Triết gia Socrates
Socrates (469 tr.C.N. – 399 tr.C.N.)
Triết gia Hi Lạp. Người thành Athens.
Socrates được xem là người khai mở thời kỳ thứ hai của triết học Hi Lạp và bắt đầu triết học Tây phương từ gần 25 thế kỷ nay. Có người so sánh ông với Khổng Tử, vị vạn thế sư biểu Á Đông.
Nổi tiếng vì quan điểm nhìn triết học như cuộc tìm kiếm thích đáng và thiết yếu cho mọi người có trí tuệ, ông là gương mẫu vĩ đại và có tính lịch sử của một người sống theo niềm tin, sứ mệnh và nguyên tắc của mình cho dẫu phải trả giá bằng mạng sống, vì cái chết lúc ấy chỉ như một cam kết bảo đảm cho chân lý của lời mình phát biểu.
Những gì hậu thế biết về con người và lời giảng của Socrates đều gián tiếp qua các đối thoại, khi rõ nét khi thấp thoáng, của Platon và cuốn Memorabilia của Xenophon; cả hai đều là môn đệ ông. Bất chấp những thông giải không giống nhau về lời giảng của sư phụ, tường trình của hai tác giả ấy bổ sung nhau trên một qui mô lớn, biến con người và niềm tin của Socrates trở thành bất tử.
Socrates là con của Sophroniscus, một người tạc tượng. Người ta nói rằng những năm mới vào đời, ông theo nghề mỹ thuật của phụ thân. Tới tuổi trung niên, ông kết hôn với Xanthippa, người theo truyền thuyết là một phụ nữ đanh đá dù những chuyện kể về bà ít có cơ sở thực tế xác minh — Will Durant cho rằng bà là người yêu Socrates và rất đau buồn trước cái chết của người bạn tinh thần.
Cũng không thể biết chắc các vị thầy dạy triết cho Socrates là ai, nhưng dường như ông đã làm quen với các học thuyết của Parmenides, Heraclitus, Anaxagoras cùng những người theo thuyết nguyên tử; họ ở trong những vị được hậu thế xếp vào hàng ngũ ‘các triết gia tiền Socrates’.
Trước năm 40 tuổi, Socrates nổi tiếng về năng lực trí tuệ. Theo tường trình của Plato về lời biện minh của Socrates trong phiên tòa xử ông, lời sấm ở đền Delphi tuyên bố Socrates là người thông thái nhất Hi Lạp. Trong diễn từ đó, Socrates quả quyết rằng lời sấm nói ông sáng suốt có lẽ là vì ông nhận ra rằng mình chẳng biết gì cả trong khi những người tự xưng thông thái không nhận ra sự ngu dốt của họ.
Socrates bắt đầu tin rằng thiên hướng của ông là tìm kiếm minh triết và đức hạnh chân chính để qua đó ông có thể hướng dẫn người dân thành quốc Athens cải thiện đạo đức và trí tuệ. Vì thế, hoàn toàn bỏ sang một bên sinh kế cùng những công việc riêng tư, ông dành trọn thì giờ thảo luận về đức hạnh, công bình, lòng mộ đạo ở bất cứ nơi nào đồng bào ông hằng ngày tụ họp. Ông thường qui tụ quanh mình một nhóm thanh niên và truyền cho họ tình yêu tra vấn, dẫn tới tri thức và công chính.
Một số người cảm thấy Socrates cũng lơ là nghĩa vụ công cộng vì ông không bao giờ tìm cách tham chính dù nổi tiếng can trường trong các chiến dịch thời ông đi nghĩa vụ quân sự. Trong công tác tự mình đề ra cho mình như một người châm biếm những kẻ nổi tiếng về chính trị và trí thức của thành Athens, Socrates tạo nên nhiều kẻ thù, Aristophane nhại diễu Socrates trong vở kịch The Clouds (Các đám mây) của mình, và qui cho ông một số khuyết điểm của các biện sĩ, là những người giỏi ngụy luận, nhận thù lao để dạy khoa hùng biện. Dù Socrates thường trêu tức các biện sĩ, nhưng những người kết án ông dường như duy trì một quan điểm chung với Aristophane.
