Hồ Sĩ Quý - Immanuel Kant từ triết học phê phán đến nghiên cứu con người (p.2)
Phần 1: http://www.triethoc.info/2017/11/immanuel-kant-tu-triet-hoc-phe-phan-en.html
2. Nhân học với khách thể bí ẩn và hấp dẫn tột cùng của sự tư biện
Về lĩnh vực nhận thức con người, khi nghiên cứu triết học I. Kant, người ta cũng có thể thấy rất rõ thái độ trân trọng của ông đối với con người và lý trí con người. Chỉ có điều, là một nhà triết học độc đáo nên việc đề cao con người ở I. Kant cũng rất khác biệt so với các nhà tư tưởng khác. Theo I. Kant, "thế giới vật tự nó" là thế giới dành cho cảm giác.
Do vậy, thế giới đó đóng kín đối với lý tính và đối với khoa học. Tuy thế, theo cách giải thích của I. Kant, đối với "thế giới vật tự nó", con người không phải là tuyệt nhiên không thể vươn tới được. Bởi lẽ, con người, trong quan niệm của I. Kant, luôn sống trong cả hai thế giới - thế giới mà cảm giác có thể đạt tới và thế giới mà trí tuệ có thể đạt tới (còn gọi là thế giới khả giác và thế giới khả niệm).
Thế giới mà cảm giác có thể đạt tới, theo I. Kant, đó là giới tự nhiên. Còn thế giới mà trí tuệ đạt tới - đó là thế giới của tự do. Tự do trong quan niệm của I. Kant là một trạng thái mà ở đó, con người hoàn toàn không bị lệ thuộc vào những nguyên nhân tiền định nào đó vốn có trong thế giới có thể cảm giác được. Tự do là khả năng tiên nghiệm đặc biệt cho phép giác tính con người hoạt động độc lập với các quy luật tất yếu của tự nhiên trong lĩnh vực hiện tượng luận, nó tồn tại một cách tương đối trong lĩnh vực hiện tượng luận. Trong biên giới của tự do, hành động và hành vi của con người không bị chi phối bởi lý tính lý luận mà bị chi phối bởi tính thực tiễn. Lý tính được gọi là thực tiễn, theo I. Kant, là lý tính mà ý nghĩa chủ yếu của nó là điều chỉnh hành vi con người. Động lực của lý tính thực tiễn không phải là tư duy, mà là ý chí của con người. I. Kant gọi ý chí của con người là vương quốc của sự tự trị. ở đây, ý chí của con người được quy định không phải bởi các nguyên nhân bên ngoài, tức là những nguyên nhân thuộc về tính tất yếu của giới tự nhiên hoặc những nguyên nhân thuộc về Thượng đế. Theo I. Kant, ý chí của con người được quy định bởi những quy luật, luật lệ vốn có của riêng nó. Đó là những quy luật, luật lệ mà ý chí tự đặt ra cho bản thân mình.
Như đã nói ở trên, chính I. Kant chứ không phải ai khác, là người đầu tiên đã đề xuất và "bảo vệ một cách quyết liệt nhất" việc phân chia nhân học thành một khoa học độc lập. Trong so sánh với các lĩnh vực tri thức đã được xác lập, I. Kant coi nhân học, mà trước hết là nhân học triết học (philosophical anthropology) là một ngành có đối tượng riêng của mình, có phương thức nghiên cứu riêng của mình. Theo P.S. Gurevich, “nhà nghiên cứu sâu sắc hơn cả trong tư tưởng Nga hiện đại về vấn đề con người” , thì "I. Kant là người đầu tiên của nền triết học châu Âu khẳng định rằng, con người là một thực thể độc nhất vô nhị có khả năng suy tư một cách riêng biệt và độc đáo. Con người - là khách thể bí ẩn và hấp dẫn tột cùng của sự tư biện triết học. Để khám phá bí ẩn của con người, cần phải có những công cụ không tầm thường và độc lập. Trong ý nghĩa đó, nhân học triết học đối lập với khu vực tri thức triết học truyền thống - bản thể luận (học thuyết về tồn tại), logic học, lý luận nhận thức, lịch sử triết học, đạo đức học, thầm mỹ học, triết học tự nhiên, triết học xã hội, triết học lịch sử”.
