tạo tối thượng, hay một thực thể siêu nhiên đầy quyền năng mà họ đặt trọn niềm tin.

Dưới đây là một số khái niệm phổ biến về Thượng Đế được tìm thấy trong lĩnh vực triết học tôn giáo.

a) Đa thần giáo

Theo Đa Thần giáo (Polythesm), hình thức tín ngưỡng dành cho nhiều vị thần, mỗi đấng thần linh đại diện cho một giá trị cá nhân riêng biệt. Những tín đồ Đa Thần giáo nhận thức về mỗi vị thần như một thực thể đảm nhận nhiệm vụ cai quản, đồng thời là hiện thân của một giá trị mà con người sùng kính. Từ đó họ có thần sinh sản, thần tự do, thần tình yêu, v.v.....Với vị thần linh được có quyền là tin tưởng là có quyền năng giám sát sức khoẻ của muôn loài, tín đồ Đa Thần giáo sẽ dâng lễ và cầu nguyện vị thần ấy mỗi khi đau yếu hay bệnh tật.

Dĩ nhiên, các nhà khoa học thời hiện đại, những người tin tưởng vào một hệ thống định luật duy nhất và chịu ảnh hưởng của một trường tác động thống nhất trong vũ trụ, sẽ không đồng tình với quan niệm đa thần. Họ không thể nào chấp nhận được ý tưởng về những thực tại tối thượng khác biệt và có khuynh hướng xung khắc lẫn nhau - những đấng thần linh toàn năng hoàn toàn độc lập với nhau về mặt tích chất và phạm vi chi phối. Trong lãnh vực khoa học, không thể có những hệ định luật tự nhiên riêng lẻ; hệ này chỉ áp dụng đúng cho sinh vật, hệ kia chỉ dành riêng cho vật lý, v.v.... Thực tế, chỉ có một hệ định luật áp dụng đúng cho mọi ngành khoa học; không có nhiều tinh thần khoa học với hiệu lực thống nhất cho cả một thế giới, cho cả một vũ trụ. Vì thế, từ quan điểm ấy, quyền năng tiềm tàng vận hành toàn thể vũ trụ phải là một nguồn động lực thống nhất.

Mặt khác, quan niệm đa thần mở ra cái nhìn về nhiều thế giới, một "đa vũ trụ" (polyvese) hơn là một vũ trụ, mỗi thế giới khác. Tuy nhiên, theo các quy luật khoa học mà chúng ta hiện biết đến, không có cơ sở nào hỗ trợ cho một cái nhìn như thế.

b) Đơn nhất thần giáo

Được Max Muller đặt tên, thuật ngữ Đơn Nhất Thần giáo (Henotheism) ám chỉ đến lòng tin vào một Đấng tối cao, nhưng không loại trừ các vị thần thánh khác. Những người theo hình thức tín ngưỡng này sùng bái Thượng Đế như hiện thân của Tinh Thần Dân Tộc (Personified national spirit), một vị thần bảo quốc hơn là Đấng Tối Thượng của cả vũ trụ. Vì thế, có một số dân tộc sùng kính nhiều vị thần linh, trong số đó có một đấng, xếp vào hàng thượng đẳng, được tôn vinh hơn cả. Thí dụ:

• Thần Zeus3 trong truyền thuyết Hy Lạp.
• Mặc dù Moses4 tuyên xác Thượng Đế là duy nhất, người Hebrew5 tin vào Đấng Tối Cao nhưng vẫn tôn trọng các vị thần thánh ngoại quốc khác.

c) Phiếm Thần luận

Là triết thuyết cho rằng Thượng Đế đồng nhất với thế giới, rằng Thượng Đế với tự nhiên là một, rằng tự nhiên là biểu hiện của thần thánh. Phiếm Thần luận (Pantheism) thể hiện ở những hình thức khác nhau, hình thức phổ biến nhất nhấn mạnh đến tính tổng thể của thực tại. Quan niệm phiếm thần được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng người Hinđu tại Ấn Độ; trong khi ở phương Tây, nó chỉ được một vài triết gia ủng hộ, trong đó bao gồm Spinoza, Hegel và Royce. Các triết gia khác đã vạch ra hai khiếm khuyết cơ bản gắn liền với Phiếm Thần luận như sau:

- Khiếm khuyết thứ nhất bao hàm sự tự mâu thuẫn của quan niệm phiếm thần của Thượng Đế. Nếu một đứa bé (một phần của Thượng Đế) tin tưởng sai lầm rằng 2+2=5, đồng thời thầy giáo của đứa bé ấy (cũng là một phần của Ngài) biết chắc rằng 2+2=4, rằng học trò của mình là lầm lẫn; trong trường hợp đó hẳn là chúng ta phải giả định rằng Thượng Đế nhận thức đồng thời không nhận thức được sự nhầm lẫn. Như vây, Phiếm Thần luận đã dẫn đến kết luận mâu thuẫn trong hoạt động trí tuệ của Ngài - một khả năng mà chúng ta không thể hình dung nổi.

- Khiếm khuyết thứ 2, được Borden Parker Bowne trình bày qua một số luận giải, cho rằng quan niệm phiếm Thần đưa ra hình ảnh Thượng Đế như là một thực thể xấu xa và độc ác nhất trên vũ trụ. Xét rằng Thượng Đế là hiện thân của toàn bộ nhân loại, Ngài phải là một kẻ độc ác hơn bất kỳ một cá nhân riêng lẻ nào. Lập luận cho rằng Thượng Đế là hiện thân của mọi điều thiện cũng không thể biện minh được cho trách nhiệm của Ngài đối với sự tồn tại của Cái Ác trên thế gian này.

d) Nhất Thần giáo

Bao hàm nhiều hình thức tín ngưỡng khác nhau, Nhất Thần giáo (Monotheism) được xây dựng trên cơ sở niềm tin cho rằng chỉ tồn tại một và chỉ một Thượng Đế mà thôi, rằng Thượng Đế là Đấng Tối Thượng, người sáng tạo duy nhất của muôn vật trong vũ trụ. Trong lịch sử văn minh nhân loại, quan niệm này là bước tiến hoá từ Đa Thần giáo, hay đúng hơn là từ Đơn Nhất Thần giáo. Nó được xem là phát xuất từ Moses, mặc dù một số trường phái tôn giáo đương thời nhận định rằng Moses là người theo quan niệm Đơn Nhất Thuần, rằng quan niệm Nhất Thần xuất hiện muộn hơn, sau thời của Moses.

Như đã trình bày ở trên, tín ngưỡng Nhất Thuần mở ra cái nhìn về Thượng Đế như một Thực Thể Tinh Thần tự tại, là Đấng Sáng Tạo toàn bộ vũ trụ và là nguồn gốc của mọi giá trị. Gút mắc triết học chủ yếu của Nhất Thần giáo là làm thế nào giải thích được sự kiện rằng, nếu như Thượng Đế sáng tạo ra muôn vật, Ngài phải là nguồn gốc của cả điều Thiện lẫn cái Ác.

e) Hữu Thần luận

Không giống như Nhất Thần giáo, Hữu Thần luận (Theism) nhấn mạnh đến bản chất cá nhân của Thượng Đế, thừa nhận Ngài như một thể ý thức hiện diện khắp nơi trong thế giới tự nhiên, vật chất, con người và trong mọi giá trị mà Ngài đã sáng tạo ra. Thượng Đế của nền văn hoá Cơ Đốc và Do Thái trong xã hội phương Tây đương thời là Chúa Trời, Đấng sở hữu những thực tính cá nhân như tính thiện, trí tuệ, ý chí, v.v..... cho phép con người giao tiếp với Ngài qua các hoạt động cầu nguyện, chiêm nghiệm và thiền định.

Theo quan niệm Hữu Thần luận, Thượng Đế là siêu việt thể (độc lập và vượt lên trên thế giới mà Ngài đã tạo ra ) và thường hằng (không ngừng sáng tạo và tác động đến thế giới tự nhiên cũng như các giá trị đạo đức). Trong khi đó, quan niệm Phiếm Thần đồng hoá Thượng Đế với tự nhiên (hoàn toàn loại bỏ tính cách siêu nhiên), bao hàm Thượng Đế trong tự nhiên.

f) Tự nhiên Thần luận

Mặc dù chấp nhận quan niệm Nhất Thần về một vị Thượng Đế duy nhất, cũng như đồng tình với quan niệm Hữu Thần luận xem Thượng Đế là Đấng sáng tạo của cả thế giới, tự nhiên Thần luận (Deism) quan niệm rằng Thượng Đế là đấng sáng tạo của cả thế giới.

Sau khi sáng tạo ra vũ trụ với các quy luật tự nhiên giúp nó tiếp tục vận hành như một cỗ máy, Ngài tự tách mình khỏi thế giới, chỉ ngắm nhìn nó từ xa như một kẻ ngoại cuộc - Ngài trở thành vị Chúa "vắng mặt", chẳng để tâm lắng nghe lời cầu nguyện cũng không buồn ban phát phép lạ. Thượng Đế đã hoàn tất điều mà Ngài đã định. Ngài đã sáng tạo ra một thế giới mà tự nó có khả năng vận hành liên tục theo các quy luật tự nhiên. Ngài đã ban cho con người trí tuệ để tìm hiểu và kiểm soát thiên nhiên, giúp họ tự phát hiện ta cái quyền năng thần thánh trong hoạt động sáng tạo. Chính trong hoạt động ấy, con người tìm thấy hạnh phúc mà không cần đến sự can thiệp của Ngài, Đấng "cứu giúp người biết tự giúp mình"



Tự Thiên Thần luận trở thành một hệ thống triết học nhờ công của Huân tước Herbert của vùng Cherbury (1853 - 1648 ) sau đó trở thành một luận thuyết phổ biến trong giới trí thức Anh và Mỹ ( thời còn là thuộc địa của nước Anh). Trong số những người cổ xuý cho luận thuyết này, chúng ta phải kể đến Thomas Paine6, Thomas Jefferson7, John Toland (với tác phẩm "Cơ Đốc giáo không thần bí" - Christianity, Not Mysterious, 1695) Matthew Tindal (với tác phẩm "Cơ Đốc giáo cổ xưa như sự Sáng Thế" - Christianity as Old as the Creation, 1730).

Tuy nhiên, bức tranh vũ trụ tổng thể, được phác hoạ bởi các môn khoa học sinh vật học, vật lý học thời hiện đại, không bao hàm cơ cấu vận hành như một bộ máy mà như là một tiến trình học, người ta không thể nào lý giải tiến trình ấy một cách thích đáng. Ngày nay bản chất của động lực thúc đẩy thế giới phát triển là trọng tâm nghiên cứu của các học thuyết tiến hoá thời hiện đại.

g) Siêu Nhiên Thần luận

Là nhánh triết học tôn giáo thời cận đại, Siêu Nhiên Thần luận (Déitic Supernaturalism) của quan niệm Thượng đế là siêu việt thể, tồn tại ngoài thế giới mà Ngài sáng tạo, nhưng là nguồn thiên khải siêu nhân và siêu phàm về các giá trị trong đời. Được hình thành nhờ công của Soren Abye Kierkegaarrd (1813- 1855 ) cha đẻ của chủ nghĩa Hiện sinh (Existentialism) và Thuyết Tân Chính Thống (Neo-orthodoxy) quan niệm này nhận được sự đồng tình của các tín đồ tin lành theo trào lưu chính thống (Protestant Fundamentalists). Quan niệm này xác quyết rằng kinh nghiệm nhận thức của con người không thể khám phá được bản chất của Thượng Đế, rằng bản chất ấy chỉ được phát lộ qua thiên khải của Ngài.