Năm 399 tr.C.N., Socrates bị đem ra tòa án Athens xử vì bị cáo giác tội làm hư hoại thanh niên, đặc biệt là những môn đệ hằng ngày ở bên ông, và tội bất kính thần linh thành Athens cùng giới thiệu các thần linh xa lạ. Phiên tòa bị vây phủ các vấn đề chính trị phức tạp nhưng dường như Socrates bị xử như một người bạn và người thầy của hai kẻ đã phản bội Athens là Critias và Aleibiades. Diễn tiến vụ xử án và cái chết của Socrates được mô tả trong cuốn Apology, Crito và Phaedo của Platon với sức mạnh đầy kịch tính. Những giờ đi vào cõi chết của ông được Plato kể lại với giọng cảm động như một bài thơ bi tráng. Bạn đọc Việt ngữ có thể tìm thấy trong cuốn Câu chuyện triết học của Trí Hải và Bửu Ðích (bản dịch từ cuốnThe Story of Philosophy của Will Durant).
Socrates đóng góp cho triết học một định hướng nhân văn cùng phương pháp mới mẻ tiếp cận tri thức, một khái niệm về linh hồn như tâm điểm của ý thức tỉnh táo bình thường lẫn đặc tính đạo đức và về ý nghĩa vũ trụ như một tinh thần ngăn nắp có chủ ý. Kỹ thuật tra vấn của ông — được gọi là phương pháp Socrates — là yêu cầu người đối thoại định nghĩa các khái niệm có ý nghĩa đạo đức, thí dụ công bình, dũng cảm, mộ đạo, v.v. để cho thấy những mâu thuẩn trong câu trả lời, qua đó phô bày sự ngu dốt của kẻ trả lời, và thúc đẩy phải tra vấn thêm nữa các khái niệm. Phương pháp đó, gọi là biện chứng pháp, cốt ở chỗ dùng hình thức vấn đáp để khảo sát những lời phát biểu, bằng cách tra xét định nghĩa, đào sâu khái niệm, truy nã nội hàm của chúng, với giả định rằng một lời phát biểu đúng không thể nào dẫn tới hệ quả sai. Phương pháp này có thể do triết gia Zeno thành Elea gợi ra từ trước, nhưng được Socrates cải tiến và áp dụng vào các vấn đề luân lý.
Socrates thường nhấn mạnh câu châm ngôn khắc trên cửa đền Delphi là ‘Người ơi, hãy tự biết mình’. Khác với những triết gia về trước, Socrates quan tâm chủ yếu các vấn đề thuộc nội tâm con người; ông xem chúng ưu tiên hơn các vấn đề thuộc thế giới vật lý. Học thuyết của Socrates đưa ông tới niềm tin rằng mọi đức hạnh đều qui về một mối, đó là cái thiện, hoặc sự tự am hiểu bản ngã — ‘cái tôi’ chân chính của ta — cùng những cứu cánh của nó qua quá trình diễn tiến cuộc đời mình. Rồi tới lượt tri thức tùy thuộc vào bản tính hoặc yếu tính của vạn vật đúng như chúng hiện hữu, thí dụ hình thái của vật thì thật hơn bản sao mà chúng ta có được từ kinh nghiệm cảm giác.
Khái niệm ấy dẫn tới một thế giới quan có tính cứu cánh luận, cho rằng hết thảy các hình thái đều dự phần vào và dẫn tới một hình thái cao nhất, đó là hình thái của cái thiện. Các ý tưởng ấy về sau được Plato trau chuốt tỉ mỉ thành tâm điểm cho học thuyết triết lý của mình.
Quan điểm của Socrates thường được mô tả bằng lập trường cho rằng mục đích của tri thức là đức hạnh — tri thức và đức hạnh là một — khiến con người không thể làm điều sai trái một cách chủ tâm. Vì đức hạnh đồng hóa với tri thức nên có thể giảng dạy nó. Nhưng việc giảng dạy ấy không phải là một nghề mưu sinh như các biện sĩ chuyên nghiệp và trá ngụy đem ra dạy bảo.
Tuy thế, trước khi đưa chén thuốc độc lên môi, chấp nhận cái chết như một hình thức làm chứng cho chân lý và bảo vệ quyền tự do tư tưởng, dù có thể bỏ trốn sang thành quốc khác, bản thân Socrates không đưa ra câu trả lời dứt khoát làm thế nào con người có thể học hỏi về đức hạnh.
Nguồn: Ba Mươi Triết Gia Tây Phương - Nguyễn Ước