Tư tưởng đề cao tính đặc thù của con người, coi con người là một thực thể bí ẩn, độc nhất vô nhị, vượt ra ngoài khả năng khám phá của các công cụ nhận thức truyền thống, kể cả bản thể luận và nhận thức luận, kể cả logic học, đạo đức học và thẩm mỹ học, kể cả triết học tự nhiên, triết học xã hội và triết học lịch sử… là một tư tưởng rất độc đáo, trước I. Kant chưa từng được phát biểu một cách tường minh trong kho tàng tri thức nhân loại (Diogiene và Socrate tuy dường như cũng có nói đến sự bí ẩn của đời sống con người, song các ông hướng tới khám phá sự bí ẩn đó bằng các công cụ duy lý của tư duy trừu tượng). Với I. Kant, tính bí ẩn và độc nhất vô nhị của sự tồn tại người được khẳng định là vượt ra ngoài khuôn khổ của nhận thức duy lý; bởi vậy, nhận thức con người là nhằm luận giải những hiện tượng cá nhân đầy bản sắc, những hành vi và hoạt động phức tạp của con người trong các thiết chế xã hội đã từng tồn tại trong lịch sử. Tư tưởng này về sau được S. Kierkegaard, F. Dostoievski, M. Heidegger, H. Rickert, M. Scheler, J. Sartre cùng một số nhà triết học hiện sinh khác khai thác và phát triển thêm làm lộ ra rõ hơn tính hợp lý của nó. Với sự ứng dụng ngày càng sâu hơn của thông diễn học (heurmernetics), tư tưởng này càng được thể hiện và được chứng minh là một hướng đi rất chủ yếu trong nhận thức con người với tất cả tính phức tạp của đối tượng này - con người, một thực thể vừa sinh học vừa xã hội, vừa cá nhân vừa tộc loại, vừa vật chất trần tục vừa tinh thần thiêng liêng…
Vấn đề là ở chỗ, với I. Kant, nhận thức con người cũng có nghĩa là nhận thức thế giới; chỉ có thông qua con người, các vấn đề của nhận thức thế giới mới được giải quyết. I. Kant viết: "Mục tiêu của tất cả những thành tựu văn hoá mà con người học được là ứng dụng những tri thức và những kinh nghiệm đã thu nhận được vào thế giới. Nhưng đối tượng quan trọng nhất trong thế giới mà những tri thức này có thể ứng dụng được - đó là con người, chừng nào con người còn là mục đích tự thân cuối cùng" . Khi xác định nhiệm vụ cho triết học, I. Kant tự đặt cho riêng mình 4 câu hỏi mà về sau người ta hiểu đó là 4 nội dung cơ bản của toàn bộ nhận thức con người:
1. Tôi có thể biết gì?
2. Tôi có thể làm gì?
3. Tôi có thể hy vọng gì?
4. Con người là gì?
Theo I. Kant, nhiệm vụ trả lời câu hỏi thứ nhất thuộc về nhận thức luận. Câu hỏi thứ hai dành cho đạo đức học. Câu hỏi thứ ba dành cho tôn giáo và thần học, đòi hỏi tôn giáo phải cắt nghĩa những hy vọng thực tế và phi thực tế của con người. Và cuối cùng, nhiệm vụ trả lời câu hỏi thứ tư thuộc về nhân học - nhân học, mà ngay trong cách đặt vấn đề của I. Kant cũng đã được phân biệt rạch ròi với nhận thức luận, với đạo đức học và với tôn giáo. Rõ ràng, đây là một kiểu phân loại hết sức độc đáo mà trước đó, khoa học, tôn giáo và triết học thường có thái độ loại trừ nhau, không thừa nhận tiếng nói và vị thế của nhau trong đời sống tinh thần con người. Cách phân loại của I. Kant đặt lại vấn đề về ý nghĩa của sự tồn tại người trong chính nhận thức. Hơn thế nữa, I. Kant còn chỉ rõ thực chất của sự nhận thức thế giới nói chung đối với con người, hoá ra lại chính là, nhận thức con người; I. Kant viết: "Về thực chất, toàn bộ điều đó (4 câu hỏi và sứ mệnh trả lời 4 câu hỏi ấy) có thể quy giản về nhân học. Bởi vì, ba vấn đề đầu tiên thuộc về vấn đề cuối cùng".