Giống như tự nhiên Hữu Thần luận, quan niệm này cũng thừa nhận Thượng đế là siêu việt thể và tồn tại bên ngoài thế giới mà Ngài đã tạo. Tuy nhiên, các nhà siêu nhiên thần luận tin tưởng rằng có thể giao tiếp được với Thượng đế thông qua cầu nguyện, rằng Ngài có thể hồi đáp lời cầu nguyện bằng cách can thiệp vào các quy luật tự nhiên để tạo ra phép lạ.

h) Chủ nghĩa Nhân Đạo

Đối lập với Siêu Nhân luận, Chủ nghĩa Nhân đạo (Humanism) quan niệm về Thượng Đế như là cảm hứng cao cả nhất của con người, phản ánh khát vọng theo đuổi những giá trị lý tưởng và thể hiện các giá trị nhân bản của họ. Auguste Comte (1798-1857) cha đẻ của chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa Thực chứng cổ điển (Classical Postivism), quan niệm Thượng Đế như Nhân Tính, là Thực Tại Vĩ Đại (le Grande être), theo cách nói của ông. Tiến xa hơn nữa, Ludwig Feuerbach (1804-1872) đã đưa Thượng Đế, đối tượng tồn tại khách quan, trở về ngự trị trong tâm trí con người như một thực thể nội tại, một thực thể tâm lý đơn thuần - một sản phẩm của hoạt động tự ý thức được con người lý tưởng hoá. Trong tác phẩm "Bản chất của đạo Cơ Đốc" (The essence of Chirstianity) ông viết "con người có một thực tại tối thượng, Thượng Đế của chính mình, tồn tại trong bản thân .. Sự cảm nhận về Thượng Đế chẳng là gì khác hơn ngoài sự cảm nhận cao quý nhát của con người về tự ngã;.. Thượng Đế chính là con người, con người chính là Thượng Đế".

i) Chủ nghĩa Nhân Đạo Tôn Giáo

Có quan hệ mật thiết với chủ nghĩa Nhân Đạo, chủ nghĩa Nhân Đạo Tôn Giáo (Religious Humanism) là nhánh triết học tôn giáo hiện tại, quan niệm rằng Thượng Đế là kinh nghiệm xã hội cao quý nhất của con người , rằng những lý tưởng nhân bản thúc đẩy con người hoàn thiện bản thân và vươn đến Thượng Đế. Những nhà nhân đạo chủ nghĩa ủng hộ quan niệm này là : John Dewey, max C. Otto và Roy Wood Sellars.

j) Thuyết Duy Tâm Khách Quan

Thuyết Duy Tâm Khách Quan (Impersonal Idealism) đánh đồng ý tưởng với Thượng Đế. Edward Gleason Spauling, người phát ngôn thành công nhất cho luận thuyết này, đã viết " Thượng Đế là toàn bộ các giá trị hiện hữu, kết hợp với những hiệu lực và kết quả gắn liền với chúng" 8 Theo cách luận giải ấy, Thượng Đế là khách quan, là một hệ thống các giá trị lý tưởng đáng được tôn thờ. Nói cách khác, những lý tưởng bất hủ của Plato về công lý, về lẽ sinh những điều tốt đẹp ấy ( theo quan niệm hữu thần) - là những gì đáng được sùng bái và tôn thờ.

k) Thuyết Hiện Thực Bất Khả Tri

Thuyết Hiện Thực Bất Khả Tri (Agnostic Realism) tin rằng Thượng Đế là bất khả tri, là ngồn gốc của mọi thực tại. Trong tác phẩm "Những nguyên lý đầu tiên" (First Principles) Hebert Spencer9, người cổ xuý hàng đầu cho quan niệm này, đã viết: " Bằng cách liên tục tìm hiểu và liên tục gạt bỏ với niềm tin sâu sắc vào bất khả tri, chúng ta ý thức ra rằng điều minh triết nhất, và cũng là bổn phận cao cả nhất của mỗi người, là nhin nhận mọi sự vật hiện hữu đều xuất phát từ Nguồn Gốc Bất Khả Tri (The Unknowable)"

l) Bán Phiếm Thần luận

Quan điểm trọng tâm của Bán Phiếm Thần (Panentheism) là Thượng Đế bao trùm và thâm nhập, nhưng "không đồng hoá" với toàn bộ thiên nhiên. Mặc dù phổ hiện khắp nơi, Ngài vẫn sở hữu một bản thể riêng, độc lập với mọi đối tượng thiên nhiên. Không đồng tình với Tự Nhiên Thuần luận về một Thượng Đế siêu vật thể đơn thuần, Bán Phiếm Thần nhất trí với quan niệm Phiếm Thần về sự kết hợp giữa Thượng Đế và thiên nhiên, nhưng nhấn mạnh niềm tin rằng Thượng Đế siêu việt và phổ quát hơn thien nhiên. Đại diện cho luận thuyết này là: Edgar Sheffeld Brightman, Albert Schopenhauerweitzer10 và Alfred North Whitehead11

m) Chủ nghĩa Tự Nhiên Tôn Giáo

Là một biến thể của chủ nghĩa Duy Vật (Materialism), chủ nghĩa Tự Nhiên Tôn Giáo (Religious Naturalism) đưa ra hình tượng Thượng Đế như là một nguyên lý (hay tiến trình) phát triển tự nhiên, sáng tạo và gìn giữ các giá trị đạo đức.

Khác với các triết thuyết duy vật truyền thống, luận thuyết này nhấn mạnh rằng tự nhiên là một tiến trình phát triển sinh động và có tính sáng tạo, không phải là một dạng kết khối cơ học giữa các nguyên tử trơ lì và vô cảm. Hơn nữa, năng lực sáng tạo của tự nhiên có thể làm nảy sinh ra những thuộc tính mới, nằm ngoài khả năng tiên đoán của con người. Không giống như quan niệm này là Samuel Alexsander và Hery Nelson Wieman, người đã định nghĩa Thượng Đế như là "sự phát triển của mọi ý nghĩa và giá trị trên thế giới này".

Ngoài ra, một số luận thuyết như thuyết vạn Vật Hữu Linh (Animism) và Phiếm Hồn Thuyết (Pansychism), thổi hồn sống và tính cách cho vạn vật tự nhiên, chỉ đưa ra được những khái niệm có phần mơ hồ và thiếu hệ thống về Thượng Đế.


3. Sự tồn tại của Thượng Đế

Có lẽ vấn đề phức tạp nhất mà các triết gia tôn giáo phải đối mặt là câu hỏi về sự tồn tại của Thượng Đế. Bởi lẽ, một tiền đề tốt lành về Thượng Đế sẽ mở ra con đường dẫn đến một niềm tin về linh hồn bất diệt. Những lập luận vững vàng dành cho đời sống bất tử chỉ có thể được đặt trên giả định về sự tồn tại của một Thượng Đế nhân từ và bao dung.

Thực ra, như đã trình bày ở trên, gút mắc chủ yếu có liên quan đến bản chất của Thượng Đế, không phải là sự bất đồng giữa quan niệm Hữu Thần và Chủ Nghĩa Vô Thần (Atheism). Trong một chừng mực nào đó, điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, khi bắt đầu thảo luận về sự tồn tại của Thượng Đế theo quan niệm Hữu Thần. Vì thế, phần trình bày dưới đây sẽ đề cập đến lập luận về Đấng Sáng Tạo, bao gồm quan niệm Thượng Đế như căn nguyên (axiogenesis) và người bảo tồn (axiosoteria) của các giá trị nhân bản.

a) Nguyên Nhân luận(Etiological argument)

Lập luận này được xây dựng trên nền tảng ý tưởng cho rằng thế giới cần đến một khởi thuỷ có tự sinh tính. Ở hình thức đơn giản nhất, Nguyên Nhân Luận nhận định rằng, bởi lẽ xét cho cùng không tạo vật vô thường nào (sinh giới lẫn vô sinh giới) có thể là căn nguyên của chính nó, nhất thiết phải có sự tồn tại của một thực thể thường hằng nào đó. Những gì cấu thành nên thế giới này (Sự Hữu) đã và đang tồn tại - và vởi vì thế giới này không thể nào khởi phát từ chính nó; nhất thiết phải có một căn nguyên khởi thuỷ (Thượng Đế).

Nguyên Nhân luận gặp phải sự phản bác của các triết gia thuộc trường phái hoài nghi, những người châp nhận quan điểm của David Hume12 cho rằng thế giới vốn luôn hiện hữu. Tuy nhiên, các triết gia bảo vệ cho Nguyên Nhân luận đã đặt ngược lại vấn đề. Nếu như quan điểm của Hume là đúng, cớ sao con người vấn không thôi nghĩ về giới vật chất tự nhiên như là một thế giới hiện tượng đựơc hình thành từ một thời điểm nào đó trong quá khứ? Để phản bác quan điểm của Hume, William Paley (1743-1805) đã lập luận rằng, nếu giới tự nhiên là hữu hạn và cần đến một khởi thuỷ tương tự. Bởi lẽ, nếu một dây chuỗi bao gồm vài mắt xích không thể tự treo lơ lửng giữa không trung, một dây chuỗi bao gồm vô số mắt xích cũng không thể nào tự bám vào thinh không.

b) Vũ Trụ luận (Cosmological argument)

Lập luận này đặt bằng chứng về sự tồn tại của Thượng Đế trên cơ sở thực tế là vũ trụ có tính trật tự. Căn cứ theo Vũ Trụ Học, bộ môn nghiên cứu trật tự của vũ trụ mà chúng ta đang sống, lập luận này rút ra bằng chứng để kết luận rằng Thượng Đế là nguồn gốc trật tự của thế giới. Luận điểm chủ đạo của nó là thế giới tự nhiên không có khả năng tự nhân thức và lý giải cho chính nó - với kết quả thực tế là vũ trụ có trật tự, nhất thiết phải có một Uyên Nguyên đã sáng tạo ra nó. Mặc dù Nguyên Nhân luận thực sự chỉ là một khía cạnh của Vũ Trụ luận, nhiều triết gia đã sử dụng hai luận thuyết này mà không cần phân biệt, tiến đến kết luận rằng trật tự trong thiên nhiên tiềm ẩn một chủ đích, hay thiện ý. Bằng cách đó, họ hướng chúng ta đến với Chủ Đích luận.

c) Chủ Đích luận (Teleological argument)

Có một chủ đích tồn tại trong thế giới và chủ đích ấy chính là bằng chứng cho sự hiện diện của một Trí Tuệ Tối Thượng - đó chính là giả định cơ bản của của Chủ Đích luận. Trong Thời Đại Lý Lẽ13, các triết gia tìm thấy mục đích, cơ chế và trật tự của vũ trụ, thừa nhận quan điểm cho rằng chủ đích tiềm ẩn trong cơ chế và trật tự của thế giới. Tuy nhiên, khi Thuyết tiến hóa cuả Charles Darwin14 được chấp nhận rộng rãi, các triết gia thế kỷ 19 đã nhận thức về thế giới như một cơ thể trên đà tiến hoá, sự thích ứng của cơ thể ấy với môi trường là bằng chứng của chủ đích trong tự nhiên.

d) Thiết Kế luận (Argument From Design)

William Paley là người bảo vệ có ảnh hưởng lớn nhất cho ý tưởng về sự tồn tại của Thượng Đế căn cứ theo sơ chế vận hành của thiên nhiên mà con người đã phát hiện ra. Ông đã đưa ra " Lý lẽ chiếc đồng hồ" rất đặc sắc.

Nếu nhặt được một chiếc đồng hồ trên mặt đường, người ta sẽ không bao giờ kết luận rằng chiếc đồng hồ ấy từ hư không mà có. Xét rằng các bộ phận bên trong nó đã được thiết kế hết sức cẩn thận và tinh xảo để vận hành hoàn toàn ăn khớp với nhau, phục vụ cho mục đích xác định thời gian một cách chính xác. Thật hợp lý khi cho rằng nhất thiết phải có một thực thể có trí tuệ nào đó đã trù hoạch, thiết kế và lắp ráp nó.

