SEMINAR: Triết học như là nghệ thuật chết

NXB Tri thức trân trọng mời bạn đọc tham gia:
SEMINAR: TRIẾT HỌC NHƯ LÀ NGHỆ THUẬT CHẾT
14:00, thứ Sáu, ngày 14/7/2017, Hội trường tầng 3 – 53 Nguyễn Du – Hà Nội


Triết học đôi khi được hiểu như là “nghệ thuật sống” và quả thật, điều này đúng. Nhưng cũng có những lý do để tin rằng triết học có thể còn là “nghệ thuật chết”.

Chuyện này hiếm xảy ra, song khi xảy ra, nó thường phá vỡ tình trạng cân bằng, yên ổn của đời sống: nó thu hút sự chú ý của tất cả, trở thành chủ đề phổ biến của những thảo luận và tranh cãi nơi chợ búa hay quán rượu. Nó thôi thúc người ta phải lựa chọn lập trường, cãi vã và gây gổ. Đối với những thứ vốn được mặc định là kinh viện như triết học, những sự việc bùng nổ như thế quả là rất đặc biệt. Câu chuyện ấy đã xảy ra với Socrates, Hypatia, Thomas More, Giordano Bruno, Jan Patočka và một số người khác. Đối diện với một án tử hình không thể hủy bỏ – một vụ hành quyết trước đám đông sắp diễn ra hay phải chịu tra tấn cho đến chết - những triết gia này thường thấy mình rơi vào một trong những tình huống nghịch lý nhất: là những kẻ yêu logic và sự lập luận duy lý, giờ họ bị buộc phải câm lặng bởi những thế lực tàn nhẫn; là những người tạo lập diễn ngôn chuyên nghiệp, giờ lại bị cấm sử dụng ngôn ngữ; là bậc thầy của tranh luận và phát hiện mâu thuẫn, giờ họ không thể tranh cãi được nữa. Vậy những triết gia này còn lại gì? Chỉ còn sự im lặng và sự hiện diện tuyệt đối của thân xác. Phương tiện biểu đạt duy nhất còn lại của họ chính là thân thể họ – mà lại là những thân thể đang đi đến sự chết…

“Chết cho một tư tưởng” là cái chết của những kẻ tử vì đạo, những nhà triết học chết cho tư tưởng. Tuy nhiên, sự tuẫn tiết cho một tư tưởng không chỉ cần đến cái chết, cho dù có thể rất vĩ đại, của một người nào đó là đã đủ. Chết mới chỉ là một nửa công việc; còn nửa kia là đan dệt một câu chuyện hay về cái chết, về người chết và phải tìm một công chúng cho câu chuyện ấy. Cái chết của một triết gia có thể sẽ không có ý nghĩa nếu như không có người kể chuyện phù hợp, cũng như nếu không gợi được sự day dứt lương tâm của công chúng đón nhận. Một cảm thức dằn vặt tập thể có thể tạo ra những điều phi thường mà một tự sự về một bậc thánh tử vì đạo sắp xuất hiện thường trông đợi… [1]

Trong buổi seminar “Triết học như là nghệ thuật chết” này, độc giả và các diễn giả có thể cùng trao đổi và suy ngẫm xoay quanh tác phẩm “Chết cho tư tưởng: Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia” của Costica Bradatan, như tên gọi của nó, đây là một cuốn sách về triết học. Nhưng đúng như lời giới thiệu của NXB Bloomsbury (2015), cuốn sách đã “phá vỡ ranh giới của các chuyên ngành”. Thực vậy, “Chết cho tư tưởng” đủ phẩm chất của một chuyên khảo mà đối tượng nghiên cứu của nó là cái chết – một chủ đề quen thuộc nhưng không bao giờ cạn kiệt của triết học, và một hiện tượng, dù cá biệt nhưng rất độc đáo trong lịch sử triết học, từ thời cổ đại đến đương đại – các triết gia tử đạo.

Bradatan đã xuất phát từ nền tảng giải cấu trúc để thông diễn các văn bản triết học, để giải kiến tạo sự phục trang cho bản ngã, đã tiếp cận cái chết theo quan điểm ký hiệu học, đã vận dụng các thao tác của tự sự học để phân tích màn trình diễn cái chết cho tư tưởng của các triết gia. Song “Chết cho tư tưởng” cũng không phải chỉ là cuốn sách dành cho giới hàn lâm. Độc giả cũng có thể đọc cuốn sách như một câu chuyện triết học, theo sự dẫn dắt của tác giả, để phát hiện ra những bí mật bất ngờ trong cuộc đời và cái chết của các triết gia tử đạo. Cuốn sách, trong khi đáp ứng được những yêu cầu, chuẩn mực trong nghiên cứu về việc xây dựng hệ thống quan điểm, lại thoát khỏi tính kinh viện như người ta vẫn hình dung về lối viết triết học.

Đặc biệt, buổi seminar cũng cố gắng:
- Diễn giải về sự chết như một chủ đề quan trọng của triết học trong lịch sử của nó.
- Tính nghệ thuật của lối viết triết học.
- Tính liên ngành trong nghiên cứu nhân văn.

Về tác giả: Costica Bradatan là người gốc Romania, hiện ông là Giáo sư ngành Nhân văn tại Honors College thuộc Đại học Texas Tech, đồng thời là Giáo sư nghiên cứu Triết học danh dự tại Đại học Queensland. Ông đồng thời cũng là thời là biên tập viên của chuyên mục Nghiên cứu Tôn giáo/So sánh của tạp chí Los Angeles Review of Books.

Diễn giả:
- TS. Trần Ngọc Hiếu (chuyên ngành Lí luận văn học). Anh là dịch giả cuốn sách "Chết cho tư tưởng: Cuộc đời nguy hiểm của các triêt gia" - Costica Bradatan, do NXB Tri Thức & Nhã Nam xuất bản tháng 4.2017.

- GS.Chu Hảo, Giám đốc NXBTT

Nguồn: 
Bổ sung tư liệu
Đánh giá bài viết?