Kể từ I. Kant, nhân học triết học nói riêng và đặc biệt, các ngành nhân học thực nghiệm khác đã có những bước tiến rất dài trong nhận thức về con người và đời sống con người. Ngày nay, nhắc đến nhân học người ta rất ít nói về I. Kant, nhưng quả thực công lao của ông đối với ngành khoa học này thì khó có thể phủ nhận.
** *
Nói tóm lại, với tất cả những gì vừa trình bày ở trên, chúng tôi muốn nói rằng, triết học I. Kant hoàn toàn có thể được coi là điển hình cho triết học của những nét đặc thù và độc đáo. Cố nhiên, nói triết học I. Kant là độc đáo thì cũng cần phải nói thêm là, khi đã ở tầm một nhà triết học của nhân loại, hầu như nhà triết học nào cũng đều có những nét đặc thù và độc đáo trong hệ thống triết thuyết của riêng mình. Tuy vậy, trong lịch sử triết học, khó có nhà triết học nào lại độc đáo và đặc thù đến như I. Kant.
Tính độc đáo của triết học I. Kant, trước hết được thể hiện ở hệ thống tư tưởng của ông. Tuy thế, ngoài hệ thống tư tưởng với các học thuyết về "vật tự nó", về hệ thống các phạm trù logic, hệ thống các phạm trù đạo đức học, về vai trò và vị trí của nhân học, và về bản thân các phạm trù mà chính I. Kant đã xây dựng nên, v.v... triết học I. Kant còn độc đáo ngay cả ở cách đặt vấn đề, cách thức trình bày, và thậm chí cả ở tên gọi các tác phẩm của ông... Sự độc đáo của triết học I. Kant trên thực tế đã từng khiến cho việc xếp loại, đánh giá những tư tưởng của ông trở nên đặc biệt khó khăn.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn nhắc đến một đánh giá mới nhất về I. Kant - đánh giá của Stephen W. Hawking, nhà vật lý học nổi tiếng đương đại. S. Hawking cho rằng I. Kant là người đứng ở đỉnh cao nhất trong số các nhà triết học vĩ đại của nhân loại - những người coi "toàn bộ kiến thức của loài người trong đó có khoa học tự nhiên là thuộc lĩnh vực của họ". S. Hawking phàn nàn: "thế kỷ XIX và XX, khoa học trở nên quá kỹ thuật và quá toán học đối với các nhà triết học nói riêng và nói chung là đối với nhiều người trừ một số ít chuyên gia rất sâu". Điều đó đã làm cho các nhà triết học giới hạn các câu hỏi của mình lại đến mức triết học chỉ còn là "phân tích ngôn ngữ". Và, S. Hawking nhận xét: "thật là một thoái trào lớn khỏi truyền thống lớn lao của triết học từ Aristote đến I. Kant".
Chúng tôi không hoàn toàn tán thành nhận xét của S. Hawking. Song, những đánh giá của ông về I. Kant thì lại rất đáng phải suy nghĩ.
1) Xem: V..E. Đaviđôvich (2002). Dưới lăng kính triết học. Nxb CTQG. Hà Nội. tr. 308.
2) Xem: М. Бубер (1995). Два образа веры. Москва. стр. 195. [M. Buber (1878-1965) nhà triết học tôn giáo nổi tiếng châu Âu, nhà tư tưởng của các dân tộc Arâp. Xem: M. Buber (1995) Hai mô hình của niềm tin. Mátxcơva. tr. 159].
3) Иммануил Кант (1964). Сочинение в шести томах, т. 3, Москва. стр. 87. [I. Kant (1964). Tác phẩm gồm 6 tập, t.3. Matxcơva. tr.87].
4) Xem: Т.И. Ойзерман (1982). Проблемы историко-философской науки. Издание второе. Мысль. Москва. [T.I. Oizerman (1982). Những vấn đề của khoa học lịch sử triết học. Xuất bản lần thứ hai. Nxb, Tư tưởng. Mátxcơva].// П.С. Гуревич (2001). Философская Антропология. Изд. Nota bene. Москва. (Гл. IV. Кант: Человек… есть последная цель. стр. 84-91). [P.S. Gurevich (2001). Nhân học triết học. Nxb. Nota bene. Mátxcơva. chương IV. Kant: Con người… là mục đích cuối cùng. tr. 94-91].// Xem thêm về I. Kant tại Website Encyclopedia of Philosophy (http://www.iep.utm.edu).