"Không thể có kế hoạch và thiếu người thiết kế, có sáng chế mà thiếu kẻ trù liệu, có sắp xếp mà thiếu người bố trí, có cơ chế mà thiếu người đưa ra chủ đích, có phương tiện và giải pháp hoàn thành chủ đích mà thiếu sự đầu tư trí tuệ. Sự sắp xếp, bố trí các bộ phận, các giải pháp vận dụng phương tiện và khí cụ, v v..., tất cả đều hàm ý về sự hiện hữu của một thực thể có giác tính và trí tuệ".

e) Thích Nghi Luận (Adaptation argument)

Lập luận của Paley gặp phải sự phản bác của những người ủng hộ Thuyết tiến hoá của Darwin, những người lý giải trật tự vũ trụ thông qua cách tham chiếu các quy luật đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên. Theo Darwin, cơ chế vận hành của tự nhiên là kết quả khi các đặc tính ưu thắng sinh tồn trong khi các đặc tính không phù hợp bị loại trừ.

Ý tưởng của Paley cho rằng trật tự thế giới làm ý một Đấng Sáng Tạo bao dung, xét về mặt lý luận, không thể giải thích được cái Ác, Rác Rưởi, Khổ Đau và Bệnh Tật, v.v..... Tất cả những hiện tượng ấy (rõ ràng không phải là chủ đích của Thượng Đế nhân từ) được các triết gia gọi là "vô chủ đích" (dysteleological). Darwin đã lý giải chúng như là một phần của quá trình tiến hóa, đồng thời đặt ra câu hỏi : "Xét bao hàm cả con người và các giá trị nhân bản, chủ đích của thế giới là bao dung, ác tâm hay là bàng quan?" Nên biết rằng nếu giả định chủ đích ấy là ác tâm hoặc bàng quan, vấn đề lý giải sự hiện hữu của các giá trị Chân- Thiện- Mỹ lập tức nẩy sinh.

Để lý giải thích đáng sự tồn tại của các giá trị nhân bản, xu hướng hoàn thiện và sự thích nghi của các loài đối với môi trường sống, chúng ta phải giả định rằng Thượng Đế minh triết đã hướng dẫn quá trình tiến hoá mang tính hữu cơ cuả toàn bộ thế giới , bao gồm cả sự gìn giữ các giá trị Chân- Thiện - Mỹ. Alfred Lord Tennyson15 đã trình bày quan điểm ấy qua đoạn thơ sau:

"That god, which ever lives and loves
One God, one law, one element,
And one far-off divine event,
To which the whole creation moves"

Xin được tạm dịch như sau:

"Thượng Đế, đấng hiện hữu và từ ái vô cùng,
Một Thượng Đế, một nguyên tố, một luật lệ,
Một tác động từ chốn thiên đường xa xôi,
Xoay chuyển cả một cõi Sáng Thế."16

Triết gia Pháp Henri Bergson17, người ta đưa ra nguyên lý vũ trụ về "Ngọn lửa cuộc sống" (The é lan Vital), đã định hình một khái niệm về sự linh động trong quá trình tiến hoá có chủ đích. Bergson cho rằng Thượng Đế hành động với sự tự do tuyệt đối trong quá trình tiến hoá, rằng Ngài như một nghệ sĩ không bị thúc ép bởi ngoại lực, tự do chọn lựa từng bước sáng tạo mới trong những giai đoạn của quá trình tiến hoá.

Bên cạnh đó, triết gia Hoa Kỳ C.Lloyd Morgan đưa ra "Thuyết tiến hoá nẩy sinh" (Theory of Emergent Evolution), nỗ lực lý giải cuộc sống, ý thức và sự tự nhận thức như những hiện tượng nẩy sinh trong quá trình tiến hoá liên tục của tự nhiên.

Nhìn chung, tất cả những triết gia theo Thuyết tiến hoá đều đặt tiền đề là Thượng Đế hiện hữu khắp nơi trên thế giới, liên tục hoạt động trong quá trình sáng tạo - một tiền đề rất gần với quan điểm trọng tâm của Hữu Thần luận và Phiếm Thần luận.

f) Bản Thể luận (Ontological argument)

Lập luận này được hình thành trên cơ sở ý tưởng cho rằng một Thực Tại Tối Thượng luôn là khái niệm mang tính vũ trụ của nhân loại. Từ lập luận đó, Thánh Anselm18 của vùng Canterbury, người hỗ trợ có uy tín nhất của quan điểm Bản Thể luận, đã đưa ra lý lẽ như sau: Chúng ta có khái niệm về Thực Tại Toàn Hảo, một thực tại như thế nhất thiết phải tồn tại. Vì sao? Nếu không tồn tại Ngài không thể là hoàn hảo.

Ở đây, Thánh Anselm18 nhận định rằng sự tồn tại của Thượng Đế phải được suy luận ra từ thuộc tính toàn hảo của Ngài. Các triết gia tôn giáo khác cũng nhấn mạnh đến ý tưởng rằng phẩm cách của một Thực Tại Tối Thượng vốn được thể hiện qua bản chất của các mối quan hệ hoàn hảo tồn tại trong tư duy toán học, luận lý và các môn khoa học khác.

Đúng là chúng ta có nhận thức về sự toàn hảo được tìm thấy trong các khái niệm toán học, luận lý và các môn khoa học khác. Tuy nhiên, từ đó quy kết ra sự tồn tại của chúng thì chẳng thể nào đảm bảo được. Bởi vì không giống như con người và thế giới tự nhiên, các khái niệm ấy chỉ tồn tại. Nếu khái niệm về Thượng Đế toàn hảo được chấp nhận như lập luận nói trên, điều đó chỉ có thể dẫn đến kết luận rằng Ngài chỉ tồn tại mà thôi. Nhưng một Thượng Đế với hình ảnh như thế có thể khiến các triết gia Hữu Thần hài lòng hay không? Hẳn là không!

Tu sĩ Gaunilo, sống cùng thời với Thánh Anselm, đã phản bác Bản Thể luận rằng cách cho rằng mọi người có thể chứng minh sự tồn tại của một hòn đảo phi thực nào đó khi viện dẫn rằng anh ta có một ý tưởng hoàn hảo về hòn đảo ấy. Tuy nhiên, xét theo quan điểm của Thánh Anselm, Gaunilo đã lầm khi cho rằng hòn đảo như thế là khái niệm hoàn hảo, trong khi đó nó chỉ là một hiện tượng trí xảo (tưởng tượng) mà thôi.

Đối với Thánh Anselm, khái niệm về Thượng Đế là phi hiện tượng (nonmenal), một khái niệm có tính bao quát khắp vũ trụ được con người chấp nhận. Do vây, sự tồn tại của Ngài mới phù hợp với Bản Thể Luận.

Descartes19 cũng phát triển một dạng bản thể luận về sự tồn tại của Thượng Đế. Ông nhận định rằng trong thâm tâm, chúng ta đã có ý tưởng tiên nguyên về Thượng Đế, một Thực Tại Vô Cùng. Tuy nhiên, chúng ta không phải là thực thể vô hạn, cũng không nhận được ý tưởng ấy qua kinh nghiệm. Vì thế, ý tưởng ấy phải xuất phát từ bản thân Đấng Vô Cùng, một thực tại tất phải hiện hữu. "Bởi vì ý tưởng về bản thể có trong tâm trí tôi, tôi chính là bản thể ấy. Tuy nhiên, bởi vì tôi là một thực thể hữu hạn, tôi không thể có ý tưởng về một thực tại vô hạn, trừ phi tôi nhận được nó từ một Thực Tại Vô Cùng nào đó"20




Thánh Anselm

Điểm yếu chính của lập luận trên là sự giả định về Thượng Đế dựa trên cơ sở ý tưởng về Ngài, xác nhận sự tồn tại của Ngài dựa trên nền tảng của 1 định nghĩa mang tính khái niệm đơn giản. Tuy nhiên, sự kiện rằng đều tìm thấy đối tượng thích hợp với nó (khát có đối tượng là nước, đói có thức ăn,v.v.....) đã được vận dụng như là lý lẽ biện minh rằng bản năng tin tưởng vào Thượng Đế chứng tỏ sự tồn tại của Ngài. Lập luận này nhận được sự ủng hộ từ các nhà xã hội học, những người chứng thực rằng con người ở mọi hình thức xã hội đều thực hiện một số dạng tín ngưỡng nào đó, rằng vị thế tôn giáo phải được xem như là một khuynh hướng hay bản năng văn hoá co tính phổ quát khắp vũ trụ.

g) Tiên Đề luận (Axiological argment)

Sự tồn tại của giá trị đạo đức trên thế giới này là cơ sở nền tảng của Tiên Đề luận, lập luận cho rằng nếu Thượng Đế không hiện hữu, mọi giá trị đạo đức đều trở thành vô nghĩa và phi lý. Lập luận này xuất hiện dưới hai hình thức được biết đến như sau:

- Đạo Đức luận (the Mural argument)

Trong cuộc đời, mọi người đều có kinh nghiệm về sự cần thiết phải đưa ra những chọn lựa mang tính luân lý, đồng thời cảm nhận được các nghĩa vụ đạo đức của mình. Đạo Đức luận nhận định rằng tính phổ quát của ý thức đạo đức chỉ có thể được giải thích một cách hợp lý trên cơ sở giả định về sự tồn tại của Thực Tại Thần Thánh - Thượng Đế. Mặc dù chưa thống nhất với nhau về các chuẩn mực của hành vi đạo đức con người vẫn bước trên đường đời, luôn hướng đến những giá trị đạo đức như những tạo vật có luân lý. Vì thế, đạo lý và sự tồn tại của nó là hoàn toàn xác thực, là cơ sở để biện minh cho tiền đề về sự thực hữu của Thượng Đế nhân từ.

- Giá Trị luận (the Argument from Values)

Không chỉ có kinh nghiệm của con người, toàn bộ thế giới này cũng bao hàm sự hiện hữu của các ý tưởng đạo đức. Các giá trị Chân-Thiện-Mỹ không chỉ là ý thức chủ quan của mỗi cá nhân, chúng còn là thực tại mang tính khách quan. Thực tế, chính nhận thức của con người đối về các giá trị đạo đức đã xác nhận tính thực tại khách quan ấy. Thậm chí, sự bất đồng trong cách lý giải chủ quan của con người đối với các giá trị Chân - Thiện - Mỹ cũng tiềm ẩn những hàm ý về một Giá Trị Tối Thượng và Tuyệt Đối (Thượng Đế ).

h) Chứng Nghiệm Tôn Giáo luận (the Religio-Empỉical argument)

Lập luận này nhận định rằng bởi lẽ tri thức của nhân loại về thế giới được xây dựng trên nền tảng kinh nghiệm, vì thế cũng như các dạng kinh nghiệm khác, hiệu lực và giá trị của kinh nghiệm tôn giáo phải được nhìn nhận thích đáng. Thực tế, tín ngưỡng tôn giáo được tìm thấy ở mọi hình thức xã hội, cổ đại cũng như hiện đại, sơ khai cũng như văn minh. Sự kiện này được vận dụng như là bằng chứng cho giá trị và hiệu lực của chúng.

William James lập luận rằng bởi lẽ mọi cá nhân bình thường đều có kinh nghiệm tín ngưỡng, và bởi lẽ kinh nghiệm là tiêu chuẩn chân lý; vì thế Thượng Đế, đối tượng của các kinh nghiệm ấy (giống như đối tượng của mình kinh nghiệm khác) phải thực hữu.21 Hơn nữa, James tiếp tục suy luận, do đức tin thường tạo ra sự biến đổi trong cuộc sống đời thường của người sở hữu nó, căn cứ trên cơ sở tiêu chuẩn chân lý theo quan điểm thực dụng, tiền đề về sự tồn tại của Thượng Đế được chứng thực.

