Tư tưởng triết học tự nhiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Cách đây 511 năm, xã Lý học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, nơi được gọi là "địa linh nhân kiệt" đã sinh ra cho đất nước ta một nhà lý học nổi tiếng, một nhà tiên tri giỏi, một nhà thơ lớn với những đóng góp qúy báu cho nền thi ca Việt Nam thời kỳ trung thế kỷ đó là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585).
Trong di sản của ông còn sót lại đến ngày nay, chúng ta mới chỉ mới từng bước khám phá từng phần những tư tưởng uyên thâm xen kẽ giữa những vần thơ tức sự, cảm hứng, những bài vịnh và văn bia. Những quan điểm triết học trong tư tưởng của ông đang ngày càng đòi hỏi phải vận dụng những phương pháp khoa học để minh chứng cho một điều là, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đặt và giải quyết một số vấn đề triết học không kém phần bác học so với các bậc hiền triết trên thế giới cùng thời, tức là những vấn đề quan trọng của khoa học lịch sử triết học.
Xuất phát từ ý tưởng đó, chúng tôi nếu nghiên cứu tư tưởng của Nguyễn Khiêm mà chỉ dừng lại ở việc hệ thống các quan điểm triết học trên hai phương diện cơ bản là "đạo Trời” và "đạo Người” thì đã vô tình bỏ qua những đóng góp quan trọng của ông cho tư tưởng Việt Nam. Bởi vì, xét về toàn thể, hai phạm trù triết học đó không thể hiện một cách đầy đủ toàn bộ tư tưởng triết học của ông. Riêng khái niệm "đạo Trời" đã làm chúng ta liên tưởng ông là một nhà nho "thuần tuý" với những tư tưởng chính trị - đạo đức kết hợp với tư tưởng "mệnh trời" và "lý số” của Khổng giáo. Nếu mạnh dạn xem xét rộng hơn, sâu thêm "đạo Trời" trong tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm - một hiền sĩ không chỉ chịu ảnh hưởng của tam giáo (Nho, Phật và Lão), mà còn cả ý thức bản địa, chúng ta thấy nảy ra một số vấn đề: bản thể luận trong thế giới quan của ông có nhiều điểm khác với học thuyết của các bậc tiên nho, việc vận dụng thành quả nhận thức thế giới vi mô và thế giới vĩ mô vào nhận thức các quan hệ xã hội, một đặc điểm của trào lưu triết học tự nhiên đã được ông thực hiên một cách nhuần nhuyễn. Đó là những vấn đề đang thu hút sư quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến tư tưởng triết học tự nhiên của ông.