5) Xem: А.ГСпиркин (2001). Философия. (Гл. VI: И. Кант. стр. 135-144). Изд. Гардарики. Москва. [A.G. Xpirkin (2001). Triết học. Chương VI: I. Kant. tr. 135-144. Nxb. Cận vệ. M.].
6) I.Kant (1964). Sđd, t.3. tr.117.
7) I. Kant (1964). Sđd., t.3. tr.117
8) Xem: Современный Философский словарь (1998). Nxb. Панприн. Moscow, Minsk, London, Franfurt/ Main, Paris, Luckcemburg, tr. 68. [Từ điển triết học hiện đại (1998). Nxb. Panprin xuất bản đồng thời ở 8 nước châu Âu. tr. 68].
9) Xem: V.I.Lênin (1980). Toàn tập, t.18. Nxb Tiến Bộ, Matxcơva, tr. 247 - 248.
10) V.E. Đaviđôvich (2002). Sđd. tr. 336.
11) П.С. Гуревич (1999). (1999). Sđd. tr. 84 (người trích nhấn mạnh).
12) Xem: Trần Văn Đoàn (2004). Tổng quan về thông diễn học. T/c Nghiên cứu con người số 3.// Trần Văn Toàn (2004). Mấy nguyên tắc khoa học về con người. T/C Nghiên cứu con người số 1.
13) И. Кант (1987), Собр. Соч. в 8 томах. Под. об. ред. А.В. Гулыги. Москва. стр. 138. [I. Kant (1987). Tuyển tập gồm 8 tập. A.V. Gunlygi chủ biên. Mátxcơva. tr. 138].
14) И. Кант (1994). Соч. т. 8. Москва. стр.280. [ I. Kant. Toàn tập. t.8. Mátxcơva. tr. 280].
15) Xem: T.I. Oizerman (1982). Sđd.
16) Stephen W. Hawking (2000). Lược sử thời gian. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. tr. 214-215.
Tài liệu
1. Иммануил Кант (1964). Сочинение в шести томах, т. 3, Москва. [I. Kant (1964). Tác phẩm gồm 6 tập, t.3. Matxcơva].
2. Иммануил Кант (1987), Собр. Соч. в 8 томах. Под. об. ред. А.В. Гулыги. Москва. [I. Kant (1987). Tuyển tập gồm 8 tập. A.V. Gunlygi chủ biên. Mátxcơva].
3. Иммануил Кант (1994). Соч. т. 8. Москва. [I. Kant. Toàn tập. t.8. Mátxcơva].
4. Immanuel Kant. Encyclopedia of Philosophy (http://www.iep.utm.edu).
5. М. Бубер (1995). Два образа веры. Москва. [M. Buber (1995) Hai mô hình của niềm tin. Mátxcơva].
6. П.С. Гуревич (2001). Философская Антропология. Изд. Nota bene. Москва. [P.S. Gurevich (2001). Nhân học triết học. Nxb. Nota bene. Mátxcơva].
7. Т.И. Ойзерман (1982). Проблемы историко-философской науки. Изд. второе. Мысль. Москва. [T.I. Oizerman (1982). Những vấn đề của khoa học lịch sử triết học. Xuất bản lần thứ hai. Nxb. Tư tưởng. Mátxcơva].
8. Современный Философский словарь (1998). Nxb. Панприн. Moscow, Minsk, London, Franfurt/ Main, Paris, Luckcemburg. [Từ điển triết học hiện đại (1998). Nxb. Panprin xuất bản đồng thời ở 8 nước châu Âu].
9. А.Г. Спиркин (2001). Философия. (Гл. VI: И. Кант). Изд. Гардарики. Москва. [A.G. Xpirkin (2001). Triết học. Chương VI: I. Kant. Nxb. Cận vệ. Mátxcơva].
10. V.E. Đaviđôvich (2002). Dưới lăng kính triết học. Nxb CTQG. Hà Nội.
11. Trần Văn Đoàn (2004). Tổng quan về thông diễn học. T/c Nghiên cứu con người số 3.
12. Stephen W. Hawking (2000). Lược sử thời gian. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
13. V.I. Lênin (1980). Toàn tập, t.18. Nxb Tiến Bộ, Matxcơva.
14. Trần Văn Toàn (2004). Mấy nguyên tắc khoa học về con người. T/C Nghiên cứu con người số 1.
Đánh giá bài viết?