Thực ra, tính thuyết phục của Chứng Nghiệm Tôn Giáo luận thể hiện ở những cống hiến đáng ghi nhận của kinh nghiệm tôn giáo đối với cuộc sống con người. Ý tưởng về Thượng Đế đã ngấm sâu trong tâm trí con người không chỉ làm biến đổi số phận của mỗi cá nhân mà còn ảnh hưởng đến dòng chảy của lịch sử nhân loại, dòng chảy ghi nhận không ít thay đổi về cấu trúc xã hội dưới tác động của các giá trị tín ngưỡng. Nếu kinh nghiệm thực chứng của các danh nhân tôn giáo bị loại khỏi các sự kiện quá khứ, hẳn là lịch sử nhân loại sẽ mất đi nhiều thành tựu vĩ đại và những yếu tố quý giá nhất. Hãy cân nhắc vai trò của các huyền thoại tôn giáo và những bậc thánh hiền như: Phật Thích Ca, Chúa Jesus, Moses, Sorates, Thánh Gandhi 22 Luther 23, v.v...

Hãy cân nhắc ý nghĩa và tầm quan trọng của những kinh nghiệm tôn giáo đối với hoạt động sáng tạo của con người trong các lãnh vực triết học, văn chương, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, kịch nghệ và âm nhạc,v.v.... ý tưởng về Thượng Đế đã làm thăng hoa một thế giới đạo đức, văn minh, trật tự và có chủ đích. Nó đã hoà hợp và góp phần tôn vinh ý nghĩa của cuộc sống, ban cho con người động cơ và khát vọng để tự hoàn thiện minh và hoàn thiện cuộc đời. Chứng Nghiệm Tôn Giáo luận cũng cho rằng thừa nhận một Đấng Thượng Đế làm nền tảng cho các kinh nghiệm tín ngưỡng là chon lựa thích đáng và hợp lý hơn nhiều so với việc quy kết những thành tựu tôn giáo siêu việt ấy cho nguồn gốc mê tín dị đoan.


i) Tri Thức luận (Epistemological argument)

Lập luận này dựa trên nền tảng quan niệm cho rằng thế giới vốn có ý nghĩa và lý tính, vì thế không thể thiếu Uyên Nguyên Tối Thượng, một Thượng Đế với Năng Lực Sáng Tạo và Điều Khiển Siêu Việt, người ban cho nó trật tự và chủ đích. Chỉ ở bên trong một vũ trụ có trật tự và lý tính, khoa học mới thu được những chân lý có thể chứng minh được qua thực nghiệm. Mọi đối tượng và sự kiện đều phù hợp với một hệ thống các định luật tự nhiên. Bởi lẽ con người không sáng tạo hay tưởng tượng ra một vũ trụ có trật tự như thế, người ta giả định rằng Thượng Đế, một Tâm Thức Tối Thượng, đã ban cho nó chủ đích và lý tính.

Lập luận này có thể được minh hoạ bằng cách xét đến kịch phẩm Hamlet của Shakespeare24 liệu có hợp lý hay không khi có giả định rằng vở kịch của Shakespeare là kết quả của những mảnh giấy in rời rã và bề bộn được góp nhặt lại? Hoặc giả, đã có một sự đầu tư và xếp đặt cẩn thận cho một tác phẩm trác tuyệt như thế? Cũng với cách lập luận như thế, chúng ta sé khó lòng chấp nhận rằng trật tự và chủ đích của thế giới nay được hình thành một cách ngẫu nhiên.

j) Nhân Bản luận (Anthropological argument)

Theo lập luận này, sự tồn tại của Thượng Đế phải được giả định từ bản chất của con người với khả năng tu duy logic, toán học, biểu tượng, khoa học, mỹ học, trừu tượng; năng lực sáng tạo và thưởng thức các hình thức nghệ thuật như âm nhạc, kiến trúc và hội hoạ; tính khôi hài, quan niệm đạo đức và tôn giáo ,v.v.... Những đặc tính quan trọng và riêng biệt thuộc về bản chất con người phải được nhìn nhận như bằng chứng về Tâm Thức Thượng - một Thực Tại Toàn Năng bao hàm và vượt lên trên mọi năng lực trí tuệ của con người, là nguồn gốc và Đấng Sáng Tạo của con người. Con người, xét trên cơ sở đó, là sinh vật được tạo ra theo hình ảnh của Thượng Đế.

4. Thuyết Bất khả tri và Chủ nghĩa vô thần

Tuy đồng tình với Chủ Nghĩa Vô Thần (Atheism) trên quan điểm chống lại các lập luận truyền thống biện minh cho sự tồn taị của Thượng Đế, Thuyết Bất Khả Tri (Agnosticism) lại không chấp nhận quan niệm bài xích của những người vô thần cực đoan.

a) Thuyết Bất Khả Tri (Agnosticism)

Được Thomas The Hebry Huxley 25 đưa ra, thuật ngữ Agnosticism hàm ý một quan điểm không thiên lệch về vấn đề sự tồn tại của Thượng Đế. Đó là quan điểm của một người chấp nhận giữ phán quyết của mình trong tình trạng bất định. Một số người theo Thuyết Bất Khả Tri cho rằng đó là điều phải chấp nhận, bởi vì nhân loại không có được những dữ kiện cần thiết để đưa ra một kết luận tối hậu về vấn đề ấy. Cực đoan và giáo điều hơn, một số thậm chí còn cho rằng những dữ kiện như thế, hiện nay và mãi mãi về sau, nằm ngoài khả năng nắm bắt của con người - điển hình cho trường hợp này là Immanuel Kant, người có quan điểm phản bác các lập luận truyền thống về sự tồn tại của Thượng Đế. Những triết gia nổi bật của Thuyết Bất Khả Tri bao gồm: T. H. Huxley, Immanuel Kant, Charles Darwin và Bertand Russell

b) Chủ Nghĩa Vô Thần (Atheism)

Không giống như Thuyết Bất Khả Tri, Chủ Nghĩa Vô Thần đứng trên một lập trường hoàn toàn xác định, cho rằng nhân loại có thể tìm thấy các bằng chứng chống lại những lập luận truyền thống biện minh cho Chủ Nghĩa Vô Thần gồm có: Karl Marx, Sigmund Freud, Jean-Paul Sartre, George Santayana,v.v....

Thực tế, Hữu Thần luận, Chủ Nghĩa Vô Thần và Thuyết Bất Khả Tri đều có thể dẫn đến khuynh hướng giáo điều. Với Hữu Thần luận, đó là khả năng chứng minh sự tồn tại của Thượng Đế; với Chủ Nghĩa Vô Thần, đó là khả năng chứng minh một điều ngược lại; và trước một vấn đề bí nhiệm như thế. Vì vây, mỗi cá nhân phải tự quyết định lấy niềm tin cho chính mình xét theo những dữ kiện thu thập được trong đời.

c) Lập luận Vũ Trụ Hỗn Độn

Một số người vô thần đã bác bỏ niềm tin về sự tồn tại của Thượng Đế dựa trên quan niệm cho rằng thế giới vận hành một cách hỗn độn, vô nghĩa và phi lý. Chúng ta có thể nhận ra quan điểm ấy qua đoạn trích trong vở Macbeth của Shakespeare dưới đây:

"To-morrow, and to- morrow, and tomorrow,
Creeps in this poetty pace from day to day,
To the last syllabe of recorded time;
And all our yesterdays have lighted fools
The way to dusty death.Out, out, brief candle!
Life's but a walking shadow; a poor player,
That struts and frets his hour upon the stage,
And then is heard no more; it is a tale
Tolb by an idiot, full of sound and fury,
Signi fying nothing."

Tạm dịch :

"Ngày mai, rồi ngày mai, ngày mai nữa,
Chầm chậm trườn đi, ngày lại qua ngày
Lần tìm đến chốn năm cùng tháng tận,
Quá khứ mù loà, kẻ ngây dại sa chân,
Tử lộ bụi mờ. Kìa, lụi tàn rồi ánh nến!
Đời chỉ là chiếc bóng mờ, là vai diễn nhạt,
Vênh váo, âu lo cho hết một tấm tuồng,
Rồi khi tấm màn nhung khép lại;
Chỉ còn là chuyện tán gẫu bên đường
Trên môi kẻ ngu đần, xì xào và ầm ĩ
Chẳng có chút ý vị."

(Trích vở Macbeth, Hồi V, cảnh 5)

Dĩ nhiên, ở đây chúng ta không thể căn cứ vào lời cảm thán của nhân vật kịch để quy kết quan điểm của bản thân Shakespeare.

Trong số các trường phái triết học đương thời, ngoại trừ một vài triết gia Hiện Sinh (existentialists), không có ai chấp nhận lập luận nói trên của các nhà vô thần. Cũng không có triết gia hàn lâm nào trong thời đại (ngoại trừ triết gia bi quan Schopenhauer). Sử dụng lập luận ấy để bênh vực cho quan điểm vô thần. Có lẽ bởi vì hầu hết các học giả vô thần ngay nay đều xây dựng quan điểm của mình theo tinh thần khoa học. Thậm chí, một số tự cho mình là thành trì của khoa học, bảo vệ khoa học trước sự tấn công của các tổ chức tôn giáo và những kẻ ngăn trở quá trình tiến bộ.

Thực tế, khoa học đặt cơ sở trên nền tảng cho rằng thế giới tràn đầy ý nghĩa, chí ít là đủ ý nghĩa để con người có thể rút ra những định luật khoa học. Khẳng định rằng thế giới này là vô nghĩa cùng đồng nghĩa với việc khẳng định rằng khoa học không có khả năng lý giải đựơc nó, rằng con người không có khả năng rút ra được những định luật khoa học từ các dữ kiện tự nhiên. Với một tiền đề như thế, dưới mắt một triết gia tôn giáo hay nhà khoa học, cá nhân sẽ mất đi một phương hướng, mọi giá trị và toàn bộ ý chí trong cuộc sống. Với một quan điểm như thế, cuộc đời chỉ là thất bại, là tuyệt vọng, là hố thẳm mà thôi!

d) Lập luận từ nỗi sợ

Trong số các triết gia hàng đầu thời hiện đại, Sigmund Freud và Bertrand Russell là những người cho rằng mối quan tâm của con người đối với tôn giáo vốn xuất phát từ nỗi sợ - sợ thiên nhiên, sợ những gì chưa biết, những gì không thể kiểm soát được. Với giả định rằng Thượng Đế có quyền năng kiểm soát thiên nhiên và số mệnh; vì thế mỗi khi cảm nhận nỗi sợ hãi, con người lại tìm đến Ngài để mong được bảo vệ và chở che. Theo lập luận này, tôn giáo nẩy sinh từ sợ hãi, mê tín và vô minh. Với nỗi sợ những gì chưa biết, vô minh trước những sự kiện khoa học, tôn giáo và mê tín có cơ hội nẩy sinh.

