SUY TƯỞNG - Marcus Aurelius Antoninus
SUY TƯỞNG
Marcus Aurelius Antoninus
#Chủ nghĩa Khắc kỉ
Triết học cổ đại chắc chắn có phương diện hàn lâm của nó. Athens và các thành phố lớn khác có những chức vụ như giáo sư triết được công khai tài trợ, và các nhà triết học chuyên nghiệp cũng giảng dạy, biện luận và viết như ngày nay. Nhưng triết học còn có một phương diện khác thực tế hơn. Nó không phải chỉ là chủ đề viết và biện luận, mà còn là cái được người ta mong đợi cung cấp một bản “đồ án cho cuộc sống”, một bộ quy tắc sống mà người ta sống theo nó.
Trong thời đại văn hóa cổ Hy Lạp chúng ta thấy nổi lên những môn phái triết học truyền bá những “hệ thống niềm tin” chặt chẽ mạch lạc, mà một cá nhân có thể chấp nhận toàn bộ, và được lập ra để giải thích vũ trụ trong tính toàn thể của nó. Nổi bật nhất là trường phái Khắc kỉ (Stoic).
Trong các học thuyết trung tâm của thế giới quan Khắc kỉ chủ nghĩa, có lẽ quan trọng nhất là niềm tin không lay chuyển rằng thế giới được tổ chức theo một cách hợp lí, mạch lạc và chặt chẽ.
...
Trong các trường phái triết học chủ yếu thời La Mã, chủ nghĩa Khắc kỉ chính là một trường phái có sức thu hút lớn nhất. Không giống như một số môn phái khác, chủ nghĩa Khắc kỉ luôn luôn chấp thuận tham gia vào đời sống cộng đồng, và lập trường này đánh trúng vào thị hiếu của giới quý tộc La Mã. Chủ nghĩa Khắc kỉ La Mã là môn học thực hành – không phải là một hệ thống trừu tượng của tư tưởng, mà là một thái độ đối với cuộc sống.
#Tác phẩm Suy tưởng
Marcus Aurelius thường được nhắc đến như là tinh thần của chủ nghĩa Khắc kỉ với tác phẩm Suy tưởng. Mặc dù tư tưởng Khắc kỉ là nền tảng cơ bản nhưng Suy tưởng cũng tham chiếu và trích dẫn một số lớn nhân vật, gồm cả những bậc “tiền bối” của Chủ nghĩa Khắc kỉ lẫn những đại diện của các trường phái đối thủ.
Với tác phẩm Suy tưởng, Marcus đang cố gắng trả lời những câu hỏi siêu hình học và đạo đức: tại sao chúng ta có mặt trên đời này? Chúng ta nên sống cuộc đời chúng ta như thế nào? Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng những gì chúng ta đã làm là đúng?…Tuy nhiên cũng đáng chú ý tới một mẫu mực tư duy vốn là trung tâm của triết lí Suy tưởng đó là thuyết về ba kỉ luật: kỉ luật của nhận thức, của hành động và của ý chí...
(Trích bài viết của bạn Trần Ngọc Minh)
***
Marcus Aurelius Antoninus (121 -180): Hoàng đế La Mã từ năm 161 – 180, là người cuối cùng trong năm vị vua hiền của đế quốc La Mã. Cuốn Suy tưởng của ông được coi là một trong những tác phẩm triết học vĩ đại nhất, là nguồn quan trọng giúp thế giới hiện đại hiểu triết học Khắc kỉ thời Cổ đại.
Đánh giá bài viết?