Lập luận nói trên là một thí dụ điển hình cho vọng thuyết "chấp gốc bỏ ngọn" (genetic fallacy), lối nguỵ biện cho rằng có thể chứng minh được một quan điểm bằng cách lần ngược về nguồn gốc xuất phát của nó. Lập luận ấy chỉ đáng được quan tâm khi nó được hỗ trợ bởi những bằng chứng, do giới sử học và tâm lý học đưa ra, về một động lực khởi phát của nguồn suối tôn giáo. Hơn nữa, liệu rằng bằng chứng cho biết một nghầnh khoa học xuất phát từ các trò ảo hoá và giả kim thuật, có thể được xem là cơ sở để phủ nhận giá rị và hiệu lực của khoa học ngày nay?

e) Tiến Hoá luận

Một số triết gia vô thần cho rằng giả định về sự tồn tại tất yếu của Thượng Đế là không cần thiết, rằng học thuyết tiến hoá đã lý giải được sự hình thành cuộc sống, rằng thuyết học chọn lọc tự nhiên và đấu tranh sinh tồn đã lý giải được cơ chế vận hành của cuộc sống trong vũ trụ. Tuy nhiên, một số triết gia tôn giáo khác, đại diện là Borden Parker Bowne, chỉ ra rằng thuyết tiến hoá hoàn toàn có thể được sử dụng để hỗ trợ và làm sáng tỏ cho giả định về sự tồn tại của Thượng Đế, Đấng Sáng Tạo toàn năng.

f) Nhân Hình luận

Luận điểm chủ đạo của Nhân Hình luận (the Anthropomorphic argument) được triết gia Hy Lạp cổ đai Xenophanes (570-475 trước CN) trình bày như sau: "Những người Thracian lại có những vị thần mắt xanh và tóc đỏ. Nếu như loài bò mộng và sư tử có tay, biết vẽ và tạo dựng hình tượng như loài người, hẳn là chúng sẽ tạo ra những vị thần có hình ảnh và dáng dấp tương tự như chúng; thần của loài ngựa sẽ giống ngựa, thần của loài bò sẽ giống bò"26 Tương tự, các triết gia vô thần thời hiện đại đã đảo ngược lời nhận định trong Kinh Thánh, rằng không phải Thượng Đế đã tạo ra Thượng Đế theo hình ảnh của mình. Họ cho rằng Thượng Đế không thực hữu, Ngài chỉ là sản phẩm trong trí tưởng tượng của con người.

g) Ai tạo ra Thượng Đế?

Phản bác lý lẽ cho rằng sự tồn tại của Thượng Đế như một Tiên Nguyên , các triết gia vô thần đặt ra câu hỏi "Nếu như Thượng Đế đã tạo ra muôn loài, ai tạo ra Thượng Đế? Tuy nhiên, câu hỏi khiêu khích ấy hoàn toàn không có giá trị lý luận nào cả, bởi lẽ nó là một hình thức vọng ngữ, được gọi là "phức vấn" (compound questions)

Thực tế, cấu trúc của câu nghi vấn ấy bao hàm một sự mâu thuẫn hay nghịch lý. Giống như câu: “Ông đã thôi không hành hạ vợ con mỉnh rồi chứ?" - câu hỏi áp đặt hai hướng trả lời khả dĩ, Có hoặc Không, buộc người trả lời phạm phải sai lầm - câu hỏi: "Ai tạo ra Thượng Đế?" mặc nhiên xác lập tiền đề về nguồn gốc của Thượng Đế, mặc nhiên đặt ra yêu cầu tìm kiếm kẻ tạo ra đấng Sáng Tạo.

Nếu kẻ ấy không phải là Thượng Đế, chủ thể ấy phải được xem và Tiên Nguyên, là Đấng Sáng Tạo hay Thượng Đế đích thực. Vị Thượng Đế được tạo ra chỉ còn là giả danh, một tạo vật và thôi (Kết luận mâu thuẫn.)

Vì thế, xét về mặt lý luận, "Ai tạo ra Thượng Đế" thực sự là một câu hỏi mang tính nguỵ biện, không thể được dùng làm cơ sở để phủ nhận ý nghĩa tồn tại của Đấng Sáng Tạo.

h) Lập luận của Thuyết Duy Thực Thuần Phác (The argument from Naive Realism)

Theo quan điểm của Chủ Nghĩa Duy Thực Thuần Phác, những gì nằm ngoài phạm vi kinh nghiệm cảm giác đều không thực hữu. Bởi lẽ chúng ta không thể cảm nhận được Thượng Đế qua các phương tiện giác quan, Thượng Đế không thực hữu và chỉ là một sản phẩm ảo tưởng của con người.

Tuy nhiên, tiền đề chủ yếu của lập luận này không phải là cơ sở hữu hiệu để đưa ra một kết luận như vậy. Kinh nghiệm cảm giác không chỉ là tiêu chuẩn chân lý thiếu sót, thậm chí đôi khi nó còn đi ngược lại các bằng chứng khoa học vững vàng. Như đã trình bày ở phần I, kinh nghiệm cảm giác buộc ta phải kết luận rằng một chiếc đũa thẳng bị uốn cong trong một ly nước - rõ ràng, loại ảo giác này mâu thuẫn với các kết luận khoa học. Hơn nữa, rất nhiều thực thể tự nhiên, thí dụ như sóng ánh sáng và các hạt vật chất bên trong nguyên tử, không thể được phát hiện qua các phương tiện cảm quan đơn thuần. Và liệu rằng có gì chân xác, đáng tin cậy hơn các mối quan hệ toán học và luận lý học, những lãnh vực vốn nằm ngoài phạm vi nhận thức giác quan thông thường?


5. Vấn đề linh hồn

Trong lịch sử triết học tôn giáo, nổi bật lên các học thuyết về linh hồn như sau:

a) Thuyết hiện tượng phụ đới

Hiện Tượng Phụ Đới (Epiphenomenalism) là học thuyết phủ nhận sự tồn tại độc lập của tâm trí và linh hồn, cho rằng thể xác là thực thể hiện hữu duy nhất, rằng tâm trí và linh hồn chỉ là hiện tượng phụ (những sản phẩm phụ có tính dễ biến đổi , phù du và vô thường, hay chỉ là hoạt động chức năng của thể xác vật chất), chỉ hiện hữu khi thể xác còn tồn tại.

Luận điểm chủ đạo của học thuyết này xuất phát từ một môn Tâm lý học ứng xử do John B, Watson cùng một số nhà tâm lý học hiện đại đề ra. Các học giả ấy cho rằng nhận định và đánh giá hành vi ứng xử là phương pháp hiệu quả và khoa học nhất đối với các biểu hiện tâm lý, rằng phải quy kết các hoạt động thần kinh cho cơ chế phản xạ và thể trạng tâm sinh lý. Họ kết luận rằng chỉ có thể xác và vật chất là thực sự tồn tại, linh hồn hay tinh thần chỉ là các hoạt động mang tính chức năng mà thôi. Cuối cùng, Thuyết Hiện Tượng Phụ Đới bác bỏ mọi khả năng tồn tại của cuộc sống sau khi chết, cho rằng sự sống vĩnh hằng là một dạng ảo tưởng phi thựuc tế của con người.

b) Thuyết tương hỗ (Interactionism)

Đặt niềm tin vào sự thực hữu độc lập của thể xác lẫn linh hồn, những người theo Thuyết Tương Hỗ không phân định sự khác biệt giữa tâm trí và linh hồn. Phản bác lập luận Hiện Tượng Phụ Đới, Sigmund Freud và Carl Jung27 đã chứng minh rằng tinh thần có ảnh hưởng sâu sắc đến thể xác vật chất, đôi khi có thể khiến cơ thể suy sụp hay mắc phải bệnh hiểm nghèo. Ngày nay, hiệu lực của các loại kiệu thần kinh đối với các chứng bệnh như: lở loét, tim mạch, thấp khớp, v.v.... chính là bằng chứng hỗ trợ cho quan điểm nối trên của Thuyết Tương Hỗ. Thực ra, phương pháp luận của Thuyết Hiện Tượng Phụ Đới là con dao hai lưỡi. Nếu chỉ vì chịu sự chi phối của thể xác mà tinh thần không được xem là một thực thể tồn tại độc lập, sự kiện thể trạng vật chất chịu ảnh hưởng của năng lực tinh thần sẽ dẫn đến kết luận rằng thể xác chỉ là hiện tượng, không thực hữu.

c) Thuyết Thực Thể ( Substantialism)

Quan niệm về con người như một thực thể ba ngôi (triune), Thuyết Thực Thể được các triết gia Công giáo và một số tôn giáo khác thừa nhận. Họ phân biệt rõ ràng ba ngôi của thực thể con người: thể xác (bao gồm cả bộ não), tâm thức (chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động và kinh nghiệm tinh thần) và linh hồn (theo Thánh Thomas Aquinas, đó là nguyên lý thống trị hoạt động lý trí của con người) Về phần mình, Borden Parker Bowne nhận định linh hồn là thể hợp nhất của hoạt động tinh thần. Ngược lai, Thánh Aquinas cho rằng trí tuệ giác của con người là "tinh linh" (soul substance) là thực thể bất tử hay "thần ngã" (spiritual self), một thể có thuộc tính được xem là gần gũi với bản chất của Thượng Đế hơn cả.

6. Mối quan hệ giữa thinh thần và thể xác

Mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác là vấn đề xưa cũ và dai dẳng nhất trong lịch sử triết học của nhân loại. Hiện nay, mọi người đều biết rằng tinh thần có ảnh hưởng đến thể xác (lo lắng sinh ra bệnh tật) và ngược lại (uống quá nhiều rượu gây ra các chứng rối loạn thần kinh). Tuy nhiên, mặc dù các mối tương tác thể xác và tinh thần liên tục diễn trong đời sống con người, chưa có một triết gia, nhà tâm lý học hay y sĩ nào có khả năng xác định chính xác thời điểm và cơ chế vận hành của chúng.

a) Nhị Nguyên Siêu Hình luận (Metaphysical Dualism)- Thuyết Ngẫu Nhiên (Occasionalism)

Triết gia duy lý người Pháp René Descartes quan niệm vật chất và tinh thần (thể xác và tâm linh) là hai thực thể riêng rẽ, khác biệt và thực hữu theo cách riêng của chúng. Sự kiện chúng vận hành hoà hợp với nhau đã nẩy sinh ra một vấn đề :"Làm thế nào mà hai thực thể không có đặc điểm chung nào lại có thể phối hợp hoạt động một cách nhịp nhàng như thế?"



Thoạt đầu, Descartes và các học giả ủng hộ ông đã cho rằng tuyến yên (pineal gland) trong bộ não chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động của thể xác và tinh thần. Tuy nhiên, kết luận ấy chỉ nhận được ít tiếng vang rồi nhanh chóng chìm vào quên lãng. Trường phái Descartes cũng quy kết nguyên nhân của mọi hoạt động tương hỗ ấy cho ý nguyện của Thượng Đế, Đấng có quyền năng ban phát cho muôn loài các năng lực cầng thiết cho cuộc sống của chung. Xét theo quan điểm đó, những nguyên nhân phức hợp về mặt thể chất không phải là căn nguyên thực, Thượng Đế chính là căn nguyên duy nhất và tối hậu của mối tương tác giữa tinh thần và thể xác. Quan điểm này còn được biết đến với cái tên Thuyết Ngẫu Nhiên.

Thực tế các triết gia tiên phong của Thuyết Ngẫu Nhiên, Arnold Geulinex và Nicoli Malebrache, không để lại ảnh hưởng đặc biệt trong nền triết học hiện đại. Tuy nhiên, ngày nay một số triết gia của chủ nghĩa Nhân Vị (Personnalism) đã sử dụng Thuyết Ngẫu Nhiên để bổ túc cho học thuyết của họ. Triết gia nhân vị Albert Cornelius Knudson (1873-1953) đã nhận định: " Thuyết ngẫu nhiên tìm được ý nghĩa của nó trong vài trò ấy (bổ túc cho học Thuyết nhân vị ), hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển tri thức của thời đại. Thực chất, vô sản không nhận thấy được sự hiển hiện tâm linh nơi mỗi một hình thái vật chất. Bởi lẽ nếu như không thấy được linh tánh nơi muôn vật, mọi sự được xem xét theo hướng quy nguyên về hành vi thần thánh, bỏ qua vai trò của những linh hồn tinh thần độc lập."28

Thực tế, chúng ta có thể nhận ra rằng rất nhiều triết gia thời cổ đại, bao gồm cả Aristotle, cũng như thời hiện đại, chia sẻ phần nào quan điểm của Thuyết Ngẫu Nhiên trong nỗ lực quy kết căn nguyên tối hậu cho sự chi phối của thần thánh.

b) Thuyết Tâm Vật Song Lập (Psychophysical Parallelism)

Thuyết này nhấn mạnh rằng, mặc dù thể chất và tinh thần là hai thực tại không tác động qua lại với nhau, mỗi một thay đổi về mặt tinh thần đều có một sự thay đổi tương ứng về mặt thể chất, và ngược lại. Theo lời của Benedict Spinoza, người cổ xuý tích cực nhất cho quan điểm này, "trật tự và sự nối kết của tư tưởng chẳng khác gì trật tự và sự nối kết của vật chất"29

Theo học thuyết này, mối quan hệ giữa tinh thần và thể chất so sánh với hai mặt của cùng một tờ giấy: Những gì tác động đến bất kỳ mặt nào cũng ảnh hưởng đến tờ giấy, bất kỳ điều gì tác động đến tờ giấy đều ảnh hưởng đến cả hai mặt của nó. Tương tự, điều gì tác động đến tinh thần sẽ có ảnh hưởng tương ứng đối với thể chất và ngược lại.

c) Thuyết Hoà Hợp Tiên Định (Preestablished Harmony)

Gottfried Wilhelm Leibniz hình thành một học thuyết cho rằng sự tương tác giữa tinh thần và thể xác chỉ là hiện tượng phản ánh sự Hoà Hợp Tiên Định mà Thượng Đế đã ban cho. Theo quan điểm của Leibniz, tinh thần và thể xác vận hành như thể chúng tương tác với nhau và nhận thức được như nhau, tuy nhiên sự tương tác ấy chỉ là hiện tượng hay ảo giác mà thôi. Vật chất và tinh thần chỉ vận hành theo bản chất và cấu trúc chỉ của riêng chúng, đồng thời tạo ra một ấn tượng hoà hợp khiến ta liên tưởng đến một mối quan hệ tương tác. Quan điểm này có thể được minh hoạ qua hình ảnh năm toà nhà nằm cạnh nhau, được xây dựng và hoàn tất đồng thời. Mặc dù có vẻ hoà hợp với nhau, thực ra mỗi toà nhà vẫn tồn tại hoàn toàn độc lập với nhau.

d) Thuyết Quyền Năng Thần Thánh

George Berkeley (1685-1753)30 triết gia kinh nghiệm (Empiricist) Anh, nhận định rằng mặc dù các đối tượng tự nhiên có mối quan hệ liên kết với nhau, thế giới không hề tồn tại sự ngẫu nhiên, cũng không có cái được gọi là "mối quan hệ nhân quả". "Theo quan điểm của ông, sự tương tác ngoại quan là kết quả xuất phát từ ý Nguyện Tối Cao của Thượng Đế. Luận điểm chủ đạo trong Thuyết Quyền Năng Thần Thánh (Doctrine of Divine arbitrariness) của ông là " không hề có sự nối kết nhân quả và tự nhiên nào cả"31

e) Thuyết Phiếm Tượng

David Hume(1711-1776) đã hình thành nên Thuyết Phiếm Tượng (Panphenomenalism), phủ nhận sự hiện hữu của mọi thực tại (thực tại siêu hình), chỉ thừa nhận hiệu lực của chúng ở mức hiện tượng; mọi đối tượng chỉ tồn tại trong phạm vi và kinh nghiệm cảm quan. Bằng cách loại bỏ ý tưởng về bản chất của linh hồn, Hume triệt tiêu toàn bộ vấn đề về mối quan hệ tương hỗ. Ông kết luận rằng mọi sự kiện chỉ là những hiện tượng tái lập và các hệ quả của chúng, rằng không có một Đấng Sáng Tạo nào cả, rằng sự hiện hữu chỉ bao gồm chuỗi sự kiện mang tính hiện tượng diễn ra trong một trật tự giả tạm mà thôi.

7. Sự bất tử

Sự bất tử ((Immortality), thường được định nghĩa như là sự tồn tại của tính cách cá nhân vượt lên trên cái chết, là một khái niệm xuyên suốt lịch sử triết học của nhân loại. Đối với một vấn đề lớn như thế, con người đã đưa ra nhiều phương cách lý giải, nổi bật trong số đó là bốn luận điểm chủ yếu:

1. Thân xác người chết được bảo quản cho đời sống kế tiếp (trong một số nền văn hoá, niềm tin này được thể hiện qua hình thức bảo vệ thi thể như tục ướp xác,...)
2. Linh hồn bất diệt lìa bỏ thân xác của nó để nhập vào một thân xác mới (luân hồi - transimgration of soul.)
3. Linh hồn về với thiên nhiên vĩnh hằng, tiếp tục tồn tại sau cái chết về thể chất.
4. Linh hồn chỉ tồn tại trong một điều kiện nào đó Thượng Đế phân định, bởi lẽ sự sống còn của nó phụ thuộc vào ý nguyện của Ngài.

8. Các hình thức giả danh của sự bất tử

Thông thường, các hình thức thay thế chó sự bất tử của cá nhân là nguồn cổ vũ cho những người không đủ lòng tin vào sự sống vĩnh hằng. Những giá trị thay thế ấy được xem là những hình thức giả danh của sự bất tử

- Sự bất tử về mặt xã hội ( Social Immortality)

Một số người quan niệm rằng những hành vi tốt đẹp của họ sẽ để lại một ảnh hưởng lâu dài, ghi dấu sự tồn tại của họ vượt lên trên cái chết. Họ xem đó là một hình thức bất tử có thể tin tưởng và chấp nhận được. Các triết gia gọi đó là "sự bất tử về mặt xã hội" hay sự tồn tại trong ký ức của người đời. Chẳng phải những bài học mà Đức Phật, Đức Chúa, Thánh Gandhi, Moses, Shakespeare, v.v.....đã có được một giá trị bất hủ và một vị trí đáng trân trọng trong lòng nhân loại đó sao? Xét theo quan điểm đó, chúng ta có thể nói rằng các bậc vĩ nhân ấy vẫn tiếp tục tồn tại sau khi thân xác của họ đã trở về với cát bụi.

Phê phán quan niệm ấy, một số triết gia đã cho rằng bản thân người đã khuất không thể cảm nhận được sự tồn tại của mình trong cõi nhớ của người đời; rằng anh ta không nhận được lợi ích gì từ những cống hiến của mình, thậm chí bị kẻ khác giành mất "phần thưởng bất tử" có giá trị mong manh ấy. Ngoài ra, họ còn chỉ ra rằng người tốt có thể bị lãng quên nhanh chóng, trong khi những kẻ tàn ác như Nero hay Hitler có thể tìm được một vị trí bất tử trong lịch sử nhân loại - hẳn nhiên, đó là vị trí đáng phỉ nhổ, nhưng lại thoả mãn được mục đích bất tử trong lòng người (!?)

- Sự bất tử về mặt di truyền (Biological Immortality)

Những người có quan niệm này cho rằng nòi giống của họ sẽ tiếp tục sinh tồn, được di truyền lần lượt qua từng thế hệ và trường tồn mãi cùng với lịch sử. Đối với họ, một sự trường tồn như thế xứng đáng được thừa nhận như một hình thức bất tử khả thi.

Tuy nhiên, những người không chấp nhận quan niệm này lại đưa ra nhận định rằng rất nhiều vĩ nhân đức độ và tài năng không có hậu duệ, trong khi con cháu của những kẻ vô luân như Cain32 có thể duy trì nòi giống của chúng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cuối cùng, khi đến thời điểm trái đất và mọi cư dân của nó tiêu biến đi, mọi hi vọng về hình thức bất tử này cũng tan biến theo.

- Sự bất tử phi nhân vị (Impesonal Immortality)

Quan niệm về sự sống vĩnh hằng ở một hình thái khác là niềm tin khá phổ biến trong các tôn giáo phiếm thần. Quan niệm này cho rằng cuộc sống sau cái chết không có tính cá nhân, rằng mọi linh hồn đều hoà quyện làm. Một (là thể tuyệt đối - the Absolute, hay trạng thái Niết bàn theo giáo lý của người Hindu, hoặc "vũ trụ nhân loại" theo ý tưởng của Plato,v.v....)

Rõ ràng, sự sống vĩnh hằng theo quan điểm phiếm thần không làm thỏa mãn các triết gia tôn giáo khác, những người luôn đặt giá trị của tính cách cá nhân lên trên tất cả, những người luôn ước muốn gói gọn vấn đề bất tử trong khuôn khổ niềm tin về tính bất diệt của linh hồn mỗi con người.

9. Các lập luận phản bác sự bất tử

Trong lịch sử triết học, niềm tin về sự bất tử của cá nhân luôn đối mặt với nhiều lập luận phản bác, trong đó phải kể đến:

- Thuyết Hành Vi (Behaviorism)

Khoa học tâm lý hành vi ứng xử đã tạo ra cơ sở hình thành nên một trong những lập luận vững chãi nhất chống lại quan niệm về sự bất tử của cá nhân. Bằng cách quy kết mọi hiện tượng tinh thần cho các yếu tố tâm sinh lý, Thuyết Hành Vi đã loại bỏ mọi nhu cầu suy tưởng siêu hình về sự tồn tại của linh hồn, từ đó phủ nhận ý tưởng về sự sống vĩnh hằng.

Tuy nhiên cùng với sự phát triển của bộ môn tâm lý học trong vài thập niên vừa qua, hiện nay Thuyết Hành Vi không còn điểm tựa vững vàng như trước nữa. Sự phát triển của ngành phân tâm học (psycho- analysis) và các liệu pháp thần kinh đã góp phần đề cao tầm quan trọng của các kinh nghiệm thần kinh đã góp phần đề cao tầm quan trọng của các kinh nghiệm thần kinh đối với sự vận hành của tổng trạng cơ thể. Xét về mặt lý luận, loại trừ các nguyên nhân tinh thần bằng cách chứng minh sự tồn tại của các cơ chế vật chất là một hình thức ngụy biện "kết chuỗi nhân quả" (post hoc fallacy).

- Vọng Tưởng (Wishful Thinking)

Một số người cho rằng sự bất tử chỉ là sản phẩm ảo tưởng xuất phát từ ước vọng của con người, một quan niệm lạc quan thái quá về một điều phi thực tế. Tuy nhiên, đó chỉ là nhận định, không phải là cơ sở lập luận. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhớ rằng không phải mọi ước nguyện lạc quan của nhân loại đều là ảo vọng.

- Quy luật hữu hạn (Finete Series)

Phản bác quan niệm về sự bất tử, lập luận này cho rằng mọi vật có điểm khởi đầu tất phải có điểm kết thúc. Tuy nhiên, trong toán học vẫn xuất hiện khái niệm vô hạn, chẳng hạn như đường thẳng bắt đầu từ một điểm cho trước và kéo dài cho đến vô cực.

- Tín ngưỡng hạ đẳng (lowly origin)

Có người cho rằng sự bất tử là niềm tin xuất phát từ các bộ lạc sơ khai và mê tín, không đáng được quan tâm xem xét. Xét về mặt lập luận, lý lẽ nào bao hàm hình thức nguỵ biện "chấp gốc bỏ ngọn" (genetic fallacy), bởi vì nó cho rằng nguồn gốc mê muội của một kết luận là bằng chứng về sự sai lầm của nó. Thực tế, chúng ta không thể phân định chân lý dựa theo nguồn gốc cao thấp, văn minh hoặc sơ khai.

- Chủ nghĩa hoài nghi (Skepticism)

Nhiều người lập luận rằng, do hầu hết các khoa học gia đều phủ nhận sự bất tử, cuộc sống vĩnh hằng nhất thiết là khái niệm phi thực tế. Tuy nhiên, các nhà khoa học không phải là những người có khả năng đưa ra kết luận hoàn toàn chính xác về các vấn đề thuộc lãnh vực triết học tôn giáo. Do đó, thực ra lập luận nói trên bao hàm hình thức nguỵ biện "thẩm quyền bất xứng" (mispkaced authority)

10. Các lập luận hỗ trợ quan niệm bất tử

- Lập luận về sự bảo lưu giá trị (The Conservation of Values)

Bảo vệ cho quan niệm bất tử, triết gia Douglas Clyde Macintosh đã lập luận hùng hồn rằng chỉ có sự sống vĩnh hằng mới có thể duy trì các giá trị phổ biến trong vũ trụ. Nếu không có sự bất tử của cá nhân, các giá trị tinh thần như lẽ Chân-Thiện-Mỹ và Tình Yêu sẽ bị băng hoại - sự trường tồn của các giá trị đạo đức phụ thuộc vào sự tồn tại của tính cách cá nhân. Bởi vì Thượng Đế là Vô Hạn và Vĩnh Hằng, các giá trị do ngài tạo ra cũng thế; chúng tồn tại phát triển và thăng hoa trong tính cách của mỗi cá nhân. Vì thế, các giá trị đạo đức và phẩm cách cá nhân đều là công trình bất hủ của Thượng Đế, "Đấng có đủ quyền năng và lòng từ ái để gìn giữ các giá trị cá nhân trước cái chết về mặt thể chất" (Trích từ tác phẩm "Tính lý lẽ của đạo Cơ Đốc - Theasonableness of Christianity" của Douglas C. Macintosh, chương IV.)

Chúng ta cần lưu ý rằng lập luận này được xây dựng trên hai tiền đề cơ bản: sự tồn tại của Thượng Đế và lòng từ ái của Ngài.

- Đạo Đức luận (The Moral argunent)

Immanuel Kant và Frederick Robert Tennant, triết gia tôn giáo người Anh, là hai trong số những người ủng hộ tích cực nhất cho khái niệm bất tử theo quan điểm của Đạo Đức Luận, lập luận dựa trên cơ sở Lòng Từ Ái và Tính Thiện của Thượng Đế. Xuất phát từ câu hỏi: "Liệu có người đòi hỏi lẽ phải lại không thực hiện lẽ phải?", lập luận này phát triển các hình thức lý lẽ như sau:

Thượng Đế đã dành cho con người phận sự đạo đức khó lòng hoàn tất được trong một đời. Là Đấng Toàn Năng, Nhân Từ và Công Bằng, nhất thiết Ngài phải ban cho con người sự sống vĩnh hằng để hoàn tất nghĩa vụ ấy.

Sự bất tử là điều kiện thiết yếu để con người "sửa đổi những sai lầm phạm phải trong đời". Tennant nhân định rằng sự bất tử là yếu tố cần có để hoàn thành mục đích đạo đức của thế giới. Nói cách khác, những cá nhân đức độ phải nhận được cuộc sống tốt đẹp trong tương lai như là phần thưởng cho một đời vươn đến những giá trị đạo đức. Nếu Thượng Đế nhân từ, Ngài sẽ không lừa dối con người, Ngài sẽ dành cho sự sống sau cái chết để hoàn tất các mục đích đạo đức mà Ngài đã định ra khi sáng tạo thế giới.

Cần lưu ý rằng các dạng lý lẽ trên đều phụ thuộc vào tiền đề về sự tồn tại của Thượng Đế từ ái và bao dung. Theo lời của Edgar S. Brightman, "nếu Thượng Đế thực sự tồn tại, sự sống vĩnh hằng là điều tất yếu. Nếu không, sự bất tử là điều chẳng đáng có."33

- Tỷ Giảo luận (The argument fom Analogy)

Jonseph Butler, triết gia Anh thuộc thế kỷ 18, nhận định rằng, căn cứ trên cơ sở suy luận từ quá trình chuyển hoá và biến thái của một số sinh vật, sự sống sau cái chết là điều hoàn toàn khả dĩ. Theo lập luận của Butler, nếu như sự biến thái (metamorphosis) từ dạng sâu sang dạng bướm là một tiến trình tự nhiên, hẳn là con người cũng được thiên nhiên ban cho khả năng tồn tại ở một hình thái nào đó sau cái chết về mặt thể xác.

- Thuyết dẫn truyền ( The Transmission Theory)

William James là người đã phân định sự khác biệt giữa hai chức năng "sản sinh" (Productive) và "dẫn truyền" (transmissive) của con người. Theo James, thể xác không sản sinh mà chỉ "dẫn truyền" năng lực tinh thần - nói cách khác, tinh thần tự biểu hiện thông qua thể xác vật chất. Vì thế, sự bất tử là trạng thái mà tấm màn vật chất (thể xác) được lột bỏ đi, nhờ đó linh hồn đạt được sự tự do trọn vẹn, thoát khỏi gánh nặng của bộ máy xác thịt vô thường.

- Đức tin phổ quát (Univesslity of Belief)

Lập luận này cho rằng bởi lẽ niềm tin về sự bất tử của cá nhân có tính phổ quát, nó phải được nhận như là một chân lý, là đối tượng để nghiên cứu dựa trên các cơ sở thực tế. Tuy nhiên, cần phải phân biệt giữa đức tin phổ quát và hiện thực của một niềm tin. Bởi lẽ trong lịch sử nhân loại, không ít lần con người chấp nhận những niềm tin mà về sau chúng được chứng minh là sai trái. Hơn nữa, khó lòng nhìn nhận quan niệm về sự bất tử như một đức tin phổ quát, nhiều người vẫn còn hoài nghi, thậm chí phản bác quan niệm ấy. Thực tế, sự bất tử chỉ là một ý tưởng vào đời sống vĩnh hằng.


11. Vấn đề Thiện và Ác

Trong lãnh vực triết học tôn giáo, vấn đề Thiên- Ác có mối quan hệ mật thiết với bản chất của thế giới hơn là với bản chất của con người. Trong xã hội, tệ nạn tuỳ thuộc chủ yếu vào sự phân định và lựa chọn các giá trị đạo đức của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, cái Ác được xem là thuộc tính của các thế lực tự nhiên, vượt khỏi tầm kiểm soát của con người. Các quan điểm triết học trực tiếp đề cập đến bản chất của thế giới bao gồm:

a) Chủ nghĩa Lạc Quan (Optimism)

Các triết gia của Chủ Nghĩa Lạc Quan đồng tình với quan điểm của Robert Browing (1812-1889), cho rằng "Vinh danh chúa ở trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm" (God's inhis heaven: All's right with the world.) Thế giới tự nhiên, sản phẩm của Thượng Đế Toàn Năng và Nhân Từ, nhất thiết phải là điều kiện tốt đẹp nhất, phù hợp nhất cho con người hoàn tất các giá trị Chân- Thiện- Mỹ.

Triết gia Đức G.W.Leibniz lập luận rằng thế giới hiện tại phải là môi trường hoàn hảo nhất được tạo ra bởi Thượng Đế nhân từ và bao dung. Ông lý giải cái được gọi là "điều Ác", bao gồm các mối nghi hoặc và tệ nạn nan giải, là những yếu tố "không thể tránh được " trong thế giới của chúng ta. Chúng là cơ sở tạo nên sự tương phản nhằm tôn vinh các giá trị Chân- Thiện - Mỹ trong đời. Benedtct Spinoza nhận định rằng thế giới thực sự đồng nhất với Thượng Đế (quan điểm phiếm thần). Ông còn đồng hoá cái Ác với Vô Minh, sự bất lực về mặt nhận thức trước thế giới thực tại do Thượng Đế tạo ra.

b) Chủ nghĩa Bi Quan (Pessimism)

Các triết gia của Chủ Nghĩa Bi Quan niệm rằng thế giới thực tại vốn bàng quan, thậm chí tồi tệ hơn, thù địch với các giá trị đạo đức; vì thế nó là môi trường ưu thắng của cái ác. Một số cho rằng cái Ác có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn Cái Thiện, số khác lại có khuynh hướng xem bản chất của cuộc đời là đau khổ và không đáng để sống.

Không tin vào Thượng Đế, những người có chủ trương bi quan điểm vô thần. Hơn nữa, với cái nhìn về thế giới thực tại như là môi trường thù địch với các giá trị đạo đức, một số triết gia còn đưa ra quan niệm Phiếm Quỷ (Pan-Satanism), cho rằng thế giới là tấm gương biểu hiện tính cách của quỷ Satan. Thực chất, Thuyết Phiếm Quỷ không có xu hướng lý giải sự hiện hữu của Những Điều Tốt Lành trên cõi đời này.

Các triết gia bi quan tin rằng cái Ác là vô lượng (surd) và vô chủ đích (dysteleological), nó tồn tại không vì mục đích hay lý tưởng tốt đẹp nào cả. Ernst Haeckel đã đưa ra thuật ngữ "vô chủ đích luận" (dysteleology) nhằm miêu tả thực tại tự nhiên phi mục đích. Cả hệ thống triết lý đặc sắc của Schopenhauer lý giải thực tại như là một thế lực (ý chí ) mù quáng. Martin Heidegger, một trong những triết gia Hiện sinh nổi tiếng, vẽ nên bức tranh thực tại đầy những màu sắc âu lo, hư ảo và chết chóc. Bertrand Russell, một triết gia danh tiếng khác, nhận định rằng thế giới thực tại hoàn toàn bàng quan trước các giá trị đạo đức.

c) Thuyết Cải Thiện (Meliorism)

Học thuyết này quan niệm thế giới đang trên đà hoàn thiện và con người có thể góp phần vào tiến trình ấy. Trên cơ sở đó, H. Spencer và Edgar S. Brightman, thế giới không ngừng chấn hưng các giá trị đạo đức thông qua những nỗ lực phối hợp giữa Thượng Đế và con người, hướng đến con đường hoàn thiện bất tận.

Ghi chú:

1Hindu: Dân tộc sống tập trung ở miền Bắc Ấn Độ, theo Ấn Độ giáo (Hinduism,hệ thống tôn giáo, triết học và xã hội đặc trưng ở lòng tin vào sự luân hồi, thờ nhiều thần và tuân thủ chế độ đẳng cấp.(ND)

2 Pantheist: Những người theo thuyết Phiếm Thần (Pantheism) có lòng tin rằng Thượng Đế là tất cả, đồng nhất với thê giới, rằng tự nhiên là biểu hiện của thần thánh.(ND)

3 Zeus(Thần Dớt): Vị thần tối cao, cai quản chư thần Hy Lạp - tương ứng với thần Jupiter của người La Mã vậy.(ND)

4 Moses (theo Kinh Thánh): Tộc truởng của người Hebrew, người đưa dân tộc mình ra khỏi cảnh giam cầm tại Ai Cập, băng qua sa mạc để đến Vùng Đất Hứa. Ông đã nhận được 10 Điều răn của Thượng Đế trên núi Sinai.(ND)

5 Hebrew (người hoặc ngôn ngữ Hê-Brơ): Xuất phát từ dân tộc Xê-mít (Seitic) ở vùng Palestine cổ. Mặc dù dạng ngôn ngữ cổ của họ đã mai một, dạng hiện đại đang được sử dụng tại Do Thái (Israel) (ND)

6 Thomas Paine(1730 – 1809): Tác giả cấp tiến người Anh. Trong "Cảm quan đời thường và quyền con người "(Common Sense and the Rights of Man) và một số tác phẩm khác, ông tỏ thái độ đồng tình vớc các cuộc cách mạng tại Mỹ (thời thuộc địa) và Pháp. Ngoài ra, ông cũng lên tiếng công kích luận thuyết tín ngưỡng giáo điều trong tác phẩm "thời đại Lý Lẽ" (the Age of Reason)(ND)

7 Thomas Jefferson (1743 - 1826 ): Học giả, chính khách Hoa Kỳ, người sáng lập ra Đảng Dân Chủ, nhiệt thành theo đuổi chủ nghĩa tự do và sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho nước Mỹ. Xuất thân từ nghề luật sư, ông được cử làm thành viên Viên Đại Biểu bang Virginia, là tác giả của Bản Tuyên ngôn Độc lập(1978), Thống đốc bang Virginia (1978-1981) đứng đầu uỷ ban Quốc hội Mỹ về vấn đề ký hiệp ước hoà bình với Anh(1873), Công sứ đại diện nước Mỹ (1789) rồi đắc cử chức Tổng thống thứ 3 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (1880). Sau 2 nhiệm kỳ, ông rút khỏi chính trường, cống hiến những năm cuối đời cho việc thiết lập Trường Đại học Virginia.(Theo Sổ tay danh nhân thế giới - Nhà xuất bản Thanh niên 1999,) (ND)

8 Trích "Chủ nghĩa duy lý mới " (The New Rationalism) trang 517, của Edward D. Spaulding ( Nhà xuất bản Henry Holt & Company, New york, 1918) (TG)

9 Herbert Spencer (1820-1903): Triết gia Anh. Dựa trên cơ sở thuyết tiến hoá của Darwin, ông đưa ra ý tưởng về thuyết bất khả tri và đặt niềm tin vào sự tự do của cá nhân.(ND)

10 Albert Schweitzer (1875-1965): Bác sĩ, nhà thần học và nhạc sĩ Pháp. Ông đã biên soạn một công trình nghiên cứu lịch sử quan trọng về cuộc của Chúa Jesus. Công trình nhân đạo đáng ghi nhận nhất của ông là sáng lập một trung tâm chữa bệnh tại Lambaréné, hiện thuộc nước Gabon (nằm ở vùng duyên hải phía Tây của trung phi). Với công trình ấy, cùng với nguyên tắc "tôn trọng cuộc sống" nổi tiếng của mình, ông đã nhận được giải Nobel Hoà Bình năm 1952 (ND)

11 Alfred North Whitchead (1861-1947): Triết gia, nhà toán học Anh , người góp phần tìm ra phương pháp luận toán học, nổi tiếng với công trình " Các nguyên lý toán học" (Principia Mathematica) do ông cùng biên soạn với Betrand Russell. (ND)

12 David Hume (711-1776): Triết gia, sử gia xứ Scotland, người duy trì quan điểm rằng con người không thể biết chắc được điều gì nếu không được nhận thức trực tiếp từ giác quan. Các tác phẩm chủ yếu vủa ông bao gồm: "Chuyên luận về bản chất con người" (A Treatise of human Nature), "Lịch sử nước Anh" (History of Great Britain) (ND)

13 The Age of Reason: Giai đoạn kéo dài từ nửa cuối thế kỷ 17 đến nửa đầu thế kỷ 18, xảy ra tại Châu Âu. Thời kỳ này chứng kiến những thành quả của khoa học (vật lý, toán học), nghệ thuật, và triết học vượt lên trên là tàn tích của tư tưởng thời Trung Cổ, nó còn được gọi là: thời kỳ Tân Cổ Điển, kỷ nguyên ánh sáng, thời khai sáng,v.v...(ND)

14 Charkes Robert Darwin (1809-1882): Nhà sinh vật người Anh, cha đẻ của Thuyết Tiến Hoá. Năm 1831, ông tham gia chuyến đi vòng quanh thế giới trên tàu Beagle, thuộc Hải Quân Hoàng Gia. Chuyến khảo sát ấy đã cung cấp cơ sở giúp ông hình thành ý tưởng về sự tiến hoá của sinh vật qua cái nhìn chọn lọc tự nhiên và đấu tranh sinh tồn. Năm 1859, ông công bố tác phẩm "Nguồn gốc của các loài" (On the orgin of Species) khơi dậy cuộc tranh luận khoa học dữ dội đồng thời gây ra sự bất bình trong giới giáo sĩ. Tuy nhiên, về sau học thuyết của ông được công nhận rộng rãi. Năm 1871, ông nhận huân chương Công Trạng cả nước Phổ, được bầu vào viện Hàn lâm khoa học Pháp năm 1878. Ông được an táng tại Tu viện Westminter, bên cạnh Lyell và Newton. (ND)

15 Alfred Tennyson (1809-1892): Nam tước Tenyson đời thứ nhất, thi sĩ Anh. Các tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm những trường thi, đề tài chủ yếu là truyền thuyết Trung Cổ và Cổ đại, thí dụ như "Tiểu thú Shalott" (the Lady of Shalott), " Những kẻ ăn quả lạc lhú" (the Lotos- Eaters)" Cái chết của Vua Arthur" (Morte d' Arthur), v.v.... Tuy nhiên, ông cũng làm thơ về những chủ đề khác, trong số đó có bài " Trân Tấn Công của Lữ Đoàn Khinh Kỵ Binh" ( The Charge of the Light Brigade). Tác phẩm vĩ đại nhất của ông, "Tưởng Niệm" (In Memoriam), được sáng tác sau khi cái chết của người bạn thân là Arthur Hallam. Thơ của ông nổi bật với ngôn từ phong phú và giàu chất nhạc. Ông được phong là Thi Sĩ Hoàng gia (Poet Laureate) vào năm 1850. (ND)

16 Trích từ bài "Lời kết" (Epilogue) của Tennyson, sáng tác nhân dịp lễ cưới của Emilia, chị gái của ông, và Edmund Lushington. (Theo Tuyển tập văn chương Anh của Norton, quyển 2, trang 770 - Norton Anthology of English Literature, Vo.2). (ND)

17 Henri Bergson (1859-1941): Triết gia tư sản Pháp gốc Do Thái, cha đẻ của Thuyết Trực Giác (Intuitionism), người có ảnh hưởng lớn đến nền triết học, văn học Pháp và Tây Âu vào đầu thế kỷ 20. Các tác phẩm nổi tiếng của ông gồm: Thời gian và tự do ý chí, vật chất và ký ức (1896); Sự tiến hoá sáng tạo (1907). Ông cho rằng trí năng sáng tạo và óc phân tích đã tạo nên một hoạt lực đối với con ngưòi, cái mà ông gọi là "đã sống" hay "Ngọn lửa sống" là tư tưởng cho rằng thời gian luôn vận động hơn là tĩnh tại. Năm 1914, ông là viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp. Năm 1928, ông nhận được giải Nobel Văn Chương. (Theo Sổ tay danh nhân thế giới, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1999). (ND)

18 Thánh Anselm (1859-1941): Triết gia và nhà thần học gốc Ý, Tổng giám mục vùng Canterbury (nước Anh) từ năm 1093. Về sau, ông bị lưu đày vì bất đồng với Vua Henry đệ I (ND)

19 René Descartes (1596-1650): Nhà tư tưởng và nhà toán học người Pháp nửa đầu thế kỷ 17, là một tín đồ Cơ Đốc giáo sùng đạo và gắn bó với thần học truyền thống, được xem là cha đẻ của triết học hiện đại. Ông cho rằng thế giới cấu thành bởi thực thể vật chất và tinh thần là một hệ thống nhị nguyên; là cơ sở cho hai học thuyết đối lại nhau của tư duy hiện đại - chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Về mặt toán học, ông sáng tạo ra phép hình học giải tích. Các tác phẩm của ông bao gồm: Phương pháp luận (1637), Hình học (1939), Khúc xạ học (1637), Trầm tư về siêu hình học (1671), Nguyên lý triết học (1644), Khái luận về dục vọng (1649), Quy tắc chỉ đạo lý trí (in năm1701), v.v..... (Theo Sổ tay danh nhân thế giới, Nhà xuất bản Thanh niên, 1999). (ND)

20 Trích từ tác phẩm "Mặc Tưởng" (Mekitations) của René Descastes, bản dịch của John Weitch từ bản gốc Pháp ngữ, 1641. (TG)

21 Trích từ tác phẩm "Các dạng kinh nghiêm tín ngưỡng” (Varieties of Religious experience) của Willia James.(thế giới)

22 Mohandas Karamchan Gandhi (1869-1948): Chính trị gia Ấn Độ, người lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập của người Ấn Độ chống lại sự thống trị của thực dân Anh. Chủ thuyết "bất bạo động và bất hợp tác" của ông đã góp phần lớn cho sự thành công của phong trào giành độc lập của Ấn Độ, tạo được tiếng vang lớn trên toàn thế giới. Ông được tôn vinh như là một vị thánh (Mahatma) của Ấn Độ. Ông bị ám sát chẳng bao lâu sau khi Ấn Độ trở thành một quốc gia độc lập. (ND)

23 Mactin Luther (1483-1546): Nhà thần học Tin lành người Đức, ông được xem là người cầm đầu trong cuộc cải cách tôn giáo khi đưa ra những lời tuyên bố về chủ kiến của mình tai Wittengerg, trong đó ông cho rằng sự cứu rỗi chỉ đến được với Đức Tin. Ông có công dịch Thánh Kinh sang tiếng Đức và góp phần lớn trong sự phát triển ngôn ngữ và nền văn chương của dân tộc Đức. (ND)

24 Willia Shakespeare (1546-1616): Đại thi hào và kịch tác gia thiên tài người Anh. Nhiều chi tiết về cuộc đời ông cho đến nay vẫn con mù mờ. Những tác phẩm của ông, nhất là các bi kịch, là những tuyệt tác nổi tiếng khắp thế giới trong nhiều thời đại. Halet, Roméo à Juliette, Macbeth, Othello, Vua Lia,v.v..... là những tác phẩm bậc thầy thể hiện được cái đẹp trong thi ca cũng như nhận thức và lòng cảm thông sâu xa đối với số phận của con người. (ND)

25 Thomas Herny Huxley (1825-1895) : Nhà sinh vật người Anh, người đã nỗ lực ủng hộ và góp phần truyền bá Thuyết Tiến Hoá của Darwin. Ông để lại nhiều bài thuyết giảng có giá trị về sự nghiệp khoa học và giáo dục như: "Một nền giáo dục tự do" (A Liberal Education, 1868), "Chức năng của một giáo sư" (The Function of a Professor, 1876), "Khoa học và văn hoá" (Science and Christianity, 1880) "Thuyết Bất khả tri và Đạo Cơ Đốc" ( Agnosticism and Christianity, 1889), v.v.... ( Theo Tuyển tập văn chương Anh của Norton, quyển II - The Norton Anthology of English Literature, Vo.2.1962). (ND)

26 Trích từ “Triết học cổ thư", trang 8 (Souree Bôk in Ancient Philosophy) do Charles M. Bakewell biên tập (Nhà xuất bản Charles Seribner Sons, New york, 1907) (TG)

27 Carl Gustav Jung (1875-1961): Nhà tâm lý học người Thuỵ Sỹ, người phát triển học thuyết về sự vận động của vô thức trong đời sống hàng ngày của con người. Ông có một thời cộng tác với nhà phân tích tâm lý người Áo Sigmund Freud. (ND)

28 Trích từ tác phẩm "Triết lý Nhân Vị" (The Philosophy of Personalism) của Albert C. Knudson (Nhà xuất bản The Abingdon Press, New York, 1920), (TG)

29 Trích từ "Đạo Đức Học" (Ethics) của B. Spinoza, phần II, định đề 7 (xuất bản năm 1677, sau khi tác giả qua đời ). (TG)

30 George Berkeley (1685-1753): Tổng giám mục, nhà tư tưởng và triết gia Ái Nhĩ Lan. Ông phủ nhận sự thực hữu của vật chất, cho rằng sự vật chỉ tồn tại trong tâm tưởng của Thượng Đế. (ND)

31 Trích từ "Học thuyết về tầm nhìn mới " ( New theory of Vision) của George Berkeley.(TG)

32 Cain (Theo Kinh Cựu Ước): Con trai trưởng của Adam và Eva, người đã phạm tội giết em ruột của minh là Abel. (ND)

33 Trích từ "Triết học nhập môn" ( An introduction to Philosophy) của Edgar Sheffield Brightman, trang 349,351. (Nhà xuất bản Henry Holot & Co., New York, 1925). (TG)

Nguồn:Tư tưởng các triết gia vĩ đại - NXB TP.HCM
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?